Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 21

CHỦ NHẬT 21 TN A

truyengiao.jpgThỉnh thoảng chúng ta gặp những người, vì một lí do nào đó, có những phản ứng thái quá, đi đến chỗ khinh thường Lề luật mà truyền thống để lại và thay vào đó một kiểu diễn tả tâm tình tôn giáo ngẩu hứng của mình. Tin mừng của Chúa Giê su Ki tô là một Hồng ân, đó là một món quà mà chúng ta là những người nhận lãnh. Thế nên chúng ta không thể sửa đổi cho hợp với ý của mình. Là người Ki tô hữu tức là chấp nhận những điểm qui chiếu do chính Đức Ki tô ấn định.

Sách Tiên tri Is 22, 19-23

Chúng ta đang ở cuối thế kỉ thứ 8 trước Công Nguyên. Một viên chức âm mưu lôi kéo toàn đất nước vào một cuộc chiến tranh chống lại Assiri. Tiên tri Isaia lên án những thủ đoạn đó vì nó cho thấy thiếu lòng tin vào Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 137

Lời ca tụng Thiên Chúa đã ban cho tôi tớ của Người can đảm và sức mạnh. Người đã quan tâm đến những kẻ khiêm nhu và triệt hạ nhũng kẻ kiêu căng. Xin Người hãy tiếp tục phù trợ con cái Người.

Thư gửi Rm 11, 33-36

Sau khi đã cho thấy đâu là cuộc sống của người tín hữu đầy tràn Thánh Thần, thánh Phao lô đã suy niệm về số phận của dân Israên. Ngài tin tưởng rằng một ngày kia, dân của Ngài cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Rồi ngài kết thúc suy tư của mình bằng một lời ca tung Chúa. Ngài tiếp nhận với lòng biết ơn chương trình cứu độ của Người mà Ngài tỏ lòng bái phục.

Mt 16: 13-20

NGỮ CẢNH

Với đoạn nầy chúng ta đi vào phần trung tâm Tin mừng Mt. Lần đầu tiên Chúa Giê su hỏi ý kiến các môn đệ về bản thân Ngài (16,13-20) ; và cũng là lần đầu tiên Chúa Giê su loan báo cuộc thương khó Ngài sẽ phải chịu (16,21-23). Từ đây Chúa Giê su lìa bỏ miền Galilê để lên đường đi về Giêrusalem, và dành thời giờ chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận cuộc Khổ nạn của Ngài (16l,24-28).

Có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:

1. Câu hỏi về chân tính Chúa Giê su và lời tuyên tín của Phê rô (16,13-16)

2. Tuyên bố về tư cách Phê rô (16,18-19)

3. Lệnh cấm nói về chân tính của Ngài (16,20)

TÌM HIỂU

Các ông thưa: ‘Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả, kẻ thì bảo là ông Êlia: Câu trả lời của các môn đệ cho thấy có nhiều ý kiến khác nhau về Chúa Giê su, nhưng tất cả đều không tách rời lịch sử Israel: các câu trả lời cho thấy họ đều tin rằng Ngài rất có thể là một sứ giả của Thiên Chúa, đến để hoàn tất các lần can thiệp của Người trong lịch sử

Thầy là ai: Chúa Giê su hỏi ý kiến các môn đệ về sứ mạng lịch sử của Ngài đối với Thiên Chúa và dân Ngài, điều mà câu trả lời của Phêrô sẽ khẳng định. Điều Ngài sẽ thực hiện ở trần gian để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại sẽ cho biết Ngài là ai.

Con Thiên Chúa hằng sống: Chỉ có Mt mới thêm chi tiết nầy vào câu trả lời của Phêrô và đã khiến cho người ta có nhiều ý kiến về nó. Một số người xem đây là lời tuyên xưng thần tính của Chúa Giê su: Chúa Giê su chính là Thiên Chúa. Một số khác thì nghĩ rằng kiểu nói ấy chỉ có nghĩa: “Ngài là đấng Messia” mà thôi. Mỗi ý kiến đều có đủ lý chứng hỗ trợ. Có lẽ lúc đầu kiểu nói ấy chỉ thuần tuý có ý nghĩa thiên sai (= đấng Messia); nhưng sau đó được đọc lại dưới ánh sáng phục sinh và mặc lấy đầy đủ ý nghĩa thần tính.

Không phải phàm nhân: dịch sát là “thịt và máu”. Đây là kiểu nói Hip pri để chỉ các yếu tố tiêu biểu hình thành con người.

Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thành của Thầy: Cách chơi chữ nầy cho thấy tính sáng tạo của Chúa Giê su. Trước Ngài, chúng ta không hề gặp một thí dụ tương tự nào như thế cả. Trong tiếng Aram, Kêphas là đá tảng. Biệt danh nầy sẽ mãi mãi gắn liền với Simon như tên riêng của ông. Cộng đoàn tiên khởi biết đến ông dưới cái tên Kêphas (1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14). Đổi tên như thế là chuyện thường tình trong CƯ: nó cho thấy mối liên hệ mới mẻ giữa người đổi tên và người được đổi tên, đồng thời còn mặc thêm một ý nghĩa mới nữa (Stk 17,5.15; 33,10; Ds 13,16; 2V 23,34; 24,17). Ở đây ý nghĩa thật rõ ràng: đức tin mà ông Simon vừa tuyên xưng sẽ là tảng đá nền móng, tảng đá bền vững trên đó Chúa Giê su sẽ xây Hội Thánh của Ngài. Thực ra, chính Chúa Giê su là nền móng vô hình của Giáo hội (1 Cr 3,10-11; 1Pr 2,6-8; Ep 2,20), nhưng chính Phêrô sẽ là nền móng hữu hình sau khi Ngài ra đi. Ta ‘sẽ xây’ qui chiếu đến tương lai sẽ đến sau cái chết và Phục sinh của Chúa Giê su.

Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi: Qua câu nầy, hình như Chúa Giê su muốn nói đến quyền lực âm phủ, tức là nơi tạm trú của những người chết chờ ngày sống lại sau hết, chứ không phải là hỏa ngục. Quyền lực ấy sẽ không thể kềm giữ những người sẽ thuộc về cộng đoàn thiên sai trong cõi chết (Is 38,10; G 38,17; Tv 14; Kn 16,13). Nếu Chúa Giê su đã muốn cho Giáo hội trường tồn, thì chắc chắn Ngài cũng muốn cho những gì mà Ngài ban cho Phêrô cũng được trường tồn. Do đó sự kế nhiệm vai trò ông Phêrô là điều hợp lý.

Chìa khoá Nước Trời: Is 22,22 nhắc lại lời Thiên Chúa nói là Ngài sẽ đặt chìa khóa trên vai Engiakim để ban cho ông quyền mở và đóng cửa vào hoàng cung, tức quyền cho phép hoặc ngăn cản nhà vua ra vào. Trong Kh 3,7, chính Chúa Giê su tự giới thiệu như là Đấng nắm chìa khóa nhà Đa vít. Chìa khóa ở đây ám chỉ đến thẩm quyền mà do thái giáo dành cho để giải thích lề luật, ở đây chỉ thẩm quyền trên lời tuyên xưng Chúa Giê su là Con Thiên Chúa.

Cầm buộc tháo cởi: là quyền quyết định một hành vi hay thái độ có được Lề luật cho phép hay cấm đoán. Thẩm quyền của Phêrô có liên quan đến giáo huấn của Chúa Giê su.

Rồi Ngài cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki tô: có lẽ Chúa Giê su dè dặt, sợ rằng tiết lộ quá sớm phẩm chức thiên sai của Ngài sẽ khiến bùng lên cơn sốt quốc gia chủ nghĩa. Chỉ trong cái chết, Ngài mới hoàn toàn mạc khải phẩm chức thiên sai của Ngài.

SỨ ĐIỆP

Biến cố mà chúng ta nghe kể lại hôm nay nằm ngay trung tâm sách tin mừng Mát thêu. Sau một thời dài dạy dỗ các môn đệ, Chúa Giêsu muốn biết họ nghĩ gì về Ngài. Chung quanh các ông đã nhiều câu trả lời khác nhau: “Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả; kẻ khác lại nói là Êlia; kẻ khác nữa là Giêrêmia hoặc một trong các tiên tri”. Các ông đã biết rõ tất cả những câu trả lời là không đúng, rõ ràng càng ngày Chúa Giêsu bị nhiều người phủ nhận; nhưng các môn đệ không đề cập đến điều đó.

Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn: Chúa Giê su muốn hướng dẫn các môn đệ nói lên niềm tin của mình đề giúp họ dấn thân thực sự: “Đối với tất cả anh em, Thầy là ai?”. Chính Ngài đã chọn họ; Ngài đã kêu gọi họ đi theo Ngài. Ngài đã đặt trọn niềm tin nơi họ. Và hôm nay, Ngài cần biết họ đã đi đến đâu trên con đường đến với Ngài. Họ đã được mời gọi tuyên bố về điều mà họ nghĩ về Ngài và vị trí của Ngài trong cuộc đời của họ. Ngài muốn câu trả lời của họ là một lời tuyên xưng đức tin và nhất là lời tuyên xưng tình yêu.

Hôm nay, Chúa Giê su cũng đặt câu hỏi đó cho chúng ta: đối với chúng ta, Chúa Giê su là ai? Câu trả lời đúng không phải là câu mà chúng ta học trong sách Giáo lí, nhưng phải phát xuất tự đáy lòng. Thỉnh thoảng chúng ta nghe những cặp tình nhân nói với nhau: “Đời của anh bắt đầu ngày mà anh gặp em”. Khi người ta thật sự gặp gỡ Đức Ki tô, thì cũng giống như thế nhưng chiều kích lớn lao hơn nhiều. Đối với những ai từng trải nghiệm thì đó là một sự khởi đầu mới, một giai đọan mới. Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa lấp đầy cuộc sống của họ và thật tuyệt vời.

Và đó cũng là điều xảy ra cho Phê rô. Lời tuyên xưng của ộng thật rõ ràng: “Ngài là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đối với những ai đã chỉ coi Ngài như là một vị tiên tri nào đó, lời tuyên xưng ấy thật quá sức tưởng tượng. Ngay cả các môn đệ lúc bấy giờ chắc chắn cũng hết sức kinh ngạc. Nhưng Chúa Giê su thì không, Ngài biết rõ mọi sự, nên Ngài khẳng định: “Không phải máu huyết đã mạc khải cho con điều ấy, mà là Cha Thầy đấng ngự trên trời”. Máu huyết đó là huyết thống, những phương tiện con người. Tất cả những điều đó không đủ để giúp người ta nhận biết Thiên Chúa. Cần phải có tác động của Chúa Thánh Thần.

Lời tuyên xưng đó sẽ là điểm khởi đầu sứ mạng mà Chúa Giêsu sẽ giao phó cho vị tông đồ của mình: “Anh là Phê rô, và trên đá tảng nầy, ta sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Lẽ ra Chúa Giêsu có thể chọn một con người có văn hóa hơn là người chài lưới đơn sơ ở hồ Tibêriát nầy. Nhưng Thiên Chúa không có cùng một cái nhìn giống chúng ta: Ngài xây dựng trên một con người như thế với những yếu đuối và nặng nề của họ. Và Ngài ban cho Simôn một tên gọi thần linh: Từ nay, anh sẽ được gọi là Phê rô. Phải, “Tảng đà” là một tên thần linh. Khi nói với chúng ta về Thiên Chúa, Kinh Thánh muốn dạy chúng ta rằng Ngài là Đá tảng cho chúng ta dung thân.

Mặc cho những yếu đuối, chính trên Phê rô mà Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội. Và trong suốt lịch sử Giáo Hội, Thiên Chúa chọn những con người dòn mỏng và bất toàn. Một vài người là những tội nhân nổi tiếng. Nhưng một khi họ đã gặp được Đức Ki tô, họ đã trở nên những chứng nhân lớn cho đức tin.

Tông đồ Phê rô do đó được chỉ định như là một tảng đá. Không như một tảng đá kiên cố nằm im một chỗ. Sứ mạng của ông sẽ là sứ mạng của một trận chiến. Chỉ cần đọc sách Công vụ để biết rằng ông phải đương đầu với những khủng hoảng khó khăn và đau đớn, khủng hoảng tăng trưởng, cùng với những bách hại đối với một cộng đòan non trẻ. Chúa Giêsu sắp giao phó cho ông “chìa khóa Nước Trời”. Khi người ta giao phó một chìa khóa cho ai, thì đó là dấu của một lòng tin tưởng lớn. Thiên Chúa tin tưởng nơi con người. Chúng ta phải tin tưởng dù có những yếu đuối và bất trung đối với Ngài.

Ngài muốn chúng ta là những người cộng tác. Nếu Chúa Giê su giao phó chìa khóa của vương quốc cho Giáo hội Ngài chính là để mở ra, để chúng ta mở rộng vòng tay và tiếp đón. Chúng ta sống trong một thế giới mà nhiều cửa đã bị đóng. Hãy nghĩ đến tất cả những người đau khổ vì thất nghiệp, bị lọai trừ, nạn nhân của bạo lực, tất cả những người mà cuộc sống không còn một ý nghĩa nào cả vì họ cảm thấy vô ích.

Ngày nay, chúng ta khám phá ra rằng Đức Ki tô giao phó cho Phê rô sứ mạng mở cửa, tiếp đón nhân danh Thiên Chúa. Ngài cũng mời gọi chúng ta trở thành những người cộng tác với Ngài, và Ngài luôn dấn thân bên cạnh chúng ta để không ngừng mời gọi chúng ta tiến lên trước. Đức tin và sự gắn bó của chúng ta với Đức Ki tô cho phép chúng ta trở thành những viên đá sống động phục vụ Nước Trời.

ĐÀO SÂU

1.HỎI: Đâu là nền tảng của Giáo Hội Chúa Ki tô?

THƯA: Chính Chúa Giê su là Tảng đá trên đó Giáo hội được xây dựng, vì chính Ngài qui tụ, xây dựng và điều khiển Giáo hội.

2.HỎI: Vậy tại sao Chúa Giê su lại gọi Phê rô là đá tảng trên đó Giáo Hội được xây dựng?

THƯA: Giáo Hội chỉ có một nền tảng là Chúa Ki tô. Còn Phê rô được gọi là đá tảng trên đó các yếu tố khác biệt của Giáo hội được qui tụ và hoà hợp với nhau. Hơn nữa ông còn được quyền cầm buộc. Trong Giáo hội trần thế đang trên đường tiến về Nước Trời, chẳng phải tất cả đều tinh sạch và hoàn hảo cả đâu. Phêrô sẽ thi hành nhiệm vụ phân biệt trong đó. Chính ông sẽ có khả năng phê phán xem các phần tử của Giáo hội có sống phù hợp với chương trình của Chúa Ki tô không. Sứ mạng được uỷ thác cho Phêrô là như thế.

3.HỎI: Giáo Hội có cần thiết để gặp gỡ Đức Ki tô không?

THƯA: Vì chính Đức Ki tô đã thiết lập Giáo Hội, nên muốn đến với Đức Ki tô, PHẢI QUA GIÁO HỘI. Không ai có thể đi đến Đức Ky tô mà không ngang qua Giáo hội, một xã hội vừa nhân loại, vừa siêu nhiên. Không ai có thể một mình và trực tiếp tìm gặp Chúa Ki tô mà chẳng cần đến Giáo hội. Vì như thế là tự xây dựng một Chúa Ki tô theo khuôn mẫu của mình, là tưởng tượng ra một vì Chúa theo sở thích của mình, là từ chối chấp nhận Chúa Giê su như Ngài đã tự mạc khải cho ta.

4.HỎI: Vậy Giáo Hội là ơn cứu độ cho lòai người sao?

THƯA: Đúng vậy. Giáo hội là ơn cứu độ cho lòai người: Dù khuôn mặt nhân loại của Giáo hội đôi lần có thể làm ta tức giận hay trở nên chướng kì, thì Giáo hội vẫn luôn là người duy nhất nắm giữ những lời hằng sống, sử dụng năng lực sáng tạo của các bí tích và mở được cửa Nước Trời. Và ngay cả những người vô tín, vốn từ chối Giáo hội hay lương dân không biết đến Giáo hội, cũng vẫn nhận được trong tâm hồn ơn sống phù hợp với tiếng nói lương tâm của họ nhờ sự trung gian không ngừng của Mẹ Giáo hội.

5.HỎI: Sức mạnh của Giáo hội đến từ đâu?

THƯA: Đến từ Thiên Chúa, như lời hứa của Đức Ki tô: “Quyền cửa âm phủ không thể thắng nổi”. Thật vậy, Giáo hội là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo nàn nhất, ít được chú ý nhất, ít hùng mạnh nhất so với các thực tại khác dưới bầu trưòi, vì Giáo hội được qui tụ chung quanh một máng cỏ và một cây thập giá. Nhưng Giáo hội cũng là một thực tại cao quí nhất, phong phú nhất, vinh quang nhất và hùng mạnh hơn hết trong mọi thực tại dưới bầu trời nầy, vì Hài nhi sinh ra trong máng cỏ, Con người bị đóng đinh trên thập giá đã phục sinh và đang hiển trị.

6.HỎI: Ai là thù địch của Giáo Hội?

THƯA: Thưa là quyền lực của sự chết. “Quyền lực sự chết sẽ không thắng được Giáo hội của Ta!”. Lời khẳng định ấy của Chúa Giê su tỏ ra mong manh biết mấy trước tất cả những xấu xa mà kẻ thủ ma quỉ đã gieo vào lòng Giáo Hội! Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta xem ra bất lực trước tất cả mãnh lực của sự chết không ngừng áp bức Giáo Hội. Trong trần gian, vóc dáng Giáo hội nhỏ xíu gần như vô nghĩa, bị xâu xé và tan nát bởi biết bao nhiêu mâu thuẩn nội bộ, bao nhiêu phản chứng, bị làm khó dễ bởi bao nhiêu lời trách cứ, bao nhiêu hăm doạ từ bên ngoài!

7.HỎI: Bổn của người tín hữu là gì?

THƯA:  PHẢI LÀM CHỨNG: Phải dẹp bỏ nỗi sợ hãi và biết rằng lòng can đảm luôn luôn đòi hỏi sự kính trọng và lòng tin tưởng. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta là những nhà truyền giáo và Chúa giao cho chúng ta một vùng ảnh hưởng mà Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải trả lời, vì một ngày nào đó Chúa đã đến để gặp chúng ta, để qua chúng ta gặp những người khác.

8.HỎI: Chúng ta có thể vạch lại quá trình đức tin của Phê rô không?

THƯA: Có thể.  Đối với Phêrô, đức tin là một hành vi trưởng thành. Như tất cả mọi người trẻ do thái, ông đã nghe nói về đấng Messia, đã cầu nguyện với các thánh vịnh Đa vít, đã nghe rabbi hội đường Capharnaum ca ngợi niềm hi vọng của Israel.

Trong suốt thời gian đi theo Chúa Giê su và ở với Ngài, dần dần ông đã đào sâu sự gắn bó hoàn toàn, với tất cả những sự thay đổi vì tính yếu đuối của con người. Nhưng mỗi lần như vậy ông đã chỗi dậy và không dừng lại.

1. Lần gặp gở đầu tiên, qua trung gian là em mình, cả hai là đồ đệ của Gioan Tẩy giả: “Chúng tôi đã gặp đấng Messia” (Ga 1,41). Ông không phải là người được kêu gọi trước tiên, nhưng sẽ trở thành người lãnh trách nhiệm củng cố lòng tin anh em mình.

2. Rồi trong bửa tiệc ở Cana,Phêrô là chứng nhân phép lạ đầu tiên của Chúa Giê su, và “các môn đệ tin vào Ngài” (Ga 2,12). Đó là đức tin phát xuất từ lòng ngưỡng mộ, đầy ngạc nhiên xác nhận điều mà Anrê đã nói với ông.

3. Sau đêm đánh cá thất bại, nhưng được Chúa Giê su biến thành mẻ cá lạ lùng, Phêrô và em được gọi: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các anh trở thành kẻ đánh cá người” (Lc 5,10). Ngày dó họ đã bỏ tất cả, gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa Giê su. Đức tin được diễn tả bằng sự dâng hiến chính mình: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ…”.

4. Sau đó, nhóm Mười hai được gửi đi truyền giáo. Họ trở về lòng đầy hân hoan phấn khởi vì những phép lạ kèm theo lời rao giảng. Họ kinh nghiệm đức tin chuyển núi dời non.

5. Hơn nữa, Phêrô được gọi tên trước trong ba môn đệ thân tín, chứng nhân trực tiếp cuộc phục sinh đứa bé gái (Mc 5,37). Một biến cố đánh dấu ông trở nên người trưởng thành trong đức tin.

6. Được cứu thoát khi sắp chìm dưới biển giữa cơn giông bão, Phêrô lần đầu tiên tuyên xưng đức tin: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33). Và cùng với lời tuyên tín ở Cêsarê đại diện anh em mình. Ông xác nhận tiếng kêu đầu tiên của Anrê. Chính từ đây, ông lãnh nhận trách nhiệm củng cố niềm tin ấy trong Giáo hội.

7. Biến cố hiển dung trước mặt ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là dấu ấn bảo đảm: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Lúc đó, một lần nữa Chúa Giê su củng cố họ trước cuộc Thương khó và Phục sinh của Ngài.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên_Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ nhớ Thánh Nữ Mô-ni-ca-Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên - Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C.Lm. Giuse Trần Quang Thắng
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông