HÃY TÌM NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
Nhân loại bước vào thế kỷ 21 với một tài sản phong phú và dư dật là nền khoa học phát triển với tốc độ chóng mặt. Trước sự phát triển của khoa học, niềm tin vào Thiên Chúa bị coi là lạc hậu: Những tiến bộ của khoa học làm cho xã hội ngày càng phát triển, thỏa mãn được mọi nhu cầu của con người, tin vào Thiên Chúa làm chi?
Thế nhưng các tiến bộ khoa học không giải quyết được hết các vấn đề của con người. Khoa học đưa người ta lên mặt trăng, chữa được nhiều bệnh nan y, nhưng lại bất lực trước hội chứng stress, “được mệnh danh là đại dịch của thế kỷ 21…, không kém nạn nghiện thuốc lá, bệnh cao huyết áp, bệnh tăng cholestorol trong máu và nạn béo phì. Và trong 40 năm qua con số những người tự sát trên thế giới tăng 60%, cứ 40 giây lại có 1 người tự sát…” (Bức tranh toàn cầu hóa, Frédérich Labarthe, Tia Sáng, tháng 4.2004).
Có nhiều định nghĩa về stress, nhưng đáng chú ý nhất là định nghĩa của R.S. Lazarus, theo đó stress là sự căng thẳng xuất hiện khi cá nhân nhận thấy rằng họ không thể ứng phó/ đáp ứng được với những yêu cầu đối với họ hoặc đe dọa sự tồn tại khỏe mạnh của họ.
Stress được nẩy sinh trong mối tương quan giữa con người với những tác nhân bên ngoài. Nhưng những tác nhân kích thích từ bên ngoài không quyết định mức độ stress của con người, mà chính cách nhìn của mỗi người mới là yếu tố quyết định mức độ stress.
Một đệ tử của Junaid đến biếu ông một túi đầy những thỏi vàng. Junaid hỏi: "Con còn những thỏi vàng khác chứ?”
- Dạ, còn nhiều thầy ạ!
- Và con vẫn bận tâm đến nó?
- Vâng!
- Vậy thì con cần phải giữ lại số vàng này, vì con bận tâm đến chúng. Thầy không có gì và cũng chẳng ước muốn gì, như thế thầy còn giàu có hơn con đấy.
Dù có ít hay có nhiều, người môn đệ vẫn căng thẳng, ông thầy thì ngược lại. Thế nhưng thói đời lại thích căng thẳng, thích bị truy đuổi bởi những chỉ tiêu vô hạn định của lòng tham: "tôi sẽ … phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn”, mà quên đi cái giới hạn to đùng của kiếp người: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi.”
Vì muốn lấp đầy cho lòng tham mà người ta tự đánh mất chính mình. Đời sau thì không lo đến, còn đời này thì sống như khổ ải: "Ích gì cho ngươi bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?” (Gv 2, 22-23)
Henry Ford, còn được gọi là ‘vua xe hơi’, là người có một phong cách sống lạc quan, nhờ đó mà ông vẫn giữ được sức khỏe tốt khi tuổi đã cao. Mấy năm trước khi từ trần, Dale Carnegie đã phỏng vấn ông: "Có bao giờ ông lo lắng không?”
Henry Ford trả lời: "Không, tôi tin rằng Thượng Đế điều khiển mọi việc của Ngài, không cần tôi tính toán giùm Ngài. Đã có Ngài lo rồi thì mọi sự hoàn thiện hết, còn ưu tư nỗi gì nữa.”
Đúng thế, tình yêu và sự quan phòng của Chúa là chỗ dựa vững vàng cho mọi tín hữu. Với niềm tin vững vàng đó, dù có ở giữa bao thảm họa, ông Gióp vẫn tuyên xưng: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!" (G 1,21)
Chúa Giêsu đặt sự làm giàu trước mặt Thiên Chúa đối kháng với sự tích trữ của cải trần gian, để cho thấy rõ sự mất trắng tay của người tham, và thôi thúc người ta làm giàu trước mặt Chúa: "của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”
Sống giữa đời có nhiều điều phải tìm, nhưng làm giàu trước mặt Chúa là điều được thánh Phaolô nhấn mạnh: "Anh em đã được trỗi dậy cùng Chúa Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.”
“Hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ thần tượng.” (Cl 3,2.5)
Đây là mệnh lệnh cấp bách. Tại sao tôi còn chần chừ, trì hoãn, vì "nếu hôm nay con không sẵn sàng, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?” (Imit, 1,23,8)
Lm. HK