Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 34

CHỦ NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B

chua giesu.jpg

Đức Ki tô là Vua và cùng với Ngài chúng ta sẽ chiến thắng. Nhưng cuộc vinh thắng ấy không có nghĩa là chúng ta có thể ngồi khoanh tay bất động trước sự dữ. Đó là thù địch duy nhất  mà TÌNH YÊU đích thật phải kiên trì chiến đấu chống lại. Nhưng từ nay chúng ta biết rằng trong cuộc chiến ấy, chúng ta chỉ có một khí giới là chính Tình yêu. Và bằng tình yêu, chúng ta sẽ làm cho Nước Chúa hiện diện trong trần gian.

Sách Đa ni ên 7,13-14:

Trong một thị kiến hùng vĩ, tiên tri đã thấy Con Người xuất hiện trên mây trời. Ngài được trao ban mọi quyền hành trên trời dưới đất, và quyền thống trị ấy tồn tại muôn đời. Thế nên Vương quốc của Ngài sẽ vĩnh cửu. Nhân vật huyền bí ấy không ai khác hơn là chính Đức Ki tô.

Thánh vịnh 92:

Vương quyền của Thiên Chúa hiển trị trong khắp tạo vật, nhưng còn biểu hiện vinh quang trong Đền thờ nơi mà các tín hữu đến tôn vinh Người.

Sách Khải Huyền 1, 5-8:

Từ KHẢI HUYỀN có nghĩa là mở màng, để lộ ra, tỏ ra cho thấy. Khi cho thấy những lớp Lịch sử nối tiếp nhau, ngang qua một khung cảnh hùng vĩ đầy hình ảnh, tác giả đọan văn nầy nói rằng Lịch sử có bí mật cuối cùng là Đức Ki tô. TÌNH YÊU mà Chúa Giê su đã mặc lấy hoàn toàn trong cuộc sống của Ngài là năng lực đã hoạt động ngay từ khởi thủy của Lịch sử. Nó là tiếng nói cuối cùng của tất cả mọi sự. Tình yêu chắc chắn sẽ chiến thắng.

Tin mừng: Ga 18,33b-37

NGỮ CẢNH

Các sách Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa Giê su bị đưa ra xét xử trước Toà án Phi la tô, nhưng trong Tin Mừng Gioan biến cố ấy mang một tầm mức quan trọng đặc biệt. Có nhiều lí do biện minh cho điều ấy: tác giả muốn nhấn mạnh trách nhiệm của Phi la tô và của người do thái trong việc kết án tử hình Chúa Giê su; thứ đến, tác giả muốn cho thấy việc xét xử không nhằm lên án Chúa Giê su nhưng trái lại đề cao vương quyền của Ngài một cách độc đáo và rõ ràng nhất; và cuối cùng, khi bị xét xử, thì Chúa Giê su lại thể hiện quyền năng xét xử của mình trước mọi người.

Do vậy mà trình thuật được cấu trúc chặt chẽ nhằm họa lên một khung cảnh thực bi tráng. Khởi đầu là một nhập đề ngắn (c.28) nối đoạn sau với đoạn đi trước và trao cho độc giả chìa khóa giải thích ý nghĩa những gì đi sau. Kế đó là bẩy phân đoạn, chia thành hai nhóm, mỗi nhóm gồm ba lần quay trở về quang cảnh trung tâm. Tất cả nhằm cho thấy cuộc đối đầu giữa Phi la tô và Chúa Giê su ở trong dinh xen kẻ với cuộc chạm trán giữa Phi la tô và người do thái ở ngoài dinh. Trình  thuật do đó được khai triển như sau:

18,29-32:       ở ngoài:          Phi la tô – người Do thái

     33-38a:     ở trong:          Phi la tô –  Chúa Giê su

     38b-40:     ở ngoài :         Phi la tô – người Do thái

19,1-3 :          ở trong :         cảnh đội vòng gai cho Chúa Giê su

     4-7 :           ở ngoài :         Phi la tô – người Do thái

     8-11 :         ở trong :         Phi la tô – Chúa Giê su

    12-16 :       ở ngoài :         Phi la tô – người Do thái

Trong bốn cảnh ở công khai bên ngoài, chúng ta thấy viên chánh án Phi la tô đối diện với các thủ lãnh người do thái. Trước hết, ông tìm cách làm rõ lời cáo buộc người ta gán cho Chúa Giê su (18,29), và ba lần ông tuyên bố Ngài vô tội (18,38;19,4,6). Sau đó ông trở nên do dự hơn khi nghe các đối thủ của Chúa Giê su quả quyết rằng Ngài tự cho mình là Con thiên Chúa (19,7-8). Sau cùng ông đành thua cuộc trước lời cáo buộc có tính cách chính trị (19,12).

Trong hai cảnh đối diện với Chúa Giê su (“ở trong”), Phi la tô không còn xuất hiện như vị chánh án tối cao nữa; ông bối rối hỏi Chúa Giê su như tất cả mọi người khi đứng trước mầu nhiệm của Ngài: Ngài là Ai ? Ngài từ đâu đến ?

Đoạn văn của chúng ta nằm trong phân cảnh thứ hai diễn ra ở trong dinh giữa Chúa Giê su và ông Phi la tô (33-38).         

TÌM HIỂU

Vua dân Do Thái: trở vào trong dinh, Phi la tô đối mặt với Chúa Giê su. Ông ta liền đặt ra cho Chúa Giê su câu hỏi căn bản được cả bốn sách Tin mừng thuật lại (Mt 27,11; Mc 15,2; Lc 23,3). Đó là câu hỏi duy nhất mà Phi la tô có thể quan tâm đến: ngài có phải là thủ lãnh một băng nhóm tìm cách gây ra một phong trào li khai chăng? Tin Mừng Gioan nhấn mạnh cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su và Phi la tô; toàn bộ cảnh toà án mà ông thuật lại (đề nghị phóng thích Chúa Giê su: 18,39; cảnh đội triều thiên gai: 19,2-3; thuật lại nơi gọi là Gáp ba tha: 19,13) nhấn mạnh rằng Chúa Giê su hoàn toàn xứng đáng với tước hiệu là Vua mà Phi la tô gán cho Ngài.

Ngài tự ý nói điều ấy: Chúa Giê su không trả lời thẳng câu hỏi của Phi la tô. Một lần nữa, trình thuật cho thấy Ngài điều khiển các biến cố như trong cảnh người ta vây bắt Ngài (18,40), Ngài hỏi Phi la tô: “Ngài tự ý nói điều đó vì tò mò muốn biết hay vì ngài thật sự tìm hiểu về tôi?”. Chúng ta đã từng chứng kiến cách xử sự ấy của Chúa Giê su (2,4; x. Lc 9.18-20).

Ông Phi la tô: Ông từ chối để mình bị lôi kéo theo chiều hướng tôn giáo, trước sau vẫn muốn làm trọn vai trò một viên chức xử án của nhà nước. Do đó ông đưa ra một câu hỏi có tính cách thẩm vấn: “Ông đã làm gì?”. Về phần Chúa Giê su, thay vì trả lời, Ngài quay trở lại quan điểm đã đặt ra, vấn đề về vương quyền của Ngài.

Nước tôi không thuộc về: Chúa Giê su nhìn nhận vương quyền của Ngài như một sự kiện. Nó không thuộc phạm vi chính trị: vì nếu như thế, thì có lẽ Ngài dùng một đạo quân để bảo vệ quyền ấy. Nó cũng không phát xuất từ con người: vì Ngài đến trần gian để cứu độ thế gian (3,17;16,28), nhưng lại không thuộc về thế gian nầy (17,160). Rốt cục, vương quyền của Ngài có tính cách phổ quát.

Vậy ông là vua sao?: ở đây Phi la tô lặp lại tước hiệu một cách tuyệt đối, không thêm cụm từ bổ ngữ: “của người Do thái” (x.c.33), bởi vì ông đã hiểu rằng Chúa Giê su đã từ khước tước hiệu “Vua người Do Thái”, chứ không từ chối tước hiệu “Vua”.

Chính Ngài nói rằng tôi là vua: Chúa Giê su mời gọi ông Phi la tô nhìn nhận Ngài là Vua. Nhưng Phi la không hiểu rõ lời Chúa Giê su nói.

Và đã đến: Chúa Giê su đã đến để hoàn tất sứ mạng của Cha, để thực hiện một sự phán xử nhân danh Người (8,16), nghĩa là làm chứng cho chân lí.

Sự thật: đối với Gioan, chân lí trước hết là sự hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha trong Chúa Giê su, sự mạc khải toàn vẹn. Chúa Giê su đến trần gian nầy để làm chứng cho tình yêu của Cha. Vương quyền của Ngài hệ tại ở đó: tất cả những ai mở rộng tâm hồn để tiếp nhận chân lí đều có thể trở thành môn đệ của Ngài (1,12;8,47;10,3).

SỨ ĐIỆP

 Chúng ta vừa nghe Lời Chúa giúp suy niệm về Đức Ki tô Vua vũ trụ.

Tất cả các bải đọc đều cho thấy diện mạo Chúa Giê su không có một điểm nào giống với các vua trần gian lúc đạt đến tột đỉnh vinh quang phú quí. Ngài bắt đầu cuộc đời trong máng cỏ rơm, suốt ba mươi năm miệt mài ẩn dật làm việc trong xưởng thợ tối tăm ở Nagiarét. Và kết thúc cuộc đời bằng cuộc khổ nạn và cái chết tất tưởi trên đồi Gon gô tha. Tất cả những điều ấy cho thấy rằng không một tước hiệu nào đi ngược lại với cuộc sống Chúa Giê su cho bằng tước hiệu Vua. Và bản thân Ngài khi còn sống cũng không bao giờ đòi cho mình tước hiệu đó, cũng như tước hiệu Đấng Messia.

Hình ảnh minh họa rõ ràng nhất cho mâu thuẩn ấy là trong bài tin mừng. Đó là trình thuật kể lại lúc Chúa Giê su bị xử án như một tội nhân. Ngài là bị cáo đứng trước quan tòa Phi- la-tô tượng trưng cho quyền hành nhà Vua đế quốc La mã vào lúc đó đang thống trị toàn vùng Địa Trung Hải. Còn Chúa Giê su chỉ là một người thợ mộc vô danh của một thôn làng không tên tuổi. Khi nhìn ngắm Chúa Giê su trước tòa Phi la tô, không ai có thể nói Chúa Giê su là Vua.

Phi-la-tô hoàn toàn bị bất ngờ trước người lạ mặt và tội nhân nghèo khổ ấy. Ngài không có khí giới, không có ai để bảo vệ hay bênh vực cho mình. Vậy mà Philatô còn chế nhạo Ngài bằng câu hỏi: “Anh là vua người Do thái?”Chúa Giê su trả lời một cách rõ ràng: “Tôi không phải là Vua trên thế gian nầy.. Nước tôi không thuộc chốn nầy”. Chúa Giê su không ngừng tách biệt sứ mạng của Ngài khỏi mọi lớp vỏ bọc chính trị trần gian. Rõ ràng nhất là lúc kết thúc phép lạ hóa bánh ra nhiều: “Khi biết người ta sắp tôn Ngài làm Vua, Ngài trốn một mình lên núi cầu nguyện”. Đó là một cách nhắc mọi người nhớ rằng Ngài đến trần gian không phải vì một giấc mơ chính trị.

Cần phải phân biệt rạch ròi như thế, đó là điều mà Chúa Giê su thường nhắc đi nhắc lại cho các môn đệ của Ngài:  “Anh em ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.Và chỗ khác: “Vua chúa trần gian điều hành như ông chủ và đặt nặng quyền hành trên dân. Nhưng giữa anh em thì không phải như thế”.

Trong ngôn ngữ bình thường, “Vua” là từ dủng để chỉ người công dân số một. Chúng ta cũng thường gọi người thành công nhất trong lãnh vực nào đó là Vua. Nhưng Chúa Giê su là Vua theo đường lối của Thiên Chúa. Để hiểu điều đó, chúng ta có thể trở lại bải đọc thứ nhất trong sách tiên tri Đa ni ên. Trong khi các đế quốc trần gian nối tiếp nhau xuất hiện trong lịch sử được so cánh với các thú dữ: như sư tử, diều hâu và báo, thì nầy xuất hiện một “con người từ mây trời mà xuống”. Rõ ràng, đây không phải là một nhân vật bỉnh thường. Quyền năng của Ngài không ngự trị trên thế giới thú vật, nhưng trên mọi loài và phát xuất từ Thiên Chúa. Cần phải lưu ý rằng trong Kinh thánh, mảy trời là biểu tượng cho thế giới Thiên Chúa, như trong trình thuật Chúa biến hình hay thăng thiên.

Đàng khác, Chúa Giê su rất thường dùng tước hiệu “Con Người” để tự định nghĩa. Ngược hẳn với những gì mà từ ấy có thể gợi lên, tước hiệu “Con người” không nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giê su, nhưng đến tương quan mật thiết với Thiên Chúa, Vương quyền và sự siêu việt của Ngài: “Ngài thống trị vĩnh cửu và Vương quyền Ngài sẽ không bị phá hủy”. Và sách Khải Huyền trong bài đọc thứ hai còn thêm rằng: “Đức Giê su Ki tô là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ lãnh mọi vương đế trần gian.. Kính dâng Ngài vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Kìa, Ngài ngự đến giữa đám mây. Ngài là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng”.

Chắc chắn, quyền năng ấy không có gì giống với sức mạnh thông thường vì đó là quyền năng tình yêu của Ngài. Vương quyền của Đức Ki tô cũng là vương quyền của Chân lí. Chính Ngài đã nói với chúng ta: “Thầy đến trần gian để làm chứng cho chân lí..Tất cả những người thuộc về chân lí thì nghe tiếng Ta”. Chúa Giê su cai trị bằng đức tin và tình yêu mà chúng ta dành cho Ngài. Kính tôn Vua, tức là nghe tiếng Ngài, là hành động với Ngài chống lại mọi hình thức khai trừ để tất cả những ai bị loại trừ trên toàn thế giới nầy tìm lại được nhân phẩm của mình.

Chính vì thế mà chúng ta phải uốn nắn cuộc sống của chúng ta theo đấng là “Đường, là Sự thật và là sự Sống”. Chúng ta được mời gọi sống theo cách Chúa Giê su, đấng không đến để được phục vụ, mà là để phục vụ. Chính Ngài cho biết Ngài cũng chỉ là người chứng nhân khiêm nhường cho một Đấng Khác, chứng nhân cho chân lí của Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa muốn mọi người được hạnh phúc và mời gọi tất cả chúng ta đón nhận nhau như anh em một nhà. Nhờ đó, chúng ta có thể thông phần vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa qua những cử chỉ tiếp nhận cụ thể như một nụ cười, một cái nhìn kính trọng và đầy yêu thương, hay những cử chỉ hòa giải. Thông hành để đi vào Nước Trời chính là tình yêu và phục vụ nhân danh Chúa Giê su.

Chúng ta muốn Chúa Giê su ngự trị trên cuộc sống của chúng ta. Đừng quên rằng sứ mạng của chúng ta chính là trung thành tuyệt đối làm chứng cho chân lí, và nếu cần, đến hi sinh bản thân mình. Kho tàng của Vương quốc ấy chính là những người nghèo,  khiêm nhu, những kẻ bị loại trừ. Chính vì họ mà Chúa Ki tô đã tận hiến tất cả.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được Đức Ki tô biến thành Vua theo hình ảnh Ngài.

Đó là phẩm tính cao quí của chúng ta và là lời chứng mà chúng ta phải mang lại.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Đa ni ên là sách gì?

THƯA: Sách Đa niên thuộc loại ‘khải huyền’, tỏ bày sự huyền bí trong ý định của Thiên Chúa. Sách được viết vào thời kì cấm đạo khốc liệt mà dân Do thái phải chịu đựng dưới thời Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (167-164) nhằm khuyến khích Dân Chúa trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa. Sách được mạo nhận là của một nhân vật thời lưu đày.

2. HỎI: Nội dung Bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Đa-ni-ên, kể lại thị kiến về một Nhân Vật đặc biệt có diện mạo như một người, nên được gọi là Con Người. Nhân Vật này xuất hiện như một vị thần linh (ngự giá mây trời), được Thiên Chúa (Đấng Lão Thành) trao cho quyền thống trị, vinh quang, vương vị vĩnh cửu và được mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ phụng sự đến muôn muôn đời. Nhân vật đặc biệt này chính là Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu khổ nạn và chết trên Thập Giá để cứu chuộc loài người. 

3. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một diễn tả một thị kiến mà tiên tri Đa niên được Thiên Chúa cho thấy. Thị kiến ấy ở trên trời, trong thế giới Thiên Chúa mà tiên tri gọi là Đấng Lão Thành ngự trên ngai (c.7, 9). Và có một nhân vật tiến đến Đấng Lão Thành, đấng ấy được goi là ‘Con Người’, kiểu nói trong ngôn ngữ Híp pri có nghĩa đơn giản là ‘người’.

4. HỎI: Đấng ‘Con Người’ đến với Đấng Lão Thành để làm gì?

THƯA: Ngài đến với Đấng Lão Thành (=Thiên Chúa) để được hiến thánh làm Vua. Như vậy thì đây là ngày tấn phong Ngài làm Vua, nên được ban cho ‘quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người’(14a).

5. HỎI: Vương quyền của Ngài có đặc điểm gì?

THƯA: Trước hết vương quyền Ngài có tính phổ quát, nghĩa là bao trùm mọi dân nước, và vĩnh cửu, nghĩa là tồn tại muôn đời, không bao giờ chấm dứt. Kế đến Ngài không chiếm đoạt vương quyền ấy cũng không chinh phục bằng sức mạnh.

6. HỎI: ‘Con Người’ ấy là ai?

THƯA: ‘Con Người’ ấy không phải là một cá nhân, nhưng là một dân tộc, dân tộc các Thánh của Đấng Tối cao (7,18).

7. HỎI: ‘Dân tộc các thánh của Đấng Tối cao’ là những ai?

THƯA: ‘Dân tộc các thánh của Đấng Tối cao’ trong Kinh Thánh là Ít-ra-ên, hoặc trong thời kì bách hại, là nhóm ‘Số sót’ trung tín, nòng cốt bé nhỏ của Dân. Thị kiến của Đa-ni-ên xảy trong thời dân Do thái bị bách hại khủng khiếp dưới thời Vua Hi lạp An-ti-o-khô 4. Vì thế tiên tri nói với những người còn trung thành với đức tin Do thái: ‘Anh em là dân các thánh của Đấng Tối cao, chẳng bao lâu nữa anh em sẽ lãnh nhận vương quyền’. 

8. HỎI: Vào thời Chúa Giê su, Đấng Mê-si-a mà người Do thái chờ đợi là ai?

THƯA: Toàn dân đều chờ đợi Đấng Mê-si-a nhưng mỗi người tưởng tượng một cách: một số người chờ đợi một người, số khác chờ đợi một Đấng Mê-si-a tập thể mà họ gọi là Số sót Ít ra ên, hoặc là Con Người.

9. HỎI: Còn tước hiệu ‘Con Người’ mà Chúa Giê su tự gán cho mình có nghĩa gì?

THƯA: Khi gán cho mình tước hiệu ‘Con Người’ Chúa Giê su tự nhận mình là Đấng Mê-si-a nhưng là một Đấng Mê si a chịu đau khổ. 

10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng thuộc phần trình thuật Khổ nạn trong tin mừng Gioan (c.ch. 18-19) trong đoạn Chúa Giê su bị điệu ra trước tổng trấn Phi la tô (18,28-19,16) nằm trong phân cảnh thứ hai diễn ra ở trong dinh giữa Chúa Giê su và ông Phi la tô (33-38). Chính trong khi bị xét xử như một tội nhân, Chúa Giê su đã tỏ cho biết Ngài chính là Vua.

11. HỎI: Điều gây ngạc nhiên nhất trong bài tin mừng nầy là gì?

THƯA: Trong các sách Tin mừng, người ta tìm thấy rất ít những lời khẳng định Chúa Giê su là Vua. Trái lại, cứ mỗi lần người ta muốn tôn Ngài làm vua, Ngài liền trốn chạy. Sau những lần làm phép lạ, Ngài bắt mọi người phải giữ im lặng. Cả sau khi biến hình trên núi Ta bô rê. Nhưng bài tin mừng nầy cho thấy, khi đứng trước tòa Phi la tô, bị xiềng xích, bị cáo buộc như một tội nhân, thì Chúa Giê su khẳng định mình là Vua! Như thế vương quyền của Chúa Giê su phát sinh trong hoàn cảnh nghịch thường, chính khi bị đối xử như một tội nhân, Ngài tuyên bố là Vua.

12. HỎI: Như thế, theo Chúa Giê su, quyền bính phải được thực thi như thế nào?

THƯA: Trong khi quyền bính trần gian tìm cách áp đặt quyền hành của mình, thì Chúa Giê su dạy các môn đệ: “Giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10.43-45). Như vậy, đối với Chúa Giê su, quyền hành cao nhất là phục vụ nhiều nhất.

13. HỎI: Như vậy, khi kể lại phiên tòa Phi la tô, Thánh Gioan muốn nói lên điều gì?

THƯA: Khi kể lại phiên tòa Phi la tô, Thánh Gioan đã đã sắp xếp bố cục nhằm cho thấy rằng Chúa Giê su là Vua nhân loại ngay lúc Ngài hiến mạng sống cho họ. Vị Vua nầy không có tham vọng nào khác hơn là đến để phục vụ mọi người.

14. HỎI: Tác giả đã làm thế nào để đạt mục đích đó?

THƯA: Bằng cách khéo léo sắp xếp các chi tiết, Thánh Gioan đã biến cuộc xét xử thành một cuộc đối thoại tay đôi ngang hàng giữa Chúa Giê su và Phi-la-tô, để đi đến kết cục là ông nầy phải nhận ra rằng vị Vua đích thật chính là Chúa Giê su. Bấy giờ Philatô hỏi Chúa Giê su rằng: ‘Ông là Vua à?’ Chúa Giê su trả lời: ‘Chính Ngài nói tôi là Vua’, nghĩa là: ‘Ngài đã hiểu và chính Ngài đã nói ra điều ấy’(Ga 18,37).

15. HỎI: “Ta sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho Sự thật”. Vậy Sự thật có nghĩa gì?

THƯA: Phi la tô không hiểu Sự thật mà Chúa Giê su nói đến như là mục tiêu sứ mạng của Ngài. Còn người Do thái, ngay từ khi bắt đầu kí kết Giao Ước với Thiên Chúa, đã hiểu rằng sự thật là chính Thiên Chúa. Sự thật theo nghĩa kinh thánh là sự trung thành vững chắc của Thiên Chúa. Và bởi vì Sự thật là một Ngôi vị, là chính Thiên Chúa, nên không ai có thể tự hào mình nắm giữ Sự thật. Trái lại, người ta thuộc về sự thật chứ Sự thật không thuộc về ai cả. Vì thế điều quan trọng duy nhất là lắng nghe Sự thật và để cho Sự thật dạy bảo.

16. HỎI: Câu nói: “Ai thuộc về Sự thật thì nghe tiếng tôi” có nghĩa gì?

THƯA: Chúa Giê su nói với Phi la tô: “Ai thuộc về Sự thật thì nghe tiếng tôi” cũng giống những lần Ngài đã nói với người Do thái trước kia: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa” (Ga 8,47). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói: “Hãy nghe Ta dạy”. Vì thế khi bảo những ai làm theo lời Thiên Chúa thì hãy nghe tiếng Ngài, Chúa Giê su tự mạc khải Ngài chính là Thiên Chúa.

17. HỎI: Phi la tô tượng trưng cho mẫu người nào trong tin mừng Gioan?

THƯA: Phi la tô tượng trưng cho hạng người dù đã được nghe lời Chúa Giê su nói, nhưng đã không làm theo lời Ngài dạy, nên cuối cùng đã không tin vào Ngài là Đấng Cứu độ. Khác hẳn với Mát ta đã đầy lòng khiêm tốn và tin tưởng: “Tôi tin rằng Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian”. Điều còn thiếu nơi Phi la tô là không để cho mình thuộc về Sự thật.

18. HỎI: Như vậy điều kiện để tham dự vào Vương quyền của Đức Ki tô là gì?

THƯA: Đó là tâm hồn nghèo khó. Những người như thế thực sự là Vua, bắt đầu từ Chúa Giê su, vì: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

19. HỎI: Chúng ta được tham dự vào Vương quốc của Đức Ki tô ngay từ cuộc sống trần gian nầy?

THƯA: Đúng là như thế. Tâm hồn nghèo khó ấy được thể hiện bằng việc lắng nghe tiếng Chúa Kitô, nghĩa là vâng phục Ngài và giữ lời Ngài dạy. Nhờ đó, Chúa Ki tô thực hiện vương quyền trên những người sống trong thế gian, nghĩa là sống phù hợp với thánh ý Ngài được biểu lộ qua giới răn duy nhất: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (13,34-35).

20. HỎI: Và cả trong cuộc sống đời đời?

THƯA: Đúng thế. Sự sống mà Đức Ki tô ban cho chúng ta ngay từ bây giờ sẽ được triển nở phong phú sau khi chúng ta chết: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Vì vương quyền của Đức Ki tô được thực hiện qua việc ban sự sống cho loài người, nên bước vào cõi sống đời đời là vĩnh viễn thuộc về Vương quốc của Ngài.

21. HỎI: Và cả vũ trụ cũng thuộc về Vương quốc của Đức Ki tô?

THƯA: Đúng thế. Thánh Phao lô cho chúng ta biết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy  là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang”(Rm 8,19-21).

22. HỎI: Bài đọc 2 có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc hai trích đoạn phần mở đầu sách Khải Huyền, trong đó thánh Gioan chiêm ngắm Đức Giê su. Ngài sau khi bị con người đóng đinh trên thập giá, đã chiến thắng sự chết và đang vinh quang hiển trị. Các thù địch của Ngài sẽ nhìn thấy Ngài, những kẻ được cứu chuộc nhờ máu Ngài sẽ cùng hiển trị với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu vì Ngài là Đầu và là Cuối, là Nguyên thủy và là Cùng tận.

23. HỎI: Phải sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: Để thực thi sứ điệp Lời Chúa, chúng ta phải: Một là cảm tạ tri ân Thiên Chúa Cha vì Người đã trao mọi vương quyền cho Con Một Yêu Dấu của Người là Chúa Giê-su Ki-tô. Hai là tri ân cảm tạ Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại, trong đó có chúng ta. Ba là nhìn nhận và tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ, vạn vật và con người, để hăng say làm cho Vương Quyền của Người được nhìn nhận trong thế giới này và làm cho Vương Quốc Tình Thương của Người mở rộng đến mọi tâm hồn và mọi cơ cấu xã hội, quốc gia và quốc tế.

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV - Mùa Thường Niên
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên B: CHÚA GIÊSU KITÔ LÀ VUA VŨ TRỤ_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên A: CHUẨN BỊ NGÀY CHÚA ĐẾN. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên A: HÃY ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN . Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên A: CƠ HỘI LÀM CHỨNG. Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A: ĐỂ SUY TÔN VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU. Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên A: ANH HÙNG ĐỨC TIN. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A: CHÚA GIÊSU VUA VŨ TRỤ: CHÚA GIÊSU LÀ CÙNG ĐÍCH VÀ LÀ ĐẤNG XÉT XỬ CON NGƯỜI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc
     Các bài đọc Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A-Lễ Chúa Kitô Vua
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm A