Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Vọng > Tuần 1

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng Năm C

MÙA CỨU ĐỘ ĐÃ ĐẾN

CNIMVC.jpg

Gần đây những bộ phim như The last day (ngày tận thế), Thảm hoạ trái đất hoặc phim Bí mật trái đất diệt vong đã thu hút rất nhiều người xem. Cùng với các diễn viên nổi tiếng và kỹ xảo điện ảnh hiện đại, các bộ phim đã đem lại cho người xem những phút kinh hoàng đến nghẹt thở. Những bộ phim này, cho dù là giả tưởng nhưng cũng đã phần nào đáp ứng được sự tò mò của con người muốn biết về ngày cuối cùng của vũ trụ sẽ như thế nào. Con người dù là người có đạo hay không có đạo, kể cả các nhà khoa học, cũng vẫn tin rằng vũ trụ này đã có khởi đầu thì chắc chắn sẽ có ngày kết thúc, còn chính xác ngày đó là ngày nào thì không ai có thể biết trước được. Tất cả các bộ phim nói trên đều kết thúc với sự hoang tàn, đổ nát và sợ hãi.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dùng những sự kiện đang xảy ra trong thiên nhiên để tiên báo về ngày cuối cùng của vũ trụ: “Khi ấy sẽ có các điềm lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Dưới đất muôn dân sẽ hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét”. Người ta lo sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ đợi những gì sắp ập xuống trên địa cầu, vì các quyền lực trên địa cầu sẽ bị lay chuyển. Tuy nhiên, những lời tiên báo của Chúa Giêsu không nhằm đe dọa hay gây hoảng sợ cho con người, những hiện tượng xảy ra không phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ là dấu hiệu báo trước. Sự kiện xảy ra cuối cùng và vô cùng quan trọng đó là việc Chúa Kitô sẽ trở lại: “Bấy giờ toàn dân thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong mây trời mà đến”.

Lần thứ nhất Thiên Chúa đến trần gian trong thân phận của một Hài Nhi Giêsu bé nhỏ, yếu đuối, cần được sự bảo vệ của người cha nuôi là Giuse và của người mẹ là Maria. Trong cuộc quang lâm lần thứ hai, Chúa Giêsu sẽ xuất hiện trong vinh quang của một vị Thiên Chúa, một quan án xét xử cả vũ trụ. Ngài sẽ trả lại công lý và sự công bằng cho con người và vũ trụ. Những kẻ nào trước đây gây ra tai họa, bất công và đau khổ cho người khác thì sẽ phải chịu đền bù vì những gì mình đã gây ra; những kẻ vì Chúa và vì Tin Mừng mà sống ngay lành, bị thiệt thòi, thì ngày đó sẽ được đền bù cân xứng.

Khi tiên báo những điều đó, Chúa Giêsu vẫn khơi lên cho chúng ta một niềm hy vọng trước những biến cố xem ra vô cùng sợ hãi: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. Đứng thẳng và ngẩng cao đầu là tư thế của những người con, những người được chọn. Tư thế này hoàn toàn khác với tư thế của những kẻ nô lệ sợ hãi, khom lưng cúi đầu. Đứng thẳng là tư thế của những người đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ quan trọng này với Vua Giêsu, để được gia nhập vào đoàn rước với các thiên thần.

Theo tiên tri Giêrêmia, ngày Thiên Chúa đến sẽ mở ra một thời đại mới cho nhân loại. Tiên tri Giêrêmia đã dùng hình ảnh rất đẹp để diễn tả niềm hy vọng về thời đại của Thiên Chúa: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính, để nối nghiệp Đavít”. Đấng Công Chính này, không nhằm thiết lập một thể chế chính trị hay vương quốc trần gian, nhưng Ngài sẽ là vị thủ lãnh, sẽ cai trị muôn dân muôn nước theo lẽ công bình chính trực. Ngài sẽ đem lại sự giải thoát, an vui, hạnh phúc đích thật cho nhân loại. Giêrêmia có nhắc đến dân Giuđa và Giêrusalem sẽ được cứu thoát, được an cư lạc nghiệp, nhưng chắc chắn vị tiên tri muốn nói tới một dân Giuđa theo nghĩa mở rộng và một Giêrusalem theo nghĩa là vương quốc Nước trời. Dân Giuđa mở rộng chính là những người tin và đón nhận, sống theo đường lối của Đấng Công Chính và Giêrusalem là Nước Trời, là Giáo Hội, là nơi mọi người, mọi dân tộc được mời gọi gia nhập và được sống trong sự chăm sóc của Vua Giêsu. Nơi đó, Đức Chúa là sự công chính của chúng ta sẽ hiện diện và cư ngụ với con cái Ngài, mọi người sẽ được chung hưởng vinh quang và hạnh phúc với Ngài.

Tuy nhiên, để có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu, được gia nhập vào Giêrusalem thiên quốc, đòi chúng ta phải làm mới lại cuộc sống của mình và các tương quan của mình với Chúa và anh em.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta trước hết phải làm mới bản thân bằng việc: “Chớ để cho lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời. Đừng để ngày đó trở thành bất ngờ như chiếc lưới ụp xuống trên đầu, không kịp xoay sở”. Muốn khỏi rơi vào vào tình trạng bất ngờ thì phải thường xuyên thực hành việc tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức, tức là không để mình chìm trong sự mê ngủ, mê chơi, mê làm, mê ăn nhậu, nhưng trong bất cứ công việc gì vẫn luôn để lòng hướng về Chúa, Đấng sẽ trở lại với chúng ta. Tỉnh thức trong tư thế của một người đầy tớ thắt lưng cho gọn, cầm đèn cho sáng để đợi chủ đi ăn cưới trở về. Khi chủ về gõ cửa là mở ngay cho chủ. Chủ sẽ trở về vào lúc chúng ta không ngờ vào giờ chúng ta không biết. Đồng thời còn phải cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện không phải chỉ tại nhà thờ, nhưng là biến cuộc sống, hành động, lời nói của mình thành lời cầu nguyện. Cầu nguyện còn là sống trong sự hiện diện của Chúa, tin tưởng phó thác cho Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn, thành công hay thất bại.

Thánh Phaolô trong bài đọc hai chỉ cho chúng ta phải làm mới lại tương quan của mình với Chúa và với anh em. Với Chúa, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, luôn tiến tới trên đường trọn lành và gia tăng lòng yêu mến. Lời nhắc nhở này là một gợi ý để mỗi chúng ta chọn cho mình một thái độ sống. Chúng ta là con của Thiên Chúa, là những người thuộc về Thiên Chúa, thì phải sống cho đúng với tư cách là con, và sống sao cho đẹp lòng Chúa. Chúng ta không thuộc về thế gian, không thuộc về ma quỷ, nên đừng bao giờ tìm cách làm đẹp lòng thế gian hoặc chiều theo lối sống của thế gian và đừng bao giờ chiều theo sự lôi kéo của ma quỷ. Kế đế, chúng ta còn phải làm mới lại tương quan của ta với anh chị em bằng cách: xây dựng và vun đắp cho tình thương giữa anh em ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện không có gì đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Thưa quý OBACE, một khi chúng ta lắng nghe và sống những điều Lời Chúa hôm nay chỉ dạy, chúng ta sẽ không phải lăn tăn lo sợ, khi nào thì tận thế đến, ngày ấy sẽ xảy ra như thế nào? Ngày nào là tận thế sẽ không quan trọng nếu mỗi chúng ta luôn tỉnh thức sẵn sàng và chuyên tâm cầu nguyện.

Ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng trước khi ngày đó đến thì sẽ có ngày tận thế cho mỗi người. Một cơn động đất sóng thần có thể là ngày tận thế cho hàng ngàn người; một cơn mưa trái mùa tuần trước đã là tận thế cho hàng chục người tại Nha Trang. Một tai nạn giao thông xảy ra, một căn bệnh ập đến, cũng có thể là ngày tận thế cho mỗi người. Nếu chúng ta vẫn có một mối tương quan tốt đẹp với Chúa, vẫn luôn sống đẹp lòng Chúa, thì ngày tận cùng của mỗi người sẽ là ngày chúng ta có thể đứng thẳng và ngẩng cao đầu để đón Chúa. Cũng vậy, khi chúng ta sống tốt mối tương quan của chúng ta với anh chị em, với gia đình và với những người chung quanh, khi ta chu toàn tốt bổn phận của mình, thì ngày cuối cùng xảy ra, cả người còn ở lại hay người ra đi đều không phải nuối tiếc vì đã chưa yêu hoặc chưa kịp làm gì cho người thân.

Thế nhưng, thời gian chờ đợi dễ khiến người ta ngủ mê, những lôi kéo của ma quỷ, dục vọng và những hấp dẫn của thế gian dễ khiến chúng ta mất cảnh giác.

Sống trong tâm tình chờ đợi Chúa đến, chúng ta không chờ trong thụ động, nhưng vẫn phải làm việc, vẫn phải lo toan cuộc sống. Xin Chúa giúp chúng ta khi sống và làm việc, luôn làm trong sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa. Xin đừng để những chuyện chè chén say sưa, ham mê sự đời làm chúng ta quên Chúa. Và bất cứ lúc nào Chúa đến gõ cửa cuộc đời, xin cho chúng ta sẵn sàng ra đón Chúa với ngọn đèn đức tin vẫn luôn cháy sáng trên tay. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng Năm C_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê_Lm Giuse Nguyễn Đình Nhu
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng C_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng C _Lm. Đan Vinh HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng - Nt.Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng_Nt. Maria Phương Trâm. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng_ Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng Năm B_ NT Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng A: Sứ Mệnh Truyền Giáo_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng Năm A_Tam Thái
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng Năm A_Xuân Hạ, OMI
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng Năm A_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng Năm A_Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng A: TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN_ Lm. Đan Vinh