Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 16

PHẦN TỐT NHẤT

thien_chua.jpgMột buổi tối nọ, một sĩ quan trẻ tuổi người Pháp có tên là Charles de Foucauld say sưa kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm kỳ thú của anh ở Marốc. Người chăm chú nghe anh kể chuyện nhất là một cô cháu gái chưa tròn 10 tuổi.

Khi anh vừa chấm dứt, cô bé bất ngờ hỏi: “Thưa cậu, cậu đã làm được nhiều việc vĩ đại quá, mà cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?”

Câu hỏi bất ngờ của cô cháu gái bỗng làm cho anh thấy sững sờ, vì nó giúp anh nhìn lại và thấy rõ đời mình chẳng hơn gì một lỗ hổng không đáy: bao nhiêu nỗ lực của tuổi trẻ đều qui hướng vào một người, một vật, hay một sự thành đạt chóng qua mà không dành một chỗ nào cho Thiên Chúa, cho hạnh phúc cuối cùng của một đời người.

Thấy những cuộc thám hiểm kỳ thú dù rất nhiều vẫn không lấp đầy được cuộc đời. Hôm sau anh đến với một linh mục để tìm lại sự sống cho tâm hồn mình; và dâng quãng đời còn lại để tìm kiếm thánh ý Chúa, mong làm được một điều chi đó cho Chúa Giêsu ngay trong những chi tiết bình thường nhất của cuộc sống.

Chính Thiên Chúa đã lấp đầy cuộc sống anh và làm cho cuộc sống của anh sau đó tuy đơn sơ nhưng đầy an vui. Cuộc sống đó có sức lôi cuốn thật mạnh mẽ. Vì thế, cho đến hôm nay vẫn còn nhiều tiểu đệtiểu muội vẫn tiếp tục sống theo tinh thần của cha Charles de Foucauld, làm một điều gì tốt đẹp cho Chúa.

Nhưng một tạo vật hèn mọn thì có thể làm được một điều gì là tốt đẹp cho Chúa? và Thiên Chúa toàn hảo có cần chi từ con người?

Câu trả lời là không mà cũng là có!

Đúng là không thể nói Thiên Chúa cần đến con người, vì tất cả cuộc đời con người nào có thể thêm gì cho Chúa; hơn nữa, phải nói là con người cần đến Chúa, vì ngoài Chúa ra, nào có gì có thể khoả lấp được cái đói sâu thẳm trong lòng mỗi người. Chỉ một mình Chúa mới có thể làm cho họ no đủ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Thế nhưng tại sao lịch sử cứu độ lại luôn cho thấy Thiên Chúa đi bước trước trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc cho con người?

Thiên Chúa là tình yêu là câu trả lời. Trong tình yêu của một người cha, Chúa nhìn thấy sự thiếu thốn nơi con người trước khi họ nhận ra sự thiếu thốn của mình, và Ngài đã tìm đến với họ. Chúa đến với Abraham tuổi già đang mong có được một đứa con. Ông chưa kịp ngỏ lời thì chính Chúa đã tỏ ra tình thương với Abraham khi hỏi ông: “Sara bạn ông đâu?”, và cho ông bà được thoả điều mà họ không hề dám mơ đến.

Hạnh phúc thật là nhận biết và yêu mến Chúa. Lịch sử cứu độ là một tiến trình Thiên Chúa đến với con người, tỏ mình ra để họ nhận biết và yêu mến Ngài. Các tông đồ cũng không làm gì khác hơn khi được sai đi: “Tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” (Cl 1,26).  

Khi muốn cứu độ nhân loại, Chúa như quên đi địa vị của Đấng Tối cao. Chúa đã hết sức tôn trọng và yêu mến con người khi sai Lời Ngài đến với họ: Chính Chúa lại trở nên một lời ngỏ cho hạnh phúc con người, chịu tùy thuộc vào quyết định tự do của họ, như là Chúa cần đến họ: “Này Ta đứng ngoài cửa, Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó và nó sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20)

Ôi tình Chúa quá bao la! Biết đền đáp như thế nào cho xứng đây?

Matha và Maria đều lo tiếp đón Chúa. Martha bận rộn với việc bếp núc, còn Maria thì ngồi bên chân Chúa, dấu hiệu của một tấm lòng sẵn sàng đón nhận và tùng phục.

Còn gì có thể làm vui lòng người nói cho bằng việc lắng nghe? 

Một người đánh mất cái đồng hồ đeo tay gần đống rơm, tìm mãi vẫn không thấy nên ông nhờ bạn bè tìm giúp. Tìm thêm một hồi lâu mà vẫn chẳng thấy đồng hồ, ông chán nản bỏ về.

Vừa về nhà được mươi lăm phút, ông thấy một cậu bé chạy vào nhà, tay cầm chiếc đồng hồ, vừa thở hổn hển vừa nói:

- Đồng hồ của chú đây này!

Ông ta ngạc nhiên nhìn cậu bé với vẻ thán phục:

- Bao nhiêu người không tìm thấy, cháu làm thế nào mà tìm được?

- Dạ, có gì đâu ạ! Cháu đợi mọi người về hết rồi cháu yên lặng lắng nghe tiếng tích tắc của cái đồng hồ. Rồi cứ thẳng hướng có tiếng kêu mà bới rơm ra và kiếm được chiếc đồng hồ của chú.

Đức Kitô mang Nước Trời, kho báu và hạnh phúc của tôi, đến ngỏ với tôi. Tôi nghe được những gì?      

Lm. HK


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên _Lm Giuse Mai Văn Điệp
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên - Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C- Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C-CHÚA VIẾNG THĂM. Lm Jos Tạ Duy Tuyền