Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên
Năm C
SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRƯỚC MẶT CHÚA VÀ
MỌI NGƯỜI
Theo nhu
cầu của các giáo phận Toà Thánh có chương trình bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển các
giám mục đến các giáo phận; các giáo phận thuyên chuyển các linh mục đến các giáo
xứ hoặc nhiệm sở mới. Đây là quy định theo giáo luật và vì lợi ích mục vụ cho
các cộng đoàn, vì thế đa số các linh mục đều sẵn sàng vâng theo quyết định của
bề trên, dù trong lòng có rất nhiều tình cảm lưu luyến. Tuy nhiên, nhiều người
đã không hiểu được sự khôn ngoan của Giáo hội khi quy định việc này, họ cho rằng
cha này cha kia “bị” thuyên chuyển là do có lỗi nào đó hoặc do có vấn đề gì đó.
Nhiều người đã tự xếp đặt cho rằng cha này giỏi phải ở xứ lớn, cha kia không giỏi
thì được trao xứ nhỏ hoặc vào vùng sâu. Về phía các linh mục dù đang ở xứ lớn
hay xứ nhỏ, dù đang thành công hay không thành công, dù được yêu mến hay không
được yêu mến, khi nhận được lệnh của Giám Mục đều lên đường trong sự khiêm nhường
và vâng phục. Sự vâng phục bề trên là dấu chỉ cho thấy sự khiêm nhường trong
lòng và Sự khiêm nhường thực sự là dấu chỉ cho thấy đó là một tông đồ thành
tâm, nhiệt tâm vì Giáo hội.
Ngày nay,
nói đến việc sống khiêm nhường, nhiều người cho rằng đó là lối sống cổ điển, lạc
hậu, vì con người ai cũng muốn thể hiện mình, muốn mình là người vượt trội hơn
người khác, mình phải là vua, là ngôi sao nổi tiếng. Cũng vì thế mà nhiều người
thể hiện sự ngông nghênh, ngạo mạn, coi thường người khác. Lối sống và suy nghĩ
như thế hoàn toàn ngược với lời mời gọi sống khiêm nhường của Tin Mừng. Tuy
nhiên, khiêm nhường không có nghĩa là cù lần, sống khiêm nhường không có nghĩa
là sống cách nhu nhược hèn nhát, sợ sệt. Nhưng khiêm nhường là chân thành, biết
nhìn nhận thật về khả năng, bổn phận của mình và làm việc với hết khả năng và
trách nhiệm đã được trao phó, thành công không kiêu, thất bại không nản. Người
khiêm nhường sẽ không lấy kết quả của công việc để cao ngạo tự hào tự mãn về bản
thân, nhưng luôn nhìn kết quả công việc như một thành quả Chúa ban cùng với sự cộng
tác giúp đỡ của nhiều người. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta biết
sống khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
Trong cuộc
sống chung, người ta luôn yêu quý những con người khiêm nhường từ lời nói đến
việc làm. Trong Kinh Thánh luôn cho thấy “Thiên
Chúa diệt trừ kẻ kiêu căng và nâng cao ai biết sống khiêm nhường.” Bài đọc
sách Huấn Ca cũng nhấn mạnh: “Con hãy làm
việc trong sự nhã nhặn thì sẽ được mọi người yêu mến; Càng làm lớn con càng phải
khiêm nhường thì sẽ đẹp lòng Chúa. Khi càng sống tự khiêm tự hạ, con sẽ càng được
đẹp lòng Thiên Chúa.” Các lời sách Huấn Ca vừa được nhắc lại chính là lời
đúc kết kinh nghiệm sống của những bậc khôn ngoan để lại cho hậu sinh. Kinh
nghiệm này vẫn còn rất đúng với thời đại của chúng ta hôm nay. Chúng ta sẽ cảm
thấy kính phục những người dù quyền cao chức trọng nhưng luôn sống nhã nhặn, gần
gũi với hết mọi người. Ví dụ khi, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái khi thấy giám
đốc bước đến truyện trò, quan tâm thăm hỏi các nhân viên cấp dưới; đến nhà thờ
chúng ta cảm thấy vui tươi, ấm áp khi gặp được hình ảnh gần gũi thân thiện của
giám mục, linh mục, tu sĩ. Chúng ta sẽ thích gặp gỡ, nói chuyện và cộng tác làm
việc với những người khiêm tốn như thế. Trái lại, khi gặp những người kiêu
căng, ta thường muốn tránh xa.
Thiên
Chúa là Đấng Thánh, Đấng quyền năng, ngài đã cúi xuống để nâng con người lên, đặt
con người trong bàn tay của Ngài. Thiên Chúa đón nhận chúng ta như những đứa
con, như người bạn, Ngài khiêm nhường yêu thương phục vụ con người. Con người
chúng ta hoàn toàn lệ thuộc nơi Thiên Chúa, tất cả những gì chúng ta có đều do
Thiên Chúa ban. Thiên Chúa yêu quý những kẻ khiêm nhường nhận ra thân phận thụ
tạo của mình và tin tưởng trao phó cuộc đời cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Chắc chắn kẻ kiêu ngạo là người vô ơn với Thiên Chúa, là kẻ không muốn Thiên
Chúa làm chủ cuộc đời của mình. Adam Eva đã mắc vào sai lầm này khi muốn tự
mình quyết định cho tương lai mà không cần Thiên Chúa. Ông bà không muốn chấp
nhận thân phận thụ tạo, mà muốn trở nên như thần linh ngang hàng với Thiên
Chúa. Cuối cùng, kẻ kiêu ngạo thì không đẹp lòng Thiên Chúa và sẽ bị Thiên Chúa
loại trừ.
Tin Mừng
hôm nay kể lại câu chuyện một người Pharisêu tổ chức bữa tiệc, ông mời nhiều
khách, lúc nhập tiệc nhiều vị khách tranh giành nhau ngồi chỗ nhất chỗ nhì.
Nhân dịp này Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và cho chúng ta về lối sống khiêm
nhường trước mặt Chúa và trước mặt mọi người qua dụ ngôn: “Khi đi dự tiệc cưới anh em đừng tìm ngồi vào chỗ nhất, kẻo cũng có nhân
vật quan trọng hơn anh cũng được mời. Họ sẽ đến mời anh đi chỗ khác để nhường
chỗ cho nhân vật quan trọng kia. Trái
lại khi được mời, anh hãy ngồi chỗ cuối để chủ tiệc sẽ đến nói với anh, mời ông
lên bàn trên. Lúc đó anh sẽ được vinh dự với mọi người.” Khi kể dụ ngôn
này, Chúa Giêsu không chỉ cho ta những mẹo vặt hoặc thói khôn lỏi để được lợi,
được người khác ca tụng, nhưng Chúa muốn nói đến thái độ bên trong tâm hồn: Giống
như người Việt Nam, Người Do Thái rất quan tâm đến hình thức bên ngoài: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.”
Họ cũng muốn được chào hỏi được tôn vinh ca tụng trước đám đông. Vì thế dẫn đến
việc tranh giành chỗ nhất chỗ hơn, chỗ trọng chỗ thường theo đẳng cấp tại nơi
công cộng.
Chúa
Giêsu đưa ra một cái nhìn khác: Việc được tôn vinh hoặc được trọng vọng trước mặt
mọi người, không hệ tại ở quần áo hoặc đẳng cấp xã hội, mà nó phát xuất từ lối
sống, thái độ, từ tấm lòng của mỗi người đối với người khác. Nhưng quan trọng
hơn nữa là mỗi người phải có thái độ sống như thế nào để thực sự trở nên khiêm
nhường trước mặt Chúa, thì sẽ được Thiên Chúa tôn vinh: “Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Như vậy từ câu chuyện dụ ngôn về việc tranh giành chỗ trong đám tiệc, Chúa
Giêsu muốn chúng ta đi xa hơn trong cách nhìn và cách sống: Điều quan trong là
mỗi người luôn biết nhìn nhận cách chân thật về con người mình, nhận mình là
con cái, là thụ tạo của Thiên Chúa, chúng ta cần đến Chúa. Chúng ta được mời gọi
khiêm nhường để dám trải lòng ra trước mặt Chúa, trao phó cả cuộc đời cho Chúa
mà không hề cưỡng lại, để cho Chúa gìn giữ và dẫn dắt. Khi dám khiêm nhường đặt
mình vào vòng tay của Thiên Chúa như thế, chính Chúa sẽ nâng chúng ta lên và
ban cho chúng ta vinh dự của những người thuộc về Chúa.
Thưa quý
OBACE, sống trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, thì việc sống hiền lành và
khiêm nhường luôn là một thách thức. Ước mơ trở thành nổi tiếng, được nhiều người
biết đến, là một lực hấp dẫn nơi con người, vì không ai muốn mình bị chìm vào
quên lãng. Nhưng vấn đề là có nhiều người khi mắc bệnh tự tôn, tự mãn hoặc khi nổi
tiếng, họ dễ dàng đánh mất vẻ hiền lành khiêm tốn dễ thương của mình và khoác
lên mình vẻ kiêu căng, chảnh choẹ, coi khinh người khác. Từ sự kiêu căng, tự
tôn dẫn đến sự tự mãn coi mình là nhất và coi tất cả những gì mình có được được
là do mình mà quên ơn Chúa và sự trợ giúp của bao người.
Trong gia
đình “cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Hiền
lành khiêm nhường, giúp cho vợ chồng cha mẹ, con cái dễ dàng có thể trò tuyện đối
thoại với nhau. Hiền lành và khiêm nhường là một trong những nền tảng cho nếp sống
đạo đức trong gia đình, là yếu tố hình thành nên nhân cách của con cái. Người
Nhật có câu ngạn ngữ: “bông lúa nặng hạt
là bông lúa biết cúi mình.” Người biết khiêm tốn hạ mình xuống là người có
sức mạnh nội tâm và sẽ làm trổ sinh hoa trái tốt lành cho mình và gia đình. Vợ
chồng, cha mẹ biết hạ mình để nói lời xin lỗi nhau, kể cả việc xin lỗi con cái,
điều đó không làm hạ thấp vai trò thế giá của cha mẹ, vợ chồng, nhưng càng làm
tăng thêm uy tín và vị thế của cha mẹ. Các ông chồng biết hạ mình để chia sẻ
công việc của vợ thay vì yêu sách; các bà vợ biết hạ mình để phục vụ chồng, con
với trái tim của người vợ người mẹ, gia đình sẽ hạnh phúc; con cái dù thành
công thành đạt, biết hạ mình để phục vụ ông bà cha mẹ lúc bệnh tật già yếu, gia
đình đó có phúc.
Người làm
lớn biết hạ mình để quan tâm, chăm sóc cho người bề dưới; bạn bè biết hạ mình,
khiêm tốn trong công việc trong sinh hoạt thường ngày sẽ đem lại niềm vui cho
nhau và còn góp phần đem lại hoà bình cho thế giới. Đức Maria dù là mẹ Con
Thiên Chúa nhưng Mẹ đã hạ mình chỉ nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa; Đức Giáo
hoàng Phanxicô khiêm tốn quỳ xuống hôn chân các vị lãnh đạo Nam Sudan để cầu
xin họ chung tay xây dựng hoà bình. Đó là những tấm gương cho chúng ta và lối sống
khiêm nhường đó có sức lay động nhiều hơn lời nói.
Xin Chúa
giúp chúng ta biết học nơi Chúa Giêsu, noi gương Đức Mẹ sống tự khiêm tự hạ trước
mặt Chúa và mọi người để được Chúa và mọi người yêu thương, chúc lành. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí