TRÊN ĐỨC TIN CỦA PHÊRÔ - GIÁO HỘI ĐƯỢC THIẾT
LẬP
LỜI CHÚA: Mt 16,13-20
(13) Khi Ðức Giêsu đến
vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta
nói Con Người là ai?" (14) Các ông thưa: "Kẻ thì nói là
ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay
một trong các vị ngôn sứ". (15) Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (16) Ông Simon Phêrô thưa:
"Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (17) Ðức
Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có
phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy,
Ðấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là
Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và
quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa
khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như
vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy". (20)
Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.
SUY NIỆM:
Nhiều người ngoại
đạo khi nhìn vào Giáo Hội, có lẽ chỉ thấy Giáo Hội là một tổ chức chặt chẽ, nhiều
kỷ luật. Nhiều người khác nhìn Giáo Hội như một thể chế xã hội quân chủ, có
giáo hoàng như là vua, có giáo triều và thứ bậc rõ ràng trong việc tổ chức và
điều hành. Thậm chí nhiều người có đạo cũng chỉ nhìn thấy nơi Giáo Hội như một
tổ chức chính trị, một quốc gia thu nhỏ mà không nhìn thấy yếu tố thánh thiêng
của Giáo Hội.
Lời Chúa hôm
nay cho thấy Giáo Hội không phải là một tổ chức chính trị hay một thể chế phong
kiến, cũng không phải là kết quả hay cố gắng của con người, nhưng trước hết
Giáo Hội là của Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô, được Chúa Kitô thiết lập trên nền
tảng đức tin của Simon Phêrô; Giáo Hội là cộng đoàn dân Chúa, được chính Thiên Chúa
cứu chuộc, quy tụ và thánh hóa, làm cho họ trở nên một dân thánh. Vì thế, Giáo
Hội còn được gọi là Hội Thánh.
Ngay từ rất xa
xưa, Thiên Chúa đã muốn quy tụ cho mình một đoàn dân, không phải để đoàn dân ấy
cung phụng hay cúng bái cho Ngài, nhưng là để chính Thiên Chúa chăm sóc và yêu
thương đoàn dân ấy như cha mẹ yêu thương con cái. Đoàn dân đầu tiên được Thiên Chúa
tuyển chọn là dân Israel, dựa trên lời hứa với tổ phụ Abraham. Thiên Chúa chọn
dân này không phải vì họ là một dân tộc hùng mạnh vĩ đại, cũng không phải vì họ
thông minh hay giỏi giang hơn các dân tộc khác, nhưng chỉ vì Thiên Chúa yêu
thương và muốn tuyển chọn họ. Và, vì Thiên Chúa đã tuyển chọn họ, nên Thiên Chúa
đã thánh hóa và làm cho họ trở nên một dân tộc hết sức đặc biệt.
Tuy nhiên, các
vị lãnh đạo tôn giáo đã dẫn dân đi sai đường lối của Chúa, khiến cho dân Israel
rơi vào con đường lầm lạc, quay lưng lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng các
ngôn sứ để tiên báo về việc Ngài sẽ thiết lập một dân tộc mới, một vương quyền
mới. Trong lời tuyên bố với tể tướng Sepna qua đoạn sách chúng ta nghe trong
bài đọc một, tiên tri Isaia đã nhân danh Thiên Chúa nói rằng: “Sẽ đến ngày Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ,
Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị”. Thiên Chúa còn nói: “Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó; cân đai của ngươi, Ta sẽ thắt
cho nó; quyền bính của ngươi ta sẽ trao vào tay nó”. Thiên Chúa đã loại bỏ
những người lãnh đạo sai lầm và trao quyền chăm sóc dân Chúa cho người khác: “Chìa khóa nhà Đavit, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở ra được”. Qua
những lời tiên báo này, Thiên Chúa hé mở cho thấy Ngài sẽ tuyển chọn những nhà
lãnh đạo mới cho đoàn dân mới mà Thiên Chúa sẽ thiết lập.
Chúa Giêsu đến
trần gian với nhiệm vụ loan báo và xây dựng Nước Trời. Ngài miệt mài với sứ vụ
rao giảng cho dân chúng, đồng thời tuyển chọn các tông đồ để huấn luyện các ông
một cách đặc biệt và trao phó cho các ông nhiệm vụ kế thừa và thực thi việc chăm
sóc cho đoàn dân mới của Chúa là Giáo Hội. Câu chuyện thánh Matthêu kể lại hôm
nay cho thấy, sau một thời gian các tông đồ theo Chúa, được dạy dỗ uốn nắn,
cùng ăn, cùng ở và cùng với Chúa đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa
các ông đến vùng Cesare Philipphê. Đây là một vùng đất thuộc dân ngoại, nằm
ngoài lãnh thổ Do Thái. Đến vùng này, Chúa Giêsu và các môn đệ có những giờ phút
sống thân tình bên nhau, không bị sự quấy rầy của đám đông dân chúng.
Trong lúc thân
tình này, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về phản ứng của đám đông nói về Ngài: “Dân chúng nói Con Người là ai?” Các môn
đệ đã đưa ra các phản hồi từ phía dân chúng: “Người thì bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác bảo
là Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ”. Câu trả lời cho thấy, sự hiểu biết
và xác tín của dân chúng còn rất hời hợt. Họ chưa biết gì nhiều về Chúa Giêsu
và sứ mạng của Ngài. Chúa Giêsu dường như không quan tâm đến câu trả lời của
dân chúng. Ngài muốn nhắm tới chính các học trò của mình, muốn nghe nhận định của
các ông. Vì thế, ngài hỏi các ông: “Còn
các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô đã đại diện cho anh em tuyên
xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống”. Câu trả lời của Phêrô rất chính xác, được Chúa Giêsu khen và Ngài đã
chúc phúc cho ông.
Simon Phêrô
tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, có
nghĩa là tuyên xứng Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (Kitô có nghĩa là
xức dầu), là Đấng Cứu Thế từ nơi Thiên Chúa mà đến, là Đấng Mesia mà các tổ phụ,
các tiên tri đã loan báo và muôn dân đang mong đợi. Phêrô còn tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”, tức
là Phêrô tin nhận Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng
hằng sống. Ngài chính là Đức Chúa, Đấng mà dân Israel tôn thờ, Đấng đã có từ
muôn đời. Với lời tuyên xưng chính xác như thế, Chúa Giêsu khen Simon: “Này anh Simon con ông Gioan, anh thật là
người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, mà là Cha của
Thầy, Đấng ngự trên trời”. Simon Phêrô được chúc phúc vì sau một thời gian
theo Chúa, ông đã đi đến được một niềm xác tin chắc chắn vào Chúa Giêsu. Ông có
phúc vì được chính Thiên Chúa Cha mặc khải cho biết những điều bí nhiệm về Thiên
Chúa, mầu nhiệm này vượt quá khả năng trí tuệ mà con người chỉ có thể đón nhận
nhờ sự soi sáng của Chúa mà thôi.
Nếu như Simon
Phêrô đã bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Giêsu, thì Chúa Giêsu cũng hoàn
toàn tin tưởng vào Simon, mặc dù Chúa biết rằng ông yếu đuối và nhiều giới hạn.
Ngay lúc đó, Chúa Giêsu đã đưa ra một quyết định hết sức quan trọng: “Thầy bảo cho anh biết, anh là Phêrô, nghĩa
là Đá Tảng, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần
sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất anh ràng
buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều
gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Có thể nói đây
là một quyết định hết sức bất ngờ và táo bạo của Chúa Giêsu. Ngài đã tin tưởng
trao phó cả tương lai và sự nghiệp của Ngài cho Simon. Ngài trao Hội Thánh của
Ngài cho một con người yếu đuối tầm thường. Chúa Giêsu đã tín nhiệm hoàn toàn
nơi Simon và các tông đồ khi quyết định xây dựng Hội Thánh trên nền tảng đức
tin của ông và còn hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội khỏi sự tấn công và quyền lực của tử
thần, ma quỷ. Mặc dù biết các môn đệ của mình là con người rất yếu đuối, nhưng Chúa
đã tín nhiệm và trao cho các ông quyền năng của chính Thiên Chúa, đó là quyền
tha thứ và cầm buộc. Thiên Chúa còn tự nguyện ràng buộc mình hoàn toàn vâng
theo quyết định cầm buộc hay tháo cởi của các ông: “Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; sự gì con tháo cởi
dưới đất, trên trời cũng tháo cởi”.
Thưa quý OBACE,
Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập trên nên tảng đức tin của Phêrô và các tông đồ,
chính là Hội Thánh Công Giáo của chúng ta. Chúng ta tuyên xưng Hội Thánh Duy Nhất,
Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền, có nghĩa là chúng ta phải góp phần và nỗ
lực xây dựng sự Duy Nhất bằng chính tinh thần và hành động của mỗi người để vun
đắp cho sự hiệp nhất; chúng ta xây dựng sự Thánh Thiện của Hội Thánh bằng chính
đời sống thánh thiện của từng người. Cũng vậy, mỗi người cần xây dựng đặc tính
Công Giáo bằng việc nỗ lực sống chứng tá và loan tuyền Tin Mừng của Chúa cho hết
mọi người, đồng thời bảo vệ đặc tính tông truyền của Hội Thánh bằng việc duy
trì và tuân theo hướng dẫn cũng như giáo huấn của Giáo Hội.
Chúng ta tạ ơn Chúa
vì được làm con, là thành viên trong Hội Thánh. Chúng ta lãnh nhận đức tin và sự
chăm sóc từ Hội Thánh là mẹ của chúng ta. Vì thế chúng ta được mời gọi sống có
trách nhiệm với Hội Thánh, sống như những người con trưởng thành. Vì là con,
chúng ta được mời gọi sống sự vâng phục, yêu mến và cầu nguyện cho Hội Thánh.
Có thể các vị chủ chăn trong Hội Thánh cũng có nhiều yếu đuối như Simon Phêrô,
nhưng Thiên Chúa đã tuyển chọn và trao cho các Ngài nhiệm vụ chăm sóc, hướng dẫn
dân Chúa. Vì thế, chúng ta vâng phục các ngài trong tinh thần yêu mến và vâng
phục Đấng đã sai phái các ngài. Có thể các thành viên trong Hội Thánh còn nhiều
sai lỗi bất toàn, chúng ta không như kẻ đứng bên ngoài để phê bình chỉ trích,
nhưng cần khiêm tốn, chân thành góp ý xây dựng như những thành viên từ bên
trong Hội Thánh.
Hội Thánh thu
nhỏ là Giáo xứ và cũng là gia đình của mỗi người. Hội Thánh tại địa phương và Hội
Thánh tại gia này được xây dựng không chỉ trên nền tảng đức tin của thánh Phêrô
mà còn trên đời sống đức tin và các việc bác ái yêu thương của mỗi người, của
các bậc cha mẹ và con cái. Xin cho mỗi thành viên trong Giáo xứ, trong gia đình
cố gắng mỗi ngày sống thánh thiện hơn, hiệp nhất yêu thương nhau hơn, sống tình
bác ái chan hòa hơn với mọi người, để góp phần mình xây dựng không chỉ Hội
Thánh tại gia hoặc tại Giáo xứ, mà còn góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh của
Chúa Kitô nữa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí