Ngày 25 tháng Năm
Thánh BÊ-ĐA linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Bê-đa sinh năm 673 ở miền Bắc nước Anh. Được giáo dục trong dòng Biển Đức tại Wearmouth, trở thành đan sĩ trong nhà dòng mới lập ở Jarrow.
Ngài viết: “Từ khi tôi vào dòng, tôi đã sử dụng mọi thời giờ để học hỏi Kinh Thánh. Trong thời gian rỗi rãi giữa những thực tập trong dòng và trách nhiệm kinh nguyện theo Kinh Sĩ, tôi có thói quen thích thú là luôn luôn học hỏi, dạy dỗ và viết lách…
Ngài viết bằng La ngữ hay tiếng Anh về mọi vấn đề khoa học trong thời đại ngài, đặc biệt là lịch sử giáo hội nước Anh. Ngài qua đời ngày 26.05.735 tại đan viện Jarrow. Năm 1900 ngài được nâng lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
TRÍCH THƯ CỦA QUÝT-BE VỀ GIỜ CHẾT CỦA THÀNH BÊ-ĐA
“Bê-đa bảo: “Con nói đúng, mọi sự đã xong. Vậy hãy nâng đầu Thầy dậy, vì Thầy muốn ngồi nhìn thẳng vào nhà nguyện Đấng Thánh của Thầy, nơi Thầy, vẫn cầu nguyện, để Thầy có thể ngồi mà cầu khẩn Cha Thầy”.
Và thế là, đang khi ngồi trên nền nhà phòng mình, và hát câu: Sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đến chữ Chúa Thánh Thần, ngài đã thở hơi cuối cùng ra khỏi xác. Và chắc chắn phải tin rằng, vì khi ở trần gian ngài đã sốt sắng chịu khó để ngợi khen Chúa, thì ngài đã được lên hưởng hạnh phúc trên trời”.
(PVGK trang 177-178)
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, Cha đã dùng một học giả uyên thâm là thánh Bê-đa linh mục làm cho Hội Thánh thêm vinh quang rực rỡ. Nhờ sự khôn ngoan và công nghiệp của thánh nhân, xin cho chúng con là tôi tớ Cha được luôn soi sáng và giúp đỡ. Chúng con cầu xin, nhờ đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
THÁNH GHÊ-GÔ-RI-Ô giáo hoàng
Tên thánh rửa tội của ngài là HILDEBRAND. Xuất thân từ Toscana, đến học ở Rôma và trở thành thư ký của giáo sư cũ của mình là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VI.
Sau khi Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô VI qua đời, ngài trở thành tu sĩ dòng Biển Đức tại CLUNY. Nhưng năm 1049, Đức Giáo Hoàng Lê-ô IX lại đem ngài về Rôma, nơi đó ảnh hưởng của ngài càng ngày càng lớn. Năm 1073 ngài được bầu làm giáo hoàng, lấy tên là Ghê-gô-ri-ô VII. Ngài phấn đấu để canh tân Hội Thánh và quyền giáo hoàng. Vì thế ngài gặp nhiều chống đối mạnh mẽ.
Năm 1076, ngài dứt phép thông công hoàng đế nước Đức là Heinrich IV là người không muốn từ bỏ đặc quyền bổ nhiệm các giám mục và các chức vụ khác trong Giáo Hội. Năm 1077 hoàng đế, vì bị các chư hầu bỏ rơi, phải đi hành hương đến Canossa để đền tội. Ông được xóa giải, nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt.
Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô kết án hoàng đế lần thứ hai; ông này kéo quân đến và chiếm thành Rôma năm 1084.
Đức Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô chết lúc bị lưu đày ở Salermô năm 1085. Tư tưởng canh tân của ngài vẫn tiếp tục trong Hội Thánh.
TRÍCH THƯ THÁNH GHÊ-GÔ-RI-Ô, giáo hoàng
“Do ý Chúa nhiệm mầu, Hội Thánh mẹ chúng ta đã đặt chúng tôi lên ngôi tông tòa, mặc dầu chúng tôi bất xứng và chẳng muốn tí nào: có Chúa làm chứng điều đó. Chúng tôi đã hết sức làm việc để đưa Hội Thánh là bạn trăm năm của Chúa, là nữ Chúa, và là hiền mẫu của chúng ta, trở về với vẻ đẹp của mình mà tỏ ra thật tự do, trong sạch và công giáo. Nhưng điều đó hoàn toàn nghịch với kẻ thù xưa, nên nó đã võ trang tay chân của nó chống lại chúng tôi để cản trở mọi công việc của chúng tôi.
Những gì mà từ thời đại hoàng đế Con-tan-ti-nô đến nay nó không làm được, thì bây giờ nó tung ra chống lại chúng tôi, nói đúng hơn là chống lại Tòa Thánh. Và cũng không có chi lạ, vì càng gần thời phán xét, thì nó càng ráo riết phá phách đạo.
Nhưng anh em rất thân mến, giờ đây xin anh em hãy chú ý nghe tôi nói. Trên khắp thế giới, bất cứ ai mang danh Kitô hữu và biết đức tin chân thật, đều biết và tin rằng, thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng là cha của mọi Kitô hữu và là vị chủ chăn thứ nhất của họ sau Đức Kitô; còn Hội Thánh Rôma là mẹ và là thầy của một Hội Thánh”
(CGKPV trang 179-180)
CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Cha đã làm cho thánh Ghê-gô-ri-ô giáo hoàng được lừng danh vì tinh thần dũng cảm và lòng nhiệt thành bênh vực công lý. Xin cho Hội Thánh cũng được những đức tính như người, hầu mạnh mẽ loại trừ điều dữ và tự do thực thi điều lành trong tinh thần bác ái. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.