Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng
HÓA BÁNH
RA NHIỀU
Lời Chúa Mt 15,29-37
29 Khi ấy, Đức Giê-su đến ven Biển Hồ Ga-li-lê.
Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Dân chúng lũ lượt kéo đến
cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh
nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31 khiến
đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người
què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.
32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : “Thầy
chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có
gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc
đường.” 33 Các môn đệ thưa : “Trong nơi hoang vắng này,
chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no ?” 34 Đức
Giê-su hỏi : “Anh em có mấy cái bánh ?” Các ông đáp : “Thưa có bảy cái bánh và
một ít cá nhỏ.” 35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi
xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy cái bánh và mấy con
cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai
nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy
thúng đầy.
Suy niệm
Khi bàn về
đoạn Tin Mừng hôm nay, một học giả Kinh Thánh đã viết: "Mỗi một giai đoạn
trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng một bữa ăn khoản đãi
dân Ngài". Trước hết là phép lạ bánh hóa ra nhiều cho 5,000 người ăn, được
coi như biến cố chấm dứt sứ vụ của Ngài tại Galilêa. Vì từ đây Ngài không còn
giảng dạy tại các Hội Ðường cũng như làm những phép lạ, chữa bệnh tật tại đó
nữa. Thứ đến là phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống 4,000 người, đánh dấu trong
một giai đoạn ngắn giảng dạy tại các vùng dân ngoại biên giới Palestina, miền
Tirô và Sidon và miền thập tỉnh. Sau cùng là bữa tiệc ly tại Jérusalem, nơi đây
đã kết thúc cuộc đời rao giảng của Ngài ở trần gian.
Với cái
nhìn phân tích, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi bữa ăn đều nằm trong một bối cảnh
khác nhau, thành phần tham dự cũng khác nhau. Tuy nhiên, tất cả cùng phát xuất
từ một động lực chính, đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Với câu 29,
thánh sử nêu rõ bối cảnh và nhân vật: “ Chúa Giêsu đến ven Biển Hồ, lên núi và
ngồi…”. Trong Kinh Thánh, biển cả tượng trưng là nơi chốn của ma quỉ và sự ác,
còn núi là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Hình ảnh Chúa Giêsu hiện lên trong
2 thái cực đối lập như muốn nói: Ngài đến ở giữa con người, sống trong bối cảnh
thiện, ác lẫn lộn và chính Ngài sẽ điều khiển trật tự này qua hành động “ ngồi
xuống” với tư cách của một vị Thầy hướng dẫn con người tìm về nẻo chính đường
ngay, trong hoàn cảnh môi trường mình đang sống.
Câu 30 và
31 nói về một đám đông gồm toàn những con người bệnh hoàn tật nguyền : “ …què
quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân…”. Đây là nổi khổ đau của
con người phải gánh chịu dưới ách thống trị của tội lỗi, ma quỉ và xác thịt. Họ
kéo đến với Chúa Giêsu chỉ mong được chữa lành để có cuộc sống an bình, hạnh
phúc. Chúa Giêsu không đành lòng trước nổi khổ đau của nhân loại. Ngài đã giơ
tay cứu vớt và chữa lành mọi bệnh hoạn.
Đây chính
là sứ vụ Mêsia của Ngài. “Ta đến để cứu những người tội lỗi”. (Mt 9,13) Vì theo
người Do Thái hồi đó, bệnh hoạn là do tội lỗi gây nên. Còn đám đông sau khi
được chữa lành, họ rất đỗi kinh ngạc… và tôn vinh Thiên Chúa. “ Một đám đông”
khiến chúng ta nghĩ đến tính phổ quát của ơn cứu độ mà Thiên Chúa đem đến cho
nhân loại, cho các dân tộc trên thế giới. Đó cũng là sứ vụ của Giáo Hội sau
này: Hãy đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất ( x.Mt 16,15). Và Thiên
Chúa của Israel cũng là Thiên Chúa của mọi người, mọi thời đại.
Câu 32,
mạch văn chuyển sang đề tài mới còn được gọi là phép lạ hóa bánh. Lý do Chúa
Giêsu làm phép lạ này, đó là Ngài “chạnh lòng thương”. Tình thương của Thiên
Chúa luôn là khởi điểm cho mọi sáng kiến và công việc của Ngài. Ngài
không những “chạnh lòng” mà còn muốn các môn đệ cũng có tâm tình như vậy, nên
Ngài đã nói “vì họ ở với thầy đã 3 ngày mà không có gì để ăn. Thầy không muốn
giải tán… Sợ họ bị xỉu dọc đường”. Qua câu nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất
“người”. Ngài có một tâm tình của một vị chủ chăn, đúng hơn của một người mẹ
biết rõ con mình đang đói khát.
Các môn đệ
tuy hiểu, nhưng hoàn cảnh không cho phép “ trong nơi hoang vắng, chúng con lấy
đau ra đủ bánh cho cả đám đông…” ( c.33). Ý nói : chúng con không có khả năng.
Thực tế, nhiều khi chúng ta thường nói : con muốn lắm, nhưng không thể, vì đó
vượt sức… Tình thương của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ lớn để… vượt qua
thử thách. Lúc này, Thiên Chúa sẽ hành động : Anh em có mấy chiếc
bánh? Dạ bảy chiếc và ít cá nhỏ ( c.34). Chỉ cần có thế, chỉ cần một
chút cái “ nhỏ xíu” của chúng ta mà Thiên Chúa làm nên một phép lạ. Ngài muốn
chúng ta đóng góp cái phần “ Nhỏ xíu” ấy vào công cuộc cứu độ của Ngài.
Từ câu
35-37: Phép lạ được diễn ra, Chúa Giêsu nhờ các môn đệ là người trung gian phân
phát bánh cho dân và dân chúng được thỏa thuê. Hình ảnh này
khiến chúng ta nghĩ đến những hiệu quả của các bí tích, mà Thiên
Chúa đã dùng tay các thừa tác viên mà ban ơn lành cho dân. Một phép lạ hiển hiện
rõ ràng. Với bảy chiếc bánh nay thu được bảy thúng bánh vụn còn dư, trong khi
đó 4.000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ được ăn no nê. Trong sứ vụ loan
báo tin Mừng cũng vậy, nhièu khi Thiên Chúa chỉ mượn đôi chân, bàn
tay, miệng lưỡi của chúng ta, để Ngài nuôi dưỡng dân Ngài, Có lúc
chúng ta thấy mình không đủ sức, bất tài vô dụng nhưng chính lúc đó sức mạnh và
tình thương Chúa mới đưa đến kết quả tốt đẹp.
Hai lần hóa
bánh ra nhiều đều do sự lo lắng của Chúa Giêsu: "Nếu để họ ra về e rằng có
những người sẽ bị đói lả dọc đường". Và riêng bữa tiệc cuối cùng, đó là
bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phải thực hiện một phép lạ vĩ đại để cho mọi người
được đủ sức mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian. Nếu là một
trong 5,000 người của đám dân chúng được Tin Mừng nói đến hôm nay, chắc chắn
tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì tâm trạng của đám dân chúng lúc bấy
giờ, là bụng đói lả sau ba ngày theo ngài nhưng lại không dám lên tiếng cứ giữ
thái độ yên lặng.
Có thể họ
im lặng vì chưa đủ lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Thắc mắc của họ phần
nào tương tự như thắc mắc của các tông đồ: "Lấy đâu ra bánh trong hoang
địa này cho ngần ấy người ăn". Mặc dù các môn đệ đã thấy Ngài chữa lành
các bệnh tật như làm cho kẻ điếc được nghe, què được đi, cùi được sạch... Tuy
nhiên, có thể họ nghĩ rằng mình không thuộc về những hạng người cần đến Chúa
Giêsu, vì thân thể đang khỏe mạnh đâu cần gì đến thầy thuốc. Sự đói mệt chỉ là
một nhu cầu thể lý chứ không phải là một căn bệnh làm gì phải bắt Ngài bận tâm.
Thế nhưng họ đâu có thể ngờ rằng, tuy không phải là căn bệnh thì chúng có thể
làm hại con người hoặc có thể vì chút tự ái cá nhân mà họ đành im lặng mặc cho
cơn đói hành hạ. Tại sao không chịu lo xa chuẩn bị chút ít lương thực phòng
thân để giờ này lại mở miệng lên tiếng kêu ca.
Nhìn chung
thái độ im lặng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thiếu tin tưởng vào Thiên
Chúa và quá quy trách vào bản thân.
Thiếu tin
tưởng vào Thiên Chúa khiến con người không thấy Ngài đầy quyền năng và đầy lòng
thương xót. Ngài thấu hiểu hết mọi người và hằng quan tâm đến tất cả mọi nhu
cầu của con người, ngay cả những nhu cầu nhỏ nhặt nhất cũng đều được Ngài đáp
ứng. Mặt khác, quá thiên về bản thân cũng khiến cho con người xa cách Thiên
Chúa. Con người luôn phải cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Về phần
Chúa Giêsu, dù cho đám dân chúng im lặng, Ngài không chấp lẽ thái độ của họ,
Ngài luôn quan tâm đến họ, Ngài sợ họ đói lả té xỉu dọc đàng, và Ngài đã cho họ
ăn một cách dư giả đến nổi ăn xong còn dư được bảy thúng đầy. Con số này tượng
trưng cho cái vô biên không đo lường nổi.
Cuộc lữ
hành nào mà chẳng mệt nhoc, không lương thực thì chắc chắn sẽ có kẻ rơi rụng
dọc đường. Chúa Giêsu đã thấy trước điều này ngay trong cuộc lữ hành trần gian,
vì thế Ngài đã ban Mình Ngài để làm lương thực nuôi dân Ngài. Tuy nhiên, căn
bệnh im lặng của đám dân chúng ngày xưa còn là căn bệnh của thế giới hôm nay.
Căn bệnh đó xem ra còn trầm trọng hơn, vì bàn tiệc đã bày sẵn nhưng chẳng mấy
ai đến hưởng dùng.
Mùa vọng là
mùa đợi trông, dân Do Thái ngày xưa trông đợi ngày Chúa đến, ngày mà Chủ các cơ
binh sẽ thiết đãi một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Sống
trong tâm tình của Mùa Vọng, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ hiểu
được giá trị trổi vượt của bàn tiệc Thánh Thể mà Thiên Chúa đã thiết đãi dân
Ngài để rồi trong cuộc đời lữ hành trần gian chúng ta sẽ được no đủ và vững
bước tiến về quê trời, không lo sợ phải mệt lả dọc đường.
Huệ Minh