LỄ CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN QUY TỤ VÀ
THÚC ĐẨY LÊN ĐƯỜNG
Tin Mừng: Ga 20,19-23
(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong
tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người
Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn
đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai
Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các
ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em
cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Suy
niệm
Thưa quý OBACE, Thượng hội đồng Giám mục thế giới với chủ đề: Hướng đến
một Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ; đang diễn ra tại cấp
giáo phận. Từ cuối năm 2022 sẽ diễn ra tại cấp châu lục và cuối cùng vào cuối năm
2023 sẽ diễn ra tại Vatican với cấp thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn
THĐ như một ngày Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội, qua đó, Chúa Thánh Thần chính
là Đấng quy tụ và thúc đẩy mọi thành phần dân Chúa cùng lên đường thực thi sứ vụ
loan báo Tin Mừng. Với ý hướng này, Đức Thánh Cha mong muốn Chúa Thánh Thần sẽ
ngự xuống trên từng tâm hồn các tín hữu chứ không phải chỉ riêng cho Hội nghị
Giám mục. Xin Thánh Thần canh tân đổi mới và thúc đẩy mọi người cùng nhau bước
tới, cùng nhau chia sẻ vào sứ vụ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó: “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai
tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ.”
Khi ước mong THĐGM sẽ là một Lễ Hiện Xuống mới cho Giáo Hội, Đức Thánh
Cha gợi cho chúng ta nhớ lại hoạt động của Chúa Thánh Thần trên các tông đồ và
Giáo Hội sơ khai. Chúa Thánh Thần đã quy tụ các tín hữu sơ khai thành một cộng đoàn
phụng thờ Thiên Chúa, sống tình bác ái huynh đệ và nhiệt thành làm chứng cho Chúa
Phục Sinh.
Chúa Thánh Thần giúp cho các tông đồ trở thành một cộng đoàn đức tin, tin
Chúa Giêsu đã phục sinh. Trước đây, với cái chết của Chúa Giêsu, các tông đồ rơi
vào hoảng loạn, tinh thần sa sút. Các ông còn sống, còn thở, nhưng tâm hồn và
tinh thần thì dường như đã chết. Các ông trốn trong nhà đóng kín cửa vì sợ người
Do Thái. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đứng giữa các ông, Ngài ban cho các ông
một món quà vô cùng lớn lao đó là sự bình an và Chúa Thánh Thần. Cùng với ơn bình
an, Chúa Giêsu đã trao gởi cho các ông sứ mạng mà chính Ngài đã đón nhận từ nơi
Thiên Chúa Cha: “Như cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Đây chính
là sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh, đem ơn cứu độ của Chúa đến cho muôn loài.
Để bảo đảm và để đồng hành, hướng dẫn cho sứ vụ Thiên Chúa trao phó, Chúa
Phục Sinh đã thổi hơi và phán bảo: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Với
việc thổi hơi trên các tông đồ, gợi lại cho chúng ta hình ảnh hơi thở đầu tiên
Thiên Chúa thổi vào Ađam và ban cho con người từ một khối đất vô tri trở nên có
sự sống của Thiên Chúa. Hôm nay khi thổi hơi trên các tông đồ, Chúa Phục Sinh đã
thực hiện một cuộc tái tạo trên các ông. Các tông đồ trước đó đã bị sự sợ hãi làm
cho tê liệt, cái chết của Chúa Giêsu khiến cho các ông dường như cũng đã chết,
thì nay với việc thổi hơi của Chúa Phục Sinh, Chúa ban lại cho các ông sự sống
mới của Người. Với hơi thở của Chúa Phục Sinh, Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc
tạo dựng mới, làm nên một dòng giống nhân loại mới, dòng giống đã được thanh tẩy
nhờ máu Chúa Giêsu và mang sức sống của Chúa.
Các tông đồ đã được biến đổi nên những con người hoàn toàn mới, vươn mình
đứng dậy để thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Cùng với hơi thở là Chúa Thánh Thần,
Chúa Giêsu còn trao cho các tông đồ quyền năng của chính Thiên Chúa, đó là quyền
tha thứ và cầm buộc: “Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Anh
em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” Với quyền năng đặc biệt này, các
tông đồ tiếp tục đem ơn tha thứ của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Kể từ khi được
Chúa Thánh Thần biến đổi, các tông đồ trở nên một cộng đoàn đồng tâm nhất trí với
nhau trong sự hiệp thông với Simon Phêrô, nhiệt tâm thi hành sứ vụ Chúa trao phó.
Các ông không còn quan tâm chỗ hơn chỗ kém, mà chỉ còn quan tâm đến một việc
duy nhất là rao giảng Chúa Giêsu Phục Sinh và ơn tha thứ cho mọi người.
Sách Công vụ tông đồ cho thấy hoạt động đặc biệt của Chúa Thánh Thần trên
các tông đồ và Giáo Hội khởi đầu từ ngày lễ Ngũ Tuần năm đó. Tác giả Sách Công vụ
nhìn sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống như khởi đầu cho một giai đoạn mới của Giáo
Hội. Những hình ảnh được kể lại trong bài đọc một gợi lên một khung cảnh uy
nghi giống như ngày Thiên Chúa xuất hiện trên núi Sinai. Khi đó, ngọn núi Sinai
rung chuyển, sấm chớp vang trời và Thiên Chúa hiện xuống ký kết giao ước với
Israel, ban lề luật cho dân. Hôm nay, Sách Công vụ kể lại: “Lúc đó, mọi người
đang tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa
vào đầy nhà nơi họ đang tụ họp; rồi có hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống trên từng
người.” Chúa Thánh Thần không ban thêm một lề luật mới nào, nhưng Ngài làm
cho luật của Tin Mừng và Tám Mối phúc của Chúa Giêsu được lớn mạnh, thấm sâu vào
tâm hồn các tín hữu và những người nghe các tông đồ. Chúa Thánh Thần làm cho luật
yêu thương của Tin Mừng trở nên sống động và thúc đẩy mọi người mở lòng để đón
nhận và thực hành giới luật yêu thương của Chúa.
“Ai nấy được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác
nhau tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” Lúc đó những người tại Giêrusalem
kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Chi tiết này
cho thấy: Ơn ngôn ngữ chính là tác động của Chúa Thánh Thần. Nếu như ngày xưa con
cháu ông Nô-ê muốn xây tháp Baben cao tới trời. Vì tội lỗi và sự kiêu căng này,
Thiên Chúa đã để cho ngôn ngữ bất đồng, khiến họ không thể hiểu nhau được. Thì
nay nhờ Chúa Thánh Thần nối kết, quy tụ và biến đổi, khiến cho mọi người dù thuộc
các dân tộc khác nhau họ vẫn có thể nghe và hiểu tiếng nói, lời giảng của các tông
đồ. Tiếng nói và lời giảng của các tông đồ lúc này là tiếng nói của Tin Mừng, tiếng
nói của tình yêu; lời giảng của các tông đồ là lời làm chứng về cuộc khổ nạn và
phục sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, những ai khiêm nhường mở lòng nghe các tông đồ
nói, họ sẽ nghe được tiếng Chúa và được Thánh Thần quy tụ nên một dân, một gia đình
của Chúa.
Thưa quý OBACE, cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện và
hoạt động trong Giáo Hội và trong từng người tín hữu. Chúa Thánh Thần vẫn đang
quy tụ tất cả chúng ta nên một đoàn dân của Thiên Chúa và dùng ngôn ngữ của Tin
Mừng để hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta. Chúa Thánh Thần cũng dùng sức nóng của tình
yêu để thôi thúc, đốt nóng lửa yêu mến Thiên Chúa trong tâm hồn tín hữu; đồng
thời dùng sức mạnh để thúc đẩy tất cả mọi người lên đường tham gia vào sứ vụ loan
báo Tin Mừng Phục sinh cho thế giới.
Tuy nhiên, cũng giống như con cháu ông Nô-ê ngày xưa, nhiều người đã để
trong mình sự cao ngạo, cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, biến mình trở nên
như thần linh và ảo tưởng rằng mình có thể làm nhiều phép lạ. Vì thế, đã gây
bao chia rẽ và lôi kéo nhiều người trong con cái của Giáo Hội tách ra khỏi sự
hiệp thông hiệp nhất trong gia đình của Thiên Chúa. Nhiều người tín hữu đã không
lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua sự hướng dẫn của Giáo Hội, bịt tai
trước những lời dạy bảo của Tin Mừng, từ đó để mình bị lôi kéo trở thành những
người tự tách mình ra khỏi Giáo Hội.
Mỗi chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần và các ơn của Ngài, nhưng
nhiều người đã không để cho Thánh Thần hoạt động, cố tìm cách để lấn át sự hướng
dẫn của Thánh Thần; Thánh Thần dẫn chúng ta đi theo đường lối của Tin Mừng; Thánh
Thần đốt nóng lửa mến trong lòng và thúc đẩy chúng ta đến với Chúa mỗi ngày; Thánh
Thần quy tụ chúng ta nên một trong cộng đoàn dân Chúa là Giáo Hội, là giáo xứ,
cùng tham dự thánh lễ và các cử hành phụng vụ; Thánh Thần cũng thúc đẩy từng thành
viên gia đình cùng quy tụ mỗi ngày trong các giờ kinh, giờ cầu nguyện, giờ ăn cơm
chung. Tuy nhiên, nhiều người đã cố tình bỏ qua sự thúc đẩy này để làm theo ý
riêng mình thay vì làm theo hướng dẫn của Thánh Thần, khiến cho chúng ta dần dần
bị tách rời khỏi cộng đoàn và gia đình. Một khi tự tách mình ra khỏi Giáo Hội,
giáo xứ, gia đình, chúng ta dễ dàng bị ma quỷ là những sói dữ tấn công.
Xin Chúa Thánh Thần là Thầy dạy sự khôn ngoan biến chúng ta trở nên những
học trò ngoan ngoãn của Ngài, vâng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần và để Thánh
Thần biến đổi ta nên những chứng nhân đáng tin của Tin Mừng. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí