Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN 2022

SỨ VỤ ĐƯỢC TRAO CHO GIÁO HỘI VÀ TỪNG NGƯỜI

lễ Chúa thăng thiên.jpg

Tin Mừng   Lc 24, 46-53

46 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

49 “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, 53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Suy niệm

Các cháu mẹ Việt Nam thường dành cả cuộc đời vất vả, không dám ăn, không dám mặc, để dành tiền, dành của lại cho con. Điều này khiến cho nhiều đứa con sống thụ động chờ đợi của cải từ cha mẹ. Khi đã được thừa hưởng một khối tài sản không phải vất vả mà có, nhiều người cũng không biết sử dụng sao cho phù hợp và có ích. Trái lại tại phương Tây, nhiều tỷ phú không để lại gia tài cho con cái, họ dùng vào việc từ thiện. Khi được hỏi: “Tại sao không để tài sản lại cho con?” Có người trả lời: Tôi đã để lại cho nó kiến thức, công việc, kinh nghiệm và cơ hội, tự các con tôi phải tiếp tục làm việc bằng công sức của mình để gây dựng sự nghiệp chứ không phải ngồi đó chờ đợi của cải từ cha mẹ.”

Chúa Giêsu đã từng làm theo cách thứ hai. Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng Lễ Chúa Giêsu lên trời sau khi đã hoàn tất sứ mạng của Người tại trần gian. Tuy nhiên, Chúa về trời không phải là Người lìa bỏ nhân loại chúng ta, nhưng là Ngài thay đổi cách hiện diện. Trước đây, Ngài hiện diện với các môn đệ bằng thân xác, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt với các Tông đồ, nhưng nay Ngài thay đổi cách thế hiện diện. Ngài hiện diện với nhân loại cách thiêng liêng bằng tình yêu và quyền năng. Ngài lên trời, trở về trong vinh quang Thiên Chúa, bên cạnh Chúa Cha, Ngài sẽ chuyển cầu cho chúng ta cách đặc biệt hơn (Kinh Tiền tụng Thánh Lễ hôm nay). Quan trọng hơn nữa, Chúa về trời, song Ngài không muốn Giáo Hội chỉ đứng nhìn trời, nhưng trao cho Giáo hội một sứ vụ sống còn: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng.”

Sách Công vụ cho thấy, dường như sau khi Chúa phục sinh, các Tông đồ vẫn chưa thoát ra khỏi lối suy nghĩ cũ của họ. Các ông vẫn cứ mơ tưởng, mong đợi ngày Thiên Chúa khôi phục lại vương quốc Israel và các ông sẽ được chia phần: Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Isarel không?”  Tức là các Tông đồ vẫn mong đợi Chúa ra đi sẽ để lại cho các ông thừa hưởng một vương quốc hùng mạnh, mà chính các ông sẽ là người nắm giữ quyền lực, địa vị trong vương quốc đó; các ông sẽ là những kẻ bá chủ thiên hạ, thừa hưởng sự giàu sang, danh vọng. Chúa Giêsu đã sửa lại suy nghĩ của các Tông đồ, Ngài hướng các Tông đồ đến việc đón nhận “sức mạnh của Chúa Thánh Thần” và một sứ vụ thiêng liêng cao cả, đó là anh em sẽ là chứng nhân của Thầy. Sứ vụ Chúa Giêsu để lại cho các Tông đồ là trở nên chứng nhân, là xây dựng Giáo Hội, khởi đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất. Chúa không muốn các Tông đồ ngồi chờ thụ hưởng, mà phải là những người nỗ lực rao truyền Tin Mừng cách miệt mài không ngừng nghỉ, không giới hạn.

“Nói xong, Đức Giêsu được cất lên trời trước mặt các ông và có đám mây che phủ lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” Chi tiết này cho thấy, việc Đức Giêsu được nhắc lên cao, không phải là Ngài vĩnh viễn lìa xa nhân loại chúng ta, nhưng Kinh thánh muốn nói: Con mắt thể xác không thể nhìn thấy Ngài vì bị mây che phủ, nhưng con mắt linh hồn vẫn có thể thấy Ngài. Chúa Giêsu không bỏ lại Giáo Hội một mình, nhưng Ngài vẫn hiện diện, yêu thương và chăm sóc cho nhân loại như Ngài đã hứa: Này đây Thầy ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế.” Các môn đệ khi được chứng kiến việc Chúa lên trời trong vinh quang của một vị Thiên Chúa, khiến cho các ông ngây ngất. Lúc đó có hai người mặc áo trắng đứng kề bên nhắc cho các môn đệ đừng quên sứ mạng Chúa đã uỷ thác. Dù vẫn phải hướng lòng về Trời, nơi đó có Chúa là niềm hy vọng, có người Thầy đang đợi chờ, nhưng các môn đệ vẫn phải nhớ và thi hành sứ vụ Thầy đã trao phó: Hỡi những người Galilê, sao cứ mãi đứng nhìn trời? Đức Giêsu –  Đấng vừa lìa các các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

Tin Mừng Luca nói rõ hơn về sứ vụ Chúa Giêsu để lại cho các Tông đồ: Chúa Giêsu hiện ra và nói với các môn đệ: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân…Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Như thế, sứ vụ Chúa Giêsu muốn các môn đệ thực thi đó là làm chứng về việc Chúa đã chịu khổ hình và sống lại, đồng thời kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha tội.

Để thi hành sứ vụ này, Đức Giêsu đã hứa sẽ trợ giúp các Tông đồ bằng việc ban cho các ông điều Chúa Cha đã hứa, đó là sẽ ban cho các ông quyền năng, sức mạnh từ trời cao. Quyền năng và sức mạnh ấy chính là quyền năng của Thiên Chúa và sức mạnh ấy là sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần là chính Chúa Thánh Thần sẽ trở thành Người bạn đồng hành, Người hướng dẫn, Người bảo vệ và là Người chỉ đường cho các môn đệ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Có một chút khác biệt khi tác giả Luca thuật lại sự kiện Chúa lên trời trong sách công Vụ và trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nếu như trong sách Công vụ, khi Chúa được đưa lên trời, các môn đệ ngây ngất đưa mắt dõi theo, thì trong Tin Mừng, thánh Luca lại kể rằng: Sau khi căn dặn và trao ban sứ vụ cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã giơ tay chúc lành cho các ông.” Hành động này cho thấy Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng và chúc lành cho các môn đệ và sứ vụ mà các ông đón nhận. Các môn đệ khi chứng kiến việc Chúa được đưa lên trời, thì càng xác tín rằng, Thầy của các ông, Chúa Giêsu chính là vị Thiên Chúa quyền năng. Vì xác tín như thế, nên “các môn đệ “bái lạy Người” rồi trở lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ, hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Hành vi bái lạy là hành vi truyền thống thể hiện niềm tin, sự tôn thờ Thiên Chúa Yavê, nay, các môn đệ cũng dành cho Chúa Giêsu sự tôn thờ của chính Thiên Chúa. Các Tông đồ không buồn vì phải chia tay với Thầy, nhưng trái lại lòng các ông đầy hoan hỷ vui mừng để lên đường bắt đầu một sứ vụ mới.

Giải thích cho hành vi bái lạy của các Tông đồ trước khi Chúa Giêsu được đưa lên trời, thư Do Thái cho thấy: Sau cái chết và cuộc phục sinh, Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh và trở thành Thượng tế. Việc Đức Giêsu lên trời cũng giống như vị thượng tế long trọng bước vào cung thánh trong tiếng hoan ca của các thiên thần và các thánh. Hiện diện trước mặt Thiên Chúa Cha trong Đền Thờ trên trời trong vai trò là thượng tế, Đức Giêsu hiến tế chính máu thịt và mạng sống mình làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha và cầu xin ơn tha tội cho nhân loại. Tác giả thư Do Thái cũng cho thấy: Đức Giêsu chỉ hiến tế thân mình một lần duy nhất, thì đã đủ để ban lại ơn cứu độ cho toàn nhân loại từ trước đến nay và còn cho đến ngày tận thế. Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để dẫn chúng ta cùng bước vào Thiên quốc. Những ai tin tưởng nơi Ngài và để cho Ngài dẫn đường, thì sẽ được cùng Ngài vào chung hưởng vinh quang Thiên quốc với Ngài.

Thưa quý OBACE, mừng lễ Chúa Giêsu lên trời nhắc cho chúng ta  nhớ: Quê hương đích thực và cùng đích cuộc đời của ta là Nước Trời, là trở về với Thiên Chúa. Vì thế chúng ta cần phải sống và chuẩn bị thật tốt cho cuộc trở về này. Lễ Chúa lên trời cũng là dịp nhắc cho chúng ta sứ vụ Loan báo Tin Mừng mà Chúa đã trao phó. Chúng ta cần phải ghi nhớ và thực thi cách liên tục sứ vụ này trong suốt cuộc đời. Chúng ta sẽ loan truyền Chúa Phục sinh cho anh chị em bằng đời sống đức tin, bằng chứng tá và bằng những việc bác ái tích cực, đem bình an và niềm vui của Chúa đến cho những người ta gặp gỡ.

Hôm nay cũng được chọn làm ngày Thế giới Truyền thông (BM Ban LBTM). Ngày Thế giới Truyền thông 2022, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người “Lắng nghe bằng trái tim”. Con người, ai cũng muốn được người khác lắng nghe, nhờ đó có thể thấu hiểu, cảm thông và tôn trọng. Thực tế, người ta thích nói nhiều hơn nghe, nhiều người mất khả năng lắng nghe. Nhiều người có thể mất rất nhiều thời gian cho biệc lướt web nhưng lại không kiên nhẫn để lắng nghe người bên cạnh. Nhiều người chỉ muốn nghe những gì họ thích nghe, thích nghe những sự kiện của thế giới nhưng lại không muốn nghe những người trước mặt, những chuyện thường ngày của cuộc sống trong gia đình.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha mời gọi: Cần phải lắng nghe cách chăm chú và lương thiện: Chú ý đến người trước mặt và lắng nghe với toàn thể con người, với con tim rộng mở, để có thể gần gũi nhau. Bên cạnh đó chúng ta còn phải lắng nghe chính bản thân mình, nghe được tiếng Chúa và nhu cầu thiết lập tương quan với Thiên Chúa và với người khác. Trong cuộc sống chung, cần phải biết lắng nghe nhiều tiếng nói khác biệt với sự kiên nhẫn; lắng nghe với sự cởi mở công bằng, tin tưởng và trung thực để tìm kiếm chân lý và thiện hảo.

Xin Chúa Giêsu giúp ta luôn nhận ra Chúa hiện diện và cùng với Chúa nhiệt thành thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho anh chị em, đồng thời cũng biết lắng nghe anh chị em bằng cả trái tim. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VI Phục Sinh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần VI Phục Sinh_LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P