Ngày 22 tháng 07 năm 2022
Lễ Kính Thánh Nữ Maria Mác-đa-la
« Tôi đã thấy Chúa »
Tin Mừng Ga
20,1-2.11-18
1 Sáng sớm ngày thứ nhất
trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá
đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông
Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem
Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở
ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc
áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở
phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : “Này
bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không
biết họ để Người ở đâu !” 14 Nói xong, bà quay lại và
thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà :
“Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền
nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người
ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và
nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo : “Thôi,
đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy
và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên
Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo
cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với
bà.
Suy niệm
1. Bà Maria
Mác-đa-la
Sự hiện diện của
các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao
giảng Tin Mừng của Người ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một
cách long trọng trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm
Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người tr ừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà
Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà
Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà
khác nữa” (Lc 8, 1-3). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục
Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nhấn mạnh, không phải bởi một Tin Mừng,
nhưng bởi cả bốn Tin Mừng. Thật vậy, các Tin Mừng đều nói về các bà và nói theo
những cách khác nhau, như Giáo Hội cho chúng ta nghe lại hằng năm trong Mùa
Phục Sinh (Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).
Trong số các bà,
Bà Maria Mác-đa-la là nổi bật nhất. Bà được cả bốn Tin Mừng nêu đích danh trong
các trình thuật phục sinh (Mt 28, 1 ; Mc 16, 1 ; Lc 24, 10). Vậy,
chúng ta hãy nhìn ngắm bà Maria, khi bà cùng với Đức Maria, có mặt dưới chân
thập giá (Ga 19, 25). Vậy bà là ai ? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ
khỏi bảy quỉ (Lc 8, 1-3). Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với
Đức Giêsu đến như vậy ; bà gắn bó với Thầy của mình trong những lúc thử
thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất ; bà gắn bó với Thầy khi Thầy
chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan.
2. Đấng Phục Sinh và Bà Maria Mác-đa-la
Nhưng chính lúc
bà đi tìm Thầy đã chết, lại là lúc bà nghe được một tiếng nói sống động gọi tên
của mình : « Maria » ; và khi nghe được tiếng gọi, đó cũng
chính là lúc bà nhận ra sự hiện diện. Cũng tương tự như kinh nghiệm nghe được
tiếng nói sống động của Đức Kitô ngỏ với chúng ta một cách đích thân khi chúng
ta đọc và cầu nguyện với Lời Chúa. Hãy dừng lại thật lâu để chiêm ngắm cuộc gặp
gỡ hoàn toàn và tuyệt đối bất ngờ này. Hãy xin để được cùng chung vui với niềm
vui lớn lao của cuộc tái gặp gỡ này. Bà Maria đi tìm thân xác đã chết của Chúa,
nhưng bà lại được gặp thân xác Phục Sinh rạng ngời của Ngài. Đức Giêsu đã từng
nói rằng khi từ bỏ để dấn thân, anh chị em sẽ được gấp trăm, rằng khi liều mất
mạng sống sẽ được ban lại sự sống ; với kinh nghiệm gặp gỡ bất ngờ tuyệt
đối này, chúng ta mới hiểu được những lời nghịch lý đó của Thày Giê-su. Hãy
nhìn ngắm bà Maria chìm ngập trong niềm vui, trong ơn an ủi khôn tả và chia vui
với bà: chắc chắn bà đã lao đến ôm chân Đức Kitô (x. Mt 28, 9), vì sau đó Ngài
nói: “Thôi đừng giữ Thầy lại”. Và cũng chắc rằng, Ngài đã cứ để như thế một lúc
thật lâu. Thật là thân thương!
3. « Tôi đã
thấy Chúa »
Vẫn chưa hết,
chính bà Maria là người đầu tiên được Đức Kitô trao sứ mạng loan báo Tin Mừng,
không phải cho muôn dân ngay tức thì, nhưng trước hết cho chính các anh em của
Ngài, nghĩa là cho các tông đồ và các môn đệ, nghĩa là cho « các đấng các
bậc » ! Vì thế, Truyền Thống Giáo Hội tặng cho thánh nữ danh hiệu
« Tông Đồ của các Tông Đồ ». Sứ mạng này vẫn còn được Đức Kitô phục
sinh trao cho các phụ nữ hôm nay, trong đó một cách rất đặc biệt cho các nữ
tu !
Nội dung lời
loan báo là : « Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh
em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ». Tin
Mừng này chất chứa lòng ước ao bừng cháy của Thầy Giêsu : thông truyền cho
anh chị em của Ngài tất cả những gì ngài là : « Cha của Thầy cũng
là Cha của anh chị em, Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em. »
Như thế, nhờ, với và trong Đức Kitô Phục Sinh, một tương quan mới được khai mở
cho chúng ta:
Ø Đó là
tương quan đích thân “Maria” – “Thầy Giêsu”; nhưng tương quan này không còn lệ
thuộc vào hiện diện thể lý, vì Đức Kitô Phục Sinh nói : “Đừng giữ Thầy
lại”.
Ø Chúng ta
trở nên « anh chị em của Thầy”, bởi vì “Cha của Thầy cũng là Cha của
anh chị em”, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em ».
Chúng ta được mời gọi lựa chọn đời tu, trong đó có lựa chọn đời độc thân, chính
là để sống triệt để và làm chứng cho những tương quan hoàn toàn mới này: mọi
người là môn đệ của Đức Giêsu và là con cái của Cha, vì vậy mọi người là anh
chị em của nhau, vượt qua vô hạn tương quan huyết thống.
Đó chính là những
hoa trái mà sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh ước ao thông tuyền cho chúng
ta. Trình thuật về cách bà Maria thi hành sứ mạng Đức Kitô uỷ thác thật ngắn,
nhưng lại nói lên tất cả : đi gặp gỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm đích
thân : « tôi đã thấy Chúa » ; và bà truyền đạt lại điều
Chúa đã nói với bà.
* * *
Hành trình đi
theo Chúa của bà Maria Mác-đa-la là một hành trình thật đẹp và đáng ước ao.
Hành trình này cần được tái hiện lại trong hành trình theo Đức Giêsu-Kitô của
mỗi người chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn
Văn Lộc