Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 16

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

“Có kiên vững thì mới có thành quả”

T7 T16 TN.jpg

BÀI ĐỌC I: Gr 7, 1-11

Lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: Ngươi hãy đứng nơi cửa đền thờ Chúa, và rao giảng lời này rằng: Hỡi toàn thể Giuđa, là những người vào cửa này mà thờ lạy Chúa, hãy nghe lời Chúa. Đây Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: Các ngươi hãy cải thiện lối sống và hành động các ngươi, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này. Các ngươi đừng tin theo lời dối trá này: Đây có đền thờ Chúa, đền thờ Chúa, đền thờ Chúa! Vì nếu các ngươi cải thiện lối sống và hành động các ngươi, nếu các ngươi ăn ở ngay thẳng theo lề luật với những người trong nhà và những người thân cận, nếu các ngươi không áp bức ngoại kiều, trẻ mồ côi, và những người goá bụa, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội tại chốn này, nếu các ngươi không chạy theo các thần ngoại lai mà mang hoạ vào mình, thì Ta sẽ ở với các ngươi tại chốn này, tại lãnh thổ mà Ta đã ban cho tổ phụ các ngươi từ đời này đến đời nọ.

Nhưng kìa, các ngươi tin tưởng vào những lời dối trá không sinh ích lợi gì cho các ngươi, như: trộm cướp, giết người, ngoại tình, thề dối, thờ cúng Baalim, chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi không biết; rồi các ngươi đến đứng trước mặt Ta trong đền thờ này là nơi kêu cầu thánh danh Ta, mà nói rằng: "Chúng tôi đã được bảo đảm để tiếp tục làm những việc ghê tởm đó". Vậy, dưới mắt các ngươi, nhà này là nơi khẩn cầu thánh danh Ta, đã trở thành hang trộm cướp rồi sao? Chúa lại phán: Còn Ta, Ta hiện diện và Ta đã thấy rõ.

BÀI TIN MỪNG: Mt 13, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Đầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

SUY NIỆM

Trải qua những kinh nghiệm của cuộc sống, nhiều người sẽ nhận ra rằng sống trên trần gian thực sự là một cuộc chiến liên lỉ nếu muốn trở nên con người hoàn thiện và tìm được hạnh phúc bền vững. Thật vậy, giữa cuộc đời và ngay trong cảnh sống của mỗi người, luôn có rất nhiều khó khăn, nghịch ý giăng lối chúng ta, thử thách chúng ta như thanh sắt được mài dũa cách công phu. Nếu kiên vững, chúng ta sẽ có thể gặt hái được thành quả!

Câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu đặt ra trong bài Tin mừng xem ra rất đơn giản và gần gũi vì nó được khởi đi từ kinh nghiệm cuộc sống của người làm nông. Tuy nhiên, trong cái vẻ đơn sơ ấy, nó lại chứa đựng chân lý của cuộc đời mà trong đó, mỗi người sẽ tìm thấy lý tưởng sống cho bản thân. Nó cho ta thấy nhiều vấn đề của cuộc sống: lý giải về sự xuất hiện của thế lực chống đối Thiên Chúa qua hình ảnh “kẻ thù” gieo sự dữ là “cỏ lùng”. Điều đó cho thấy sự dữ không tự nhiên mà có, cũng không do Chúa dựng nên mà là do “kẻ thù” ấy, được hiểu là ma quỷ, đã “gieo” vào thế giới. Kết quả là cuộc sống này luôn có sự đối kháng giữa một bên là “lúa”, được phát sinh bởi “giống tốt” do Thiên Chúa gieo vào đời, một bên là “cỏ lùng”, được gieo bởi “giống xấu” từ tay ma quỷ. Trong “mảnh đất” này, cả hai đều lớn lên cùng nhau: cây lúa cũng lớn lên và cỏ lùng cũng thế. Đây là lý giải cho sự hiện diện đồng thời của sự tốt và sự xấu trong cuộc đời. Quả thế, nơi trần gian, chúng ta có thể thấy được những hạt giống tốt hay những cây lúa tốt là những người tốt cũng như hết thảy những điều tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy “cỏ lùng” là những điều xấu diễn ra trên thế giới và ngay trong lòng mỗi người. Trong tiến trình chờ đến “mùa gặt”, cây lúa phải không ngừng chiến đấu với cỏ lùng để có thể ngẩng cao đầu, để có thể đứng vững mà sinh hoa kết hạt. Bao lâu cây lúa thôi chiến đấu thì nguy cơ nó bị cỏ lùng bóp nghẹt sẽ xảy ra. Đồng thời, khi chiến đấu, chắc chắn cây lúa sẽ cảm thấy khó khăn, vất vả và cả yếu sức, mệt mỏi. Trong tình thế đó, lời Chúa cho thấy Người không bỏ cây lúa, vốn liếng Người đã khổ công gieo trồng, đơn lẻ một mình khi vẫn quan tâm cách rất tinh tế: “Không được nhổ cỏ lùng, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta” (Mt 13,29-30). Chủ mùa gặt chắc chắn vẫn rất lo ngại cho đồng lúa của mình khi bị cỏ lùng lấn chiếm. Ông vẫn chăm sóc và quan tâm. Có điều là mỗi cây lúa phải cố gắng bám trụ cho tốt vào mảnh đất, cố gắng hút thật nhiều chất dinh dưỡng mà chủ ruộng chăm vén, phải hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời để bản thân nên mạnh mẽ và đầy đủ dưỡng chất thì mới có thể phát triển cách tốt nhất. Ở điểm này, ta hiểu ý định của chủ vườn, đó là ông không chỉ loại bỏ nguy cơ lúa bị nhổ theo cỏ lùng mà còn tạo điều kiện cho cây lúa đạt tới mức hoàn hảo sau khi đã trải qua khó khăn. Chủ đích ban đầu của ông thì không phải là tạo khó khăn cho cây lúa nhưng khi thực tế xảy ra là có cỏ lùng xâm nhập vào thì cây lúa cũng phải cố gắng chứ không thể buông xuôi hoặc bỏ mặc mọi sự cho chủ ruộng, bởi dù chủ ruộng có quan tâm thế nào đi nữa thì mỗi cây lúa cũng phải cố gắng giữ lấy vận mạng của chính mình. Như vậy, trong ruộng lúa này, cây lúa nào muốn đơm bông kết trái thì phải cố gắng đứng vững giữa sức ép của những cây cỏ lùng bủa vây xung quanh!

Sự sinh tồn và cố gắng của những cây lúa giữa đám cỏ lùng là một minh họa sống động cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã gieo chúng ta, những hạt giống tốt của Người, vào trong cuộc đời. Đồng thời, kẻ thù của Chúa là ma quỷ đã xuất hiện để gieo “cỏ lùng” là điều xấu. Nó đã gieo trồng rất thành công khi tổ tông loài người, trong một sự chọn lựa sai lầm, đã chạy theo cám dỗ xấu là những “hạt giống xấu” để rồi sự dữ là cỏ lùng đã lan tràn khắp thế giới. Khi chuyện này xảy ra, Thiên Chúa đã không dẹp ngay sự dữ theo kiểu “đi nhổ từng cây” nhưng Người dùng cách loại bỏ sự dữ tận căn, vốn đã bén rễ từ trong lòng người, khi chấp nhận để Con Yêu Dấu của mình xuống thế làm người. Nhờ sự cứu chuộc được thực hiện bởi công trình Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa, con người tìm được con đường và ánh sáng trong một thế giới trước kia đã trở nên tối tăm do bị vây kín bởi “cỏ lùng”, sức mạnh của sự dữ, để trở về với cội nguồn là Thiên Chúa, đồng thời nhận được nguồn ân phúc dồi dào hầu vững vàng chuẩn bị cho “mùa gặt” của Thiên Chúa là hạnh phúc đời đời. Như vậy, khi sống giữa đời, dù biết rằng chúng ta luôn bị giằng co, lôi kéo và bám víu bởi những điều xấu, chúng ta vẫn không mất niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn nhìn đến thế giới, vẫn luôn quan tâm đến chúng ta, vẫn ban đủ mọi ơn cần thiết để chúng ta có đủ nguồn sống, đủ sức sống mà phát triển cuộc đời của bản thân cách tốt nhất.

Về phía Thiên Chúa là thế, còn về phía con người, như thánh Phaolô có lần đã nói, chúng ta cần phải “bám rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô” (Cl 2,7). Quả thế, cây có bám rễ sâu vào đất mẹ thì mới có thể đứng vững và tìm được nguồn sống nuôi dưỡng chính mình. Ngược lại, nếu tương quan không chặt chẽ, thân thiết và bền vững, cây lúa đời chúng ta chưa cần gặp phải thử thách nào, chưa cần cỏ lùng bóp nghẹt thì đã tự khô héo và tự chết dần chết mòn! Vì cái tôi của bản thân, vì ham muốn chạy theo cám dỗ, con người tự nhiên của chúng ta dễ bỏ Chúa mà chạy theo các đam mê hay ngẫu tượng. Đây cũng chính là thứ cám dỗ của mọi thời đại, một cám dỗ và cũng là một thứ tội mà con người thường hay vấp phải. Do đó, lời Chúa trong bài đọc thứ nhất là lời cảnh tỉnh dân Israel nhưng cũng đồng thời là lời cảnh tỉnh dành cho hết thảy mọi người trong mọi thời đại, trong đó có chúng ta: Các ngươi hãy cải thiện lối sống và hành động các ngươi” (Gr 7,3). Cần phải cải thiện đời sống, cần phải hoán cải vì con người đã để cho “cỏ lùng” là những thứ xấu xa mọc đầy trong lòng và trong thế giới như lời Chúa nói: “Các ngươi tin tưởng vào những lời dối trá không sinh ích lợi gì cho các ngươi, như: trộm cướp, giết người, ngoại tình, thề dối, thờ cúng Baalim, chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi không biết; rồi các ngươi đến đứng trước mặt Ta trong đền thờ này là nơi kêu cầu thánh danh Ta, mà nói rằng: “Chúng tôi đã được bảo đảm để tiếp tục làm những việc ghê tởm đó” (Gr 7,8-10). Cái khốn của những người này chính là “cỏ lùng” đã gần như “quấn chặt” họ, thế mà họ vẫn cứ làm như không biết không hay, lại còn dương dương tự đắc khi không nghe lời Chúa khuyên dạy. Khỏi phải nói ta cũng hiểu kết cục của họ sẽ là tự tiêu vong và là sự hư mất đời đời!

Nghe lời Chúa cảnh tỉnh hôm nay, mỗi người chúng ta, ý thức mình là những cây lúa trong cánh đồng của Chúa luôn được Chúa yêu thương, chăm sóc và quan tâm. Chúng ta cần xác tín rõ về tình yêu Chúa dành cho mình để biết tập một đời sống gắn bó thân thiết  hơn với Chúa: tập để lý trí biết năng suy nghĩ về những giá trị tốt đẹp, về những bài học Chúa dạy chúng ta trong lời Chúa mà chúng ta được dạy từ khi còn thơ bé, từ lời Chúa mà chúng ta nghe trong các thánh lễ hay trong những giờ kinh gia đình hay trong các giờ cầu nguyện riêng tư; tập để trái tim biết thực lòng khao khát những giá trị thánh thiêng, nhất là lòng yêu mến và sùng mộ đối với bí tích Thánh Thể, thánh lễ, bí tích Hòa giải và kinh Mân Côi; và tập để trong cuộc sống tương quan với nhau hằng ngày, lời nói và hành động của chúng ta được nên giống cách Chúa nói, cách Chúa làm và cách Chúa sống trong một cung cách hiền lành và khiêm nhường. Nhờ “bám rễ sâu” trong tương quan gần gũi với Chúa Giêsu, “cây lúa” đời chúng ta sẽ chắc chắn, sẽ mạnh khỏe, sẽ đủ sức sống để một đàng có thể phát triển xanh tốt, đàng khác có khả năng đứng vững trước sức mạnh của “cỏ lùng” xung quanh chúng ta và trong lòng chúng ta. Mỗi chúng ta hãy cố gắng tập và cũng hãy giúp người thân trong gia đình cùng nhau tập luyện như thế! Cỏ lùng dù vẫn có nhưng không thể ngăn chúng ta đơm bông kết trái và đó cũng là động lực để chúng ta hân hoan cùng Chúa và cùng nhau tiến bước!

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn vào thế giới với nhiều “cỏ lùng” là những điều xấu, chúng con thường dễ có nhiều suy nghĩ tiêu cực khiến lòng trí trở nên chán chường. Nhờ lời Chúa dạy hôm nay, chúng con nhận ra rằng dù thực tế cuộc đời tốt xấu lẫn lộn nhưng ơn Chúa vẫn không bao giờ thiếu để cho các “cây lúa” là những điều tốt, là chính mỗi chúng con được mọc lên và phát triển. Ý thức đó khiến chúng con cảm thấy hân hoan để quyết tâm đứng dậy, thay đổi cách nhìn và tạo một đời sống bám rễ sâu vào Chúa hơn. Chúng con tin chắc rằng nhờ ơn Chúa giúp và sự cố gắng nỗ lực tận tình và trung thành mỗi ngày, dù có khó khăn, cuộc đời của chúng con sẽ đơm bông kết trái. Dẫu hạt ít hay nhiều, dù trái to hay nhỏ, tất cả đều đến từ công khó của chúng con và như thế, chúng đều là những thành quả quý giá, tăng sức cho chúng con trong hành trình tiến về hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau. Amen.

Thực hành: Tập nhìn thấy những điều tích cực nơi người thân cận và nơi cuộc đời.

Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân


Các bài viết mới hơn


Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên _Lm Giuse Mai Văn Điệp
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên - Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP