CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C
CHÚA ĐẾN ĐỂ ĐEM LẠI SỰ TIN TƯỞNG VÀ HY
VỌNG
Lời Chúa Lc 21,25-28.34-36
25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có
những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo
lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta
sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền
lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ
thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi
những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh
em sắp được cứu chuộc.
34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng
nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần
chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi
dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu
nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt
Con Người.”
Suy niệm
Đại dịch covid có vẻ tạm lắng xuống, nhưng người ta cũng
không biết khi nào nó quay trở lại. Đại dịch đi qua đã để lại bết bao hậu quả hết
sức nặng nề, không chỉ trong đời sống kinh tế xã hội mà còn ảnh hưởng đến tâm
lý và hậu quả tiêu cực trong đời sống đức tin người tín hữu. Virus lây lan và
thời gian phong tỏa kéo dài khiến cho con người cảm thấy sợ hãi hoang mang đến
chán nản thất vọng. Nhiều người khi biết mình bị dương tính đã thất vọng đến
buông xuôi và có người còn tự tử. Con virus này khiến cho nhiều người phải cách
ly nhau và dẫn đến cách lòng, người ta e dè khi gặp gỡ tiếp xúc, họ ngại ngùng
đề phòng khi bước đến với người khác hoặc khi người khác bước đến với mình.
Mặc dù hôm nay chúng ta đang trở lại tình trạng “bình thường
mới” nói chính xác hơn là tạm trở lại cuộc sống bình thường, nhưng mọi người vẫn
lo đại dịch sẽ quay trở lại như tại nhiều quốc gia khác. Trong hoàn cảnh mới
này, hôm nay cùng với Giáo Hội chúng ta bước vào Mùa Vọng, chuẩn bị tâm hồn mừng
lễ Chúa Giáng Sinh. Mùa vọng là thời gian chúng ta được mời gọi sống trong tin
tưởng và hy vọng, vì Chúa đến với nhân loại, không phải để tiêu diệt nhưng để
xây dựng, tái tạo và là niềm hy vọng cho chúng ta.
Nhìn vào thế giới trong thời gian qua, chúng ta thấy nhân loại
đang bị các thứ thiên tai liên tục dập vùi. Đại dịch covid hoành hành trên toàn
cầu trong hai năm qua, đã lấy đi sinh mạng của hàng trăm triệu người; bao nhiêu
gia đình đau khổ vì mất người thân, các trẻ em phải mồ côi vì mất cha mẹ. Ngoài
những ảnh hưởng về kinh tế xã hội, covid còn gây bao tổn thương trong tâm hồn
con người không thể đo đếm được; nó thay đổi hoàn toàn cách sinh hoạt, tương
quan xã hội. Trong khi đại dịch chưa qua đi, tình trạng lũ lụt bão tố lan tràn
trên thế giới cũng lấy đi hàng ngàn sinh mạng và hàng chục triệu người mất nhà
cửa, lâm vào túng thiếu. Bên cạnh thiên tai còn có cả những tai họa do con người
gây ra cho nhau. Tại Việt nam mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tai nạn
giao thông, con số này cao hơn rất nhiều lần số người chết vì covid. Cùng với
tai nạn là con số hàng chục ngàn người phải thương tật suốt đời.
Những thiên tai dịch bệnh và tai họa con người gây ra, dường
như ứng nghiệm với những lời tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca
nói đến những tai họa trên trời dưới đất sẽ phải xảy ra như dấu hiệu báo trước
ngày Thiên Chúa đến: “Sẽ có những điềm lạ
trên mặt trời mặt trăng. Dưới đất muôn dân sẽ xôn xao lo lắng trước cảnh biển gầm
sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc chờ những gì sắp giáng xuống trên
địa cầu”. Những dấu chỉ này tuy đáng sợ, nhưng lại là dấu hiệu báo trước niềm
hy vọng, vui mừng lớn lao: “Thiên hạ sẽ
thấy Con Người ngự đến trong quyền năng và vinh quang”. Như vậy, những dấu
hiệu thiên nhiên đó là để nhắc cho chúng ta quyền năng, vinh quang của Thiên
Chúa và sự hiện diện của Ngài.
Chứng kiến các hiện tượng thiên nhiên thay đổi cùng thiên tai
đe dọa như thế, là để giúp con người biết khiêm tốn cúi đầu trước quyền năng của
Thiên Chúa, thay vì ngạo nghễ “thách thức với trời”. Nhiều người vô đạo đã muốn
giành quyền làm chủ vũ trụ của Thiên Chúa, biến mình thành thần linh. Thiên tai
dịch bệnh xảy ra để một lần nữa khẳng định cho những kẻ kiêu căng biết rằng, họ
không thể chống lại được Thiên Chúa và thiên nhiên, mà trái lại phải biết cúi đầu
cung kính trước quyền năng của Ngài. Đồng thời, trong hoàn cảnh dịch bệnh,
thiên tai và những sự việc đáng sợ xảy ra trong thiên nhiên, những người có đức
tin được mời gọi: “Khi những biến cố ấy xảy
ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Đứng thẳng và ngẩng cao đầu không giống thái độ của kẻ cao ngạo,
nhưng là thái độ của những người con chỗi dậy chạy ra cổng đón cha mẹ đi xa trở
về; đó là thái độ của những người thợ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Chúa trao, nay
đợi chờ ông chủ trở lại để ban thưởng vì đã trung thành và cần cù làm việc. Đứng
thẳng và ngẩng cao đầu còn là thái độ của những con người có tâm hồn trong sạch,
có tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, được đứng vào hàng ngũ những người được
chúc phúc chờ gọi tên vào Nước Trời. Để có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu khi
Chúa đến, Tin Mừng nhắc cho chúng ta những thái độ cần thiết phải có. Trước hết
là phải làm chủ con người của mình, không để rơi vào tình trạng bất ngờ; phải sống
trong sẵn sàng, không để mình rơi vào những lôi kéo của đam mê dục vọng và những
tìm kiếm thỏa mãn xác thịt và lôi kéo của thế gian; cũng không để cho những ưu
tư lo lắng cơm áo gạo tiền, việc làm giàu, kinh doanh chiếm hết tâm hồn và thời
gian của mình: “Anh em chớ để lòng mình
ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như chiếc lưới bất
thần chụp xuống đầu anh em”. Kế đến, Tin Mừng nhắc chúng ta phải sống cách
tích cực trong đời sống đạo qua việc cầu nguyện, tin tưởng và phó thác nơi
Chúa. Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta vững tin vào quyền năng của Chúa, không để
lòng bị dao động hoặc nguội lạnh như dân ngoại. Cầu nguyện còn để đón nhận sự
soi sáng và ơn trợ lực từ nơi Thiên Chúa: “Hãy
tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng
vững trước mặt Con Người”.
Như vậy, cho dù có thiên tai và các hiện tượng kinh hoàng xảy
ra trên trời dưới đất cũng không làm chúng ta hoang mang, lo âu, sợ hãi. Trái lại,
khi chúng ta sống ngay thẳng công chính trước mặt Chúa và mọi người, chuyên cần
cầu nguyện trong tin tưởng, thì các sự việc kinh hoàng xảy ra chung quanh là dấu
hiệu đem đến cho ta niềm hy vọng được gặp Thiên Chúa, được đón nhận vào Nước Trời.
Vì, Thiên Chúa đến không phải để hủy diệt nhưng là đem lại sự sống mới; Ngài
không gieo chết chóc sợ hãi, nhưng đem đến niềm hy vọng cho những ai tỉnh thức
sẵn sàng chờ đợi Người. Tiên tri Giêrêmia đã mô tả ngày Thiên Chúa đến như một
mùa xuân mới cho nhân loại. Tất cả thế giới cũ, con người cũ sẽ được biến đổi
nên tươi mới: “Ngày đó Ta sẽ cho mọc lên
một chồi non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít… Ngày ấy Giuđa sẽ được cứu
thoát, Giêrusalem sẽ được an vui”.
Thưa quý OBACE, Mùa Vọng là mùa chuẩn bị tâm hồn mừng kỷ niệm
Chúa đến lần thứ nhất trong nghèo khó, nhưng quan trọng hơn Giáo Hội mời chúng
ta chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Trong khi chờ đợi ngày
Chúa đến lần thứ hai, mỗi người được mời gọi sống trong hy vọng, tỉnh thức và
chuẩn bị sẵn sàng cuộc đời mình. Khi sống trong tình trạng chuẩn bị sẵn sàng,
thì Chúa đến bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu để
đón Chúa.
Tuy nhiên, việc thức lâu, chầu mỏi khiến chung ta dễ bị xao
nhãng, những cám dỗ hưởng thụ và những mời chào từ cuộc sống xã hội dễ làm cho
chúng ta rơi vào tình trạng mê ngủ, hoặc say sưa. Nhiều người tuy vẫn thức,
nhưng thực ra đang mê ngủ trong sự lười biếng, mê man với những thú vui. Nhiều
người khác tuy không say rượu, nhưng đang say tình, say tiền và danh vọng, say
quyền lực nên đã bất chấp tất cả để thỏa mãn cơn say của mình. Chúng ta sẽ trở
thành kẻ mê ngủ, say sưa khi an phận với một vài việc đạo đức như: vẫn đi lễ
ngày Chúa nhật, không trộm cắp gian tham, không chời bời, nhưng lại không làm
nhiều việc tích cực như bác ái, yêu thương, không quan tâm chia sẻ giúp đỡ cho
vợ con và những người chung quanh. Chúng ta sẽ trở thành kẻ say sưa khi nghĩ rằng
mình vẫn sống tốt nên không nhìn lại bản thân, không thành tâm sám hối để cải
thiện đời sống của mình của gia đình mỗi ngày, cuối cùng trở thành kẻ say sưa
trong tự mãn.
Dịch bệnh và thiên tai vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới
là dịp để mỗi chúng ta nhận ra dấu chỉ sự hiện diện và quyền năng của Thiên
Chúa mà vì kiêu ngạo con người đã cố tình gạt bỏ Ngài. Thiên tai dịch bệng
không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa, mà là do con người góp phần gây ra
cho nhau. Chính trong lúc thiên tại dịch bệnh này, Thiên Chúa cho chúng ta có
được cơ hội nhận ra Ngài, và nhận ra tình liên đới anh em con cùng một Chúa.
Chúng ta không sống trong bi quan sợ hãi, cũng không coi thường dịch bệnh,
nhưng biết tận dụng thời gian này để hoán cải đời sống, tin tưởng tín thác vào
Chúa nhiều hơn và thực thi lòng bác ái cách cụ thể với anh em. Tin tưởng và sống
như thế, là chúng ta đang sống trong hy vọng, trong tỉnh thức sẵn sàng chờ Chúa
đến với mỗi người.
Xin Chúa cho chúng ta sống mùa vọng này thật sốt sắng, làm
nhiều việc tốt đẹp, ý nghĩa, để mùa Giáng Sinh sắp tới trở nên mùa an bình thật
sự cho tất cả chúng ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí