Thứ Bảy Tuần I Mùa
Vọng
RAO GIẢNG
VÀ CHỮA LÀNH
Lời Chúa
Mt 9,35 - 10,1.6-8
9 35 Khi ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong
các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật
nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám
đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người
chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt
lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
10 1 Rồi Đức Giê-su gọi
mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông
trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
6 Đức Giê-su sai các ông
đi và chỉ thị rằng : “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao
giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho
người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không,
thì cũng phải cho không như vậy.”
Suy
niệm
Ở
thời đại nào Giáo hội cũng luôn thao thức ‘Làm cách nào để con người có thể đón
nhận và tin vào Tin Mừng’. Trở về với cội nguồn là Đức Giê-su để chúng ta học lấy
cách thức truyền giáo của Ngài. Thật vậy “Nói đi đôi với làm”, nghĩa là lời nói
và việc làm phải song hành và nhất quán với nhau. Đây là cách thức hữu hiệu mà Đức
Giê-su thi hành trong sứ mạng của mình. Vì thế, cặp từ “rao giảng và chữa lành”
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh là hai việc mà Đức Giê-su đã thực hiện trong hành
trình đem Tin Mừng đến với con người. Các môn đệ tiếp tục thực hiện việc rao giảng
và chữa lành đó của Thầy mình.
Chúa
Giê-su đến rao giảng điều gì? Tin Mừng ghi lại rất vắn gọn lời rao giảng của
Chúa Giê-su “rao giảng Tin Mừng Nước Trời”
(Mt 9,35). Đây cũng là lệnh truyền lúc Chúa sai các môn đệ ra đi “Dọc đường anh
em hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần”
(Mt 9,7). Tin Mừng về Nước Trời là nội dung cốt yếu trong lời rao giảng của Người
từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc sứ mạng trên trần gian. Người dùng chính
ngôn ngữ của con người, dùng dụ ngôn, hình ảnh quen thuộc của cuộc sống để giảng
dạy, giải thích, diễn tả cho họ hiểu về Nước Chúa. Hình ảnh về Nước Trời được
Chúa Giê-su công bố là một thời đại công lý và hòa bình ngự trị mà chính ngôn sứ
I-sai-a đã loan báo thuở xưa. Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng Đấng Mêsia sẽ đến
trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để đem tự do và sự sống mới cho tất cả những
ai bị giam cầm bởi đau khổ, bệnh tật, tội lỗi và ma quỷ (Is 61,1-2). Nơi đó,
người nghèo được nghe Tin Mừng, kẻ giam cầm được tha, kẻ câm nói được, người mù
được sáng mắt, kẻ bị áp bức được tự do…(x.Lc 4, 17-19). Lời loan báo về Nước Trời
khi Người đến sẽ được khai mở không phải để mị dân hay ảo tưởng về một cuộc sống
tươi đẹp xa vời nào đó, mà về một cuộc sống viên mãn đích thực trong Người và
nơi Người.
Thực
tại về Nước Trời không phải chỉ được rao giảng trên môi miệng nhưng được Chúa
Giê-su hiện tại hóa qua việc chữa lành “Người
chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 9,35). Chúng ta dễ dàng thấy
các việc làm của Chúa qua các trang Tin Mừng: chữa nhiều kẻ ốm đau (Mt 8,16; Mc
1,32-34; Lc 4,40-41), cho bà mẹ vợ ông Phê-rô khỏi sốt (Mt 8,14-15; Mc 1,29-31;
Lc 4,38-39); cho người đàn bà khỏi bệnh băng huyết (Mt 9,20-21; Mc 5,25-34; Lc
8,43-48); cho người mù sáng mắt (Mt 9,27-30; 20,29-34; Mc 8,22-26; Ga 9,1-41);
chữa bệnh phong (Mt 8,1-4; Mc 1, 40-45; Lc 5,12-14); người bại liệt (Mt 9,1-8;
Mc 2,1-12; Lc 5,17-26); cho người câm nói được (Mt 9,32-34), diệt trừ ma quỷ
(Mt 8,28-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-39), cho con trai bà góa thành Na-in (Lc
7,11-17), con gái ông Gia-ia (Mt 9,18-26; Mc 5,21-24.35-42; Lc 8,40-56) và
La-za-rô (Ga 11,1-44) chết sống lại…Như vậy, những gì người rao giảng về Triều
đại của Người thì chính Người thực hiện một cách cụ thể, rõ ràng trước mặt toàn
dân. Chúa Giê-su đã khai mào Nước Thiên Chúa ngay giữa trần gian. Chính Chúa Giê-su
cũng muốn các môn đệ của mình tiếp nối những công việc đó “Anh em hãy chữa lành
kẻ đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử
trừ ma quỷ” (Mt 10,8). Chúng ta còn nhớ sách Công vụ Tông đồ ghi lại việc
Phê-rô chữa cho một người què đi được tại Cửa Đẹp Đền thờ (Cv 3,1-10), tại Lốt
ông chữa cho một người tê bại (Cv 9,32-35) ở Gia-phô cho bà Ta-bi-tha chết sống
lại (Cv 9,35-42); tại Sa-ma-ri,Phi-líp-phê chữa cho nhiều người bị thần ô uế
ám, nhiều người tê bại và tàn tật được ông chữa lành (Cv 8,7); sau này tại
Trô-a, Phao-lô vị Tông Đồ dân ngoại cũng cho một thiếu niên chết sống lại (Cv
20,7-12).
Thật
vậy, sứ điệp mà Đức Giê-su rao giảng và các phép lạ chữa lành mà Người thực hiện
đều nhằm mục đích đem Tin Mừng Nước Chúa đến gần với con người, tuyên bố về vương quốc sắp đến của Thiên Chúa nơi bản
thân Người là sự hoàn thành trực tiếp những điều các ngôn sứ đã tiên báo nhiều
thế kỷ trước (Is 29,18-19; 35,5-6; 61,1). Người đã rao giảng về Nước Chúa thế nào thì việc
chữa lành củng cố và hiện thực hóa như vậy. Nhờ đó họ tin tưởng vào một Đấng
không chỉ là Thầy dạy mà còn mang trong mình Uy quyền của Thiên Chúa. “Thiên hạ sửng sốt về lời dạy của Người, vì
Người giảng dạy như một Đấng coa thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc
1,22).
Nhìn
vào đời sống hôm nay, mỗi người chúng ta thử xem chúng ta sống đạo thế nào để
đem Tin Mừng Chúa đến cho những người xung quanh? Chúng ta vẫn tuyên xưng đức
tin nhưng lại không thực hành đức tin. Thánh Gia-cô-bê Tông đồ nói rằng “Đức tin không việc làm là đức tin chết”
(Gc 2,17). Đức tin của mỗi người và sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội có sống được và trổ sinh hoa trái là
nhờ công việc rao giảng và chữa lành. Chúng ta không ra đi bằng không gian địa
lý nhưng trong hoàn cảnh và bậc sống của mình chúng ta cũng có thể đem Tin Mừng
đến cho người khác. Rao giảng bằng lời nói và gương sống “lời nói lung lay,
gương bày lôi kéo”. Chữa lành không chỉ là cho đi của cải, vật chất nhưng còn
cho đi thời gian, công sức và cả chính mình nữa.
Lạy
Chúa, sống tâm tình chờ đợi của Mùa Vọng chúng con lại càng được thôi thúc để sống
cho sứ điệp của Chúa là mong cho muôn dân nhận biết Ngài. Chúng con chờ đợi
Ngài trong hạnh phúc vì một niềm hy vọng chắc chắn thì xin cho chúng con cũng
biết sống cho niềm hy vọng ấy cách sinh động, vui tươi. Amen
M. Nhật Nguyệt