Suy niệm Tin Mừng Thứ 3 sau Chúa Nhật Thứ II Mùa Chay
Mt 23, 1-12
LỜI CHÚA:
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
SUY NIỆM:
Lưu Cơ một lần ghé qua chợ ở Hàng Châu, thấy một anh bán hoa quả khéo để dành cam được lâu mà không bị ủng. Vỏ cam lúc nào cũng vàng óng. Giá đắt, nhưng thiên hạ vẫn cứ tranh nhau mà mua. Lưu Cơ cũng mua một quả. Đem về, bóc ra, hơi xông nồng nặc, múi cam như bông nát. Bực mình, ông liền đem ra chợ, hỏi người bán cam:
- “ Anh bán cam cho người ta để làm lễ cúng tế, để đãi khách hay anh chỉ làm cho bóng bảy bên ngoài để đánh lừa người ta? Anh tệ thật! Anh giả dối lắm!”
Anh bán cam cười, nói:
-“ Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca! Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải gì một mình tôi. Ông thật không chịu nghĩ đến nơi! Này ông thử xem: người đeo mảnh ấn khắc con hổ, ngồi trên nệm da hổ, hùng dũng trông ra dáng Quan Võ coi việc binh lính lắm, nhưng không biết có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường đường trông ra dáng Quan Văn coi việc cai trị lắm, kỳ thực có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ cực không biết cứu, quan lại gian tham không biết trừng trị, luật pháp hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, lại đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cuả qúi, oai vệ, hách dịch vô cùng! Ông thấy đó: bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc mà bên trong chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi!”
Lưu Cơ nghe nói thế, im lặng ra về. (Sưu tầm)
Ngôn hành bất nhất, hữu danh vô thực, đạo đức giả hình, thật-giả trong xã hội hiện nay đang là một vấn nạn khẩn thiết và rất đáng lo ngại cho xã hội và cũng như cuộc sống của giáo hội. Những biểu hiện của những vấn nạn trên là dùng những lời hay ho, hình ảnh đẹp đẽ bên ngoài để che đậy những gì không tốt, không đúng với bản chất nó là.
Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả...Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào...”
Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thế đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người đặc biệt là hàng tư tế. Hàng tư tế là ai? là những lý thuyết gia về Thiên Chúa hay là những người sống kinh nghiệm của Thiên Chúa nếu không chỉ là “thùng rỗng kêu to”! là những người được trao quyền bính, liệu rằng quyền bính được trao ban là để phục vụ hay để người khác phục vụ mình?