CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG
NIÊN C
TA ĐANG ƯU TƯ VÀ TÌM KIẾM
ĐIỀU GÌ TRONG ĐỜI?
Tin Mừng Lc 12,13-21
13 Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa
Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp : “Này
anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh
?” 15 Và Người nói với họ : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ
của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng
nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng : ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích
trữ hoa mầu !’ 18 Rồi ông ta tự bảo : ‘Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia
đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào
đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư
xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ 20 Nhưng Thiên Chúa
bảo ông ta : ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những
gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không
lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Suy niệm
Do ảnh hưởng chung của thế giới, tình hình đồng tiền mất giá, giá cả leo
thang khiến cho nhiều người lo lắng. Những người nghèo thì lo lắng kiếm tiền lo
cho gia đình. Trái lại, giàu như những quan chức, đại gia nhưng cũng ăn
không ngon ngủ không yên, vì phải sống trong thấp thỏm lo âu. Giàu như ông
chủ cà phê Trung nguyên, nhưng lại nghèo hạnh phúc.
Có nhiều người hầu như dành cả cuộc đời chỉ để tìm kiếm, tích trữ thật
nhiều tiền bạc, đất đai, nhà cửa mà quên đầu tư cho phần rỗi linh hồn và cuộc sống
mai sau của mình. Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta biết chúng ta cần phải ưu
tư điều gì, điều gì là cần thiết, phải biết tích trữ những gì cho tương lai,
cho cuộc sống đời đời.
Tác giả sách Giảng Viên đã đúc kết kinh nghiệm sống của bao thế hệ và đưa
ra cho chúng ta những lời chỉ dạy và những điều để mỗi người suy gẫm về cuộc sống.
Mở đầu sách Giảng Viên, tác giả đã đưa ra một nhận định nghe có vẻ bi quan,
nhưng lại là một lời dạy hết sức thực tế về tất cả mọi sự việc xảy ra trên đời:
“Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Lời nhận định này cho
thấy tất cả mọi sự trên thế gian này chỉ như gió thoảng, mây trôi không ai nắm
giữ mãi được.
Tác giả giải thích thêm: Con người phải đem hết khả năng, trí tuệ, sức lực
làm việc vất vả, tìm kiếm thành công, địa vị, danh vọng và tài sản của cải, cuối
cùng lại phải để lại sự nghiệp của mình cho người khác. Đó là đại hoạ và là dại
dột. Điều này cũng đang xảy ra từng ngày trong cuộc sống: Có nhiều người đánh đổi
tuổi trẻ, sức khoẻ, thời giờ của mình để kiếm được nhiều tiền, rồi sau đó lại
dùng tiền để tìm lại sức khoẻ. Có những người phải lao công, tổn sức, mất ăn mất
ngủ để làm giàu, đến khi giàu có, lại mất ăn mất ngủ lo lắng để bảo vệ tiền của
khỏi trộm cắp và mạng sống của mình được an toàn. Tác giả sách Giảng viên nhìn
tất cả những mâu thuẫn, nghịch lý trong cuộc sống của những người như thế đều
là phù vân, nhất thời và vô lý.
Chúa Giêsu không nhìn cuộc sống bằng cái nhìn bi quan, an phận, nhưng
Ngài dạy chúng ta biết suy nghĩ và chọn lựa khôn ngoan; biết điều gì là quan trọng
và cần thiết cho cuộc sống đời đời hơn là những lợi lộc trước mắt. “Có một
người đến xin Chúa Giêsu: Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia gia tài cho tôi.”
Chúa Giêsu không đứng ra làm trọng tài để giải quyết tranh chấp tài sản trong
gia đình, nhưng Chúa cảnh báo cho biết rằng: Đừng để tiền bạc tài sản và sự
tham lam làm mất tình nghĩa anh em gia đình, nhất là đừng vì tham lam mà bỏ
quên mạng sống và đừng vì của cải mà bỏ quên linh hồn mình.
Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn về một người giàu có nhưng dại khờ không biết
lo liệu cho mạng sống tương lai đời đời của mình: Người phú hộ có ruộng đất
sinh nhiều hoa lợi, anh không nghĩ đến việc chia sẻ cho người khác, cũng không
nghĩ đến số phận linh hồn của mình sẽ ra sao? Anh chỉ nghĩ đến bản thân và sự
hưởng thụ. Anh tự nhủ: “Tôi sẽ phá những kho cũ và xây những cái mới hơn, to
hơn để chất tất cả của cải của tôi vào đó.” Việc người phú hộ này vất vả
làm việc, được trúng mùa có nhiều thóc lúa đó là niềm vui; việc anh xây kho lẫm
để cất giữ lương thực cũng là điều cần. Chúa Giêsu không chê anh ở điểm này.
Tuy nhiên, người phú hộ này lại tự nhủ: “Hồn ta ơi, mình bây giờ ê hề
của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã!”
Đây chính là điều mà trong câu chuyện, Chúa Giêsu gọi anh là: “Kẻ ngu ngốc!
Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về
tay ai?” Người này bị coi là ngu ngốc vì anh đã hoàn toàn đặt tương lai cuộc
đời của anh vào khối lúa thóc và tài sản thu tích được. Anh cho rằng kho thóc
lúa, tài sản đó sẽ bảo đảm cho tương lai cuộc đời của mình. Anh biến tài sản trở
thành chúa, thành cùng đích cuộc đời mình. Anh nghĩ rằng anh sẽ sống mãi, sẽ hưởng
thụ mãi sự giàu sang, mà quên có thể ngay đêm nay, anh phải chết, phải trả lại
linh hồn cho Thiên Chúa, phải ra trình diện trước mặt Chúa và trả lẽ về cuộc đời
của mình.
Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Những kẻ chỉ biết thu tích của cải
cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế.”
Như vậy, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng, khi còn sống trên trần gian, chúng
ta vẫn phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Ta có thể tích góp cho
gia đình, tuy nhiên, nếu chỉ lo tích góp của cải mà không lo tìm kiếm và làm
giàu trước mặt Thiên Chúa, thì sẽ biến mình thành kẻ ngu ngốc, dại khờ như người
điền chủ trong dụ ngôn.
Thưa quý OBACE, chúng ta phải ưu tiên tìm kiếm điều gì cho cuộc đời của
mình? Ta sẽ phải thu tích những gì cho cuộc sống mai sau? Nói cách khác, ta phải
làm gì để trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa?
Cám dỗ triền miên của con người vẫn là cám dỗ chạy theo tiền bạc, của cải
và cuộc sống hưởng thụ. Trong thư Côlôsê, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta điều cần
và cũng là ưu tiên trong cuộc đời mỗi người: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với
Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới.” Như vậy, lý do
chúng ta phải tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là vì chúng ta thuộc về Chúa
Kitô. Chúng ta không thể thuộc về Chúa Kitô nhưng lại không tìm kiếm Đức Kitô.
Người đời thuộc về thế gian, nên họ tìm kiếm những điều thuộc về thế gian.
Chúng ta khác họ vì đã được biết Đức Kitô, được Đức Kitô cứu chuộc và thuộc về Đức
Kitô, chúng ta được mời gọi sống con người mới và loại trừ khỏi mình những
gì thuộc hạ giới, đó là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam.
Thực tế, chúng ta vẫn đang sống trên thế gian, đang phải chịu sự chi phối
của thế gian, mỗi người vẫn đang chịu sự giằng co lôi kéo bởi thế gian. Khi mời
gọi chúng ta tìm kiếm những điều thuộc thượng giới, tích trữ kho tàng trên trời,
thì không có nghĩa là chúng ta bỏ bê công việc bổn phận hàng ngày của mình,
nhưng Chúa muốn chúng ta, sống cuộc sống hằng ngày ở trần gian, nhưng mang mục
tiêu, đích đến là Nước Trời: “Vì lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có
ích gì.” Chính vì mục tiêu, đích đến của chúng ta là Nước Trời, nên chúng
ta phải chấp nhận buông bỏ những gì cản trở chúng ta trên con đường về Trời.
Cũng vì mục tiêu đó, chúng ta chấp nhận hy sinh, chấp nhận bị coi như thua thiệt
trước mặt người đời, chấp nhận cả thiệt thòi ở trần gian để sống theo lý tưởng Nước
Trời.
Thực tế, nhiều người đã quên mất mục tiêu đích đến của cuộc đời mình, vì
thế họ dành hết cuộc đời để chạy theo tiền bạc, danh vọng, địa vị. Có những người
vì cám dỗ này mà để linh hồn và đời sống thiêng liêng rơi vào nguy hiểm. Cũng
vì cám dỗ của sự tham lam tiền bạc của cải, nhiều người đã gây đổ vỡ tình cha
con, anh em ruột thịt như người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.
Nhiều gia đình đã trở nên giàu có, nhà cửa, vật dụng, phương tiện sang trọng,
nhưng trong căn nhà ấy đã không còn tình yêu thương sự cảm thông, bởi vì không
còn có chỗ cho Chúa cư ngụ.
Cám dỗ kiếm được thật nhiều tiền, trở nên giàu có, nổi tiếng cũng đang là
cám dỗ của nhiều bạn trẻ thanh niên nam nữ. Nhiều người bị cám dỗ làm giàu
nhanh chóng, có thật nhiều tiền mà không phải vất vả. Những cám dỗ này đã cướp
đi thời gian, cuộc sống và khiến nhiều bạn trẻ đánh mất mục tiêu là Nước Trời
và sự sống đời đời của linh hồn. Vì thế, nhiều bạn đã lao vào cuộc đời mà không
quan tâm đến việc nuôi dưỡng, bồi bổ cho linh hồn bằng Lời của Chúa và bằng các
Bí tích. Nhiều bạn trẻ có đạo, nhưng biến mình thành như kẻ ngoại đạo, không có
đức tin, qua cách sống hời hợt, vui chơi, thoả mãn, không đọc kinh cầu nguyện,
không tham dự thánh lễ.
Xin Chúa giúp mỗi chúng ta chu toàn nhiệm vụ theo hoàn cảnh, bậc sống của
mình. Xin Chúa giúp ta luôn nhớ và tích trữ cho mình kho tàng thiêng liêng trên
Trời là lòng yêu mến Thiên Chúa, sống yêu thương anh em và làm nhiều việc lành
việc tốt, để dù ngay đêm nay hay ngày mai Chúa đòi linh hồn chúng ta, chúng ta luôn
sẵn sàng ra trình diện Chúa. Amen
Lm. Giuse
Đỗ Đức Trí