THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC
SINH
SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Lời Chúa:
Ga 21,15-19
15 Sau
khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Tibêria, Đức Giêsu Phục Sinh hỏi ông
Simon Phêrô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này
không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu nói với
ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. 16 Người
lại hỏi: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa
Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.
17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh
Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới
ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự;
Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
18 Thật,
Thầy bảo cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý.
Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn
anh đến nơi anh chẳng muốn”. 19 Người
nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi,
Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.
Suy niệm
Nhà
bác học Alber Einstein đã chia sẻ rằng “Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ mà cho
tới nay khoa học cũng không tìm ra lời giải đáp chính xác. Lực này bao gồm và
chi phối tất cả những lực khác. Thậm chí nó còn đứng sau bất kỳ hiện tượng nào
được vận hành bởi vũ trụ mà chúng ta vẫn chưa thể lí giải. Lực đó chính là Tình Yêu. Tình
yêu là ánh sáng chiếu rọi những người biết trao và nhận. Tình
yêu là lực hấp dẫn khiến người ta bị cuốn hút vào một đối tượng khác. Tình yêu
cũng là sức mạnh, nó sinh sôi nảy nở giúp con người không bị vùi dập trong thói
ích kỷ mù quáng. Tình yêu hé lộ và gợi mở. Vì tình yêu chúng ta sẵn sàng sống
và hy sinh. Tình yêu
chính là một lực mạnh vô song không có bất kỳ giới hạn nào. Tình
Yêu chính là Thượng đế, và Thượng đế cũng chính là Tình Yêu”.
Yêu là khả năng căn
bản và là nhu cầu thâm sâu nhất của loài người. Ai
trong chúng ta cũng khát khao yêu và được yêu. Thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng
chúng ta có một trái tim biết yêu thương. Tội lỗi nhập vào trần gian khiến trái
tim chúng ta bị tổn thương. Thói ích kỷ đã tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa và
các mối liên hệ cộng đồng nhân loại. Vì thế Đức Giêsu đã đến để dạy chúng ta
bài học yêu thương.
Trong
Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu đã nói lời trăn trối với các tông đồ trước
khi Người bước vào cuộc thương khó khốc liệt. “Khi đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giêsu nói với các
môn đệ rằng: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã
yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã
hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13).
Đức
Giêsu chính là khuôn mẫu của tình yêu, một tình yêu trao hiến trọn vẹn. Người
tha thiết mời gọi chúng ta thực hành giới răn yêu thương. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã gọi nhiều môn đệ
và chọn 12 người làm nền tảng cho tòa nhà Hội Thánh. Sau khi hoàn tất công
cuộc cứu chuộc ở trần gian để trở về cùng Cha, Người đã đặt một vị thủ
trưởng chỉ huy chăm sóc anh em. Và Chúa đã chọn Phêrô vì thấy ông đầy nhiệt huyết
và có niềm tin vững vàng.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc trò chuyện thân
mật giữa Chúa Giêsu và vị tông đồ niên trưởng là Phêrô. Tại Biển hồ Tibêria,
sau khi dùng bữa, lúc này chỉ còn hai thầy trò, Chúa Giêsu lên tiếng hỏi Phêrô:
“Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”
(c.15a). Câu hỏi của Thầy quá đơn giản nếu không muốn nói là dư thừa vì rất nhiều
lần tông đồ Phêrô tuyên xưng lòng tin vào Thầy, nhất là sau ba lần vấp ngã
vì chối Chúa, ông đã ý thức được sự yếu đuối của mình nên trả lời
đầy vẻ khiêm tốn: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (c.15b).
Nghe vậy, Chúa Giêsu liền trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên.
Có lẽ để kiểm tra lại lòng yêu mến của Phêrô, Chúa Giêsu
lại hỏi thêm 2 lần nữa. Lúc này Phêrô cảm thấy như bị Thầy coi thường, ông tỏ vẻ
không hài lòng nên đã trả lời vẻ hờn dỗi (Khổ lắm, nói mãi ! Thầy đi guốc
trong bụng con rồi còn gì), Thầy biết rõ mọi sự rằng con yêu mến Thầy …Nghe
vậy Chúa Giêsu nói rõ cho Phêrô biết đường tương lai, định mệnh của cuộc đời
ông là phải chết cách nào.
Có nhiều người thắc mắc cho rằng: Tại sao Chúa Giêsu hỏi
Phêrô đến ba lần? Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh cho Phêrô biết sứ mạng sắp tới rất
quan trọng mà cũng thật khó khăn, nếu ông không có lòng yêu mến cao độ trổi vượt
thì không thể chu toàn được. Chúa Giêsu cũng muốn Phêrô ý thức sứ mạng cao quý
của người lãnh đạo là phải chịu thiệt thòi, đau thương thậm chí phải hy sinh cả
mạng sống.
Câu hỏi dành cho Phêrô năm nào bây giờ Chúa Giêsu cũng hỏi
mỗi người chúng ta: “Con có mến Thầy không?” Lấy gì để đo lường lòng mến của
chúng ta đối với Chúa. Chúng ta đặt lòng tin mến của mình nơi Chúa thì ít nhưng
nơi thụ tạo thì nhiều. Chúng ta đã đặt lòng tin vào tiền bạc, giàu sang, danh vọng,
địa vị chức tước, vào một đam mê lệch lạc hoặc những thú vui bất chính…Mỗi
ngày chúng ta hãy cật vấn lòng yêu mến của mình đối với Chúa. Một khi có lòng
yêu mến, chúng ta mới có đủ sức mạnh vượt qua tất cả.
Trên bước đường theo Chúa, không phải lúc nào chúng ta
cũng đi trên nẻo đường bằng phẳng với cây cao bóng mát, cỏ hoa rộn ràng nhưng
cũng có đoạn đường gồ ghề sỏi đá, chông gai. Không phải lúc nào chúng ta cũng
trải qua những ngày nắng đẹp nhưng cũng có những lúc u sầu ảm đạm, thậm chí có
cả giông tố bão bùng. Không phải lúc nào việc ta làm cũng được mọi người chấp
nhận, tán dương nhưng cũng có những chống đối, vùi dập khiến ta bị tổn thương
và thất vọng ê chề. Hãy nhìn lên Thầy Giêsu – Đấng đã chiến thắng bằng đức
khiêm tốn vâng phục, bằng sự từ bỏ ý riêng mình để ý Chúa Cha được nên
trọn.
Chấp nhận đi theo Chúa là chúng ta phải chấp nhận
lội ngược dòng, chấp nhận thiệt thòi đi vào đường hẹp của Tin Mừng.
Vì đường Cứu Độ không phải là con đường của dễ dãi, của hưởng thụ
nhưng là con đường từ bỏ.
Có hạnh phúc nào mà không dệt từ những đau khổ,
có vinh quang nào mà không phải đi qua thập giá. Nhưng người theo Chúa
phải luôn xác tín dù đường đời có đau khổ cũng là đau khổ có Chúa.
Dù tình yêu có trắc trở gian nan cũng là vẫn là những ân ban huyền
nhiệm để ta được lớn lên, được hiệp thông trong Tình Yêu của Chúa Ba
Ngôi.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã trao cho chúng con sứ mạng cao
quý, là làm chứng cho Chúa qua đời sống yêu thương phục vụ, xin Chúa giúp chúng
con luôn kiên trung trong ơn gọi làm môn đệ Chúa, hầu đạt tìm thấy nguồn Chân
Lý và Tình Yêu Đích Thực. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP