ĐỨC GIÊ-SU
KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Ed 34,11-12.15-17; 1 Cr 15,20-26.28; Mt
25,31-46
ĐỂ
SUY TÔN VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN
MỪNG: Mt 25,31-46.
(31) Khi Con
Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo
hầu. Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. (32) Các dân
thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt
họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, (33) Người sẽ cho
chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. (34) Bấy giờ Đức Vua sẽ
phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc
phúc. Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở
tạo thiên lập địa”. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát,
các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (35)
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã thăm
nom. Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”.(37) Bấy giờ những người công
chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa
đói mà cho ăn, khát mà cho uống. (38) Có bao giờ đã thấy Chúa là
khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc ? (39) Có bao
giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ?”
(40) Để đáp lại, Đức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi:
Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất
của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”. (41) Rồi Đức Vua sẽ
phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi
cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và
các sứ thần của nó”. (42) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn. Ta
khát, các ngươi đã không cho uống. (43) Ta là khách lạ, các ngươi đã
không tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc. Ta đau yếu
hay ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”. (44) Bấy giờ những người
ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa
đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù,
mà không phục vụ Chúa đâu ?” (45) Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng:
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một
trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã không làm cho
chính Ta vậy”. (46) Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn
những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.
2. Ý
CHÍNH:
Vào ngày tận thế, sau khi các thiên thần tập họp
mọi người đã chết được sống lại, Vua Giê-su sẽ ngự đến lần thứ hai trong uy
quyền và vinh quang. Người sẽ trở thành thẩm phán để phán xét chung mọi người
(31), dựa trên cách họ đã ứng xử với Người đang hiện thân nơi những người
nghèo đói, bệnh tật và đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn (40.45).
3. CHÚ
THÍCH:
- C 31: + Khi Con Người đến trong vinh quang
của Người: Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian 2 lần: Lần thứ
nhất cách đây hơn 2000 năm tại nước Do thái để thiết lập Nước Trời. Người mở ra
con đường lên trời là đường mến Chúa yêu người (x Mc 8,34). Người truyền cho
các môn đệ loan báo Tin Mừng khắp thế gian. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được gia
nhập vào Nước Trời là Hội Thánh ở trần gian và là Thiên Đàng đời sau. Người cũng
hứa sẽ đến lần thứ hai để làm Vua Thẩm Phán (x Mt 16,27), thưởng kẻ lành
và phạt kẻ dữ (x Mt 25,31-32).
- C 32-33: + Người sẽ tách biệt họ với nhau
như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải
Người, còn dê ở bên trái: Bấy giờ Đức Giê-su như người Mục Tử sẽ phân
chia muôn dân thành hai lọai người là “chiên và dê”. Chiên và dê là hai
lòai vật giống nhau. Nhưng đặc tính của con chiên là hiền lành, còn
đặc tính của con dê là hay phá phách chuồng trại. Về amawtj kinh tế, chiên
có giá trị hơn dê nhờ có bộ lông dầy được thợ cắt xén từng thời kỳ.
Lông chiên được dùng làm len, được đan thành áo ấm.
- C 34: + Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng
những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha ta chúc phúc…: Những
người được xếp bên phải là những tín hữu sống theo “Tám Mối Phúc
thật” (x. Mt 5,1-12), thực hành bác ái phục vụ Chúa hiện thân trong
những người đau khổ bất hạnh (x Mt 25,35-36). Còn những người bên trái
tượng trưng những kẻ vô tín, thể hiện qua thái độ làm ngơ trước những
người đau khổ bất hạnh của tha nhân (x Mt 25,41-45).
4. CÂU HỎI: 1) Theo Tân Ước, Đức Giê-su đến
trần gian mấy lần ? Mục đích đến mỗi lần là gì ? 2) Trong ngày tận thế khi
đến lần thứ hai, Đức Giê-su sẽ phân chia lòai người thành hai lọai là
những lọai nào ? Số phận những người loại “chiên” khác với những kẻ loại “dê”
thế nào?
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI
CHÚA:
Chúa phán: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi đã không làm như
thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không
làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).
2. CÂU
CHUYỆN:
1) NẾU TÔI
BIẾT LÀ NGÀI…
NEN-SÂN MÊN-ĐƠ-LA (Nelson Mandela) là Tổng thông
da đen đầu tiên tại một đất nước nổi tiếng về tệ nạn “phân biệt chủng
tộc” là Nam Phi. Khi còn là một thanh niên, Men-đơ-la đã là lãnh tụ
của đảng có tên “Quốc hội Châu Phi” (ANC) đã bị nhà cầm quyền cấm họat
động. Vì đang ở trong thời kỳ đấu tranh giành quyền lực với đảng
cầm quyền, nên NEN-SÂN buộc phải cải trang để hoạt động bằng cách ăn
mặc và hóa trang thành nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau
trong xã hội. Ông tin rằng khi hóa trang như thế, người ta sẽ không
nhận ra ông, để ông có thể đi nhiều nơi trong nước.
Lần kia, khi đi dự một cuộc họp kín tại
một vùng quê nghèo là GIO-HAN-NÉT-BỚC (Johannesberg), do một linh mục
sắp xếp để NEN-SÂN nói chuyện về cách mạng với một số thanh niên Công
giáo. Khi ông đến nơi, người phụ nữ giữ cửa thấy cách ăn mặc lôi thôi đã
không nhận ra và từ chối mở cửa với lý do: “Ở đây không có chỗ cho
lọai người như ông”. Nói xong chị ta đóng sầm cửa lại trước mặt ông.
Nhưng sau khi được biết người mới đến kia là ai, chị ta đã vội quay lại
nói với ông: ”Xin lỗi ngài về sự thất kính của tôi khi nãy, vì tôi
đã không nhận ra ngài. Nếu như tôi biết đó là ngài, thì tôi đã mở
rộng cửa ra đón và phục vụ ngài chu đáo rồi”.
Tuy nhiên, dù ông đã cố giả dạng trở thành
nhiều người khác, nhưng vẫn có người nhận ra ông. Một hôm, khi ông giả
dạng làm một người tài xế ở Gio-han-nét-bớc dừng xe đón khách ở
một góc phố, ông mặc áo khoác bụi bặm và đội một chiếc mũ nhàu
nát, thì bỗng thấy một viên cảnh sát xuất hiện. Ông nhìn quanh để tìm
cách thoát thân. Nhưng rất may khi viên cảnh sát kia lại mỉm cười và lén
đưa tay lên chào theo kiểu ANC, rồi bước theo một hướng khác. Những chuyện
như vậy xảy ra nhiều lần, và NEN-SÂN cũng tạm yên tâm vì biết rằng
có nhiều người Châu Phi đang ủng hộ con đường đấu tranh chống tệ nạn phân
biệt chủng tộc của ông. Cuối cùng sau khi bị bắt ở tù nhiều năm,
MÊN-ĐƠ-LA đã được trả tự do và đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử
công bằng để trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.
Hôm nay Chúa Giê-su cũng đang ẩn mình dưới
nhiều hạng người đau khổ bất hạnh. Vậy bạn có nhận ra Chúa và ân
cần phục vụ Người cách chu đáo không ?
2) SUY TÔN
VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU:
Giữa công trường Thánh Phêrô ở La Mã có một ngọn
tháp cao chót vót mang một cây Thánh giá vươn lên giữa trời xanh. Ngọn tháp có
từ đời Hoàng đế Ca-li-gu-la, được đưa về dựng giữa công trường năm 1586. Trên
ngọn tháp có khắc ba câu như sau:
Christus vincit: Chúa Kitô toàn thắng.
Christus regnat: Chúa Kitô hiển trị.
Christus imperat: Chúa Kitô thống quản.
Ngày nay, trong Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, Hội
thánh tôn vinh Chúa Giê-su Con Thiên Chúa chính là Vua của toàn thể vũ trụ.
Người cũng là Vua lòng của mỗi tín hữu chúng ta.
3. SUY
NIỆM:
Hôm nay là Chúa nhật cuối năm Phụng vụ, Hội thánh mừng
lề Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ để nhắc nhở cho mọi người hãy suy tôn, phục vụ và đi theo
Người, đồng thời phải chuẩn bị đón Chúa sẽ đến trong ngày tận thế với tư cách
là vị Vua Thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết. Đức Giáo hòang Piô XI
đã thiết lập lễ Ki-tô Vua vào ngày 11.12.1925 trong bầu khí tạ ơn và hân hoan mừng
Năm thánh 1925. Sở dĩ Đức Thánh Cha thiết lập lễ này vì vào thập niên đầu thế
kỷ 20, thế giới phải đối diện với trào lưu tục hóa và các chủ thuyết vô thần.
Về phía Giáo hội, qua việc mừng kính tước hiệu Vua của Chúa Giê-su, Hội thánh tuyên
xưng vương quyền của Người trên mọi người, mọi gia đình, mọi xã hội và dân tộc
trên thế giới.
1)
ĐỨC GIÊ-SU LÀ VUA :
- Sau phép lạ bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi muốn
tôn Đức Giê-su lên làm vua Thiên Sai. Nhưng Người đã lẩn tránh vì Người không
đến để làm ông vua thế tục như dân Do thái đang mong đợi. Người chỉ nhận mình
là Vua khi đứng trước toà án của quan Tổng Trấn Phi-la-tô. Ông ta hỏi Đức
Giê-su: “Ông là vua dân Do thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc
về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến
đấu, không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn
này” Ông Phi-la-tô liền hỏi: Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài
nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: Đó là để
làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga
18,33-36).
- Ngoài ra, Phi-la-tô khi tuyên án tử hình thập
giá cho Đức Giê-su, ông còn truyền viết tấm bảng gắn phía trên đầu Người hàng
chữ I.N.R.I. viết tắt của câu tiếng La tinh nghĩa là “Giê-su Na-da-rét Vua dân
Do thái”. Qua đó ông ta công nhận Đức Giê-su là Vua, mà ngai vàng của Người là
cây thập giá. Từ trên cao, Người giang hai tay ra như để ôm lấy dân Người. Người
công bố quyết định miễn xá tội cho các tù nhân qua lời cầu xin với Chúa Cha: ”Lạy
Cha, xin tha cho họ, Vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đức Giê-su đã
tha thứ cho người gian phi có lòng sám hối: “Tôi bảo thật anh: hôm nay, anh sẽ
được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
2) VƯƠNG
QUỐC CỦA VUA GIÊ-SU:
- Vương quốc của Đức Giê-su thiêng liêng:
Nghĩa là không thuộc về thế gian vì không có lãnh
thổ, không có quân đội, không biên giới và tồn tại mãi mãi như trong kinh tin
kính: ”Nuớc Người sẽ không bao giờ cùng”.
- Vương quốc ấy là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đáng
mai sau:
Mỗi tín hữu chúng ta có bổn phận gia nhập làm thần
dân của Vương quốc Nước Trời và có bổn phận làm cho Vương quốc ấy ngày một lan
rộng, như kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyên Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”.
- Bồn phận của các tín hữu:
Mỗi người phải làm thế nào để mời Chúa Giê-su đến làm
chủ tâm hồn mình, bằng việc năng cầu nguyện với Chúa, tham gia sinh hoạt trong các
hội đoàn công giáo tiên hành, để nhờ suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện xin ơn Thánh
Thần giúp thánh hóa bản thân, tích cực góp phần cải thiện môi trường xã hội mình
đang sống và thực hành các công tác tông đồ bác ái, để Vương quyền của Chúa
Giê-su cũng được nhiều người tin nhận.
3) ĐỨC GIÊSU
LÀ VUA MỤC TỬ:
- Đức Giêsu là Vua Mục Tử:
nhưng không giống như các ông vua trần gian, mà là ông
Vua Mục tử nhân lành như sấm ngôn của ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chính Ta sẽ
chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi
ăn trên đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của
Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất Ta sẽ đi tìm, con nào đi lạc
Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương Ta sẽ băng bó, Con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho
mạnh. Con nào béo mập, con nào khỏe mạnh. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm, con nào
đi lạc Ta sẽ đưa về, con nào mạnh con nào béo mập Ta se canh chừng. Ta sẽ theo
lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16).
- Đức Giêsu là Vua Thiên Sai:
Người tuy là Thiên Chúa, nhưng đã khiên hạ vâng phục
ý Chúa Cha để sẵn sàng hiến thân chịu chết trên cây thập giá hầu cứu chuộc muôn
dân, đưa họ về làm con Thiên Chúa trong nước Trời hằng sống. Thánh Phao-lô đã
ca tụng Đức Giê-su Vua như sau: ” Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn
Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi
vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đát, và trong nơi âm phủ, muôn
vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên
xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,10-12).
- Vương quốc là Vương quốc tình thương:
Đặc điểm của công dân trong nước Trời là đón nhận
mọi hạng người, đặc biệt là những người nghèo đói, bất hạnh, bệnh tật, tội
lỗi... Chính Đức Kitô Vua Mục tử, cũng tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn này
và mời gọi các thần dân của Người phải thể hiện đức Tin bằng việc thực thi đức
Cậy và đức Mến như sau:”Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế
cho một trong những anh bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi
đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn để xác định một người
thuộc Vương quốc của Người là những hành động yêu thương khiêm nhường phục vụ như:
quan tâm để chía sẻ tinh thần vật chất, thăm viếng để an ủi và chia sẻ với những
người nghèo hèn và bị bỏ rơi.
4) CHUẦN BỊ
ĐÓN CHÚA ĐẾN THẾ NÀO ? :
- Sẵn sàng đón Chúa đến cách bất ngờ:
Mỗi ngày luôn ý thức Chúa sẽ đến với mỗi người
chúng ta vào giờ chết cách bất ngờ. Do đó chúng ta cần ở trong tư thế chuẩn bị
sẵn sàng đón Chúa đến như người đầy tớ canh thức chờ chủ đi ăn cưới về lúc đêm khuya.
Cần chuẩn bị cây đèn đức tin chứa sẵn dầu ân sủng nhờ việc năng cầu nguyện suy
niệm Lời Chúa và lãnh nhận các phép bí tích như xưng tội và rước lễ mỗi ngày.
Nhờ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn đức tin để thấy Chúa Giê-su đang hiện thân
nơi những người đau khổ bất hạnh, rồi tận tình phục vụ họ như phục vụ chính
Chúa Giê-su.
- Sống yêu thương noi gương Mẹ Tê-rê-sa:
Khi còn sống, nữ tu Tê-rê-sa Can-quýt-ta (Therese
Cancutta) rất tâm đắc với đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay về việc Chúa Giê-su
sẽ đến làm Vua Thẩm Phán để ban thưởng kẻ lành và phạt kẻ gian ác. Mẹ luôn bị
những người đau khổ và bất hạnh lôi cuốn sự quan tâm. Dưới mắt mẹ
Tê-rê-sa, những người này không những đáng thương, mà còn là hiện thân
của Đức Giê-su đang chịu đau khổ và bị bỏ rơi trên cây thập giá. Nơi mẹ,
tình yêu Đức Giê-su và tình thương đối với những người bất hạnh luôn hòa
quyện vào nhau. Càng yêu Chúa nhiều bao nhiêu thì mẹ lại càng yêu thương
các người bệnh tật và đau khổ bấy nhiêu. Mẹ thường khuyên các chị em
nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái như sau: “Chị em cần tập nhìn thấy Đức
Giê-su trong mỗi con người bất hạnh mà chị em đang phục vụ, dù họ có đáng
kinh tởm đến đâu đi nữa”.
4. THẢO
LUẬN:
Một giáo sư đại học ở Chi-ca-gô Hoa Kỳ đã đặt cho các sinh viên câu
hỏi sau đây: “Bạn hãy cho biết: Gần đây nhất, bạn đã giúp đỡ cụ thể
cho một người nào đang cần trợ giúp không ?” Đây là một câu hỏi quan
trọng mà mỗi buổi tối chúng ta cần phải tự hỏi mình, rồi ăn năn sám
hối và quyết tâm sống tình bác ái yêu thương là điều kiện để sau
này chúng ta sẽ được hạnh phúc đời đời trong Nước Chúa.
5. NGUYỆN
CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU, Vua vũ trụ. Nếu Chúa
thật sự là Vua của hơn một tỉ người Công giáo, thì thế giới chúng
con đang sống đã biến thành thiên đàng từ lâu rồi. Chúng con chưa làm
dậy men cho khối bột xã hội không phải vì số lượng men còn ít, cho
bằng vì men Tin Yêu nơi chúng con đã bị quá “đát”, bị chai lì và mất
phẩm chất rồi. Chúng con phải gánh chịu trách nhiệm về tình trạng sự
dữ đang tràn lan khắp nơi, mà trong đó một phần là do lỗi của chúng
con. Chúng con chỉ biết khoanh tay kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng
lại không tích cực làm cho Nước ấy sớm hình thành và phát triển từ
nơi bản thân ra đến môi trường sống chung quanh.
- LẠY CHÚA. Nhiều lần con đã tự biện hộ
về những thiếu sót bổn phận khi nói rằng: “Lực bất tòng tâm: Làm
sao tôi có thể vào trong tù để thăm nuôi tù nhân ? Làm sao tôi dám
chứa chấp những khách lỡ đường không giấy tờ tùy thân vào ở trọ trong
nhà ? Tôi lấy đâu ra tiền để có thể chăm sóc những bệnh nhân bị AIDS hay phong
cùi ? …” Lạy Chúa, nếu con cứ lý luận như thế thì chắc con sẽ không
làm gì hết. Nhưng có biết bao công việc đang trong tầm tay của chúng con
như: giúp đỡ tiền bạc cho một người cơ nhỡ, làm biển báo nguy bị sụt
cống trên đường, giới thiệu Chúa cho một người lương đang tìm kiếm Chúa…
Và còn biết bao những việc khác tương tự... Xin cho con biết luôn quan
tâm tới người bên cạnh, và sẵn sàng chia sẻ tình thương với họ, hầu
xứng đáng trở nên môn đệ thực sự của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM