BƯỚC CÙNG GIÊSU
Suy niệm chặng đàng thánh giá
LỜI ĐẦU
Bạn thân mến,
Người viết mạo muội chia sẻ với bạn ơn Chúa ban khi suy niệm chặng đàng thánh giá, dựa theo bản Bản Suy Niệm chặng đàng thánh giá do ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, biên soạn theo sự chỉ định của Đức Gioan Phaolô II cho việc ngắm chặng Đàng Thánh Giá tại Cổ Trường Colosseum vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005 . Bản dịch của Lm Gioan Trần Công Nghị được đưa lên trang VietCatholic News hôm Thứ Sáu 08/02/2008, lúc 05:53.
Chủ đề BƯỚC CÙNG GIÊSU của bản suy niệm này được gợi ý từ một bạn trẻ rất tha thiết với Chúa Giêsu và Giáo hội. Chính em đã động viên người viết tiến hành việc suy niệm này, trước là dành cho chính bản thân, sau dành cho em và các bạn của em, trong một dịp tĩnh tâm mùa chay của các sinh viên công giáo.
Chúng tôi đã làm thế nào với bản suy niệm này? – Mỗi người sẽ rút ngẫu nhiên một tờ giấy A5 có in sẵn một chặng trong 14 chặng đàng, suy niệm trong 45 phút rồi chia sẻ cho nhau theo thứ tự từng chặng. Điều đó có nghĩa là tâm tình của mỗi người trong mỗi chặng sẽ là tâm tình của nhóm; hành trình của mỗi người sẽ được kết thành một chặng đàng thánh giá của nhóm. Cuối cùng, sẽ là giờ cầu nguyện chung của cả nhóm. Và vì hôm ấy là ngày tĩnh tâm, nên nhóm còn cử hành Giờ Thương Xót vào đúng 3 giờ chiều.
Bạn không tĩnh tâm, không có một nhóm để cùng đồng hành ? Bạn có thể dùng chặng đàng thánh giá này cho mỗi ngày, tức là mỗi ngày bạn suy niệm một chặng.
Vì là kết quả của việc suy niệm, nên bạn chỉ xem đây là phương tiện hỗ trợ, bạn không nhất thiết phải theo mọi điều được viết ra. Hãy mở lòng cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Người sẽ chỉ cho bạn biết phải làm gì.
Chúc bạn có được mùa chay thánh thiện, vui tươi, thân tình với Chúa và gần gũi với anh chị em.
Trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh vì tất cả chúng ta.
Nt. Anna Teresa Thiên Hoàng – ĐMTT
Chặng thứ Nhất- Chúa Giêsu bị lên án chết
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27, 22-23. 26)
Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây? ” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác? ” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá! ” Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Gợi ý suy niệm
Chúa Giêsu đang đứng đó,
bị hạ nhục và không tự bào chữa một lời
trước một quan tòa nhu nhược và đám đông quá khích.
Philatô thì đã để cho địa vị và quyền lợi làm lóa mắt,
khiến ông không còn khả năng bảo vệ sự thật.
Công lý đang bị chà đạp.
Tiếng nói lương tâm bị lấn át.
Ma quỷ cười khoái trá...
Lịch sử loài người
từ khai thiên lập địa đến nay,
đâu đâu cũng có những người vô tội
bị ngược đãi, lên án và bị giết ;
bởi không bao giờ thiếu
những người điên cuồng trước đồng tiền,
quyền lực và dục vọng.
Tự vấn
Bạn đã từng bị kết án bất công ?
hoặc đã từng kết án ai đó chưa công bằng ?
Hãy sống lại biến cố ấy,
hãy chú ý thái độ của bạn lúc này :
Chúa Giêsu bị kết án chết hôm nay
có cho bạn chút ánh sáng nào không ?
Bạn đã từng nghe theo tiếng lương tâm ?
hay đã từng gạt Tiếng ấy qua một bên ?
Hãy xin Chúa giúp bạn nhớ rõ xem
lúc lương tâm lên tiếng,
bạn đã có thái độ gì ?
đã hành động như thế nào ?
kết quả của hành động ấy là gì ?
bạn nghĩ gì về kết quả ấy ?
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, lâu hơn
và mở lòng để Người có thể tâm sự với bạn
về nỗi lòng của Người lúc này.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Hai- Chúa Giêsu vác Thánh Giá
Trích Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 27, 27-31).
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! ” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.
Gợi ý suy niệm
Chúa Giêsu bị biến thành một anh hề
trong tình thế trớ trêu.
Trang tin mừng lưu lại những hành động
mà chỉ cần đọc lên thôi,
ta đã thấy xót xa,
đã thấy lờm lợm nơi cổ họng ;
vậy mà Đức Giêsu đã hứng chịu tất cả:
Người không né tránh, không thù hận,
cam chịu như một tù nhân.
Hoàng tử Bình An,
Vua Hòa Bình của thế giới
đang chịu đau khổ
cùng với biết bao phụ nữ, trẻ em
và người nghèo trên thế giới –
vốn là nạn nhân của bạo lực, dục vọng
và sự suy đồi lương tâm con người.
Tự vấn
Bạn đã từng bị làm nhục ?
hoặc đã từng bắt ai đó làm trò hề cho thiên hạ ?
Hãy sống lại biến cố ấy,
hãy chú ý thái độ của bạn lúc này :
Chúa Giêsu bị làm trò hề hôm nay
có cho bạn chút ánh sáng nào không ?
Bạn đã từng chấp nhận bị tấn công mà không phản kháng ?
hay đã từng xung thiên trước kẻ tấn công mình ?
Hãy xin Chúa giúp bạn nhớ rõ xem
lúc bị tấn công hoặc khi trả đũa,
bạn đã có thái độ gì ?
đã hành động như thế nào ?
Hãy so sánh với thái độ của Chúa Giêsu hôm nay ?
bạn thấy thế nào ?
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, lâu hơn
và mở lòng để Người có thể tâm sự với bạn
về nỗi lòng của Người lúc này.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Ba- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Trích sách Tiên Tri Isaia (Is 53, 4-6).
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
Gợi ý suy niệm
Sau một đêm bị đánh đòn nhừ tử,
Chúa Giêsu lại phải vác thập tự đi lên đồi.
Người ngã xuống dưới sức nặng của cây gỗ.
Người nằm đó, tơi tả, rã rợi, ...
Người đang gượng đứng lên,
đau đớn vô cùng, xót xa vô cùng,...
Và hẵn đã có những dòng nước mắt,
những cái đau thắt ruột
nơi đoàn người đi theo Chúa hôm ấy.
Thật ra Chúa ngã vì tội lỗi của con người.
Ai trong chúng ta lại chưa có kinh nghiệm gục ngã
vì thói kiêu ngạo, hà tiện,
ham mê xác thịt và chuyện ăn uống,
hay hờn giận, ganh ghét, làm biếng, ...?
Tội lội của con người đã khiến Chúa qụy xuống.
Người gục ngã để nâng chúng ta lên.
Người tìm gặp chúng ta
tại chính nơi chúng ta đã ngã xuống,
để có thể giúp chúng ta đứng dậy.
Tự vấn
Bạn đã từng quị ngã …? Và bạn biết tại sao mình ngã ?
Hoặc bạn đã từng chứng kiến anh chị em mình ngã gục ?
Dĩ nhiên cái ngã này không hiểu theo nghĩa đen, theo thể lý.
Hãy sống lại biến cố ấy để hiểu xem
chúng ta đã đứng dậy như thế nào ? nhờ đâu ?
được bao lâu thì lại đến lần ngã kế tiếp ?
Rồi hãy để cho Chúa Giêsu gục ngã hôm nay
tâm sự với bạn, may ra, bạn có thể được Người chia sẻ
“bí kíp” đứng dậy sau khi ngã ; và nhất là…bớt ngã hơn.
Và bây giờ, sau khi đã chiêm ngắm cái ngã đầu tiên của Chúa,
bạn thấy mình cần phải thay đổi gì không ?
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, lâu hơn
và mở lòng để Người có thể tâm sự với bạn
về nỗi lòng của Người lúc này.
Cầu Nguyện
…………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Bốn- Chúa Giêsu gặp Mẹ Người
Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 2, 34- 35.51).
Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
Gợi ý suy niệm
Chúa Giêsu gượng đứng dậy,
bước tiếp trên con đường còn rất dài.
Mẹ Maria tiến đến bên Người.
Hai mẹ con trùng phùng, nhưng
Mẹ và Con
chỉ kịp trao nhau ánh mắt chứa chan tình,
đầy ắp tin tưởng và dạt dào cảm thông.
Con – như được thêm sức mạnh
để đi tiếp con đường cứu độ,
để uống cạn chén đắng cứu nhân sinh.
Mẹ thì se thắt cõi lòng,
vì đây là lúc,
những lời tiên báo của ngôn sứ
đang dần được thể hiện
qua hình hài tan nát của Con.
Mẹ không hãi sợ,
không đau khổ đến tuyệt vọng.
Mẹ kiên vững bước bên Con,
lòng kề lòng.
Mẹ đồng công cứu chuộc.
Tự vấn
Bạn đã từng cô độc, khốn khổ đến chết được,
và đã có một người đến bên bạn,
cảm thông, thấu hiểu,
và nói với bạn: cố lên ! ?
hoặc bạn đã từng xuất hiện với ai đó,
trong cảnh huống tương tự trên đây ?
Hãy sống lại biến cố ấy
để hiểu Chúa Giêsu và Mẹ Maria hơn
để nghe rõ hơn lời thì thầm
các Ngài sẽ dành cho riêng bạn trong lúc này.
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, lâu hơn
và mở lòng để Người có thể tâm sự với bạn
về nỗi lòng của Người lúc này.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Năm - Người Kyrênê giúp Chúa Giêsu vác Thánh Giá
Trích Phúc âm theo Thánh Maccô ( Mc 15, 21)
Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alexandre và Ruphô. Chúng liền băt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu.
Gợi ý suy niệm
Thấy Chúa Giêsu khó mà đủ sức đi lên đỉnh đồi,
quân lính bắt một người vác đỡ cho Người.
Người được “chọn” tên là Simon, gốc Kyrênê.
Ông là cha của hai người sau này là tín hữu,
cùng cộng đoàn với Mátcô: anh Alexandrô và Ruphô.
Simon đã miễn cưỡng chấp nhận vì đã bị “bắt phải làm”.
Thế nhưng điều gì đã xảy ra, khi sau này,
hai người con của ông lại là môn đệ của Đức Giêsu,
và gia đình ông được tác giả Tin Mừng thứ ba biết rõ đến thế ?
Hẳn phải có một sự biến đổi,
bên trong con người “bị” làm việc tốt này.
Có lẽ, từ miễn cưỡng đến thấu hiểu,
từ thấu hiểu đến ngưỡng mộ,
từ ngưỡng mộ đến phục tùng ;
để cuối cùng, ông đạt được đức tin
và truyền lại đức tin ấy cho hai người con của ông.
Một hành trình đẹp.
Simon đã bước cùng Giêsu,
và được Giêsu biến đổi, chiếm hữu,
được Giêsu cứu thoát.
Tự vấn
Bạn đã từng miễn cưỡng làm một điều tốt,
vì cho rằng: nếu không làm thì thật khó coi, thật vô tâm ?
hoặc đã từng được một người xa lạ cứu giúp bạn ?
Hãy sống lại biến cố ấy.
Hãy xem thái độ của bạn khi xưa và lúc này,
có gì khác lắm không ?
Rồi bây giờ, với kinh nghiệm của Simon Kyrene,
bạn có thấy rằng
cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn
là một bổn phận của kẻ làm người không ?
Mỗi khi làm được một việc nghĩa,
dù ban đầu chỉ là sự miễn cưỡng,
bạn có thấy mình cao hơn, khỏe hơn,
vui hơn, bình an hơn
và thấy đời có ý nghĩa hơn không ?
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, lâu hơn
và mở lòng để Người có thể tâm sự với bạn
về nỗi lòng của Người lúc này.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Sáu- Bà Verônica lau mặt Chúa Giêsu
Trích Thánh Vịnh 27 (Tv 27, 8-9)
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Gợi ý suy niệm
Trong Cựu Ước,
người Dothái sùng đạo nào cũng ôm ấp một nỗi niềm:
được thấy Nhan Thánh Chúa.
Nhưng trên con đường lên đồi Calvê năm xưa,
làm sao họ nhìn thấy Thánh Nhan
nơi khuôn mặt nhúa nhem vì máu và mồ hôi lẫn lộn,
vì những hơi thở hồng hộc, trợn mắt trợn mũi của Giêsu ?
Veronica đã có được diễm phúc ấy,
nhờ lòng chạnh thương,
nhờ sự can đảm của trái tim phụ nữ.
Cử chỉ yêu thương “thuần nhân loại” ấy
đã đem lại cho chị phần thưởng đời đời:
Lưu dấu Thánh Nhan Chúa
trong tâm khảm chị.
Bao lâu Lời Chúa còn được đọc lên,
bấy lâu hành động của chị được kể lại,
nó khơi lên lòng khao khát của các thế hệ Kitô hữu khắp nơi:
“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài, xin đừng ẩn mặt !”
Tự vấn
Bạn đã từng vượt qua những rào cản xã hội, luân lý,
để gần gũi với những anh chị em mang bệnh xã hội
như HIV, AIDS, giang mai, lậu, nghiện ngập, …?
Hoặc bạn đã từng được ai đó đón nhận,
kết thân và yêu thương …vô điều kiện,
bất kể bạn đang bị nhiều người xa tránh, coi thường, …?
Hãy sống lại biến cố ấy
để đồng cảm với chị Veronica
và hãy để vang vọng bên tai những lời này:
vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ;
Ta khát, các ngươi đã cho uống ;
Ta mình trần, các ngươi đã cho áo che thân ; …
Bạn thường nhận ra và đón tiếp Chúa
dưới những vẻ bề ngoài khó coi, khó gần ấy ?
Hay bạn đã để Chúa đớn đau đi qua đời bạn ?
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm hành động của chị Veronica kỹ hơn, lâu hơn
và mở lòng để Chúa Giêsu và người phụ nữ này có thể tâm sự với bạn.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Bảy- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.
Trích sách Ai Ca (Ac 3, 1-2. 9. 16)
Tôi là người đã sống cảnh lầm than
dưới làn roi giận dữ của Người.
Người dẫn tôi, bắt tôi lần bước,
trong tối tăm, không ánh sáng soi đường.
Người lấy đá hộc chận đường tôi,
xóa lối đi khiến tôi phải lạc hướng.
Răng tôi, Người bắt nhai đá sỏi,
xác tôi, Người vùi dập dưới đống tro.
Gợi ý suy niệm
Chúa Giêsu ngã lần thứ hai …
Tất cả những lời sách Ai Ca viết trên đây
đang ứng nghiệm trọn vẹn nơi Chúa Giêsu.
Chúa gục ngã vì những Kitô hữu đã bỏ Chúa
để đi vào con đường vô thần, con đường trần tục.
Họ bằng lòng với cuộc sống không có Chúa,
họ nghĩ mình dư sức để xoay sở, để kiến thiết đời mình.
Họ bằng lòng với những hệ tư tưởng khác Chúa,
họ nghĩ họ có thể tìm kiếm hạnh phúc và đời sống vĩnh cửu ở đó.
Có rất nhiều “con đường hạnh phúc” xuất hiện
dưới danh một tôn giáo ;
nhưng cũng biết bao cảnh dở khóc dở cười,
biết bao cuộc nội chiến tang thương,
biết bao cuộc thanh trừng sắc tộc tàn khốc, ... nhân danh tôn giáo.
Nghịch lý này khiến những nhà cầm quyền các nước
chán ngấy với hai từ Tôn Giáo.
Họ tìm cách loại trừ Tôn Giáo.
Thành ra, có những Kitô hữu, cách này cách khác,
cũng đã tẩy đi danh xưng Kitô hữu của mình.
Tự vấn
Bạn đã từng sống với người luôn tin cậy vào chính họ,
không cần Chúa, không cần ai khác nữa ?
hoặc đã từng bỏ Chúa, bỏ Giáo hội ra đi, vì sợ bị bách hại,
vì sợ bị mất chức việc, vì bất cứ lý do nào khác ?
Hãy để cho hình ảnh người ấy sống động trong trí bạn,
Bạn cũng đã từng cư xử như những người bất cần Chúa,
không tin vào Chúa nữa ?
hay bạn cứ dằn vặt khổ sở, cô độc, thất vọng
mà không chạy đến với Chúa ?
Hãy sống lại kinh nghiệm này,
Hãy chú ý thái độ của bạn và hãy xem
Chúa Giêsu gục ngã trên đường hôm nay
có gởi đến bạn sứ điệp nào không ?
Nếu chưa có kinh nghiệm nào trên đây,
hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, lâu hơn
rồi tự hỏi: nếu bạn có mặt khi Chúa ngã, bạn sẽ làm gì ?
và mở lòng để Người có thể tâm sự với bạn.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Tám- Chúa Giêsu yên ủi những phụ nữ khóc Người.
Trích Phúc Âm theo Thánh Luca (Lc 23, 28-31)
Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm! “Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”
Gợi ý suy niệm
Trong đám đông đi theo sau Chúa Giêsu có nhiều phụ nữ,
họ khóc thương Chúa vì những cực hình Chúa chịu.
Chúa đón nhận sự cảm thương của họ,
nhưng Người hướng họ đến một sự thật cần thiết hơn:
hậu quả của tội và ngày chung thẩm.
Khi đó, Người sẽ xuất hiện như
Vị Thẩm Phán cao cả nhất để xét xử tội phúc mỗi người
tùy vào cuộc sống đã qua của họ.
Ngày ấy mới là ngày đáng thương đáng khóc
cho những ai không hoán cải,
không tin nhận Chúa và sống theo Lời Người.
Thiên Chúa giàu lòng xót thương
cũng chính là Thiên Chúa của công lý.
Người Cha nhân hậu vô bờ
cũng chính là Vị Thẩm Phán công minh vô cùng…
Thầy là cây nho, anh em là cành.
Cành nào gắn liền với cây sẽ sinh hoa kết trái;
cành nào tách khỏi cây sẽ khô héo liền,
người ta sẽ quăng nó vào lửa mà đốt đi.
Tự vấn
“Mùa Chay nào mà chả có nước mắt !”,
câu nói truyền miệng của các tín hữu
phần nào nói lên điểm giống với phụ nữ Giêrusalem của chúng ta.
Chúng ta thấy mình tham dự lễ nghi Tuần Thánh
sốt sắng hơn là trong cái huy hoàng của lễ Giáng Sinh .
Bạn có thấy mình đã từng như vậy không ?
Hoặc bạn đã chứng kiến anh chị em mình khóc thương Chúa ?
Bạn cho rằng
buồn như thế, khóc như thế mới là sốt sắng ?
mới là bước cùng Chúa trong cuộc khổ nạn ?
Và như thế là đủ ?
Xong Tuần Thánh là đến Mùa Phục sinh hoan hỷ,
hết buồn, hết khóc, và cuộc sống lại trả về như xưa :
vẫn tội ấy, vẫn lối sống ấy, vẫn niềm tin ở mức ấy, …
không có gì biến đổi,
không có gì là sức sống mới, thần khí mới và trái tim mới cả.
Hãy kiên nhẫn dành giờ và mở cửa tâm hồn
để nghe Chúa Giêsu nói với chính bạn.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Chín- Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.
Trích sách Ai Ca (Ac 3, 27-32)
Cũng là một điều hay cho người nào
phải mang ách từ khi còn trẻ.
Khi chính Chúa bắt nó phải mang,
nó hãy cứ ngồi im lặng một mình,
cứ đặt miệng nó trong bụi đất
- may ra còn chút hy vọng nào chăng –
nó cứ đưa má cho kẻ tát,
chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ.
Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi:
có làm khổ, Người cũng xót thương,
vì Người vốn từ bi cao cả;
Gợi ý suy niệm
Lần thứ nhất, Chúa ngã vì tội lỗi của con người nói chung ;
lần thứ hai, Chúa ngã vì những Kitô hữu rời xa Chúa,
chạy theo thế trần và các ý thức hệ vô thần;
còn lần này, có thể nói Chúa ngã vì chính Giáo Hội Người.
Biết bao người trong chúng ta mang danh Kitô hữu,
nhưng lại sống như thể chẳng có Chúa chút nào trong đời mình.
Danh, Lợi, Thú trần gian cuốn hút chúng ta
với đủ mọi lẽ, mọi lý, mọi dịp, mọi tuổi, mọi nơi, mọi thời,...
Chúng ta bị ma quỉ trói cột, khiến chỉ còn cái vỏ là Kitô hữu,
còn trong ruột lại thuộc về Satan.
Biết bao nhiêu cử hành phụng vụ và bí tích đã bị xúc phạm
bởi chính tâm hồn rỗng không,
hoặc dày đặc những mưu toan trần thế của chúng ta.
Kể cả các linh mục, tu sĩ, ...
đáng lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa,
thì đã để mình thuộc về ma quỉ quá nhiều.
Tự vấn
Bạn làm Kitô hữu được bao năm ?
Bạn đã từng có những lần tham dự thánh lễ
với tâm hồn rỗng không hoặc dẫy đầy những chuyện ngoài Chúa ?
Hoặc những việc khác, tương tự,
với một sự hiện diện “hai mặt”:
bên trong không giống với bên ngoài, giả bộ, đạo mạo, nệ hình thức ?
Bạn đã từng chứng kiến các Kitô hữu khác
cũng có lối sống đạo như thế ?
Kể cả các giám mục, linh mục, tu sĩ, ... đã “phản bội” Chúa Giêu
vì lối sống và ơn gọi của họ chẳng ăn nhập với nhau ?
Hãy sống lại biến cố ấy và
xin Chúa Giêsu tỏ cho bạn biết nỗi buồn đau của Người.
Nỗi đau lớn đến nỗi Người đã, đang và sẽ ngã gục trên đường chịu nạn,
vì sự lạnh nhạt, vô tâm, vô tin của con cái Người.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Mười- Chúa Giêsu bị lột áo
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27, 33-36)
Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không uống. Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.
Gợi ý suy niệm
Con người đi vào xã hội với bộ quần áo che thân.
Vậy mà Chúa Giêsu bị tước lấy, bị phơi trần xấu hổ,
bị gạt ra ngoài xã hội.
Chúa tự chuốc lấy sự xấu hổ của Adamn ;
Chúa cũng ôm lấy những đau khổ,
những thiếu thốn của người nghèo ;
Chúa mang trong mình nỗi khắc khoải
của những bệnh nhân AIDS, những phạm nhân,
những nạn nhân của các tệ nạn xã hội,
những nô lệ của đam mê, ...
Chúa mang vào mình tất cả sự xấu hổ,
sự gớm ghiếc mà con người có thể gây cho nhau
hoặc tự gây cho mình
để chữa lành chúng ta,
để mặc cho chúng ta họ chiếc áo ân sủng và xót thương
của Cha Nhân Lành,
để dẫn chúng ta vào Giáo hội và Xã hội với một vị thế mới,
vị thế của người con đã mất mà nay lại tìm thấy,
đã chết mà nay đã sống lại.
Tự vấn
Bạn từng gặp những người bị tâm thần
không một mảnh vải trên người
đang vô tư đi ngoài đường ?
Khi ấy bạn nghĩ gì và phản ứng thế nào ?
Bạn từng tiếp xúc với những bệnh nhân AIDS,
hoặc nhìn thấy những phạm nhân bước ra khỏi phòng xử án ?
Khi ấy bạn nghĩ gì về họ ?
Bạn dành cho họ bao nhiêu phần trăm sự cảm thông và tôn trọng ?
Bạn từng mở cửa vì tiếng chuông của một người
với bộ dạng khốn khổ muốn xin bạn chút tiền về quê,
hoặc xin bạn góp phần trả hóa đơn tiền thuốc ?
Bạn đã nghĩ thế nào và đã có phản ứng gì?
Bạn nghĩ gì khi biết một người vừa bị lột mặt nạ
trong một vụ gian trá nào đó ?
Bạn phản ứng gì khi thấy một người lột quần áo của người khác?
hoặc khi thấy ai đó bị làm nhục, bị nhạo báng, chê bai ?
Hãy dừng lại ở những kỉ niệm đáng nhớ nhất
trong số những gợi ý trên đây,
hãy cố nhận ra cảm nghĩ thật của mình
và hãy đặt nó trước Chúa Giêsu bị lột trần hôm nay,
rồi hãy xin Người tâm sự với bạn.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Mười Một- Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Giá
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27, 37-42)
Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.” Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái. Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem!” Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!
Gợi ý SN
“Thân sâu bọ chứ người đâu phải,
con bị đời mắng chửi dể duôi,..”
Con Thiên Chúa toàn năng sao đau thương quá đỗi,
toàn thân bị hành hình, tan nát, rã rời.
Lời nào có thể mô tả, hình ảnh nào có thể phác họa trọn vẹn
nỗi đau thương của Con Thiên Chúa ?
Qua mọi thời, Người đều đau thương như thế
vì thói tự phụ và ích kỷ của con người ;
vì sự mù quáng không nhận ra những sự chóng qua
của vật chất, tiền tài, danh vọng ở đời.
Con người không hiểu được rằng
khi chịu thử thách và khổ tâm
là những lúc chúng ta được ở gần Chúa nhất ;
Chúa Giêsu đã không dùng quyền năng
để xuống khỏi Thập giá,
nhưng Người đón nhận cho đến cùng
những khốn khổ mà con người có thể dành cho Người.
Tự vấn
Hình ảnh Chúa Giêsu nát tan và đau đớn trên thập giá
đang rất sống động trong tâm trí bạn ?
Bạn đã từng gặp và không thể quên được
hình ảnh của một ai đó
trong cơn khốn cùng, quẫn bách và khổ đau ?
Hoặc chính bạn đã từng trải qua tình cảnh ấy ?
Hãy để cho tất cả hiện lên sống động trong tâm trí bạn,
rồi nhớ lại xem
Chúa Giêsu trên thập giá đã có thái độ và hành động nào ?
còn bạn và người kia, các bạn có thái độ nào ?
Nếu bạn và người kia cùng được đóng đinh bên tả hữu với Chúa,
bạn sẽ nghĩ gì, nói gì, làm gì lúc ấy:
cậy trông ? trách móc ? thất vọng ?
hay vui mừng vì được cùng đóng đinh với Chúa ?
Cuộc sống dẫy đầy những cơ hội trong đó
Chúa có thể tiếp tục bị đóng đinh,
bạn cũng có thể chịu đóng đinh như Chúa.
Bạn có nhận ra những cơ hội ấy không?
Nếu đã nhận ra, bạn tiếp nhận hay chối từ những cơ hội ấy ?
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Mười Hai- Chúa Giêsu chết trên Thập Giá
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 19, 19-20. 29-30)
Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái”. Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.... Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắm xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Gợi ý suy niệm
“Thế là đã hoàn tất !”
Tiếng nói ấy kéo mọi con mắt ngước lên thập giá,
họ nhận ra mắt Đức Giêsu đã khép lại sau một cơn thở hắt ra.
Những người đang có mặt ở đó có thể nhẹ lòng
vì những đau đớn của tử tội đã được cất đi,
ánh nhìn của họ giờ đây bị hút vào tấm bảng có dòng chữ
ghi bằng ba thứ tiếng: Hipri – dành cho người Dothái,
Latinh và Hylạp – ngôn ngữ quốc tế thời bấy giờ
để ai đi qua, cũng có thể biết
người bị treo trên ấy chính là Vua Dân Dothái.
Có cái gì đó thật bi hài trong Lễ Thụ Quyền
diễn ra trên đỉnh đồi chiều hôm ấy.
Philatô – kẻ vừa để mặc Đức Giêsu cho dân hành hình
giờ đây đã trở thành ngôn sứ
rao báo Vương Quyền của Người cho toàn thế giới.
Đức Giêsu là Vua muôn vua tự đời đời
nhưng Người chỉ để cho dân nhận mình ra sau cái chết nhục nhã.
Người không muốn dân hiểu sai về Người,
Người không muốn dân đồng hóa bản thân Người
và tình yêu không cùng của Người
với những vua chúa trần gian
vốn dùng quyền mà thống trị dân, ăn trên ngồi trước
và dùng ngai vàng để thu tích tiền của.
Tự vấn
* Nước tôi không thuộc thế gian này...
* Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ,
nhưng là để hầu hạ
và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
*Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mọi sự,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi...
Hãy tưởng nghĩ bạn đang đứng dưới chân thập giá,
chọn một vị trí thích hợp để chiêm ngắm Chúa Giêsu,
và để cho những lời nói trên đây vang vọng trong tâm hồn bạn.
Bạn có thấy mình cần thay đổi
thái độ, lối sống, lối nghĩ đối với Vua muôn vua,
với tha nhân và đối với bản thân mình không ?
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Mười Ba-
Chúa Giêsu được gỡ khỏi thập giá và được trao cho Mẹ Người
Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 19, 31.38...39)
Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống... Ông Giuse, thuộc thành Arimathe - một môn đệ kín đáo của Đức Giêsu, vì sợ người Dothái - đến xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giuse Arimathe đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô - người trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm - cũng đến. Ông mang theo mộ trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.
Gợi ý Suy niệm
Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá bởi những kẻ thù ghét Người,
nhưng Người được bàn tay các môn đệ gỡ khỏi thập giá.
Giuse Arimathêa và Nicôđêmô là hai môn đệ
trước đây âm thầm theo và tin Chúa Giêsu,
nay đã công khai bày tỏ lòng mến của họ dành cho Người.
Theo các bản văn Tin Mừng khác,
chúng ta biết ngoài Giuse và Nicôđêmô,
còn có Mẹ Người, chị họ của Mẹ Người là Maria Madalena
và người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến.
Mẹ đại diện cho nhân loại, cho những người tin
đón nhận xác thân oặt mềm của một “Thiên Chúa đã chết”
trong vòng tay ấm nóng lòng mến, lòng cậy trông
và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và những lời Người đã nói.
Sự hiện diện của Mẹ Maria và những môn đệ này cho thấy
ngọn lửa đức tin mà Đức Giêsu mang đến mặt đất này
chưa hoàn toàn bị dập tắt.
Chính nhúm lửa ấy sẽ bùng cháy cùng với niềm vui Phục Sinh
và ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Tự vấn
Giả sử bạn có mặt ở đó và chứng kiến Mẹ Maria
đón nhận xác Chúa Giêsu trong tình trạng tan nát, trần truồng,... ?
Bạn có cảm nhận được nỗi đau khổ tột cùng của Mẹ không?
Bạn cảm nhận được điều gì trong từng cử chỉ, hành động
của Giuse Arimathêa, Nicôđêmô, người môn đệ Chúa yêu, ...
khi họ tháo Chúa Giêsu khỏi thập giá và tiến hành việc mai táng Người ?
Và, nếu bạn biết rằng bạn đã đóng góp phần mình - tội lỗi -
vào cuộc hành hình và cái chết của Chúa Giêsu hôm nay,
bạn sẽ thưa gì với Mẹ Maria ? bạn sẽ nói gì với Chúa Giêsu ?
Chúng ta tiếp tục đóng đinh Chúa mỗi khi phạm tội ;
và chúng ta sẽ tháo Chúa khỏi thập giá nếu biết sám hối.
Hãy sống lại một trong những lần bạn phạm tội và sám hối,
rồi tâm sự với Chúa Giêsu, hoặc với Mẹ Maria,
hoặc với những người môn đệ có mặt hôm nay.
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………………...
Chặng Thứ Mười Bốn- Chúa Giêsu được mai táng trong mồ.
Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27, 59-61)
Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.
Gợi ý Suy niệm
Chúa Giêsu được tẩn liệm
bằng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương của Nicôđêmô,
và được mai táng trong ngôi mộ của Giuse Arimathêa.
Chúa Giêsu chẳng có gì, kể cả ngôi mộ và bộ khăn liệm;
Người nhận từ tấm lòng của hai người môn đệ “kín đáo”
sự đầy đủ và có phần sang trọng: ngôi mộ mới tinh và mùi thơm quí báu.
Lòng quảng đại của con người,
dù không đáng gì so với với Thiên Chúa,
vẫn có thể trở thành hương thơm
loan truyền Mùi Sống và Mùi Sáng;
thành khói yêu thương làm thỏa lòng Cha nhân lành.
Đức Giêsu được mai táng, là Thiên Chúa đi vào sự thinh lặng,
đi vào sự nghỉ ngơi, để con người đóng góp phần mình
vào chương trình cứu độ của Người.
Người cần đến những Kitô hữu
có niềm tin vững mạnh và lòng mến sắt son,
để trở nên hương thơm dẫn nhân loại đang suy đồi trong lỗi tội
trở về với Thiên Chúa, về với Sự Sống và Ánh Sáng.
Tự vấn
Đã bao giờ bạn tự hỏi và trả lời được rằng:
tại sao Chúa phải chọn cái chết thập giá thì mới có thể cứu chúng ta ?
sao Chúa không dùng quyền năng tuyệt đối vô song của Người
để cứu chúng ta ?
Hãy nghe lại những lời này:
+ “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).
+ Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta...Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta (Is 53,4...6)
Hãy để cho những lời ấy thấm thật chậm, thật sâu, thật lâu trong tâm hồn bạn ; hy vọng bạn sẽ được chính Chúa Giêsu giúp bạn hiểu hơn về cái chết của Người, và chỉ cho bạn biết bạn phải làm gì
để sống như bạn đã được Người cứu sống và
để trở thành Hương Thơm đem Tin Vui cho mọi người
Cầu Nguyện
……………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………...