Chúa
Nhật Tuần XVI Thường Niên
MỜI CHÚA GHÉ THĂM VÀ GẶP
GỠ, TIẾP ĐÓN CHÚA
Tin Mừng Lc
10,38-42
38 Khi ấy, Đức
Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào
nhà. 39 Cô có người em
gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40 Còn cô Mác-ta
thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : “Thưa Thầy, em con để mình
con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay
!” 41 Chúa đáp :
“Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một
chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy
đi.”
Suy niệm
Cuộc sống
ngày nay bận rộn khiến cho người ta không còn thời giờ cho nhau, không còn thời
gian thăm viếng, gặp gỡ nhau. Những ngày lễ tết, việc thăm viếng, gặp gỡ đã dần
phai nhạt, con cái đến với ông bà vì bổn phận, anh em, chòm xóm láng giềng hầu
như tết lễ cũng ít đến với nhau hơn. Với sự phát triển của thông tin công nghệ,
nhiều người đã không còn đến với nhau để gặp gỡ trò chuyện, thay vào đó là thăm
nhau qua điện thoại hoặc qua camera. Các cuộc thăm hỏi này dầu sao cũng không
thể sánh bằng việc đến với nhau và trò chuyện với nhau trực tiếp. Các cuộc thăm
viếng, gặp gỡ sẽ tạo nên và củng cố mối tương quan và bồi đắp tình cảm sâu đậm
hơn.
Sau hai
năm covid, thói quen tuân giữ 5K đã tạo nên một sự cách mặt dẫn đến cách lòng.
Dù gia đình ruột thịt vẫn phải giữ khoảng cách, phải đeo khẩu trang, ít gặp gỡ
nhau. Với người ngoài thì nguyên tắc này càng được giữ cách triệt để hơn. Tình
trạng này đã nhanh chóng hình thành một thói quen khiến người ta ngại ngần khi đến
với nhau. Con người không phải chỉ cách ly, cách lòng với nhau, họ còn cách ly
cả với Chúa. Sau thời covid, nhiều người vẫn cứ muốn xem lễ trên màn hình để khỏi
phải đến nhà thờ. Nếu có đến nhà thờ dự lễ, nhiều người vẫn muốn giãn cách, không
vào nhà thờ, ngồi rải rác bên ngoài có vẻ như xa tránh cộng đoàn.
Lời Chúa
hôm nay mời gọi chúng ta dỡ bỏ khoảng cách và khẩu trang trong tâm hồn để đến
thăm Chúa mỗi ngày và mời Chúa ghé thăm tâm hồn và gia đình mình.
Bài đọc
một kể lại lòng hiếu khách của ông Abraham. Ông đã nhiệt tình mời cho bằng được
ba vị khách vào nhà mình. Ông đã tiếp đón các vị khách cách nồng hậu. Trước khi
ra đi, ba vị khách đã chúc lành cho ông bà. Ba vị khách đó chính là sứ giả, là
hình ảnh của Thiên Chúa đến với gia đình ông. Câu chuyện kể rằng: Vào một buổi
trưa nắng, Abraham đang ngồi nghỉ dưới gốc cây trước cửa lều, ông thấy có ba vị
khách xuất hiện. Ông chạy ra đón khách, sụp lạy và xin các ngài ghé thăm nhà mình.
Với thái độ này, các vị khách không thể từ chối lời mời của ông. Abraham còn lấy
nước cho khách rửa chân, mời các ngài nằm nghỉ, đem bánh và nước mời khách. Ông
còn làm thịt con bê non béo tốt để thiết đãi khách. Khi khách đang dùng bữa thì
ông đứng hầu. Tất cả chi tiết ấy cho thấy lòng hiếu khách chân thật của Abraham,
không khách sáo, không giả dối, nhưng hết sức trân trọng và hết lòng phục vụ. Vì
ông tin rằng các vị khách này đến từ Thiên Chúa.
Ba vị
khách đã đáp lại lòng hiếu khách của Abraham, đã không để ông bà phải chịu thiệt.
Trước khi rời đi, các vị ấy đã chúc lành cho ông bà và còn hứa cho hai ông bà một
niềm vui và hy vọng: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, khi đó bà Sara sẽ
sinh cho ông một con trai.” Lời hứa này đã chạm vào nỗi khao khát của ông bà,
vì cả hai đều đã cao niên mà chưa có con. Lời hứa này nuôi dưỡng niềm tin và hy
vọng của ông vào nơi Chúa - Đấng đã gọi ông.
Tin Mừng
Luca cũng kể lại một cuộc đón tiếp Chúa Giêsu của gia đình Mátta, Maria và
Lagiarô; cùng điều Chúa Giêsu mong đợi nơi cuộc tiếp đón này. Gia đình Bêtania
là nơi Chúa Giêsu thường ghé thăm mỗi lần lên Giêrusalem. Thánh Luca cho thấy,
không phải vì quen quá hoá nhàm, hoặc gần quá hoá coi thường.
Nghe tin Chúa Giêsu vào làng, cô Mátta đã ra tận đầu làng để đón và mời Chúa ghé
thăm. Cũng giống như Abraham và nhiều người khác, cô lo chuẩn bị cơm nước đồ ăn
để thiết đãi Chúa Giêsu. Đó là điều cần và là điều tốt nên làm. Tuy nhiên, Chúa
Giêsu lại quan tâm hơn đến một cách đón tiếp khác, đó là như cô Maria: “Cô cứ
ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.” Chúa Giêsu yêu thích thái độ ngồi
bên chân Chúa và lắng nghe. Ngồi bên chân Chúa là thái độ của người môn đệ, chăm
chú để đón nhận sự dạy bảo của người Thầy. Không phải chỉ ngồi không, mà cô
Maria đã ngồi trong thái độ lắng nghe Lời Chúa. Với Chúa Giêsu, việc trở thành
một mộn đệ ngồi bên chân Chúa, lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy là điều
quan trọng và cần thiết của cuộc viếng thăm gặp gỡ.
Sự việc
xảy ra là, cô Mátta tiến lại thưa với Chúa: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con
giúp con một tay.” Khi yêu cầu Chúa can thiệp điều này, không phải cô ganh
tị với Maria, nhưng trong sự thân tình, cô cho rằng việc chuẩn bị và phục vụ của
cô thì quan trọng hơn tất cả. Chúa Giêsu đã sửa lại suy nghĩ của cô Mátta. Chúa
không chê, cũng không trách thái độ nhiệt thành phục vụ của Mátta, nhưng Chúa
chỉ cho cô thấy đâu là việc cần thiết và điều gì là điều Chúa yêu thích hơn: “Mátta
ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.
Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bi lấy đi.” Khi nói như thế, Chúa
Giêsu cho thấy việc phục vụ là điều tốt, nhưng việc lắng nghe Lời Chúa là điều
cần và là điều tốt nhất. Thái độ sẵn sàng, khiêm tốn lắng nghe là thái độ của người
môn đệ của Chúa. Ngồi bên chân Chúa là ở bên Chúa, được Chúa ở bên và ở trong tâm
hồn, có Chúa hướng dẫn hành động. Đó là điều tốt nhất và không ai có thể lấy khỏi
tâm hồn người ấy sự hiện diện của Chúa.
Thưa quý
OBACE, như đã nói ở trên, cuộc sống và xã hội công nghệ thông tin hôm nay đưa
con người xích lại gần nhau, nhưng lại khiến cho con người khó gặp được nhau. Người
ta xây dựng, làm những ngôi nhà rất đẹp, nhưng không có mấy người đến thăm. Những
cuộc thăm viếng nhau, đến nhà nhau ngày càng ít dần, mỗi người chỉ còn ai biết
nhà nấy. Con người ngày nay cũng có thái độ dửng dưng như thế đối với Thiên
Chúa. Nhiều người ngại ngần không muốn cho Chúa vào thăm gia đình, tâm hồn mình.
Vì thế, họ không tạo điều kiện cũng không mời Chúa vào nhà, vào tâm hồn vì sợ Chúa
làm phiền. Họ muốn tự mình giải quyết tất cả mọi việc của bản thân và gia đình,
mà không cần sự trợ giúp chỉ bảo của Chúa.
Có nhiều
các linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân rất nhiệt thành với công việc. Họ bị cuốn
hút vào công việc của Chúa mà quên sự hiện diện của Chúa. Họ lo toan đủ điều như
cô Mátta, nhưng bỏ qua điều chính yếu là việc gặp gỡ riêng tư với Chúa trong cầu
nguyện để nghe được tiếng Chúa và được Chúa chỉ dẫn.
Trong đời
sống cá nhân hằng ngày cũng như đời sống cầu nguyện của mỗi người, đặc biệt là
các bạn trẻ cũng đang bị mất đi sự cân bằng. Nhiều người đã mất hẳn thói quen cầu
nguyện hoặc không biết phải cầu nguyện thế nào. Vì thế, cuộc sống của họ bị ngập
tràn trong những công việc, toan tính, vui chơi, giải trí, du lịch… Còn việc ngồi
bên chân Chúa để lắng nghe như cô Maria là cách tiếp đón trò chuyện mà Chúa yêu
thích thì dường như lại rất khó thực hiện. Hôm nay với việc Chúa khen cô Maria đã
ngồi và lắng nghe, Chúa muốn chỉ cho mỗi người và các bạn trẻ cách để trò chuyện
với Chúa. Trò chuyện, cầu nguyện với Chúa không cần phải nói nhiều, mà chỉ cần ở
yên bên Chúa, thinh lặng lắng nghe. Mỗi ngày, mỗi tối, chúng ta dành ít phút ở
yên bên Chúa, ở riêng với Chúa, ta không cần phải nói gì vì Chúa thấu hiểu lòng
ta, Chúa sẽ nói với ta và sẽ chỉ cho ta biết phải làm gì và phải sống thế nào.
Mỗi người,
mỗi gia đình cùng học nơi tấm gương của Abraham và của cô Mátta hôm nay, sẵn sàng
mời Chúa, đón Chúa ghé thăm tâm hồn và gia đình. Mỗi khi tham dự thánh lễ và rước
lễ, Chúa sẽ vào thăm tâm hồn và Chúa sẽ theo ta về với gia đình. Khi chúng ta ân
cần đón tiếp Chúa mỗi ngày, Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn ta, sẽ chúc phúc và ban
ơn cho ta. Chúa sẽ thoả mãn khao khát trong tâm hồn như Ngài đã ban cho Abraham
điều ông bà hằng mong đợi. Chúa cũng đến với mỗi người qua những anh em trong xóm
làng, qua những người nghèo khó đến gõ cửa nhà ta. Khi chúng ta niềm nở, nhiệt
tình đón tiếp anh em, là chúng ta đang đón tiếp Chúa. Khi chúng ta bước đến thăm
viếng người thân và anh chị em, chính chúng ta trở thành những người đem Chúa, đem
niềm vui và bình an của Chúa đến với họ.
Nhờ lời
Chúa hôm nay nhắc nhở, xin cho chúng ta dám mở rộng cánh cửa tâm hồn và mở cửa
nhà đón Chúa đến thăm mỗi ngày; xin cho chúng ta cũng trở thành người đem Chúa đến
cho anh chị em, nhất là anh chị em lương dân, để qua những lần chúng ta gặp gỡ,
tiếp xúc, truyện trò, họ nhận ra Chúa nơi lời nói, cách cư xử của chúng ta.
Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí