CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRÁNH CÁM DỖ DANH VỌNG
Tin Mừng Lc 14, 1. 7-14
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà
một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận
thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng
ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với
ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông
nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt
hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời
ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi
sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải
hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng:
“Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng
giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi.
Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù;
ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những
người công chính sống lại”.
Suy niệm
Cám dỗ tìm kiếm danh vọng địa vị là cám dỗ chung của tất cả mọi người dù
là trong Giáo Hội, giáo xứ, ngoài xã hội hay các cơ quan công quyền. Cám dỗ này
không chỉ ở những thành phần cấp cao trong xã hội hay Giáo Hội, mà cũng là cám
dỗ của những người bình dân, cấp dưới. Vì danh vọng, địa vị mà nhiều người đã trở
nên kiêu căng, ác độc, không ngại đạp anh em mình xuống để giành chỗ, giành ghế
của nhau, kể cả triệt hạ đối phương và những kẻ cản đường. Có nhiều người như linh
mục, tu sĩ và quan chức, ở những vị trí cao đã quen với vinh quang danh dự và
những lời tung hô, khiến họ trở nên quan liêu, hống hách, bị nghiện quyền lực, không
thể từ bỏ địa vị dù đã tuổi cao hoặc đã hết nhiệm kỳ.
Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải biết sống khiêm nhường
trước mặt Chúa và mọi người, đừng để mình bị cuốn vào việc tìm kiếm địa vị danh
vọng và những lời ca tụng của người khác. Khi biết sống và cư xử cách khiêm nhường,
ta sẽ được Thiên Chúa và mọi người yêu mến. Trái lại, kẻ nào sống và cư xử cách
kiêu căng, lo tìm kiếm địa vị danh vọng ở đời, Thiên Chúa sẽ để kẻ ấy phải vấp ngã.
Những người Biệt phái thời Chúa Giêsu, thường bị Chúa chỉ trích, phê phán
về thái độ và cách sống kiêu căng, háo danh, chuộng địa vị danh vọng. Thánh
Luca kể lại việc Chúa Giêsu được một vị thủ lãnh Biệt Phái mời vào nhà dùng bữa.
Họ mời Chúa Giêsu và các môn đệ có lẽ không phải vì sự kính trọng. Tác giả Tin
Mừng cho biết lý do: “Họ cố ý dò xét Người.” Có lẽ, họ dò xét xem Chúa
Giêsu sẽ tìm một vị trí nào trong bữa tiệc, Chúa có giống như họ không, Chúa sẽ
ngồi vào chỗ nhất hay vào một vị trí thấp kém? Chúa Giêsu đã không quan tâm đến
chỗ nhất hay chỗ kém hơn, trong khi đó, những người Biệt phái đã thể hiện sự
ham muốn danh vọng địa vị, khi họ tìm chọn chỗ nhất để ngồi trong đám tiệc đó.
Khi chứng kiến các người Biệt phái ồn ào tranh giành chỗ nhất, Chúa Giêsu
đã đưa ra cho họ một ví dụ: “Khi anh được mời đi dự tiệc, thì đừng ngồi vào
chỗ nhất, kẻo lỡ có người nào đó quan trọng hơn anh cũng được mời, khi đó người
chủ tiệc đến nói với anh rằng: Xin anh nhường chỗ cho vị khách này. Bấy giờ anh
sẽ phải xấu hổ xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại khi được mời, hãy vào ngồi chỗ cuối,
để cho chủ tiệc đến nói với anh: Xin mời ông lên bàn trên cho. Lúc đó anh sẽ được
vinh dự với mọi người.” Khi kể câu chuyện này, Chúa Giêsu không có ý chỉ
cho chúng ta những thủ thuật để được người ta tôn trọng, nhưng Chúa muốn mỗi người
biết mình, biết khiêm nhường trước mặt mọi người, không tìm kiếm địa vị danh vọng
theo kiểu người đời.
Khiêm tốn trước mặt Chúa và trước mặt mọi người không phải là sự nhút nhát
hay yếm thế, nhưng là biết thật, biết đúng, không ảo tưởng về bản thân của mình
và sẵn sàng đem hết khả năng để phục vụ. Vinh quang, danh dự trước mặt mọi người
không đến từ địa vị, quyền lực nhưng đến từ cách sống, cách cư xử với người khác.
Người có địa vị cao nhưng sống giản dị, khiêm tốn sẽ không làm giảm bớt giá trị
của mình, trái lại, cách sống đó làm gia tăng lòng yêu mến và tôn trọng từ người
khác.
Như thế, trong câu chuyện này, Chúa muốn nhắm đến việc mỗi người cần sống
khiêm tốn trước mặt mọi người, đừng tìm kiếm địa vị danh vọng, cũng đừng tự tôn
phong, tự tô vẽ danh vọng cho mình. Sự tôn trọng là lòng yêu mến người khác dành
cho ta, không phải vì sợ hãi, nhưng vì sự nể phục và yêu mến thật sự. Nhưng điều
quan trọng hơn nữa, Chúa Giêsu còn muốn mỗi người biết sống khiêm nhường trước
mặt Thiên Chúa: Ai tôn mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống và ai hạ mình xuống
sẽ được tôn lên. Tức là Chúa muốn mỗi người phải biết sống làm sao để được Thiên
Chúa tôn vinh. Sự tôn vinh của người đời sẽ mau qua như bọt biển, nay người đời
có thể tung hô, nhưng ngày mai có thể người ta nguyền rủa, chà đạp. Chỉ những
ai được Thiên Chúa tôn vinh, được Thiên Chúa nâng lên, thì mới có giá trị bền vững
trước mặt Chúa và mọi người. Thiên Chúa chỉ nâng cao “những người phận nhỏ”
còn kẻ kiêu ngạo, quyền thế sẽ bị Ngài hạ bệ, lật nhào xuống khỏi ngai cao.
Chúa Giêsu không chỉ nhắc mỗi người sống kiêm nhường, không tìm kiếm địa
vị danh vọng qua câu chuyện đi dự tiệc, Chúa Giêsu còn nhắc chúng ta biết khiêm
nhường khi tổ chức đãi tiệc. Nhiều người ngày nay thể hiện sự danh giá, địa vị
của mình qua việc mời những người sang trọng, có chức tước đến nhà dùng tiệc. Dường
như những bữa tiệc sang trọng, xa hoa cùng với đông đảo quan chức, các cha các
thầy, chỉ nhắm mục đích làm vinh dự, đánh bóng cho địa vị và các mối tương quan
của gia chủ. Đàng khác, các bữa tiệc linh đình như thế còn là dịp để nhiều người
trả ơn trả nghĩa cho nhau theo kiểu người đời: có ăn có trả. Vì vậy, nhiều
người mở tiệc chỉ vì nghĩ ngợi với người khác hoặc chỉ vì để đáp lễ hay nói
theo kiểu dân gian là: để trả nợ miệng. Chúa Giêsu đã nhắc nhở về điều này:
“Khi đãi tiệc, các ông đừng mời những người giàu để mong họ mời lại, nhưng hãy
mời những người nghèo khó, tàn tật đui mù. Những người này sẽ không có gì để đáp
lễ, như vậy anh mới có phúc và sẽ được đáp lễ trong ngày những kẻ lành sống lại.”
Điều này có nghĩa là khi làm việc tốt, việc thiện, đừng tìm kiếm sự đáp trả từ
những người xung quanh, cho dù đáp trả bằng vật chất hay đáp trả bằng những lời
khen ngợi ca tụng, nhưng tìm sự ban thưởng từ nơi Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, Tác giả sách Huấn ca dạy chúng ta: “Con hãy làm việc của
mình cách nhã nhặn, con sẽ được nhiều người yêu mến. Càng làm lớn, con càng phải
tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa được tôn vinh nơi kẻ khiêm
nhường.”
Sống trên cuộc đời này, mọi người thường yêu quý những kẻ sống khiêm nhường
và tôn trọng những người xả thân phục vụ cách vô vị lợi. Trái lại, mọi người chê
ghét những kẻ khoe khoang, kiêu căng. Biết như thế, nhưng cám dỗ tìm kiếm danh
vọng địa vị và sống khoe khoang vẫn đang ảnh hưởng và chi phối rất nhiều người.
Thói xấu nói trên có thể xuất hiện rõ nét nơi những người có trách nhiệm.
Nó thể hiện qua việc tìm cách khẳng định mình, tạo dấu ấn của mình nơi cộng đoàn,
ghi bảng, ghi danh kể lể công lao của mình. Trong sinh hoạt cộng đoàn người có
trách nhiệm bị cám dỗ coi mình như những nhân vật quan trọng, đòi người khác phải
kính nể, phục vụ, gọi là ông này bà nọ. Có nhiều người thích kể công trong cộng
đoàn để đòi hỏi quyền lợi trong cộng đoàn. Ví dụ: Tôi là ông này bà kia… tôi phải
được ưu tiên chỗ này ưu tiên cái khác.
Trong đời sống các gia đình, thói xấu khẳng định địa vị của mình đã khiến
nhiều gia đình trở nên ngột ngạt. Cha mẹ ngày càng sống và cư xử theo thói gia trưởng,
gia mẫu, khiến cho gia đình luôn căng thẳng; các thành viên kể lể công trạng và
sự đóng góp của mình trong gia đình để đòi các thành viên khác phải tôn trọng hoặc
dành ưu tiên cho mình. Những đứa con góp nhiều tiền hơn trong gia đình dường như
có tiếng nói chi phối được cả cha mẹ và anh em.
Lời dạy sống khiêm nhường, tìm chỗ thấp chỗ kém trong bữa tiệc còn áp dụng
trong việc tham dự Thánh lễ hằng ngày. Mỗi khi đến với tiệc Thánh Thể, người
khiêm tốn là người đến gần với Chúa để thể hiện sự khát khao tìm Chúa và cảm thấy
mình cần Chúa. Đến gần Chúa mỗi khi vào nhà thờ đó là cách thể hiện sự khiêm tốn
trước mặt Chúa và mọi người. Chúng ta ngồi gần Chúa nơi bàn thờ để được chiêm ngắm
và nghe Chúa nói cách rõ ràng hơn. Trái lại, người kiêu ngạo là người không muốn
đến gần, không cảm thấy cần sự nâng đỡ của Chúa.
Đến dâng lễ, vào nhà thờ tham dự lễ cách sốt sắng là chúng ta còn thể hiện
tư cách của những người con của Chúa như con cái về với cha mẹ; ta sẽ cảm nhận được
vòng tay ấm áp của Chúa qua những Lời Tin Mừng và qua việc tham dự tiệc Thánh
Thể.
Xin Chúa biến đổi và giúp chúng ta biết
sống khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, loại trừ khỏi mình sự kiêu căng,
cám dỗ tìm kiếm địa vị danh vọng của trần gian. Xin cho chúng ta biết tìm Chúa
và cố gắng mỗi ngày để thiết lập tương quan mật thiết với Chúa qua việc cầu
nguyện, tham dự Thánh lễ và lắng nghe, suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí