Trang Chủ > Truyền Giáo > Văn Kiện

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC BENEDICTÔ XVI

19.10.2008

Sáng ngày 12-7-2008, Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã cho công bố sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, ngày 19-10, với đề tài là “Được mời gọi làm đầy tớ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô vào đầu thiên niên kỷ mới”, trong đó Đức Thánh Cha tái xác định rằng truyền giáo là bổn phận cấp bách của mọi thành phần Dân Chúa. Dưới đây là bản dịch từ nguyên văn Ý ngữ trong website của Toà Thánh.

“Các đầy tớ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô”

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Chúa Nhật Thế giới Truyền giáo, tôi mời anh chị em suy nghĩ về sự cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng ở thời đại chúng ta. Mệnh lệnh truyền giáo vẫn tiếp tục là một ưu tiên tuyệt đối cho tất cả những ai đã được rửa tội, được mời gọi để trở thành “những đầy tớ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô” ở đầu thiên niên kỷ này. Vị tiền nhiệm khả kính của tôi, đấng tôi tớ Thiên Chúa Phaolô VI đã nói trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi rằng “truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi riêng, và căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (số 14). Như một mẫu gương của quyết tâm trong việc tông đồ này, tôi muốn đặc biệt nói đến Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại, bởi vì năm nay chúng ta dành một năm đặc biệt để mừng kỷ niệm [sinh nhật] Ngài.  Đó là Năm Thánh Phaolô, ngõ hầu chúng ta có dịp làm quen với vị Tông Đồ xuất sắc này, là đấng được ơn gọi rao giảng Tin Mừng cho Dân ngoại, như Chúa đã công bố: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đi thật xa, đến với các Dân Ngoại” (Cv 22,21).  Làm sao mà chúng ta không nắm lấy cơ hội năm thánh đặc biệt này dành cho các Giáo Hội địa phương, các cộng đồng Kitô hữu và từng cá nhân mỗi tín hữu, để làm lan tràn đến tận cùng trái đất việc rao giảng Tin Mừng, rao truyền quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ tất cả những ai tin (x. Rm 1,6)?  

1. Nhân loại cần được giải phóng

  Nhân loại cần được giải phóng và cứu độ. Thánh Phaolô nói rằng chính các tạo vật đang đau khổ và hy vọng được tham gia vào sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,19-22). Những lời này vẫn còn đúng cho cả thế giới hôm nay. Các tạo vật đang đau khổ. Nhân loại đang quằn quại và mong chờ sự tự do thật, mong đợi một thế giới khác, một thế giới tốt đẹp hơn; mong chờ “ơn cứu độ”. Và người ta biết một cách căn bản rằng thế giới mới được mong đợi chắc chắn một người mới, chắc chắn “con cái Thiên Chúa”. Hãy nhìn kỹ hơn tình trạng thế giới hôm nay. Trên bình diện quốc tế, nếu một đàng có những triển vọng phát triển về kinh tế và xã hội, thì đàng khác lại có những lo lắng nặng nề về chính tương lai. Trong nhiều trường hợp, bạo lực đánh dấu những liên hệ giữa các cá nhân và giữa các dân tộc; sự nghèo đói đang đè nặng trên hàng triệu người; sự kỳ thị và đôi khi cả ngược đãi vì lý do màu da, văn hoá và tôn giáo đang làm cho nhiều người phải bỏ quê hương để đi chỗ khác tìm nơi trú ẩn và che chở; những tiến bộ về kỹ thuật, khi không nhắm vào phẩm giá và sự tốt lành của con người, hoặc nhắm vào sự phát triển dựa trên tình đoàn kết, thì nó sẽ mất đi khả năng như là một yếu tố hy vọng, và ngược lại có thể làm cho những sự thiếu quân bình và bất công đang sẵn có thêm trầm trọng. Hơn nữa, còn có những đe doạ liên tục trong mối quan hệ giữa con người và môi sinh do việc sử dụng tài nguyên cách bừa bãi, với hậu quả không tốt đối với sự lành mạnh về thể chất cũng như tinh thần của con người. Như thế, tương lai của nhân loại cũng bị lâm nguy bởi những âm mưu xâm phạm đến sự sống của mình, dưới nhiều hình thái và phương thức khác nhau.  

Trước cảnh “cảm thấy bị dằn vặt bởi nỗi ưu tư, bị giằng co giữa hy vọng và lo âu” (Gaudium et Spes, 4), chúng ta tự hỏi: Nhân loại và vạn vật sẽ ra sao? Có một hy vọng nào cho tương lai, hay đúng hơn, có một tương lai nào cho nhân loại không? Và tương lai ấy sẽ như thế nào? Câu trả lời cho những thắc mắc này của chúng ta - là những tín hữu - phải đến từ Tin Mừng.  Đức Kitô chính là tương lai của chúng ta, như tôi đã viết trong Thông điệp Spe Salvi, Tin Mừng của Người là một sự truyền thông có thể “thay đổi cuộc đời”, đem lại hy vọng, mở cửa thời gian tăm tối và soi sáng tương lai của nhân loại và vũ trụ (x. số 2).

Thánh Phaolô đã hiểu rõ rằng nhân loại chỉ có thể tìm thấy ơn cứu độ và hy vọng trong Đức Kitô. Vì thế mà ngài đã cảm thấy việc truyền giáo là việc cấp bách và khẩn thiết để công bố “lời hứa sự sống trong Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 1,1), là “niềm hy vọng của chúng ta “ (1 Tm 1,1), ngõ hầu mọi người có thể đồng thừa tự và đồng tham gia vào lời hứa nhờ Tin Mừng (x. Ep 3,6). Ngài ý thức rằng không có Đức Kitô thì nhân loại “không còn hy vọng và không có Thiên Chúa trên thế gian” (Ep 2,12) - “không còn hy vọng vì không có Thiên Chúa” (Spe Salvi, 3). Thực ra, “người nào không biết Thiên Chúa, dù họ có thể đặt hy vọng vào đủ thứ, nhưng rốt cục họ không có hy vọng, không có niềm hy vọng lớn lao có thể nâng đỡ toàn thể đời sống (Ep 2,21)” (Spe Salvi, 27). 

2. Sứ vụ truyền giáo là một vấn đề bác ái

Cho nên việc rao giảng Đức Kitô và sứ điệp cứu độ của Người là nhiệm vụ khẩn cấp của tất cả mọi người. Thánh Phaolô đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Trên đường đi Đamascô, ngài đã cảm nghiệm và đã hiểu rằng ơn cứu độ và truyền giáo là việc làm của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Lòng yêu mến Đức Kitô đã đưa ngài đi khắp các nẻo đường của Đế đuốc Rôma như người tiền hô, vị tông đồ, người rao giảng và vị thầy dạy Tin Mừng, là người nhận mình là “sứ giả mang xiềng xích” (1 Cr 6,20). Tình yêu Thiên Chúa biến ngài thành “mọi sự cho mọi người, để có thể cứu được một số người bằng mọi cách” (1 Cr 9,22). Khi nhìn đến kinh nghiệm của Thánh Phaolô, chúng ta hiểu rằng hoạt động truyền giáo là một sự đáp lời Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Tình yêu của Ngài cứu độ chúng ta và đưa chúng ta đến missio ad gentes (rao giảng cho muôn dân), là một năng lực tinh thần có khả năng làm lan rộng trong gia đình nhân loại  sự hoà hợp, công lý và hiệp thông giữa con người, màu da và dân tộc, là điều mọi người đều mong muốn (x. Deus Caritas Est, 12). Cho nên, chính Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, đã dẫn đưa Giáo Hội đến những biên cương của nhân loại và mời gọi các nhà truyền giáo đến uống “ở nguồn mạch nguyên thuỷ, là Đức Giêsu Kitô, mà từ Trái Tim bị đâm thâu của Người chảy ra tình yêu Thiên Chúa (Deus Caritas Est, 7). Chỉ từ nguồn mạch này mà các sứ giả của Tin Mừng có thể múc được sự chăm sóc, dịu dàng, trắc ẩn, chấp nhận, sẵn sàng và quan tâm đến những vấn đề của con người, và những nhân đức khác cần thiết để bỏ mọi sự và hoàn toàn hiến thân cách vô điều kiện hầu rải khắp thế giới hương thơm đức ái của Đức Kitô. 

3. Luôn luôn truyền giáo

Trong khi việc truyền giáo lần đầu vẫn tiếp tục cần thiết và khẩn trương ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta ngày nay lại phải đương đầu với việc thiếu giáo sĩ và ơn gọi trong giáo phận và các dòng tu. Cần phải nhắc lại rằng, mặc dù có những khó khăn chồng chất, mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân của Đức Kitô vẫn là một ưu tiên. Không có lý do nào có thể biện minh cho sự chểnh mảng hay đình trệ, bởi vì “mệnh lệnh truyền giáo cho muôn dân tạo thành đời sống và sứ vụ căn bản của Giáo Hội” (ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 14). Đó là một việc truyền giáo vẫn còn ở giai đoạn bắt đầu và chúng ta phải đem hết tâm lực để phục vụ nó (Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 1). Làm sao ở đây chúng ta không nghĩ đến người Macêđônia, là người đã hiện ra trong giấc mơ của Thánh Phaolô và nói lớn tiếng: “Xin hãy qua Macêđônia mà giúp đỡ chúng tôi?” Ngày nay, cũng có không biết bao người đang chờ chúng ta loan báo Tin Mừng, đó là những người đang khát khao niềm hy vọng và tình thương. Có bao nhiêu người tự vấn tận thâm tâm về yêu cầu giúp đỡ này, là nhu cầu phát sinh từ nhân loại, và từ bỏ tất cả vì Đức Kitô để truyền lại cho người ta đức tin và tình yêu đối với Người! (x. Spe Salvi, 8).

4. Khốn cho tôi nếu tôi không truyền giáo (1 Cr 9,16)

Anh chị em thân mến, “duc in altum!” – Hãy ra khơi của biển rộng thế gian và theo lời mời gọi của Đức Kitô, hãy thả lưới mà không sợ hãi, vững tin vào sự trợ giúp luôn luôn của Người. Thánh Phaolô nhắc nhở cho chúng ta rằng việc rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào (x. 1 Cr 9,16), nhưng là một nhiệm vụ và một niềm vui. Các hiền huynh giám mục thân mến, theo gương Thánh Phaolô, mọi người đều cảm thấy giống như “một tù nhân của Đức Kitô cho Dân ngoại” (Ep 3,1), biết rằng quý huynh có thể cậy trông vào sức mạnh đến với chúng ta từ Người trong những lúc khó khăn và thử thách. Một giám mục được thánh hiến không phải chỉ cho giáo phận của mình, nhưng cho phần rỗi của cả thế giới (x. Redemptoris Missio, 63). Như Thánh Tông đồ Phaolô, một giám mục được mời gọi để vươn đến những người ở thật xa và chưa biết Đức Kitô hoặc chưa cảm nghiệm được tình yêu giải phóng của Người. Quyết tâm của một giám mục là làm cho toàn thể cộng đồng giáo phận thành truyền giáo bằng cách tình nguyện đóng góp, tuỳ theo khả năng, gửi các linh muc và giáo dân đến những Giáo Hội [địa phương] khác để phục vụ việc truyền giáo. Bằng cách này, việc rao giảng cho muôn dân (missio ad gentes) trở thành nguyên tắc hợp nhất và hội tụ của toàn thể hoạt động mục vụ và bác ái.

  Phần các con, các linh mục thân yêu, là những cộng tác viên hàng đầu của các giám mục, các con hãy trở nên những mục tử quảng đại và các nhà truyền giáo nhiệt thành! Nhiều người trong các con trong những thập niên qua đã đến những nơi truyền giáo theo Thông điệp Fidei Donum mà gần đây chúng ta vừa mừng kỷ niệm 50 năm, và với Thông điệp này, vị tiền nhiệm đáng kính của cha là đấng tôi tớ Thiên Chúa Piô XII đã tạo ra một thúc đẩy trong việc cộng tác giữa các Giáo Hội địa phương. Cha tin chắc rằng sẽ không thiếu sự thôi thúc về truyền giáo này trong Giáo Hội địa phương, dù nhiều nơi đang thiếu các giáo sĩ.  

Cả chúng con nữa, các tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của chúng con được đánh dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ, đem việc rao giảng Tin Mừng đến cho mọi người, nhất là những người ở thật xa, qua việc liên tục làm chứng cho Đức Kitô và sống theo Tin Mừng của Người cách triệt để. Các tín hữu giáo dân thân thương, các con là những người hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau của xã hội, được mời gọi để tham gia một cách mỗi ngày một thêm quan trọng trong việc truyền bá Tin Mừng. Như thế, một đồi areopagô (x. Cv 17,19-34) phức tạp và đa dạng được mở ra để các con truyền giáo: đó là thế giới. Hãy làm chứng bằng đời sống rằng các Kitô hữu “thuộc về một xã hội mới, một xã hội là cùng đích của cuộc hành hương chung của họ và được biết trước trên con đường hành hương ấy” (Spe Salvi, 4). 

5. Kết luận

Anh chị em thân mến, chớ gì việc mừng Ngày Thế giới Truyền giáo khuyến khích mọi người có một ý thức mới về nhu cầu cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Tôi không quên chân thành ghi ơn sự đóng góp của Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Tôi xin cám ơn họ vì sự giúp đỡ mà họ dành cho tất cả các cộng đồng, nhất là những cộng đồng trẻ. Họ là những công cụ vững chắc để đem lại sinh khí và đào luyện Dân Thiên Chúa theo nhãn quan truyền giáo. Họ nuôi dưỡng sự hiệp thông về nhân sự và tài lực giữa những chi thể khác nhau của Nhiệm Thể Đức Kitô. Nguyện xin cho những quyên góp trong tất cả các giáo xứ trong Ngày Thế giới Truyền giáo trở thành một dấu chỉ hiệp thông và lo lắng cho nhau giữa các Giáo Hội. Sau cùng, xin cho những lời cầu nguyện, là phương tiện tinh thần thiết yếu cho việc truyền bá giữa tất cả mọi người ánh sáng của Đức Kitô, “ánh sáng tuyệt vời” chiếu soi “tăm tối của lịch sử” (Spe Salvi, 49), được thêm sốt sắng hơn bao giờ hết trong cộng đồng Kitô giáo. Trong khi phó thác cho Chúa việc tông đồ của các nhà truyền giáo, các Giáo Hội [địa phương] khắp nơi trên thế giới và các tín hữu tham gia và những hoạt động truyền giáo khác nhau cùng cầu xin Thánh Phaolô và Đức Thánh Maria - “Hòm Bia Giao Ước sống động”, Ngôi Sao của truyền giáo và hy vọng - cầu bầu, tôi ban Phép lành Toà Thánh cho mọi người.

  Làm tại Vatican ngày 11-5-2008.  

+ ĐTC Beneđictô XVI

 Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

 

 


Các bài viết mới hơn
     Sứ điệp Mùa Chay 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2022
     SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2021
     Các tài liệu liên quan đến Tông Thư Maximum Illud
     TÌM HIỂU VẾ SẮC LỆNH TRUYỀN GIÁO
     HIỂU và SỐNG "TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG"
     TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI TIN MỪNG
     Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2015
     VĂN KIỆN: TÔNG HUẤN, TÔNG THƯ, TỰ SẮC, THÔNG ĐIỆP
     Toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Các bài viết cũ hơn