THEO CHÚA LÀ CHẤP NHẬN HY SINH
LỜI CHÚA: Mt 16, 21 – 27
(21) Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi
Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây
ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phêrô liền
kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để
Thầy gặp phải chuyện ấy!" (23) Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông
Phêrô: "Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người".
(24) Rồi Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng
sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được
mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất
mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
(27) "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với
các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ
làm. (28) Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt đây, có những
kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị".
SUY NIỆM
Không có thành công nào mà không phải
trả giá bằng sự kiên trì, cũng không có niềm vui hạnh phúc nào mà không trải
qua sự hy sinh. Ví dụ: Để trở thành một vận động viên chuyên nghiệp cần phải khổ
công luyện tập; trở thành một chuyên gia hoặc một tay thợ lành nghề cũng phải
trải qua nhiều năm nghiên cứu học hỏi; một học sinh muốn tốt nghiệp hoặc đậu
vào trường đại học cần phải thức khuya dậy sớm với bài vở.
Lời Chúa Chúa nhật
XXII hôm nay cho thấy, để được hạnh phúc đích thực là chấp nhận đi vào con đường
hẹp, là vác thập giá; theo Chúa không bao giờ có con đường dễ dãi, trái lại
luôn đòi sự hy sinh. Đó là điều kiện tiên quyết, không có sự miễn trừ, từ xưa đến
nay và mãi mãi vẫn như thế.
Giêrêmia là một
trong những vị ngôn sứ, vì chu toàn sứ mạng Chúa trao phó mà ông đã trải qua biết
bao nhiêu gian khổ, bị hiểu lầm, bị đối xử tàn bạo, nhưng không hề than trách
hay hối tiếc. Bài đọc một kể lại những lời tâm sự của ông với Chúa. Vì lòng yêu
mến, ông như bị Chúa thu hút đến không độ thể cưỡng lại được và ông đã sẵn sàng
như chàng trai phải lòng cô gái, đã dám từ bỏ tất cả để dâng tuổi thanh xuân
cho Chúa: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ
con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng”. Kể
từ khi bước theo “sự quyến rũ” của Chúa, vị tiên tri đã phải trải qua biết bao
gian khổ tủi nhục. Ông tâm sự: “Suốt ngày
con đã nên trò cười cho thiên hạ để họ nhạo báng con…Vì Lời Chúa mà con đây bị sỉ
nhục, bị chế giễu suốt ngày”. Ông cũng bị giằng co, bị cám dỗ bỏ cuộc, chạy
trốn Thiên Chúa, nhưng sự thu hút của Thiên Chúa vẫn chiến thắng ông và khuất
phục ông. Ông như một chàng trai say tình, không thể từ bỏ người mình yêu. Ông
kể lại: “Có lần tôi tự nhủ: ‘Tôi sẽ không
nghĩ đến Người nữa, không nhân danh Người mà nói nữa. Nhưng Lời Người cứ như ngọn
lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn
nhưng cũng không nén được’”. Lời tâm sự của Giêremia là những lời bộc lộ từ
trái tim của ông, một con người đã say mê theo lời mời gọi của Chúa. Vì thế,
ông đã dám hy sinh tất cả, chấp nhận tất cả, đánh đổi tất cả cuộc đời chỉ vì muốn
làm đẹp lòng Chúa mà thôi.
Trong bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn
theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình”. Câu chuyện hôm nay tiếp nối với câu
chuyện bài Tin Mừng tuần trước nói về việc ông Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô – Con Thiên Chúa hằng sống”.
Ông được Đức Giêsu khen là có phúc và Ngài còn quyết định thiết lập Hội Thánh
trên nền tảng đức tin của Simon Phêrô.
Mặc dù được chọn
là nền tảng cho Giáo Hội, nhưng dường như Phêrô không phải là một tảng đá vững
chắc nếu không có sự bảo vệ của Chúa Giêsu. Mặc dù khen Phêrô đã tuyên xưng
chính xác, nhưng Chúa Giêsu cho biết lời tuyên xưng ấy do Thiên Chúa soi sáng
cho Simon biết và tin như vậy. Chúa Giêsu không muốn để cho Simon và các môn đệ
bị lầm tưởng về sứ mạng cứu thế của Ngài, nhìn Ngài như một vị cứu thế mang
tính chính trị, hoặc nhìn Giáo Hội Ngài thiết lập như là tổ chức xã hội. Chúa
Giêsu đã giải thích cho các ông: “Người
phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ,… bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi
dậy”.
Simon Phêrô đã
không muốn một Đấng Cứu Thế như vậy. Ông đã kéo riêng Đức Giêsu ra và trách
Ngài: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp
chuyện như vậy”. Simon Phêrô đã nhân danh Thiên Chúa để cản trở Chúa Giêsu
và còn trách Chúa, vì ông đang nuôi một hy vọng khác, ông nhắm đến một con đường
khác, một mục tiêu khác. Ông muốn dắt Chúa đi theo con đường của ông, muốn Chúa
đáp lại ý muốn của ông. Chúa Giêsu đã thẳng thắn khiển trách Phêrô nặng lời: “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối
Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài
người”.
Nếu như vừa mới
trước đây, Simon xác tín vào Chúa, được Chúa soi sáng và đã tuyên xưng Thầy là
Đức Kitô – Con Thiên Chúa và được chọn làm đá tảng của Giáo Hội. Nhưng lúc này,
Simon đã muốn làm theo ý mình, muốn cản trở con đường của Chúa, ông đã biến
mình trở thành tảng đá chắn đường, khiến người khác có thể vấp té. Chúa Giêsu mắng
ông nặng lời: “Satan, hãy lui ra đàng sau
Thầy”. Người môn đệ là người bước
theo sau Thầy chứ không phải là đi
trước Thầy. Điều này chứng tỏ rằng Simon Phêrô đã bị cám dỗ đi trước Thầy và
hướng dẫn Thầy. Chúa Giêsu muốn Simon phải trở về với đúng vị trí của người môn
đệ là đi theo sau Chúa. Chỉ khi đi theo sau Chúa, ông mới có thể không bị lạc
đường và mới có thể dẫn dắt Giáo Hội đi đúng con đường của Chúa.
Con đường của
Chúa chắc chắn không phải là con đường tìm kiếm công danh hay bổng lộc, vật chất;
địa vị và nhiệm vụ Chúa trao cho Simon không để phục vụ cho bản thân, mà là để
phục vụ cho Giáo Hội. Vì thế, Chúa nói với các ông về điều kiện để bước theo
Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Chúa không ép ai, nhưng Ngài đưa ra
lời mời gọi, ai muốn theo thì theo, nhưng một khi đã chấp nhận theo Chúa thì phải
chấp nhận những điều kiện của Chúa.
Trước hết là từ bỏ
chính mình. Bỏ thuốc, bỏ rượu đã là khó, bỏ chính mình còn khó hơn gấp nhiều lần.
Điều kiện này đòi mỗi người phải dám từ bỏ cái tôi, sự ngông cuồng tự ái trong
mỗi con người. Bỏ mình là dám bỏ đi những ham muốn, thú vui và những nghiêng
chiều của xác thịt để sống thanh thoát hơn. Bỏ mình còn là để biết sống khiêm tốn
hơn trước mặt Chúa và mọi người. Bỏ mình là đón nhận ý Chúa vào trong cuộc đời
mình, chứ không làm theo ý riêng cá nhân.
Kế đến là vác thập
giá mình hằng ngày. Chúa không đòi chúng ta vác thập giá của Chúa, nhưng là vác
thập giá của bản thân mình hằng ngày. Thập giá của mình chính là gia đình, là
cha mẹ già khó tính, là người vợ, người chồng lười biếng hư hỏng, là những đứa
con ngỗ nghịch mà cuộc sống chung đang đòi mỗi người phải chịu đựng và đón nhận.
Thập giá mình có thể là những bệnh tật, đau yếu, nghèo khó và những nỗi vất vả
trong cuộc sống. Chúa muốn chúng ta không chỉ vác một ngày, một tháng hay một
vài năm, mà là vác mỗi ngày trong cuộc sống. Chúa muốn chúng ta vác đi trong
vui vẻ và trong sự tin tưởng phó thác cho Chúa.
Sau cùng là Chúa
muốn chúng ta vác thập giá mình mà theo Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta
không thể tự ý chọn một con đường nào khác, mà phải đi vào đúng con đường của
Chúa, đi theo sau Chúa. Con đường của Chúa là con đường thập giá, con đường lên
đồi Calvario. Cuối con đường này sẽ là sự hy sinh trên thập giá và niềm vui của
sự phục sinh. Như thế lời mời gọi vác thập giá theo Chúa không phải là bước vào
hành trình vô tận hay một đường hầm tăm tối, nhưng ở cuối đường hầm là ánh
sáng, bên kia ngọn đồi Golgota là niềm vui của sự phục sinh.
Là môn đệ của Đức
Giêsu, chúng ta tin Ngài là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa và chúng ta bước theo lời
mời gọi của Ngài. Chúng ta sẽ phải bước đi cùng một con đường với Chúa là con
đường thập giá. Xin cho chúng ta can đảm và vững tin để dám từ bỏ bản thân
mình, vác thập giá mình hằng ngày và bước theo sát Chúa Giêsu mỗi ngày như Chúa
mời gọi.
Xin Chúa chia sẻ,
nâng đỡ cho những nhọc nhằn khổ đau trong cuộc sống của chúng ta, thêm sức để
chúng ta can đảm hy sinh, bỏ mình để vác tiếp cây thập giá cuộc đời mình mà bước
theo Chúa cho đến cùng. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí