CHÚA NHẬT 16
THƯỜNG NIÊN C
QUÂN BÌNH GIỮA VIỆC CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ TRONG ĐỜI SỐNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 10,38-42
(38) Trong khi Thầy trò đi đường,
Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón
Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. (39) Cô này cứ ngồi
bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. (40) Còn cô Mác-ta thì tất bật
lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới
sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” (41) Chúa đáp : “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá !
(42) Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt
nhất và sẽ không bị lấy đi”.
2. Ý CHÍNH :
Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay có 3 nhân vật chính : Đức Giê-su và hai chị em Mác-ta Ma-ri-a. Hai chị em này phục vụ
Đức Giê-su mỗi người một cách : Mác-ta thì
bận rộn lo việc cơm nước, đang khi Ma-ri-a lại ngồi bên chân Thầy và
nghe Lời Người. Mác-ta khó chịu với cô em và xin Thầy can thiệp bảo
Ma-ri-a giúp đỡ mình. Nhưng Người lại cho biết việc nghe Lời Chúa mà
Ma-ri-a đang làm mới là điều quan trọng và cần thiết hơn cả.
3. CHÚ THÍCH :
- C 38-39 : + Trong khi Thầy trò đi đường vào
làng kia : Đức Giê-su vào làng Bê-ta-ni-a, cách Thủ đô Giê-ru-sa-lem 3 cây
số. + Có một người phụ nữ tên là Mác-ta : Đây là chị cả trong một gia đình có ba chị em. Mác-ta chưa lập
gia đình, vì nếu đã có chồng thì người chồng đã phải đứng ra tiếp
đón Đức Giê-su. Là chị cả nên Mác-ta phải đảm đương mọi việc. Bà lo
dọn bữa ăn phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ. + Đón Người vào nhà : Người Do thái vốn hiếu khách. Đức
Giê-su không những là khách mà còn là bạn thân của gia đình (x. Ga
11,5). Thái độ tiếp đón này trái với thái độ dân làng Sa-ma-ri trước
đó đã từ chối đón tiếp Người (x. Lc 9,53). Trong thời điểm những
ngày cuối đời, việc đón tiếp Đức Giê-su của Mácta còn là hành động
can đảm. Vì khi ấy Người đang bị các đầu mục Do thái theo dõi, ai đón
tiếp Người sẽ bị coi là đồng đảng và có thể bị khai trừ ra khỏi hội
đường nữa (x. Ga 9,22 ; 12,10.42). + Người em gái tên là Ma-ri-a : Đây là Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a, khác
với Ma-ri-a làng Mác-đa-la (x. Lc 8,2), cũng không phải là Ma-ri-a thân
mẫu Gia-cô-bê và Giô-sép (x. Mt 27,56), không phải Ma-ri-a mẹ của Gio-an
(x. Cv 12,12). Cô Ma-ri-a là em của Mác-ta, là chị của La-da-rô. Chính cô
Ma-ri-a này đã hy sinh bình dầu đắt tiền để xức chân Đức Giê-su (x Ga
12,3). Cần phân biệt cô Ma-ri-a này với người phụ nữ tội lỗi cũng
xức dầu thơm trên chân Đức Giê-su (x Lc 7,38). Cả 3 chị em nhà này đều
được Đức Giê-su yêu mến (x. Ga 11,5). + Ngồi bên chân Chúa mà nghe
Lời Người dạy : Trong Lu-ca, ngồi dưới chân là thái
độ của người môn đệ (x. Lc 8,35 ; Cv 22,3).
- C 40-42 : + Em con để mình con phục vụ... : Mác-ta luôn tỏ lòng
quí mến Đức Giê-su và quan tâm phục vụ Người (x. Ga 12,2). Cô không hài
lòng khi thấy cô em Ma-ri-a nhàn nhã ngồi bên chân và nghe Thầy dạy đang khi cô
phải vất vả lo làm bữa cho Người. Do đó cô đã yêu cầu Đức Giê-su cho Ma-ri-a
xuống bếp giúp cô một tay. + Chỉ có một chuyện cần thiết mà
thôi : Chuyện cần
thiết duy nhất này là gì ? Đó là điều cô em Ma-ri-a đang làm : “Ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Đức Giê-su không
đánh giá thấp việc bếp núc của Mác-ta. Nhưng việc tìm biết thánh ý
Thiên Chúa lại là điều duy nhất cần thiết. Hơn nữa, Lời Chúa là của
ăn tinh thần nên có giá trị cao hơn của ăn vật chất như Người đã nói : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4) và “Lương thực
của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34).
4. CÂU HỎI : 1) Tin mừng đã kể ra mấy phụ nữ tên Ma-ri-a và các bà này
liên quan thế nào với Đức Giê-su ? 2) Có mấy người phụ nữ đã xức
dầu thơm cho chân Đức Giê-su ? 3) Đức Giê-su đã cho biết quan điểm thế
nào giữa hai việc phục vụ : Một là phục vụ bàn
ăn của Mác-ta và hai là ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người của
Ma-ri-a ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : “Cô Ma-ri-a cứ ngồi bên chân Chúa
mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ”
(Lc 10,39-40).
2. CÂU CHUYỆN :
1) GƯƠNG
CẦU NGUYỆN CỦA MỘT VỊ TỔNG THỐNG :
- Trong
tác phẩm SỐNG HẠNH PHÚC của Tổng Gíam Mục Fulton J. Sheen có một nhân chứng
đương thời với Tổng thống Hoa Kỳ ÁP-BRA-HAM LANH-CÔN (Abraham Lincohn) đã kể lại rằng
ông ta đã có thời gian ba tuần sống chung với A. Lincoln sau khi trận đánh Bull
Rull kết thúc :
“Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì sẽ
phải nói trước công chúng vào sáng hôm sau. Bấy giờ đã quá nửa đêm, hay đúng
hơn là gần đến hừng đông. Và tôi nghe có tiếng thầm thì trong phòng ngủ của Tổng
Thống. Cửa phòng còn hé mở. Tôi bước lại gần và thấy một cảnh tượng không thể
nào quên được.
- Tôi thấy Tổng Thống quì bên một cuốn Kinh Thánh đang mở.
Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một
lúc quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng Thống cầu nguyện như sau :
“Lạy
Chúa, Chúa đã nghe lời cầu khấn của Sa-lô-mon trong đêm khuya, để xin được ơn
khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu
Chúa không ra tay giúp đỡ. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm
lời cầu xin của Sa-lô-mon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này !”
2) LỜI CẦU NGUYỆN CẦN ĐI ĐÔI VỚI VIỆC PHỤC VỤ :
Ngoài việc cầu nguyện hằng ngày và lo trăm công nghìn việc theo chức vụ,
Tổng Thống ÁP-BRA-HAM
LANH-CÔN nhiều lần đã dành thời gian đi thăm
các nhà thương dã chiến để động viên tinh thần các thương bệnh binh.
Một hôm, khi đến thăm một bệnh viện dã chiến, bác sĩ giám đốc bệnh viện
đã dẫn Tổng Thống tới bên giường thăm một thương binh sắp chết. Với giọng nhẹ
nhàng, Tổng Thống ôn tồn hỏi anh :
- Tôi có thể giúp gì được cho anh không ?
Do không nhận ra người khách đến thăm là ai, nên bệnh nhân gắng gượng
nói :
- Xin ông làm ơn viết một lá thư cho mẹ tôi.
Người ta trao bút giấy cho Tổng Thống, và ông bắt đầu viết những gì
bệnh nhân muốn nói với mẹ anh ta như sau :
“Mẹ rất yêu dấu của con ! Con bị thương nặng trong khi thi hành nghĩa
vụ quốc gia. Có lẽ con sẽ không thể bình phục lại được. Mẹ đừng khóc nhiều vì
con. Xin mẹ hôn hai em Mary và John dùm con. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mẹ,
cho ba và hai em.”
Nói tới đây, người thương binh ngừng vì không còn hơi sức nói tiếp, nên
ông Lincoln đã ký thay cho anh ta và viết thêm cuối bức thư : “Viết thay cho
con trai của bà. Ký tên: Abraham Lincoln.”
Bệnh nhân xin cho xem lại những gì người khách đã viết thay cho mình,
anh ta sửng sốt khi nhận biết người tới thăm và viết thư thay cho mình. Anh hổn
hển hỏi với giọng ngạc nhiên :
- Ông thật là Tổng Thống của Hoa Kỳ đó ư ?
Abraham Lincoln âu yếm trả lời :
- Phải. Chính tôi đây.
Sau đó, Tổng Thống hỏi xem có thể giúp thêm anh gì nữa chăng. Gương mặt
anh như bừng sáng lên, anh sung sướng nói :
- Tôi sắp đi xa. Xin Tổng Thống hãy cầm lấy tay tôi và giúp tôi đi đến
cùng nhé.
Trong căn phòng bé nhỏ, Tổng Thống với tâm hồn của một người cha, đã âu
yếm cầm lấy đôi bàn tay chàng thương binh trẻ trong đôi tay mình và tiếp tục
nói với anh những lời khích lệ cho tới khi anh trút hơi thở cuối cùng.
3) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT NHÀ BÁC HỌC :
- PHÊ-ĐÊ-RIC Ô-DA-NAM (Federic Ozanam), một nhà hoạt động xã hội nổi
tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19, khi còn là sinh viên đại
học đã trải qua một cơn khủng hoảng về đức tin. Một hôm, để tìm một
chút thanh thản cho tâm hồn, anh vào một ngôi thánh đường ở Pa-ri. Từ
cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện ở hàng
ghế đầu gần gian cung thánh. Đến gần, chàng sinh viên nhận ra đó không
ai khác hơn là nhà bác học ĂM-PE (Ampère), vị giáo sư của anh, một
nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ. Anh đứng lặng lẽ một hồi để quan
sát nhà bác học khi ông đang cầu nguyện rất sốt sắng.
- Sau đó, anh theo gót thầy trở về phòng làm việc của ông. Thấy
chàng sinh viên đứng thập thò ngòai cửa, nhà bác học liền mở lời
hỏi : “Này anh bạn trẻ, anh
cần gì ? Tôi có thể giúp gì được cho anh đây ?” Chàng thanh niên nhỏ
nhẹ thưa : “Thưa giáo sư, con là
một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm. Hôm nay con xin hỏi
thầy một vấn đề về đức tin !” Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn đáp : “Anh lầm rồi. Đức tin là môn yếu nhất của tôi đấy. Nhưng nếu
giúp được anh điều gì thì tôi cũng sẵn sàng”. Chàng sinh viên liền
hỏi : “Thưa giáo sư, người
ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu đạo
đức siêng năng cầu nguyện hay không ?” Nhà bác học
ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh học trò. Sau một lát im lặng, ông trả
lời bằng một giọng run run đầy cảm xúc : “Con ơi ! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi
!”.
4) TẦM
QUAN TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG LÚC GIAN NGUY :
Trong cuộc
khảo thí tại trường sĩ quan trẻ, vị Thiếu tá giám khảo hỏi một chuẩn uý :
- Trong một cuộc hành quân, đơn vị do
anh chỉ huy rơi vào tình huống này : Phía trước và hai bên đơn vị của
anh đều bị quân địch vây chặt, chúng chặn cả lối rút lui của anh, có nghĩa là
đơn vị anh bị bao vây gọn, lúc đó anh sẽ xử trí thế nào ?
Mọi con mắt của Ban Giám Khảo đều đổ dồn
về phía anh sĩ quan trẻ, anh suy nghĩ một lát rồi đứng nghiêm trả lời :
- Thưa Thiếu tá và Ban Giám Khảo, tôi sẽ
hạ lệnh cho thuộc hạ : “Xin mọi người hãy cùng tôi cầu nguyện”.
Tất cả Ban Giám Khảo nhìn nhau bỡ ngỡ,
vì không ai nghĩ tới một câu trả lời như thế. Viên Thiếu tá liền vỗ vai anh sĩ
quan trẻ và nói :
- Anh hãy nhớ xử lý đúng như lời anh vừa
nói nhé !
3. THẢO LUẬN : 1) Qua Lời Chúa dạy hôm nay,
bạn thấy cầu nguyện có cần không ? Mỗi ngày bạn thường cầu nguyện
vào những lúc nào ? Bạn thường cầu nguyện như thế nào ? 2) Có khi nào
bạn cầu nguyện bằng cách đọc một đoạn Tin mừng, sau đó suy nghĩ và
cầu nguyện dựa theo ý tưởng mà Lời Chúa gợi ra hay không ? 3) Bạn có
thể dùng cách nào để biến các việc làm hằng ngày trở thành lời cầu
liên lỉ dâng lên Thiên Chúa không ?
4. SUY NIỆM :
1) TẦM QUAN
TRỌNG CỦA LỜI CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC
SỐNG :
Trong cuộc hành trình lên
Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, Đức Giê-su đã ghé làng Bê-ta-ni-a
và vào trọ trong nhà người bạn thân là La-gia-rô (x Lc 13,22). Chính trong ngôi nhà này Đức
Giê-su đã cho thấy tầm quan trọng của sự cầu nguyện, là noi gương cô Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người.
- “Thầy không để ý tới sao ?” : Cô chị Mác-ta
đã tỏ thái độ không hài lòng trước sự thờ ơ của Đức Giê-su và của cô em Ma-ri-a, khi để
mặc cô phải phục vụ nấu ăn một mình. Cô nhờ Đức Giê-su nhắc cho Ma-ri-a hãy xuống
bếp phụ giúp cô. Trong câu trả lời, Đức Giê-su không bác bỏ việc vất vả làm bữa
phục vụ Người của Mác-ta, nhưng Người muốn cô nhận ra đâu là điều cần nhất để
có Nước Trời làm gia nghiệp. Khi đề cập thái độ của Mác-ta, Đức Giê-su
dùng từ “nhiều chuyện”, nghĩa là quá chú trọng về món ăn vật chất mà quên đi sự
cần thiết của món ăn tinh thần là Lời Chúa.
- “Chỉ có một chuyện cần mà thôi” : Đức
Giê-su không chê thái độ phục vụ của Mác-ta, vì đó là cách cô biểu lộ
lòng mến dành cho Người. Nhưng Người lại đánh giá cao tâm tình của Ma-ri-a, khi
cô này đặt Người
làm trọng tâm. Qua
đó, Người muốn dạy các tín hữu chúng ta rằng : Tuy hằng ngày phải vất vả lo
toan tìm kiếm cái ăn cái mặc như cô Mác-ta, nhưng cũng phải biết dành thời
giờ để thể hiện lòng mến bằng việc lắng
nghe lời Chúa và tâm sự cầu nguyện với Người như cô Ma-ri-a.
2) GƯƠNG CẦU NGUYỆN KẾT HIỆP VỚI CHÚA CHA CỦA ĐỨC GIÊ-SU :
Sách Tin
Mừng đã ghi nhận gương Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha như sau :
- Sau
khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Đức Giê-su đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin
Mừng bằng cách lên núi ăn chay và cầu nguyện suốt 40 ngày (x. Mt 4,2b), để xin
Cha chúc lành cho công việc sắp thực hiện. Người cũng dạy môn đệ tránh thái độ
phô trương, nhưng hãy cầu nguyện nơi kín đáo (x. Mt 5,4-6). Tránh cầu nguyện
dài dòng như dân ngoại nhưng hãy nói vắn gọn như kinh Lạy Cha (x. Mt
4,7-14).
- Đức Giê-su đã nêu gương cầu nguyện với Chúa Cha trước
khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều : “Người cầm lấy năm cái bánh và
hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho môn đệ,
và môn đệ trao cho đám đông” (Mt 14,19). Người khuyên các môn đệ hãy hiệp thông
với nhau trong lời cầu nguyện: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời
cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu
có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt
18,19-20).
- Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha
(x. Mt 26,36-46). Tin Mừng Gio-an đã ghi lại lời cầu nguyện của Đức Giê-su gồm
26 câu trong đoạn 17. Trong vườn ghết-sê-ma-ni Người đã cầu xin Chúa Cha : “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi
uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42).
Trên thánh giá trước khi tắt thở, Đức Giê-su đã cầu nguyện: “Xin Cha tha cho
chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34)…
3) TẦM QUAN TRỌNG
CỦA SỰ CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI TÍN HỮU :
- Các mẫu gương cầu
nguyện : Đầu tiên là nhà bác học AM-PE, tên đầy
đủ là André Marie
Ampère (1775–1836), một nhà vật lý lừng
danh người Pháp, đã để
lại nhiều thành quả nghiên cứu khoa học như
điện học, nam châm điện... mang lại ích lợi cho nền văn minh nhân loại.
Thế nhưng, Am-pe không coi những thành quả đó là lớn lao khi nói với một
anh sinh viên rằng : “Chúng ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi”. Tiếp
đến là Thánh TÊ-RÊ-SA thành Can-quýt-ta, một nữ tu sống thánh thiện giữa
đời thường. Mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Can-quýt-ta” để
chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đến “nhà hấp hối” để an ủi những
kẻ đau liệt, Mẹ Tê-rê-sa đều cùng chị em trong cộng đoàn đến quì chầu
Thánh Thể tại nhà nguyện một giờ đồng hồ.
- Ích lợi của sự cầu
nguyện : Ngày nay, trong một thế giới thực
dụng coi trọng hiệu quả bề ngoài, Hội thánh đang có nhiều Mác-ta
nhưng lại có ít Ma-ri-a. Nhiều người đã coi việc lắng nghe Lời Chúa, cầu
nguyện là việc vô ích vì mất thời giờ và thụ động. Nhưng thực ra có
hành động nào hiệu quả cho bằng nghe và thực hành Lời Chúa ? Làm việc
tông đồ là mang Chúa đến cho tha nhân. Vậy tại sao chúng ta lại không
múc đầy tình yêu nơi Chúa Giê-su là suối nguồn yêu thương vô tận. Hãy
ý thức tầm quan trọng của sự kết hiệp với Chúa như lời Người dạy : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở
lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có
Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Đôi tay của cô Mác-ta lo bữa
ăn cho Đức Giê-su là một việc quan trọng và không thể thiếu về phần thể
xác. Nhưng đôi chân quì bên Chúa và đôi tai lắng nghe Lời Người của
Ma-ri-a lại càng quan trọng và cần thiết hơn như Lời Chúa khẳng định : “Ma-ri-a đã chọn phần tốt
nhất” (Lc 10,42).
4) QUÂN BÌNH GIỮA LỜI CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ :
- Trong một ngày, chúng ta thường chỉ dành ít phút buổi sáng cho
việc cầu nguyện dâng lễ, còn phần lớn thời gian còn lại là dành cho
các sinh hoạt khác. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể biến mọi sinh hoạt
đời thường như : ăn uống, ngủ nghỉ,
học tập, làm việc... trở thành lời cầu nguyện, bằng cách dâng ngày mỗi
sáng khi vừa thức giấc. Rồi trong ngày hãy năng thưa với Chúa lời nguyện
tắt trước mỗi công việc : “Lạy Chúa, con làm việc này để biểu
lộ lòng con yêu mến Chúa,… để cầu xin cho một người đang lạc xa Chúa được sớm
trở về với Chúa”… Nhờ đó, chúng ta sẽ biến những việc làm hằng ngày của
mình trở thành lễ vật, kết hiệp với lễ vật cao trọng là Mình Máu
Chúa Giê-su luôn được dâng trên các bàn thờ khắp nơi trên thế giới.
- Một tín hữu sẽ có nếp sống đạo đức quân bình khi vừa lo chu tòan việc
bổn phận phục vụ Chúa và tha nhân như Mác-ta, nhưng đồng thời không quên kết hiệp
với Chúa như Ma-ri-a. Đừng đợi đến khi xong việc mới nhớ đến Chúa. Vì
chính khi đang bận rộn phục vụ tha nhân, là lúc chúng ta cần được Chúa ban
ơn trợ giúp nhờ sự cầu nguyện bằng lời nguyện
tắt.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi con bị bao vây bởi những tiếng ồn ào, xin cho
con tìm được những phút giây thinh lặng bên Chúa. Khi con vất vả với
trăm công nghìn việc, xin cho con biết quý trọng những phút giây được an
nghỉ bên lòng Chúa. Khi con bị kéo ghì bởi những đam mê dục vọng, xin
cho con được ơn giải thoát và hướng lòng trí lên cao nhờ kêu cầu Danh Thánh
Chúa. Ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần trong cuộc sống đời thường
của con, để con có thể cầu nguyện không ngừng như lời thánh Phao-lô : "Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em
hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI
CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM