Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXXIV Thường Niên C
LỄ
CHÚA GIÊSU VUA
2 Sm 5,1-3 ; Cl
1,12-20 ; Lc 23,35-43
VUA GIÊSU: VỊ MỤC TỬ NHÂN ÁI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc
23,35-43
(35)
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lanh thì buông lời chế nhạo: “Hắn
đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô
của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn”. (36) Lính tráng cũng chế
giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống, (37) và nói:
“Nếu ông là vua dân Do thái, thì cứu lấy mình đi! (38) Phía trên đầu
Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do thái”. (39) Một
trong hai tên gian phi bị treo trên thap giá cũng nhục mạ Người: “Ông
không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi
với!”. (40) Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt,
vậy mà có Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như
thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có
làm điều gì trái!”. (42) Rồi
anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi! Khi vào Nước của ông, xin nhớ
đến tôi!” (43) Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh
sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.
2. Ý CHÍNH: Tin mừng hôm nay
cho thấy Đức Giêsu trên thập giá như một ông Vua ngự trên ngai vàng của
mình. Hầu hết những kẻ hiện diện vì đã quen với hình ảnh một ông
vua trần tục nên không nhận ra Đức Giêsu là Vua Mêsia: Dân chúng thì im
lặng đứng nhìn. Các đầu mục Do thái thì lên tiếng cười nhạo. Lính
tráng cũng chế giễu Người. Trên đầu Người có bản án viết như sau:
“Đây là Vua người Do thái”. Hai tên gian phi thì một tên không tin đã
nhục mạ Người, còn kẻ tin thì bênh vực và cầu xin Người thương xót
nên cuối cùng anh là người đầu tiên đã nhận được ơn cứu độ của
Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 35-38: +
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: Khi đối diện
với thập giá của Đức Giêsu, dân chúng thì ngỡ ngàng đứng nhìn hậu
quả của việc mình đã về hùa với kẻ mạnh mà lên án bất công cho
người công chính. Còn các đầu mục Do thái thì hả hê vì đã hạ gục
được một kẻ dám chống lại họ. + Là Đấng Kitô: Kitô
(Christos) là tiếng Hy Lạp, tương đương với từ Mêsia trong tiếng A-ram
hay Do thái. Cả hai từ Mêsia và Kitô đều có nghĩa là “Đấng Được Xức
Dầu”. Xức dầu là một nghi thức tấn phong, giống như Sa-mu-en đã xức
dầu phong cho Đa-vít làm Vua (x. 1 Sm 16,13) ; như Môsê đã xức dầu phong
A-a-ron làm Tư tế (x. 1 V 19,16) ; như Êlia được lệnh xức dầu phong
Ê-li-sê làm Ngôn sứ thay thế mình (x. 1 V 19,16; Is 61,1). + Là người
được tuyển chọn: Đây là tước hiệu đã được Chúa Cha xác nhận
trước mặt ba môn đệ khi Người hiển dung (x. Lc 9,35), phù hợp với lời
tuyên sấm của Isaia về Đức Giêsu là người Tôi Trung, được Thiên Chúa
tuyển chọn để thực hiện công trình cứu độ, nhưng lại bị người đời
khinh dể (x. Is 42,1). + Lính tráng cũng chế giễu Người:
Lính tráng ở đây là binh sĩ Rôma. Chúng thi hành án lệnh của quan
Tổng trấn Philatô đóng đinh Đức Giêsu. Bọn lính này cũng vào hùa với
các đầu mục Do thái chế giễu nhục mạ Người. + Chúng lại gần
đưa giấm cho Người uống: Giấm là một thứ nước có pha giấm
chua gọi là Pos-ca mà lính Rôma hay dùng. + Đây là Vua người Do
thái: Câu này do quan Philatô truyền viết gắn lên thập giá như
một bản án. Ngày nay trên cây Thánh Giá, ta thấy có chữ INRI, là chữ
viết tắt của câu tiếng La tinh: “JESUS NAZARETH REX JUDEORUM”, nghĩa là:
“Giêsu Na-da-rét Vua dân Do thái” (x. Ga 19,19).
- C 39-41: +
“Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả
chúng tôi với!”: Tên gian phi này đã nghĩ Đức Giêsu chỉ là một
ông Vua Thiên Sai giả, không thể làm được những điều kỳ diệu, nên đã
lên tiếng chế giễu Người. Đây cũng là cơn cám dỗ cuối cùng của
Chúa, yêu cầu Người làm phép lạ phục vụ cho mình, giống như ma quỷ
đã cám dỗ Người lúc Người bắt đầu rao giảng Tin mừng: “Nếu ông là
Con Thiên Chúa thì hãy”... (Lc 4,3). Dân làng Na-da-rét cũng có lần đã
cám dỗ Người như thế (x. Lc 4,23). + Nhưng tên kia mắng nó...:
Chỉ Tin mừng Luca mới nhắc đến thái độ khác biệt của người gian phi
có lòng sám hối này.
- C 42-43: +
Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!: Trong
hoàn cảnh đau thương như vậy thì lời bênh vực và kêu xin của người
gian phi, dù có yếu ớt, nhưng cũng an ủi Người rất nhiều. Người đã
lập tức tha tội và hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho anh. Thật đúng
như lời Người đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã
mất” (Lc 19,10). + “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”:
Đối với một số người Do thái thì Thiên Đàng là nơi những
người công chính ở, chờ ngày sống lại (x. Lc 16,22-31). Còn đối với
chúng ta thì Thiên Đàng là “Trời cao” như lời thánh Phaolô: “Quê hương chúng
ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời
đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Thiên Đàng còn là “Trời Mới, Đất Mới”
thay cho “trời cũ đất cũ” bị biết mất (x. Kh 21,1). Nơi đó sẽ “không
có sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (x. Kh
21,4).
4. CÂU HỎI: 1)
Tin mừng Luca ghi nhận những thái độ của dân chúng. đầu mục Do thái,
lính canh, hai tên gian phi trước cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu như thế
nào ? 2) Kitô hay Mêsia nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Trong Thánh kinh,
ba chức vụ nào được xức dầu tấn phong ? 3) Chữ INRI được gắn trên cây
Thánh Giá có ý nghĩa thế nào ? 4) Cơn cám dỗ cuối cùng Đức Giêsu
phải đương đầu trên cây Thánh Giá là gì ? 5) Câu nào của Đức Giêsu
trên cây Thánh Giá cho thấy Người tỏ ra ưu ái đặc biệt đối với tội
nhân có lòng sám hối ăn năn ? 6) Theo Thánh kinh thì Thiên Đàng là gì
? 7) Tại sao lại gọi thập giá Đức Giêsu là cây Thánh Giá ?
II.SỐNG LỜI
CHÚA
1.
LỜI CHÚA: Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do
thái” (Lc 23,38).
2. CÂU CHUYỆN:
1) ANH KHÔNG CÒN
GÌ ĐỂ CHO EM HƠN THẾ NỮA:
Gần đây, các thợ lặn đã tìm được một con tàu đã bị
đắm ở ngoài khơi biển Bắc Ái nhĩ lan cách đây 400 năm. Trong số các
báu vật tìm được trên con tàu này, có một chiếc nhẫn cưới của một
người đàn ông. Sau khi được lau chùi sạch sẽ, trên mặt nhẫn hiện ra
một hàng chữ kèm theo hình một bàn tay đang cầm một quả tim đưa ra.
Người ta đọc được câu ấy như sau: “Anh không còn gì để cho em hơn thế
này nữa”. Trong tất cả những báu vật tìm thấy trên con tàu, không
vật nào khiến cho các tay thợ lặn cảm động cho bằng chiếc nhẫn với
hàng chữ khắc ghi trên đó.
2) TÌNH YÊU ĐƯỢC BIỂU LỘ BẰNG HÀNH ĐỘNG
CỤ THỂ:
Truyện cổ tích
Ai-len có kể lại một nhà vua không có con nối dòng. Khi biết mình sắp chết, đã
mở một cuộc tuyển chọn hoàng tử để truyền ngôi. Cuộc thi nêu ra điều kiện duy
nhất là hoàng tử phải có lòng nhân ái. Đến ngày thi, rất đông các con nhà quý tộc
ăn mặc sang trọng đã đến dự thi và nói năng hoạt bát để định nghĩa thế nào là một
ông vua nhân ái. Tuy nhiên tất cả lời nói của bọn họ đều không có sức thuyết phục
được nhà vua. Sau cùng, một chàng thanh niên đã đến trình diện trong bộ đồ cũ
rách nát. Vừa nhìn thấy anh với bộ dạng nghèo hèn, mọi người đều cười nhạo tỏ vẻ
khinh dể, nhưng riêng nhà vua lại vui vẻ bước xuống ngai vàng đến đón tiếp và
sau đó đã chính thức chọn anh làm hoàng tử lên nối ngôi vua sau này. Tại sao vậy?
Số là vào chiều
hôm trước, khi ban giám khảo ra lệnh tập trung kiểm tra các thí sinh, thì nhà
vua đã cải trang thành một người hành khất đứng ngay ở lối đi vào hoàng cung để
thử lòng các vị hoàng tử tương lai. Nhiều thí sinh con nhà quyền quý giàu có
khi đi ngang qua người ăn xin đã tỏ thái độ khinh thường quay mặt đi chỗ khác.
Duy chỉ có một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú nhưng thuộc giới bình dân là dừng
lại. Anh đã chủ động hỏi thăm về hoàn cảnh của người ăn xin, rồi sẵn sàng chia
sẻ tất cả số tiền mang theo giúp đỡ. Thấy người ăn xin mặc áo cũ rách, anh còn
cởi chiếc áo lành lặn đang mặc cho người ăn xin này. Hôm nay trong buổi thi
chính thức, do không còn chiếc áo nào khác nên anh đành mặc chiếc áo cũ rách của
người ăn xin hôm trước để vào trình diện nhà vua. Vừa thấy anh, nhà vua đã nhận
ra chàng thanh niên hôm trước và đã chọn anh làm hoàng thái tử nối ngôi. Từ đó
anh được vào sống trong triều đình nhà vua để được học tập và ít lâu sau khi
nhà vua băng hà anh đã được lên nối ngôi vua.
Câu chuyện trên
cho thấy lòng nhân ái không hệ tại ở lời nói, nhưng ở việc làm cụ thể, sẵn sàng
hy sinh nhường cơm sẻ áo cho những người bất hạnh gặp phải giữa đời thường.
3. SUY NIỆM:
Sau Thế
Chiến lần thứ
nhất (1914-1918), cuộc chiến đã làm gần 9 triệu người bị
chết,
ngày 11.12.1925, Đức Piô XI đã truyền thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, để cầu nguyện
cho những người lãnh đạo các quốc gia đừng nuôi mộng bá
chủ địa cầu để gây ra chiến
tranh tàn
sát lẫn nhau, nhưng mọi dân tộc hãy chấp nhận nhau
là
anh em trong cùng một Vương Quốc dưới quyền Vua Giêsu.
1) Vương quyền của Đức Giê-su:
Trong Thánh Kinh
có nhiều chỗ đề cập đến vương quyền của Đức Giêsu: Bài đọc Một trích sách
Samuen, ghi lại sự kiện cậu bé Đavít đã được Samuen xức dầu tấn phong làm vua
Itraen. Vua Đavít nói đây chính là hình bóng của Vua Giêsu trong thời Tân Ước
sau này. Tin Mừng Luca thuật lại việc Đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu tấn
phong là Vua Thiên Sai để đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x. Lc
4,18-19). Trong cuộc khổ nạn, khi đứng trước tòa Philatô, Đức Giêsu đã khẳng định: “Quan
nói đúng: Tôi là Vua”.
2) Đặc điểm của Vua Giêsu:
- Đức Giê su là
Vua, nhưng không giống các ông vua trần thế “Hành quyền trên dân và bắt dân hầu
hạ mình”. Đức Giêsu là Vua nhưng là Vua Mục Tử. Người đã rửa chân hầu hạ môn đồ,
sẵn sàng chịu chết để bảo vệ đàn chiên, luôn chăm lo cho chiên “được
sống và sống dồi dào”. Người là Vua Hòa Bình khi ngồi trên lưng lừa thay
vì mình ngựa khải hoàn vào thành Giêrusalem. Người còn là Vua Nhân Ái,
dành trọn tình yêu thương thần dân đến nỗi sẵn sàng bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh
sườn, để máu và nước từ trái tim chảy ra hầu thanh tẩy tội lỗi của nhiều
người. Tình yêu ấy đã được Tin Mừng Gioan ghi nhận: “Người vẫn yêu thương những
kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b).
- Khi chịu chết
trên thập giá, phía trên đầu Đức Giêsu, quan Philatô truyền gắn bản án: “INRI”
viết tắt của câu bằng tiếng La tinh: “Giêsu Nadarét Vua dân Do thái”. Đức
Giêsu là Vua, nhưng vương miện của Người lại là vòng gai nhọn cuốn trên
đầu, cẩm bào của Người là sự trần trụi ô nhục. Khi ấy không có những
lời tung hô vạn tuế, mà chỉ có những lời đả đảo nhạo báng khinh chê của
các đầu mục dân Do thái, của đám đông cuồng nộ, của bọn lính canh thờ ơ và lời
nhạo báng của tên trộm gian ác bị treo trên thập giá bên trái Đức Giêsu.
3) Tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô là Vua”:
- Ngày nay
mỗi lần nhìn lên cây Thánh giá, thay vì vô cảm đứng nhìn, chúng ta hãy
thành tín dâng lời cầu nguyện như người kẻ trộm bên phải có lòng sám hối:
“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Nhờ đó chúng ta
cũng sẽ nhận được lời Chúa hứa như Người đã nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh
sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,42-43).
- Các bà mẹ
Công giáo nên theo gương của một bà mẹ đạo đức kia chỉ tay vào cây
Thánh Giá của Chúa để khuyên đứa con của mình: “Con ơi! Hãy nhìn cho kỹ.
Chính Chúa Giêsu đã chết đau thương trên cây Thánh giá như vậy để đền tội của
con đó”.
- Ngày nay, dù có
tin nhận Chúa Giêsu là Vua hay không, nhưng mọi dân nước trên thế giới đều nhận
lễ Giáng Sinh của Đức Giêsu (25/12) làm cột mốc đánh dấu thời gian năm tháng
chung cho nhân loại, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “Con người sẽ
không bao giờ loại bỏ được Đức Kitô ra khỏi lịch sử của mình”. Quả thật, Chúa
Giêsu lôi kéo mọi người lên với Người như Người đã nói: “Khi nào tôi bị treo
lên, tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng tôi” (Ga 12,32).
4) Để Vương quyền của Vua Giêsu ngày một lan rộng:
- Để tin nhận Chúa
Giêsu là Vua và trở thành công dân trong Nước Thiên Chúa, người tín hữu phải sẵn
sàng từ bỏ mọi thứ vua giả dối như: Các loại thần tượng, danh vọng, chức quyền,
của cải vật chất… để luôn sống chan hòa yêu thương, khiêm tốn phục vụ tha nhân,
sẵn sàng hy sinh tất cả để giúp mọi người ngày một ấm no, an vui hạnh phúc hơn.
Tin nhận và tuyên xưng Chúa Giêsu là Vua là phải kết hiệp với Người xây dựng một
“Trời Mới, Đất Mới”, Vương quốc huynh đệ, yêu thương, công lý và hòa bình bắt đầu
từ trần gian hôm nay và kết thúc vào ngày tận thế.
- Mừng lễ Chúa
Giêsu Vua, chúng ta hãy để cho Vua Giêsu chiếm trọn tư tưởng, lời nói và hành động
của mình. Từ nay chúng ta không còn được sống theo thói thế gian, không được sống
theo ma quỷ và các đam mê tội lỗi... nhưng cần sống theo Chúa Giêsu như lời
thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống
trong tôi” (Gl 2,20).
- Mỗi buổi tối
chúng ta hãy xét mình để biết Vua của tâm hồn chúng ta hiện giờ là ai? Là Vua
Giêsu hay một ai khác…? Mỗi ngày hãy năng cầu nguyện noi gương người trộm lành
xưa: “Lạy Chúa Giêsu là Vua lòng con. Xin thương con hôm nay và nhất là trong
giờ chết”.
4. THẢO LUẬN: 1)
Bạn có đồng ý câu: “Yêu thương là cho đi. Cho nhiều là dấu yêu thương
nhiều. Cho cả mạng sống của mình là dấu chứng tỏ tình yêu tột
đỉnh”? 2) Trong những ngày này bạn sẽ dâng cho Chúa Giêsu những gì để
biểu lộ tình yêu của bạn?
5. NGUYỆN CẦU
- LẠY CHÚA GIÊSU
VUA VŨ TRỤ. Nếu Chúa thực sự là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, của hơn
tám trăm ngàn nữ tu, của trên một tỉ người công giáo… thì thế giới này chắc đã
đổi mới từ lâu rồi. Quả thật, men đức tin của các tín hữu chúng con tuy không
ít, nhưng sở dĩ khối bột thế giới chưa dậy lên men tình yêu của Chúa, là do men
của chúng con đã bị mất phẩm chất. Ngày nay sự dữ vẫn đang tràn lan trên thế giới,
mà trong đó không ít điều dữ lại do chính các tín hữu là chúng con gây ra. Nhiều
người trong chúng con mới chỉ tôn vinh vương quyền Chúa trong nhà thờ, nên
ngoài xã hội vẫn đang vắng bóng tình yêu của Chúa. Ước gì mọi người Công giáo đều
quyết tâm thực hiện lối sống yêu thương khiêm nhường phục vụ và giới thiệu Chúa
là Tình Thương cho mọi người, thì chắc chắn Vương quyền của Chúa sẽ mau hiển trị
trên toàn thế giới.
-
LẠY VUA GIÊSU. Xin cho mỗi tín hữu chúng con biết chọn lối sống hy sinh quên
mình và vác thập giá mình hằng ngày, là những bệnh tật, những người
trái tính trái nết đang sống chung quanh, là những tai ương rủi ro chúng
con gặp phải trong cuộc sống hằng ngày... để bước theo chân Chúa. Nhờ
đó, chúng con sẽ trở nên những môn đệ trung tín và khôn ngoan, sẽ
được Chúa tha tội, và được nghe Chúa ưu ái nói với chúng con trong giờ chết
như đã nói với người trộm lành trong Tin mừng hôm nay: “Ta bảo thật, hôm nay,
con sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.-
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM
ĐAN VINH - HHTM