Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 5

XIN CHO CON MỘT TẤM LÒNG NHƯ CHÚA

nvn_1247810728.gifVăn hoá Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến, vẫn đề cao tình làng nghĩa xóm: “tối lửa tắt đèn có nhau”. Sự liên đới yêu thương đùm bọc lẫn nhau tha thiết đến độ: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Sự liên đới đó không chỉ dừng lại ở thôn xóm, dòng tộc mà bao quát cả dân tộc trong tình thương giữa người với người như câu ca dao ngày nào vẫn phảng phất du dương: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thế nhưng, truyền thống đó đang mất dần trong thế giới hôm nay. Một thế giới ích kỷ và hưởng thụ. Một thế giới theo chủ trương “Mackeno” đang làm tan rã tỉnh người. Người ta lo cho bản thân. Người ta sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà chà đạp lên người khác, mà chồng chất nỗi đau lên tha nhân. Con người hôm nay chỉ nghĩ đến mình nên nhẫn tâm bỏ rơi đồng loại trong khổ đau và tuyệt vọng. Sống bên nhau, nhưng thương nhau thì ít mà đầy đoạ nhau thì nhiều. Sống với nhau nâng đỡ nhau thì ít mà loại trừ nhau thì nhiều. Đỉnh cao của sự tàn nhân, vô tâm trước khổ đau của đồng loại chính là thái độ thiếu trách nhiệm với nỗi khỗ của anh em.

 Có một tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A, một chiếc xe vận tải chở gỗ tràm đi theo hướng từ Bắc vào Nam, đã đâm trực diện một chiếc xe vận tải chở trái cây, chạy theo hướng từ Nam ra Bắc. Vụ tai nạn này đã khiến buồng lái của chiếc xe Bắc vào Nam bị bẹp dúm, còn chiếc xe từ Nam ra Bắc thì bị lật ngang, trái cây đổ tung tóe trên đường. Ðáng lưu ý là trong khi cả hai tài xế và hai phụ xe của hai chiếc xe cùng bị trọng thương, cần cấp cứu thì dân chúng quanh đó lại đổ đến để... cướp trái cây. Mặc người bị nạn. Điều người ta quan tâm chính là hôi của, là ăn cắp hội đồng.

Xem ra cuộc sống hôm nay quá vô tâm! Có phải vì đói, vì thèm khát một quả trái cây mà hành động như vậy chăng? Chắc chắn là không. Chắc chắn là không ai nghèo đói đến độ không có một quả trái cây mà ăn. Có chăng là vì họ thiếu vắng tình người, sự liên đới và trách nhiệm với tha nhân! Không ai nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm trước sự sống còn của tha nhân. Không ai bận tâm trước những rủi ro bất hạnh của anh em. Tình người xem như đang mất dần trong xã hội đề cao vật chất và hưởng thụ hôm nay.

Phải chăng cách hành xử thiếu tình người đó đang là vấn đề cần phải cải thiện của xã hội hôm nay? Phải chăng khi người ta đề cao vật chất thì tình người lại bị coi thường và chà đạp? Dường như là vậy. Nhiều người quá đau khổ vì không tìm được sự nâng đỡ cùa anh em trong những lúc gian nan. Nhiều người quá tuyệt vọng vì sự lạnh lùng, thờ ơ và bỏ rơi của gia đình và bạn bè.

Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giê-su. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phê-rô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân.

Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng vị tha như Chúa, thì dòng đời sẽ không còn những cái khổ triền miên như ông Gióp. Nếu cuộc đời ai cũng biết có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng như ông Gióp. Ông Gióp khi đối diện với nghịch cảnh của dòng đời đã không tìm được sự nâng đỡ từ bạn bè và người thân, ông còn bị người đời chế giễu và vợ con bỏ rơi. Nỗi khổ đau và sự cô đơn đã khiến ông kêu lên trong u buồn, sầu thảm: “Số phận của tôi phải chăng là những đêm đau khổ ê chề?”.

Vâng, số phận của ông Gióp và số phận của hàng vạn người quanh ta vẫn đang cô đơn và tuyệt vọng vì lối sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng vì đời sống thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.

Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Thường Niên_ Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Thường Niên - Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa - Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHÚA CÓ MUỐN CON NGƯỜI ĐAU KHỔ VÀ BỆNH TẬT ? Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM A. Anna Nguyễn Thị Nguyện
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM A. Minh Thùy
     BA NGÀY ĐẦU NĂM. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM A-Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     THỨ SÁU TUẦN THỨ V THƯƠNG NIÊN NĂM C - Ép-pha-tha, “Hãy mở ra” - Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan O.P
     LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC - Lm. Giuse Phạm Công Hiển
     THỨ BẢY TUẦN V THƯỜNG NIÊN NĂM C- HỌ VẨN CÒN ĐÓI- Lm.Giuse Nguyễn Đức Ngọc
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY- TUẤN V THƯỜNG NIÊN NĂM C-Lm. Jos Tạ Duy Tuyền.
     THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN NĂM C