Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay (Lc 18, 9 – 14)
HẠ MÌNH KHIÊM NHƯỜNG
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Khiêm tốn nhìn nhận đúng thân phận của mình chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban ơn. Trong tu đức, chúng ta thường nghe nói: Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức, bởi vì khiêm nhường là nhân đức tu chỉnh tính kiêu ngạo, mà kiêu ngạo là kẻ thù của tất cả mọi nhân đức. Khổng Tử nhận định như sau: “bệnh lớn nhất của cuộc đời là tính kiêu ngạo, kẻ cầm đầu của “chúng ác; trong khi khiêm tốn là cái nền của “chúng thiện”.
Thật khó mà mô tả hoặc đưa ra tiêu chuẩn xác định đâu là người khiêm nhường thật, vì có những người luôn nói về khiêm nhường, cố ý tỏ ra mình khiêm nhường thì lại là người tự mãn, kiêu căng. Ngược lại có người bị đánh giá là kiêu căng bởi dáng vẻ bên ngoài, nhưng khi sống gần họ lại là người rất khiêm nhường. Vậy đâu là mẫu gương khiêm nhường thật? Chúng ta nghe rất quen với tường thuật về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Đó là một việc làm hết sức khiêm nhường. Bài học này ai cũng cảm kích nhưng không mấy ai thực hành được. Hôm nay trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế Chúa Giêsu cũng đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh của việc cầu nguyện: một người Pharisêu với thái độ tự mãn: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia, v.v…”, người Pharisêu này luôn nghĩ mình là người đạo đức, thánh thiện, tốt lành hơn người khác, nhất là hơn người thu thuế đứng ở cuối nhà thờ kia. Còn người thu thuế cầu nguyện với thái độ thật khiêm tốn, nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, không đáng tới gần Thiên Chúa ông đã đứng mãi tận đàng xa, cúi mặt xuống mà thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Như thế chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra mẫu gương sống khiêm nhường trong câu kết luận : “ Tôi nói cho các ông biết : người này ( người thu thuế) khi trở về thì đã được nên công chính rồi, còn người kia ( người Pharisêu ) thì không. Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Vậy khiêm nhường không phải là người luồn cúi, hạ thấp giá trị bản thân, nhưng là người biết nhìn nhận sự thật về chính bản thân, không ảo tưởng, không so sánh và nghĩ mình hơn người khác. Mỗi người đều có một cái “tôi” để xây dựng, để giữ gìn, nhưng khi cái “tôi” muốn thống trị, muốn biểu dương mình, thì người ta trở thành kiêu ngạo.
Đức Giêsu biết mình là ai, biết giá trị của bản thân Ngài. Nhưng trong tương quan với tha nhân Ngài đã tỏ ra rất gần gũi. Sự thánh thiện của Đức Giêsu không ngăn cản Ngài kêu gọi Lêvi ( người thu thuế ) làm môn đệ ( Mt 9, 9-12 ); Không làm cho Ngài phải e ngại khi để cho người đàn bà nổi tiếng là tội lỗi đụng chạm vào chân ( Lc7, 36-50 ). Đức Giêsu biết mình cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng không ngần ngại để cho Gioan làm phép rửa cho mình (Mt 3, 13 ).
Tất cả những dẫn chứng trên cho chúng ta thấy Đức Giêsu chính là mẫu gương khiêm nhường cho mọi người noi theo. Chúng ta đôi khi thấy mình thành công đôi chút đã cho là mình hơn người khác, đã có thái độ tự mãn, khinh người khác, hạ người khác xuống bằng cách nói xấu, chỉ trích phê bình, sống trịch thượng.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay và nhất là Mùa Chay này mời gọi chúng ta cùng xét lại thái độ của chúng ta trước Thiên Chúa và tha nhân. Dù chúng ta có là gì đi nữa, thì trước Thiên Chúa chúng ta chỉ là hư vô, là một tội nhân cần được Chúa xót thương.
Lạy Chúa, Chúa đã tuyên dương thái độ cầu nguyện của người thu thuế, vì ông thống hối ăn năn và cậy trông ân sủng cứu độ từ lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa giúp con luôn sống khiêm tốn, không tự mãn, nhưng biết mở lòng hướng về Chúa và cậy trông vào lòng thương xót bao la của Chúa để con cũng được Chúa đón nhận như Chúa đã đón nhận lời cầu nguyện của người thu thuế trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Amen.
Nt. Anna Nguyen Nguyen
HD. MTG. Xuan Loc