NGƯỜI LÀ ĐẤNG CÓ UY QUYỀN
LỜI CHÚA: Lc 4, 31-37
31 Bấy giờ, Đức Giêsu xuống
Caphácnaum, một thành miền Galilê, và ngày sabát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có
uy quyền. 33
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế
nhập, la to lên rằng: 34 “Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất
khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh
ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi
người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy thế nào? Ông ấy lấy uy quyền
và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong
vùng.
SUY NIỆM
Đời
sống con người là cuộc song đấu giữa sự thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối.
Có những lúc, bóng tối, sự ác như chiếm lĩnh ánh sáng và sự thiện khiến con người
ta như chao đảo thất vọng.
Trích
đoạn Tin Mừng hôm nay là cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và thần ô uế, giữa Đấng
Thánh và thế gian tội lỗi. Hôm ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy trong hội đường,
dân chúng hết sức sửng sốt thán phục vì lời của Người đầy uy lực. Đức Giêsu
không chỉ dùng những lời nói suông mà Người còn làm những phép lạ kèm theo. Để
minh chứng cho sức mạnh của Lời Chúa, dân chúng đã chứng kiến một phép lạ hết sức
ngoạn mục, họ thấy thần ô uế bị hạ gục. Khi thấy Đức Giêsu xuất hiện, thần ô uế
ngang nhiên chống đối và phủ nhận quyền năng của Người, chúng la lên “Ông Giêsu Nadarét, chuyện
chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi:
ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c. 34). Thần ô uế một mặt chống đối Đức Giêsu nhưng
chúng cũng công nhận Người là Đấng Thánh đầy uy quyền của Thiên Chúa.
Vì thói kiêu ngạo, ma quỷ đã
không chịu khuất phục Thiên Chúa, chúng ngang nhiên quấy phá con người đến nỗi
Đức Giêsu phải quát mắng và truyền cho nó phải xuất ra ngoài. Khi thực hiện phép lạ này, Đức Giêsu đã thi
hành sứ mạng của Đấng Mêsia là đem đến cho con người cuộc sống an bình. Người
không chỉ xua trừ ma quỷ mà còn chữa lành những vết thương do tội lỗi gây ra, mang
lại cho con người vẻ đẹp tinh khôi của buổi đầu sáng tạo. Thủa Sáng Thế, Thiên
Chúa và con người sống thân thiện gần gũi như bạn hữu. Vì tội lỗi, con người
tách ra khỏi Thiên Chúa và tự quyết định về vận mệnh của cuộc đời mình. Cũng từ
đấy con người rơi vào hố sâu của sự dữ và chết chóc. Đức Giêsu đã đem đến cho
con người sự sống mới phát khởi từ Thiên Chúa Cha. Có Thiên Chúa hiện diện, con
người không còn bị thần dữ làm hại (c. 35). Đức Giêsu là hiện thân của Thiên
Chúa tràn đầy tình thương và sức sống. Người đến xua trừ ma quỷ, chữa lành mọi
chứng đau bệnh nơi con người.
Trong
cuộc sống hôm nay, ma quỷ, sự ác vẫn đang trói buộc khiến con người khổ sở và mất
tự do. Ma quỷ ẩn mình sau tấm màn che là tiền bạc vật chất, là địa vị danh vọng.
Chúng lôi kéo con người sống ngược lại với ý muốn và kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa. Tự bản chất, mọi người đều bị tội lỗi thống trị. Thánh Phaolô tông đồ đã
khiêm tốn nhìn nhận “Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không;
chẳng ai có lương tri, chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa
chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện,
dẫu một người cũng không” (Rm 3, 10-12). Nhưng Thiên Chúa yêu thương đã ban
cho con người Lề Luật, để ai thi hành thì sẽ được cứu độ. Thiên Chúa đã đặt Đức
Giêsu làm hy lễ xá tội cho những ai có lòng tin (x. Rm 3, 26).
Trong
tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức thánh Cha Phanxicô khẳng định “Chúa Kitô
đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta. Người muốn con người được sống...Người
đổ đầy ân sủng trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta,
Đấng chữa lành và an ủi chúng ta là Đấng đang sống. Đức Giêsu là Đấng hằng sống
muôn đời. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ sống và sẽ an toàn vượt
qua mọi đe dọa chết chóc và bạo lực ẩn nấp trên đường đi” (Christus Vivit 1,124,127).
Đức Giêsu đã đến để con người được sống và sống dồi dào. Tiếc thay, con người lại
chối bỏ sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa nên đã chuốc lấy thảm họa là sự chết.
Hơn ai hết, khi mang thân phận con người,
Đức Giêsu thấu hiểu mọi nỗi buồn vui của kiếp người. Khi chữa cho người bị
quỷ ám, Đức Giêsu không chỉ chữa anh khỏi bệnh thể
xác nhưng là phục sinh một số phận. Người đến thực hiện sứ mạng của Đấng
Thiên Sai đã được ngôn sứ Isaia tiên báo: “Can
đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày
Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ, mắt
người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 4-5). Đức Giêsu đã đến
giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi và mọi đau khổ về tinh thần lẫn
thể xác, đưa con người từ tình trạng bất toàn khiếm khuyết đến sự hoàn hảo, từ
thân phận nô lệ buồn bã đến tự do trọn vẹn.
Muốn tận hưởng niềm vui cứu độ, chúng ta phải
có lòng khao khát, khiêm tốn tin tưởng cầu xin. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm
sóc và mong muốn loài người được hạnh phúc. Vì thế Người không ngừng ban cho
chúng ta ân sủng và những ơn cần thiết qua các Bí tích. Những khó khăn
thử thách chính là lúc Thiên Chúa thanh luyện chúng ta thêm kiên vững. Cuộc sống thiếu
thử thách là cuộc sống đơn điệu nghèo nàn. Cuộc sống thiếu gian nan sao hiểu được
giá trị của lòng kiên nhẫn. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, chúng ta càng thấm
thía lời dạy của thánh Giacôbê tông đồ: “Anh
em hãy tự cho mình chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Đức tin có
vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên
nhẫn đó ra bằng những điều hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng
trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1, 2-4).
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha
Phanxicô khuyên chúng ta tin vào Đức Kitô, Đấng hóa thành người nghèo hèn, luôn
gần gũi với người đau bệnh và những người bị loại bỏ. Cùng với Thiên Chúa,
chúng ta nghe được tiếng kêu than của họ để chạy đến giúp đỡ. Phúc Âm hóa là gì
nếu không phải là làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa hiện diện trong thế giới
(x. EG 186.188).
Trong xã hội hôm nay còn rất nhiều người bị
thần dữ trói buộc. Một cách nào đó, họ là những người “khiếm khuyết”, vì thế họ cần được
giúp đỡ để trở về với tình trạng “nguyên vẹn” của mình. Họ là những người vất
vưởng bên lề xã hội không được chăm sóc. Những người nghèo có một vị trí đặc biệt
trong trái tim Thiên Chúa, đến độ chính “Người hóa thành nghèo” để cảm thông với
mọi nỗi khổ của họ. Thánh Phanxicô Assisi mong ước “tất cả chúng ta là Kitô hữu nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong tình yêu của
Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để chăm sóc sự yếu đuối của dân chúng và của
thế giới, nơi chúng ta đang sống”.
Lạy Chúa Giêsu
là Đấng giàu lòng thương xót, Chúa đã đoái thương đến những giới hạn của thân
phận con người, xin hãy đến chữa lành chúng con khỏi mọi chứng bệnh tâm hồn và
thể xác. Xin Chúa khơi mở đôi mắt tâm hồn để chúng con nhận biết những ơn lành
của Chúa. Xin mở đôi tai để chúng con lắng nghe lời dạy bảo yêu thương của
Chúa. Xin mở đôi tay để chúng con biết chia sẻ trách nhiệm với mọi người. Xin mở
rộng cánh cửa trái tim để chúng con biết cảm thông trước những nỗi buồn vui của
tha nhân. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP