KHÔNG THÊM, BỚT VÀO LỀ LUẬT CỦA THIÊN CHÚA
Có lẽ dân tộc nào trên thế giới cũng có
tập tục riêng, thể hiện những nét đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc
đó. Tuy nhiên, có những tập tục được lưu giữ mà những thế sau không còn biết ý
nghĩa của nó là gì, hoặc tại sao lại giữ tập tục đó. Ví dụ: Một số tập tục được
lưu truyền qua các các dịp tết lễ, tang ma của người Việt Nam, tập tục trong
các sinh hoạt tôn giáo, có những điều không còn phù hợp, có những thứ không còn
ý nghĩa, nhưng vì là tập tục, nên người ta vẫn duy trì nó. Các truyền thống đó
tuy có giá trị khơi gợi lên tâm tình và lòng đạo đức bình dân, nhưng có nhiều
người lại chỉ chú tâm tham dự các nghi thức phụ mà bỏ qua việc tham dự các nghi
thức phụng vụ chính yếu của Giáo hội.
Ngày xưa, người Do Thái cũng cho thêm các tập tục vào luật của
Thiên Chúa như vậy. Họ tự đặt thêm hàng trăm các điều buộc và các điều cấm, khiến
cho lề luật trở nên nặng nề, vô lý, không còn biết đâu là điều chính, đầu là
tùy phụ. Ông Môsê dường như đã thấy trước điều này, nên trong đoạn sách Nhị Luật
chúng ta vừa nghe, ông đã cảnh báo dân Do Thái: “Anh em hãy nghe những thánh chỉ tôi dạy cho anh em và đem ra thực
hành… Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em và cũng đừng bớt gì.
Anh em phải tuân giữ và đem ra thực hành, nhờ đó anh em sẽ được coi là khôn
ngoan và thông minh.” Ông Môsê còn khơi gợi lên niềm tự hào nơi dân Do Thái
vì: “Không có dân tộc nào có được thánh
chỉ như thế, không có dân tộc nào được thần minh ở gần như Thiên Chúa ở gần
chúng ta.” Có lẽ chính niềm tự hào về lề luật của Thiên Chúa đã giúp dân Do
Thái tồn tại cho đến ngày nay và vượt trội hơn rất nhiều các dân tộc khác, mặc
dù họ vẫn chỉ là một dân tộc bé nhỏ. Cho đến hôm nay, mặc dù sống trong thời hiện
đại này, bị sức ép từ nhiều quốc gia khác, nhưng dân tộc Do thái vẫn thể hiện
mình là dân tộc đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn, bảo vệ cùng ban lề luật
cho họ.
Trong thực tế, người Do thái cũng không tránh được sai lầm
khi họ đã đưa tập tục truyền thống vào lề luật của Thiên Chúa. Các tập tục này quá
nhiều, dần dần đã trở nên vô nghĩa, vô hồn và nhiều khi trở thành vô cảm, bất
khoan dung với người khác. Các Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã nhiều lần chạm
trán với những người cầm quyền Do Thái chỉ vì bị cho là không giữ các tập tục của
tiền nhân. Tin Mừng hôm nay kể về một trong những lần người Do Thái tìm cách bắt
bẻ Đức Giêsu về giữ tập tục thanh sạch.
Đối với người Do Thái, việc giữ mình thanh sạch, tránh những
tiếp xúc bị coi là ô uế, là điều quan trọng và được coi như luật buộc và là điều
kiện để tham dự các nghi lễ. Hôm nay, những người biệt phái trách môn đệ Chúa
Giêsu về việc không thanh tẩy, không rửa tay trước khi ăn. Nghi thức này không
nhằm đến yếu tố vệ sinh như chúng ta thường làm ngày nay như sát khuẩn, rửa tay
bằng xà bông. Người Do Thái cho rằng các đồ ăn và vật dụng mua từ chợ về có thể
đã tiếp xúc với dân ngoại, hoặc áo quần mặc trên người đã chạm đến dân ngoại…
nên phải gột rửa trước khi ăn và trước khi sử dụng. Họ thực hiện nghi thức tôn
giáo này bằng việc lấy nước rảy trên tay chân, quần áo và đồ dùng đó.
Những người biệt phái và kinh sư trách môn đệ của Đức Giêsu
dùng bữa mà chưa làm nghi thức thanh tẩy: “Sao
các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà
dùng bữa?” Đức Giêsu không có ý bênh vực các môn đệ cho bằng chỉ cho những
người Do Thái thấy họ là những kẻ đạo đức giả, chuộng hình thức hơn nội dung, tuân
giữ những tập tục bên ngoài mà bỏ qua ý nghĩa đích thực bên trong. Đức Giêsu đã
trích lời tiên tri Isaia để nói với họ: “Dân
này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.” Những người
Do Thái quá chú tâm vào hình thức mà bỏ qua nội dung ý nghĩa của việc làm. Điều
Thiên Chúa muốn nơi mỗi người đó là giữ tâm hồn trong sạch, không để mình bị
lai nhiễm bởi các thói xấu và đời sống của dân ngoại.
Đức Giêsu còn giải thích thêm rằng những thức ăn, đồ uống và
vật dụng cần được làm sạch là điều tốt, nhưng điều quan trong hơn là mỗi người
cần phải làm sạch tư tưởng, lời nói, việc làm của mình. Đồ ăn thức uống không
làm cho người ra ô uế cho bằng những tư tưởng ý nghĩ và hành động xấu: ngoại
tình, tham lam, độc ác, ganh tị, xảo trá, ngông cuồng… phát xuất từ tâm hồn con
người sẽ làm cho con người ra tồi tệ hơn. Những điều ô uế này cần phải được tẩy
rửa mỗi ngày. Nhưng người biệt phái đã đánh lừa lương tâm của mình, họ ru ngủ
lương tâm bằng việc tuân giữa những tập tục bên ngoài mà bỏ qua những đòi hỏi của
Chúa.
Thánh Giacôbê trong bài đọc hai khuyên nhủ mỗi người: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào
lòng anh em, lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em…Lòng đạo đức tinh tuyền là
thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của
thế gian.” Qua những lời khuyên này, thánh nhân mời gọi chúng ta khiêm nhường
đón nhận Lời của Chúa, cũng là lề luật là Tin Mừng vào tâm hồn. Khi chúng ta có
Chúa và lề luật của Ngài trong tâm hồn, Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết cách sống
với Chúa cách chân thành, không hình thức giả dối. Cũng vậy, khi có Lời Chúa
trong tâm hồn, chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái là những việc lành, việc bác ái và
Lời Chúa giúp ta tránh được lối sống giả hình của thế gian.
Thưa quý OBACE, việc sống đạo của chúng ta hôm nay cũng rất dễ
rơi vào tình trạng hình thức vô hồn như như người Do Thái ngày xưa. Có rất nhiều
tín hữu đến nhà thờ chỉ còn là một thói quen hoặc đến vì luật đòi buộc. Vì thế,
họ đến tham dự Thánh lễ Chúa Nhật với cái xác không hồn, đến nhà thờ cho qua lần,
cho lương tâm khỏi áy náy, không chú tâm nghe và tham dự. Có nhiều ông bố bà mẹ
đưa con đi lễ giống như đi chơi công viên, hoặc đi thi bé khỏe bé ngoan, khoe
con của mình hơn là đến với tâm tình tạ ơn, tập cho con cầu xin với Chúa. Nhiều
người tuy có đến sân nhà thờ vào giờ lễ, nhưng họ ngồi nói chuyện và lướt điện
thoại cho đến khi hết giờ.
Người có đạo vẫn có thói quen tốt là làm dấu Thánh Giá trước
khi ăn hoặc trước khi đọc kinh. Tuy nhiên, có nhiều người làm dấu Thánh Giá không
phải để tuyên xưng đức tin, nhưng chỉ như một nghi thức vẽ bùa. Họ làm dấu mà
không biết mình làm gì, đọc gì. Có nhiều người không dám làm dấu Thánh Giá cách
công khai nghiêm trang nơi công cộng hoặc nơi quán xá. Nhiều người có đạo gốc,
nhưng không hiểu biết về đạo, không hiểu về các nghi thức phụng vụ, họ thực
hành đạo không khác gì người dân ngoại, chỉ quan tâm đến các việc rước sách, ăn
mừng mà bỏ qua việc tĩnh tâm dâng lễ, cầu nguyện. Nhiều người tìm cách lách luật
hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những đòi hỏi của Chúa và Giáo Hội, nhất là vấn đề
hôn nhân gia đình. Khi gia đình vợ chồng gặp khó khăn, họ tìm, cách giải quyết
theo kiểu người đời hơn là tuân theo hướng dẫn của Chúa và Giáo Hội.
Xin cho các Kitô hữu nhờ
siêng năng nghe và suy gẫm Lời Chúa, học hỏi giáo lý và tham dự phụng vụ, chúng
ta hiểu biết hơn, ý thức hơn và sống đức tin cách trưởng thành hơn. Xin cho
chúng ta biết yêu mến giới răn lề luật của Chúa, vì luật Chúa không trói buộc
chúng ta, nhưng giúp chúng ta sống tự do hơn. Sau cùng, xin cho chúng ta luôn
bước theo đòi hỏi của Tin Mừng, không ngừng canh tân làm mới tâm hồn, tẩy rửa
khỏi mình những tư tưởng phim ảnh sách báo và hành động xấu xa làm hoen ố tâm hồn
mình và hoen ố tâm hồn người khác. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí