Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 1

ANH EM PHẢI CANH THỨC

cnIMVB.jpg

LỜI CHÚA Mc 13,33 – 37

(33) "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34) Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (37) Ðiều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!"

SUY NIỆM

Trong mùa mưa lũ vừa qua tại Miền Trung, số người chết vì lũ lụt và sạt lở lên đến hàng mấy trăm người. Một trong những vụ sạt lở khiến cho nhiều người cảm động là vụ sạt lở vùi chết đội cứu hộ 13 người, hấu hết là bộ đội, khi đang vào thuỷ điện Rào Trăng để tìm kiếm những người bị vùi lấp tại đây từ vài hôm trước đó. Đội cứu hộ đã tìm thấy xác của 13 người đã chết và đặc biệt có một chiếc điện thoại của một trong các nạn nhân, ghi lại những hoạt động cuối cùng của nhóm cứu hộ này. Vì đoạn đường sạt lở không thể đi tiếp, cả đoàn 17 người đã ghé vào trụ sở của đội kiểm lâm để nghỉ chân. Có người tìm gạo và mì để nấu bữa tối cho cả đoàn, có người ngồi hơ áo hoặc sưởi bên đống lửa vì dầm mưa và trời lạnh, có người ngả lưng vì một ngày đã thấm mệt. Tất cả họ đều nói chuyện vui vẻ và lên phương án cho công việc cứu hộ vào sáng hôm sau. Ngay lúc đó, một tiếng động lớn vang lên và một vạt núi từ trên cao đổ xuống vùi lấp tất cả, chỉ mấy người vì còn ở phía ngoài nên thoát chết.

Thưa quý OBACE, giờ Thiên Chúa đến với mỗi người cũng sẽ bất ngờ như thế, không ai biết lúc nào, ngày nào, giờ nào. Vì vậy, Lời Chúa của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng luôn mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và canh thức.

Tại sao Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh, mà Lời Chúa lại cảnh báo về giờ chết? Có nhiều người thắc mắc như thế. Đúng vậy! Mùa Vọng là mùa chuẩn bị tâm hồn người tín hữu đón mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng quan trọng hơn Mùa Vọng còn là mùa nhắc cho mỗi người nhớ đến ngày Chúa trở lại lần thứ hai vào ngày cuối cùng của vũ trụ và cũng là ngày cuối cùng của mỗi người, tức là ngày chết. Thiên Chúa chắc chắn sẽ trở lại, nhưng Ngài không hẹn giờ. Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và canh thức: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời đó đến”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần từ: coi chừng, tỉnh thức, canh thức để cho thấy sự bất ngờ của ngày Chúa đến. Ngày đó cũng chính là cơ hội cuối cùng, là phút giây quan trọng quyết định cho số phận đời đời của mỗi người. Tỉnh thức là thức trong tình trạng tỉnh táo, sáng suốt, chứ không phải thức trong tình trạng lơ mơ. Vì trong thực tế, có những trường hợp tuy thức, nhưng cũng không tỉnh hẳn như người say, thì dù không ngủ, nhưng cũng không tỉnh táo. Vì thế, Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta không những phải tỉnh thức mà hơn nữa còn phải canh thức, tức là thức trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với bất trắc: “Vậy anh em hãy canh thức vì anh em không biết khi nào chủ đến: lúc chập tối hay lúc nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”.

Chúng ta được mời gọi tỉnh thức với thái độ nào? Chúng ta tỉnh thức và canh thức không phải với tâm thế bị ép buộc, cũng không giống như là phiên gác của người lính cầm canh, nhưng là với tâm tình của con cái chờ đón cha mẹ đi xa về, của đầy tớ đợi ông chủ trở về: “Người kia trẩy đi phương xa, để lại nhà cửa, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”. Điều này có nghĩa là ông chủ không khác gì bố mẹ, hoàn toàn tín nhiệm nơi con cái và nơi đầy tớ của mình. Ông đã trao phó tất cả tài sản, nhà cửa và quyền hành cho đầy tớ, mỗi người một việc. Vì thế, ông cũng muốn các đầy tớ không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình, mà còn đặt cả tình yêu của mình vào trong việc chu toàn bổn phận và chờ đợi ngày chủ trở về.

Thiên Chúa là ông chủ, sẽ trở lại với mỗi người vào bất cứ lúc nào. Ngài sẽ gõ cửa nhà linh hồn mỗi người, có thể là lúc nửa đêm hay tảng sáng. Điều ông chủ kỳ vọng nơi các đầy tớ là khi ông trở về, thấy tất cả các đầy tớ đang canh thức chu toàn tốt nhiệm vụ của mình. Chắc chắn khi Chúa trở lại, những ai đang canh thức, sẵn sàng, sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng. Còn những ai để mình lười biếng hoặc mê ngủ, sẽ bị ông chủ loại trừ và xếp nó vào số những kẻ bất trung.

Chúng ta sẽ phải canh thức như thế nào? Thưa phải canh thức trong cầu nguyện và làm việc chu toàn bổn phận của mình. Tiên tri Isaia là mẫu gương sống tâm tình chờ đợi Chúa đến. Bài đọc một hôm nay ghi lại lời cầu nguyện khẩn thiết của ông. Ông xin Thiên Chúa làm cho tâm hồn dân Chúa được mềm ra, để có thể yêu mến và kính sợ Chúa và hoán cải: “Lạy Chúa, xin Ngài xé trời mà ngự xuống, và làm cho núi non rung chuyển trước thánh nhan Ngài”. Với lời cầu xin này, tiên tri cho thấy vì sự cứng lòng của dân Israel, đã khiến cho cửa trời bị đóng lại. Nay xin Chúa lấy lòng thương xót và quyền năng phá gỡ những rào cản, mở cửa trời mà đến với nhân loại, để cứu với nhân loại.

Thánh Phaolô trong thư Corintô hướng chúng ta về ngày Chúa trở lại và nhắn nhủ chúng ta cách sống canh thức, trong khi chờ ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta quang lâm: “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện… khiến anh em không thiếu một ân huệ nào trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô mặc khải vinh quang của Người”. Theo thánh Phaolô, Thiên Chúa đã yêu thương, tín nhiệm trao ban cho chúng ta ân sủng và rất nhiều ơn cần thiết để chúng ta có thể kiên trì và đứng vững trước mọi cám dỗ và thử thách. Chúa cũng luôn ở bên mỗi người ban sức mạnh giúp chúng ta trung thành với nhiệm vụ của mình trong ngày Chúa đến.

Thưa quý OBACE, nhìn vào các biến cố xảy ra trên thế giới trong năm vừa qua cho thấy thân phận con người quá đỗi mong manh trước sức mạnh của thiên nhiên. Đại dịch Corona đã khởi phát gần một năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại. Nó đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới, khiến cho thế giới kiệt quệ và khiếp sợ. Thiên tai, mưa bão lụt lội đang hoành hành khắp nơi cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và tài sản tích góp của con người cũng trôi theo dòng lũ. Ở Việt Nam trong những ngày cuối tháng Mười Một vừa qua, mưa bão khiến cho cả Miền Trung như rơi vào cơn đại hồng thuỷ. Những thiên tai dịch bệnh đang diễn ra phải chăng là Lời Chúa muốn nhắc mỗi người về ngày Chúa sẽ trở lại. Vì thế, qua các biến cố thiên nhiên này, Chúa mời gọi chúng ta phải canh thức sẵn sàng. Chúa sẽ trở lại bất ngờ như nước lũ tràn về, như quả đồi ập xuống trên mỗi người. Chúa muốn thấy chúng ta đang trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa.

Niềm vui của đại lễ Chúa Giáng Sinh sẽ đến và sẽ qua đi, nhưng lời nhắc nhở tỉnh thức sẵn sàng vẫn luôn là lời cảnh báo gửi đến với mỗi người. Chúng ta sẽ không biết ngày nào Chúa sẽ đến với mình. Vì thế, mỗi người cần tự chuẩn bị thật tốt cho ngày quan trọng ấy. Chúng ta sẽ chuẩn bị bằng việc để cho lòng mình thanh thoát nhẹ nhàng, không bị bận vướng bởi tội lỗi, không bị trì kéo bởi vật chất và hưởng thụ. Chúng ta cũng chuẩn bị bằng việc can đảm gỡ bỏ những bất hoà, những lăn tăn, bận vướng trong các mối tương quan với anh em.

Chúng ta sẽ chuẩn bị cho gia đình không chỉ những đèn sao nhấp nháy, nhưng là làm cho gia đình trở nên một hang đá Belem đơn sơ thánh thiện, nơi đó có sự hiện diện dễ thương và bình an của Chúa Giêsu Hài Nhi, có dự hiện diện bảo vệ của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Loại trừ khỏi gia đình những bất hoà cãi vã, để đem lại cho gia đình một bầu khí thật vui tươi ấm áp dễ thương của mùa Giáng Sinh.

Chúa không muốn chúng ta chờ đón Chúa đến trong thụ động, nhưng là làm việc trong khi vẫn hướng lòng về Chúa. Vì vậy, mỗi người cần phải tận dụng thời giờ, sức lực, khả năng Chúa ban để làm việc đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình và cho Giáo Hội, xã hội nhưng đừng để lòng mình xa Chúa. Chúng tỉnh thức sẵn sàng bằng việc sống và chu toàn tốt đẹp nhiệm vụ là ông bà, cha mẹ, là con cháu trong gia đình; cùng chung tay vun đắp cho đời sống đạo đức của nhau và làm cho cuộc sống thường ngày thêm tốt đẹp hơn.

Xin cho chúng ta luôn cảnh giác với cám dỗ của ma quỷ, nó kéo chúng ta xa Chúa, khiến ta lơ là với bổn phận với Chúa, ngủ mê trong tội lỗi, và những ham muốn tiền bạc của cải vật chất. Nhưng xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức bằng việc chăm chỉ cầu nguyện, làm nhiều việc đạo đức bác ái, tham dự Thánh Lễ và rước lễ, để bất cứ lúc nào Chúa đến, chúng ta sẵn sàng ra đón tiếp Chúa. Amen

                                                                                          Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng Năm C_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê_Lm Giuse Nguyễn Đình Nhu
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng C_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng C _Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng - Nt.Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Tuần I Mùa Vọng Năm A_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm A_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm A_LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Lời Chúa - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội - Lm. J.B
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng.- MM Tân, SJ.