Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm A
HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
Từ hàng chục năm qua, điện ảnh
Hollywood luôn thành công bởi các bộ phim về ngày tận thế. Tất cả những bộ phim
này đều diễn tả theo sự tưởng tượng của con người về ngày cuối cùng của vũ trụ
và trái đất, khi tất cả con người và sự sống trên trái đất này đều bị huỷ diệt.
Những hình ảnh thực cùng với kỹ thuật điện ảnh và nội dung các câu chuyện kinh
hoàng sợ hãi được giới thiệu với khán giả, thu hút được rất nhiều người, ai
cũng muốn biết ngày đó vũ trụ và trái đất sẽ như thế nào. Các bộ phim trình bày
ngày tận thế qua những thảm hoạ của thiên nhiên như: núi lửa, động đất, bão
lũ; cũng có khi là hậu quả của sự văn minh tiến bộ của nhân loại gây ra như thảm
hoạ hạt nhân, khủng hoảng của điện toán và robot. Tất cả các bộ phim đều nhấn mạnh
đến sự sợ hãi hoảng loạn của con người trước các biến cố đó.
Bước vào Mùa Vọng Lời Chúa luôn khẳng
định cho chúng ta rằng: Vũ trụ và trái đất này sẽ có ngày cùng tận của nó, tất
cả con người và sự sống trên trái đất sẽ đến ngày phải chấm dứt. Tuy nhiên,
hoàn toàn khác với cách trình bày của điện ảnh nhằm gây sự tò mò thu hút khán
giả, Kinh Thánh luôn khẳng định cho chúng ta rằng: Ngày tận thế sẽ là ngày
Thiên Chúa trở lại trong vinh quang của Ngài, đó sẽ là ngày hân hoan vui mừng
cho những ai đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp Chúa. Trái lại, nó sẽ là sự kinh
hoàng cho những người để mình rơi vào tình trạng bất ngờ, không chuẩn bị mà
thôi.
Bài đọc một, tiên tri Isaia cho thấy,
ngày tận thế là ngày Thiên Chúa trở lại để quy tụ muôn dân muôn nước và mở ra một
thời đại mới, thời đại vĩnh cửu, hoà bình yêu thương và hạnh phúc. Với những lời
lẽ đầy hy vọng và vui mừng, vị tiên tri đã phác hoạ ngày Thiên Chúa đến giống
như một ngày hội, ngày mà mọi người lũ lượt quy tụ về nhà Chúa: “Ngày ấy, núi Nhà Đức Chúa sẽ đứng kiên cường
vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa
nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.” Như thế, ngày Thiên Chúa đến hoàn
toàn không có sự phá huỷ hay tiêu diệt như được trình bày trong các bộ phim,
trái lại đó là ngày Thiên Chúa sẽ mở ra một thời đại mới, thời đại của yêu
thương tha thứ và hoà bình. Sống trong thế giới mới của Thiên Chúa, tất cả mọi
dân nước đều tuân theo một lề luật duy nhất đó là lề luật của Thiên Chúa. Ngày
đó Thiên Chúa sẽ thể hiện vương quyền của Ngài cách công minh, Ngài quy tụ muôn
dân và là trọng tài phân xử giữa các nước: “Họ
sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Các dân sẽ
không còn vung kiếm đánh nhau nữa và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Như
vậy, ngày tận thế theo tiên tri Isaia quả là một ngày vui mừng hân hoan cho mọi
dân mọi nước, ngày cả nhân loại được bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu
hạnh phúc bên Thiên Chúa.
Bài đọc hai thư Roma, thánh Phaolô giải
thích thêm cho chúng ta về ngày Thiên Chúa trở lại: Đó sẽ là ngày của ơn cứu độ,
là một ngày bình an nhẹ nhàng giống như một đêm trôi qua để nhường chỗ cho ngày
mới và bình minh xuất hiện: Đã đến lúc
anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày của Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần
hơn trước kia. Thánh Phaolô còn căn dặn chúng ta đừng để mình bị mê ngủ,
nhưng phải luôn trong tư thế sẵn sàng tỉnh thức đón chờ giây phút quan trọng
đó. Chúng ta phải canh thức như thế nào?
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu chỉ cho chúng
ta biết phải canh thức bằng cách nhận ra ý Chúa qua các biến cố xảy ra thường
ngày cho mình và cho những người chung quanh: Chúa Giêsu đưa ra những hình ảnh
để nói về ngày Thiên Chúa đến, đó là hình ảnh của ông Noe. Nhắc đến ông Noe
không ai có thể không biết về cơn Đại Hồng Thuỷ đã được đề cập đến trong Kinh
Thánh. Lúc đó con người ngày càng gia tăng đông đúc. Thay vì thần phục Thiên
Chúa, con người trở nên cao ngạo, sống buông thả và chạy theo các tà thần. Họ
làm những điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa nên Thiên Chúa muốn thực hiện một
cuộc thanh luyện và thanh tẩy cả nhân loại. Ông Noe và gia đình là những người
sống công chính, trung thành với Chúa đã được Chúa cứu thoát bằng cách nói trước
để ông chuẩn bị một con tàu cho gia đình và súc vật. Trong lúc ông và con cháu
chuẩn bị đóng tàu thì mọi người chung quanh vẫn tỏ ra dửng dưng, không quan
tâm. Họ vẫn ăn uống vui chơi, dựng vợ gả chồng và thậm chí còn cười chê gia
đình ông Noe khi thấy ông đóng tàu. Thình lình đại hồng thủy đã ập xuống nhấn
chìm tất cả mọi vật mọi loài không ai kịp trở tay, chỉ có gia đình ông Noe là
được cứu sống. Qua câu chuyện này Chúa Giêsu nhắc ta chuẩn bị cho ngày Chúa trở
lại bằng việc nhận ra những sự kiện, những dấu chỉ đang xảy ra chung quanh. Tất
cả những sự kiện diễn ra hàng ngày đều là lời mời gọi và nhắc nhở của Chúa để mỗi
người biết chuẩn bị cho chính mình, không để mình bị bất ngờ trong ngày Chúa đến.
Chúng ta sẽ không chuẩn bị cách thụ động
ngồi chờ nhưng bằng cách làm tốt công việc thường ngày của mình với tâm hồn hướng
về Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa sẽ đến bất ngờ vào ngày ta
không ngờ, vào giờ ta không biết. Chúng ta vẫn phải chu toàn công việc thường
ngày của mình như: “hai người đang làm ruộng
ngoài đồng, thì một người được đem đi, người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà
xay chung cối bột, một người được đem đi còn người kia bị để lại… Vậy anh em hãy canh thức, vì chính giờ phút
anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến.”
Vẫn biết rằng ngày tận thế, ngày
Thiên Chúa trở lại sẽ đến. Tuy nhiên, con người chúng ta dễ bị tình trạng thức lâu, chầu mỏi, dễ quên, dễ chán, dẫn
tới tình trạng sa đà say sưa vì ngủ mê không tỉnh thức. Thánh Phaolô chỉ cho
chúng ta những cách thế thể hiện sự tỉnh thức: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy anh em hãy loại bỏ những việc làm đen tối
và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.” Như vậy, việc trước hết là phải
can đảm loại bỏ khỏi mình những việc làm đen tối, mờ ám. Đó là những việc gian
tham dối trá, lỗi công bằng và lối sống mập mờ không ngay thẳng, cách làm ăn
quanh co kiếm lợi, lừa đảo, dối gạt, gây thiệt hại tiền của sức khoẻ người
khác. Ví dụ như làm hàng giả, hàng dỏm, sản xuất chế biến thực phẩm bẩn, thực
phẩm nhiễm bệnh, nhiễm hoá chất…, những lối sống tăm tối mờ ám đó cần phải loại
bỏ.
Tích cực hơn nữa là “phải cầm vũ khí của sự sáng để chiến đấu như
người đang sống giữa ban ngày.” Như thế có nghĩa là ta không chỉ tránh xa
những việc làm và lối sống của bóng tối mờ ám, mà còn phải chủ động để đương đầu
và loại trừ sự gian dối và bóng tối trong xã hội này. Chúng ta phải mạnh dạn
bênh vực sự thật, bảo vệ sự công bằng và trong sáng cho người khác, góp phần đẩy
lui bóng tối gian dối, bất công ra khỏi gia đình và xã hội. “Sống như giữa ban ngày” là sống làm
gương sáng cho mọi người chung quanh để không ai có thể chê trách hay bắt bẻ về
đời sống của người Kitô hữu. Thánh Phaolô nhắn nhủ cụ thể hơn nữa là: “Anh em đừng chè chén say sưa, không chơi bời
dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng
anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn
các dục vọng.” Những thứ này sẽ làm cho cuộc đời ta ra mờ tối u mê không
còn tỉnh thức đón đợi Chúa.
Thưa quý Cộng đoàn, bầu khí Mùa Vọng
chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng quan trong hơn còn là dịp
nhắc ta nhớ đến ngày Thiên Chúa sẽ trở lại, ngày tận cùng của thế giới. Thế giới
này có ngày khởi đầu thì sẽ có ngày kết thúc, đó là ngày Thiên Chúa trở lại để
canh tân đổi mới tất cả địa cầu. Trước khi ngày tận thế xảy đến sẽ là ngày tận
cùng cuộc đời của mỗi chúng ta, ngày Chúa trở lại với từng người. Do đó chúng
ta được nhắc nhở để luôn canh thức và sẵn sàng, không để bị bất ngờ hay ngủ mê
trong ngày Chúa đến với mỗi người.
Mỗi người cần phải chuẩn bị bản thân,
gạt bỏ những gì còn ẩn khuất, những chỗ tăm tối trong tâm hồn do tội gây ra.
Không chỉ lo xưng tội, tránh tội và những việc xấu xa mờ ám, Chúa còn muốn
chúng ta “phải cầm vũ khí sự sáng và chiến
đấu giữa ban ngày”, tức là phải chủ động làm cho mình và gia đình tràn ngập
ánh sáng của sự thật, của Tin Mừng. Can đảm nói không với sự gian dối, lấy Tin
Mừng làm tiêu chuẩn và là vũ khí chống lại tội lỗi và bất công; lấy đời sống đạo
đức chuyên chăm thay thế cho sự lười biếng, lấy tình thương, sự quan tâm tha thứ
thay thế cho bất hoà bất đồng trong gia đình.
Bắt đầu Mùa Vọng cũng là bắt đầu một
chu kỳ mới, chúng ta được mời gọi quyết tâm làm mới lại các tương quan của ta với
Chúa, với anh em và gia đình. Hãy tìm lại sự thanh thản của lương tâm và sự
bình an trong tâm hồn qua Bí Tích Giải tội, vì Bí Tích này có sức làm mới lại
tâm hồn và giúp cho cuộc sống nên nhẹ nhàng. Chúng ta cần nạp năng lượng cho đời
sống thiêng liêng mỗi ngày qua việc siêng năng cầu nguyện riêng cũng như qua
các giờ kinh tối gia đình, nhất là qua việc tham dự thánh lễ và rước lễ. Vì đây
là những giờ phút giúp cho đời sống ta cân bằng khỏi những chao đảo, soi sáng
giải gỡ những khó khăn và là nguồn trợ lực cần thiết cho cuộc sống.
Xin Chúa giúp chúng ta biết tận dụng
thời gian còn sống Chúa ban để chuẩn bị sẵn sàng cho giờ phút quan trọng nhất của
cuộc đời, giờ Chúa đến với mỗi người. Amen.
Lm. Giuse Đỗ
Đức Trí