Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Thánh Lễ Vọng

« Từ lòng Người,
sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống
 »

LỄ CTT (2).jpg

Tin Mừng:   Ga 7, 37-39

37-38 Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!

Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống."

39 Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh."

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKVP)

Suy niệm

Loài người chúng ta tự bản chất, có lòng khát khao, như một triết gia nói : « L’homme est un être de désir » (con người là một hữu thể ước ao). Và ngang qua khát khao những điều hữu hạn, con người khát khao “Nước Hằng Sống” trong sâu thẳm, dù ý thức hay không ý thức, vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 26-27).

Và khi con người khát khao, Chúa sẽ ban: « Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống » (c. 38b) ; và Người sẽ ban cách nhưng không nơi Đức Giê-su Ki-tô : “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!”. Thánh Gioan nói: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (c. 38a và c. 39).

1. « Nước Hằng Sống »

Lời hứa ban Nước Hằng Sống, từ chính cung lòng Thiên Chúa, được ghi lại ở nhiều nơi và theo những thức khác nhau, trong Sách Thánh : Is 43, 19-20 ; 44, 3 ; 48, 21 ; 58, 11 ; Ed 47, 1-5 ; Dcr 13, 1 ; 14, 8 ; x. Xh 17, 1-6. Theo thánh sử Gioan, lời hứa này được ứng nghiệm nơi lời và ngôi vị của Đức Giê-su:

Ai khát, hãy đến với tôi,
ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! 
(c. 38)

Lời mời gọi này của Đức Giê-su làm chúng ta nhớ lại cuộc đối thoại của Người với người phụ nữ, bên bờ giếng Gia-cóp (x. Ga 4, 7-15). Trong cuộc đối thoại này, Đức Giêsu ngỏ lời xin nước uống, vì Người đi đường mỏi mệt : “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4, 7); nhưng ngang qua nhu cầu nước uống, Người hướng người phụ nữ và chúng ta hôm nay, đến cơn khát Nước Hằng Sống. Như thế, Người xin, nhưng thiết yếu không phải để nhận, mà là để trao ban ; và điều Ngài muốn trao ban vượt xa vô hạn điều Ngài xin : Ngài xin chút nước uống, nhưng là để ban « Nước Hằng Sống ».

Nghe lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, cũng như trong lời đối thoại của Người với người phụ nữ Samari, chúng ta cần chú ý đến chiều kích nhưng không của ân huệ “Nước Hằng Sống” : “Ai khát, hãy đến mà uống”; “chị sẽ xin và Ngài sẽ ban. Bởi vì, Chúa chỉ cần lòng khao khát thôi. Chúng ta được dựng nên với sự sống hữu hạn, chính là để chúng ta khát khao sự sống vô hạn; và khi khát khao, Chúa sẽ ban. Đó chính là lí lẽ của Tình Yêu. Đức Giêsu sẵn sàng ban Nước Hằng Sống cho người phụ nữ ngay lúc Ngài đang khát và cả đói nữa ! Mầu nhiệm Thập Giá đã hiện diện ở đây rồi; thật vậy, trên đồi Can-vê, chính lúc Ngài đang hấp hối, lại là lúc Ngài trao ban sự sống viên mãn: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 20, 30); “máu cùng nước chảy ra” (c. 34). Nước vừa diễn tả ơn huệ sự sống và vừa diễn ơn huệ Thần Khí làm cho tái sinh, như Người đã nói với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, ). Nhất là Thần Khí sẽ làm cho Cây Thập Giá trổ sinh hoa trái, bằng cách dẫn chúng ta vào trong tất cả sự thật của Đức Ki-tô (x. 1Ga 5, 6-8), để mang lại sự sống dồi dào cho chúng ta. Nước và Máu còn là cội nguồn trao ban các bí tích trong Giáo Hội, nhất là bí tích Thánh Tẩy (Nước) và bí tích Thánh Thể (Máu); qua các bí tích, Đức Ki-tô tiếp tục mỗi ngày và cho đến tận thế ban ơn tha tội và làm cho chúng ta sống sự sống mới, bởi Thánh Thần của Người.

Như thế, “Nước” mà Thiên Chúa hứa ban nơi Đức Giê-su, không phải là nước thể lý, nhưng là hình ảnh tượng trưng cho tất cả những ơn huệ mang lại cho loài người chúng ta sự sống, sự sống chiến thắng sự chết, “sự hằng sống”. Đó là sự « nghỉ ngơi bồi dưỡng » hôm nay và mãi mãi (x. Mt 11, 28-30), đó là Mầu Nhiệm thánh thể (x. Ga 6, 30-58) ; đó là sự sống dồi dào (x. Ga 10, 10), đó là sự sống lại (x. Ga 11, 25). Nước có ý nghĩa biểu tượng như thế, bởi vì nước khơi nguồn sự sống, nước duy trì sự sống, và nước dấu chỉ sự sống.

Thánh Gioan nói : « Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận » (c. 39a). Bởi vì, thần sẽ dẫn chúng ta vào tất cả sự thật.

2. « Đức Giê-su nói về thần khí »

Nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, nếu chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra « khuôn mặt » của Chúa Cha và Chúa Con, nhờ lời nói và ngôi vị của Đức Giê-su, thì dường như chúng ta không thể hình dung ra « khuôn mặt » của Ngôi Ba Thiên Chúa, nghĩa là khuôn mặt của Chúa Thánh Thần. Vì thế có người nói, Thánh Thần không có « khuôn mặt ». Thực vậy, Lời Chúa trong các bài đọc của Thánh Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đều nói về Thánh Thần bằng những hình ảnh rất đa dạng và năng động :

Ø Trước hết, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, của Thánh Lễ Vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Giê-su dùng hình ảnh nước để nói về Thánh Thần : « Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” » ; và thánh sử Gioan giải thích : « Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận » (Ga 7, 38-39).

Ø Trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, của ngày Lễ Chúa Thánh Thánh hiện xuống, Thánh Thần được ban từ hơi thở của Đức Ki-tô phục sinh : « Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần » (Ga 20, 22).

Ø Và theo bài đọc 1, trích sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Thần đến ngang qua tiếng gió mạnh và dưới những hình lưỡi, giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.

Do đó, thay vì dừng lại ở việc tìm biết, định nghĩa, nói hay giảng giải về Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi mở lòng ra, dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự đến, để Người hoạt động trong tâm hồn chúng ta như một năng động đến từ Chúa Cha và Chúa Con, thay vì để cho những năng động khác chi phối chúng ta ; nhờ đó tâm hồn chúng ta sẽ trở thành « thiêng liêng », nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô.

Vì vậy, chúng ta có thể nói: Thánh Thần không có « khuôn mặt » nhưng Người làm cho chúng ta có « khuôn mặt » của con Thiên Chúa, theo khuôn mẫu của Đức Giê-su Ki-tô, Người Con duy nhất và chí ái của Thiên Chúa Cha.

3. Đức Giê-su được tôn vinh và Thần Khí

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, khi Thánh Gioan giải thích ơn huệ “nước hằng sống” (c. 38), ngài nói:

Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh. (c. 39)

Như thế, chính khi chính khi Đức Giê-su được tôn vinh, Người sẽ ban Thánh Thánh cho những ai tin vào Người. Thật vậy, thánh sử Luca, trong sách Tin Mừng và sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Ki-tô Phục Sinh lên trời là để ban Thánh Thần: “Còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1, 4); “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” (c. 8).

Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống. (Lc 24, 48)

Như thế, Đức Ki-tô lên trời là để hiện diện với chúng ta theo một cách thế khác, ngang qua sự hiện diện của Thánh Thần, và sứ mạng của Thánh Thần là giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô, dẫn chúng ta vào trong tất cả sự thật của Đức Ki-tô và để làm chứng va tôn vinh Người.

Thật vậy, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16, 13). Và sự thật toàn vẹn là chính ngôi vị của Người trong tương quan với lịch sử cứu độ. Thánh thần giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ và ngang qua lịch sử cứu độ là mọi sự, trong đó có cuộc đời của chúng ta, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua; như chính Đức Ki-tô chết và phục sinh giải thích Kinh Thánh cho các môn đệ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (c. 46; xem Lc 24, 13-35 và 36-45).

Như thế, sứ mạng của Thánh Thần là “tôn vinh Đức Ki-tô”, bằng cách dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô, khơi dậy nơi chúng ta lòng tin nơi Đức Ki-tô, soi sáng trí khôn của chúng ta để giúp chúng ta hiểu sâu xa Đức Ki-tô và đốt cháy tình yêu của chúng ta dành cho Đức Ki-tô. Vậy, mỗi khi chúng ta tin, hiểu và yêu Đức Ki-tô, chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta chịu ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần tôn vinh Đức Ki-tô như thế đó, hoàn toàn xóa mình đi để hướng loài người và từng người chúng ta về với Đức Ki-tô, như Đức Giê-su đã nói:

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. (Ga 15, 26)

Chúng ta được mời gọi tôn vinh Đức Ki-tô theo cách của Chúa Thánh Thần, trong đời sống và sứ vụ của chúng ta.

*  *  *

Cũng theo bài đọc I, trích sách Công Vụ Tông Đồ, khi Đức Ki-tô lên trời, vẫn còn có những môn đệ nghĩ đến hành động và thời điểm « khôi phục vương quốc » trần thế (x. Cv 1, 6). Theo Đức Ki-tô, chúng ta không cần biết về chuyện này, cũng như mọi chuyện khác của tương lai, nhưng cứ phó thác cho sự xắp xếp của Chúa Cha. Hơn nữa, điều Người muốn xây dựng không phải là “Nước Đất”, nhưng là làm cho “Nước Trời” hiện diện ngay hôm nay ở giữa chúng ta, như thánh Luca thuật lại: “trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa (c. 3); và như chúng ta nguyện xin Chúa Cha mỗi ngày, nhất là trong Thánh Lễ, trước khi đón nhận Thánh Thể của Đức Ki-tô: “Xin cho Nước Cha trị đến”.

Và để cho Nước Trời “trị đến”, Đức Ki-tô mời gọi chúng ta trở nên chứng nhân của Đức Ki-tô nhờ sức mạnh của Thánh Thần:

Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.(Cv 1, 8)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân