Suy Niệm Lời Chúa Thứ
Tư Tuần I Mùa Vọng
BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI
Lời
Chúa: Mt 15, 32-39
32
Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở
luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ,
để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường”. 33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này,
chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” 34 Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?”
Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ”. 35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông nằm ngả xuống
đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc
bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho
đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no
nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng đầy. 38 Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông,
không kể đàn bà và trẻ con. 39 Sau
khi giải tán đám đông, Đức Giêsu lên thuyền, sang miền Magađan.
Suy
niệm
Trong ngày lễ Tạ Ơn, một cô giáo nọ yêu
cầu mỗi học sinh vẽ một bức tranh để tỏ lòng biết ơn về những gì các em nhận được.
Vì cô muốn biết những trẻ em ở vùng quê nghèo này có biết ơn người khác không.
Cô nghĩ chắc các em sẽ vẽ nhiều hoa quả, trái cây, bí đỏ, lúa bắp hoặc những
chiếc bàn đầy thức ăn với món truyền thống là gà tây nướng. Cuối buổi vẽ, cô thực
sự ngạc nhiên khi thấy một cô bé vẽ hai bàn tay thô ráp.
Cô giáo và cả lớp đều bị cuốn hút bởi
hình ảnh bàn tay với nét vẽ đơn giản mà cũng rất trừu tượng. Cả lớp đều bàn
tán, đó là bàn tay của ai vậy? Một em nói: - Em đoán chắc đó là bàn tay của mẹ
bạn ấy? Một em khác lên tiếng: - Chắc đó là bàn tay của một người nông dân có
trang trại nuôi gà tây chăng? Cuối cùng cô giáo đến bên cô bé đó và hỏi về ý
nghĩa bức tranh. Cô bé đó thì thầm nói: - Thưa cô, đó là bàn tay của Chúa. Bởi
vì mỗi ngày Chúa thường mang thức ăn đến cho chúng ta.
Dân gian ta từng nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu để duy trì sự sống của con người. Trước kia người
ta chỉ cần “ăn no mặc ấm” nhưng ngày nay với đà tiến của xã hội, người ta chọn
“ăn ngon mặc đẹp”, rồi đến giai đoạn “ăn kiêng mặc mốt”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu
đã dọn cho đám đông dân chúng hơn 4000 người một bữa tiệc buffet no nê từ bảy
chiếc bánh và mấy con cá. Một bữa tiệc không hề được chuẩn bị trước vì dân
chúng đi theo Chúa quá đông. Họ đi theo Chúa trong niềm phấn khởi mà không hề
suy nghĩ tính toán sẽ ăn gì khi trời đã xế. Có lẽ trong thâm tâm, họ tin rằng
Chúa sẽ lo liệu tất cả, đi theo và nghe lời Chúa thì quan trọng hơn cả việc ăn
uống.
Chúa Giêsu quả là người có lòng quảng đại
và thương xót. Người không nỡ để cho dân chúng ra về trong đói khát vì họ đã
theo Chúa đến ba ngày đàng. Người đã lo liệu cho họ có cả của ăn tinh thần lẫn
vật chất. Người đã gợi ý để các môn đệ lo cho đám dân có bữa ăn. Thế nhưng, các
ông tỏ ra ái ngại vì không biết tìm đâu ra thức ăn giữa nơi đồng hoang vắng vẻ.
Chúa Giêsu biết các môn đệ có khả năng và ít nhiều trong túi cũng mang theo
chút bánh nên mới hỏi: “Anh em có mấy chiếc
bánh?” (c.34). Bấy giờ các môn đệ mới trao cho Chúa Giêsu bảy chiếc bánh và
mấy con cá, nhờ vậy mà phép lạ hóa bánh ra nhiều đã được thực hiện.
Đây là lần thứ hai Đức Giêsu thực hiện
phép lạ hóa bánh ra nhiều như một dấu chỉ tiên báo về bàn tiệc Nước Trời. Ở đó
mọi người cùng được sum vầy bên Chúa và bên nhau trong niềm vui tràn đầy ân sủng.
Từ bảy chiếc bánh, Chúa Giêsu đã cho 4000 người đàn ông và số nhiều đàn bà con
trẻ ăn no nê mà ẫn còn dư bảy thúng đầy. Nếu chú ý, chúng ta thấy ở đây con số
7 được sử dụng hai lần. Có lẽ đây là con số biểu tượng cho sự đầy đủ sung túc.
Trước khi ăn là bảy cái bánh và sau khi ăn còn dư bảy thúng, số lượng bánh
không vơi cạn nhưng tăng thêm gấp bội. Điều này cho thấy, một khi con người
đóng góp phần nhỏ bé của mình thì Thiên Chúa sẽ chúc lành và gia tăng ân sủng dồi
dào. Con số 7 cũng có thể hiểu đó là 7 ngày trong cuộc sáng tạo của Thiên Chúa,
hay bảy ngày trong một tuần sống. Điều này cũng cho thấy, Thiên Chúa quảng đại
chăm sóc và nuôi sống chúng ta mỗi ngày.
Tình thương của Thiên Chúa không có giới
hạn, luôn trải dài trong từng ngày sống và suốt cuộc đời chúng ta. Tiếc thay,
có lúc chúng ta chỉ chú trọng của ăn vật chất, lo bồi dưỡng thân xác mà quên đi
những giá trị thiêng liêng. Tâm hồn chúng ta cũng cần phải được bồi dưỡng bằng
những “vitamin” của ân sủng và bình an, của chia sẻ yêu thương, của cảm thông
tha thứ. Tâm hồn chúng ta sẽ có được sức sống dồi dào nếu biết kín múc nguồn ân
sủng từ Thiên Chúa, đặc biệt nơi bàn tiệc Thánh Thể.
Hiện nay, ở một số nơi trên thế giới vẫn
còn nhiều người chịu cảnh đói khát của ăn thiêng liêng lẫn vật chất. Không những
thế, họ còn phải chịu cơn khát về sự công bằng bác ái, sự tự do thể hiện và sống
niềm tin của mình. Hơn lúc nào hết, chúng ta được mời gọi hãy chia sẻ cho nhau
tấm bánh yêu thương hiệp nhất, tấm bánh của cảm thông tha thứ, bánh của niềm an
ủi đỡ nâng trước những đau khổ trong cuộc sống. Hãy trao cho nhau dù chỉ là
chút bánh và mấy con cá nhỏ để góp vào bữa đại tiệc của Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta đều đang nợ nhau món
nợ ân tình như lời thánh Phaolô nói “Anh
em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã
chu toàn Lế luật” (Rm 13, 8). Mỗi ngày chúng ta đều lãnh nhận biết bao ân
huệ từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Người đã ban cho chúng ta sự sống, sức
khỏe, thời gian, tài năng và nhiều ơn lành khác. Người đã ban cho mùa màng tốt
tươi, cho con người có lương thực để duy trì sự sống, cho ta được sống trong một
gia đình có cha có mẹ và những người thân yêu ruột thịt. Điều cao trọng hơn hết,
đó là ta được gia nhập vào gia đình Hội Thánh, nơi ấy ta được chăm sóc và dưỡng
nuôi bằng các bí tích. Chúng ta không thể đong đếm hết những gì chúng ta đã nhận
lãnh. Xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, bàn tay Thiên Chúa luôn phù trợ đoàn dân
qua tất cả những biến cố thăng trầm của thời cuộc. Từ thời Cựu ước, chính ngôn
sứ Isaia đã ghi nhận, dân tộc Israel đã trải qua hàng ngàn năm cơ cực sống kiếp
lưu đày trên phần đất của dân ngoại. Vì thế họ ước mong sớm được giải thoát và
thiết tha khẩn cầu một vị Cứu Tinh đến giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ. Đoàn dân
đã thật lòng sám hối và Thiên Chúa đã cho Người Con Một duy nhất giáng sinh làm
người để cứu độ nhân loại. Đức Chúa luôn đồng hành với dân suốt 40 năm dài
trong sa mạc đầy nguy hiểm. Người ban cho dân có nước để uống, có bánh ăn no
nê. Người tiếp sức cho dân chống lại mọi kẻ thù và tai ương.
Trong thời Tân ước, tình thương Thiên
Chúa được biểu lộ cụ thể và trọn vẹn nơi con người Đức Giêsu. Người đã được
sinh xuống trần gian để thông chia mọi nỗi niềm, mọi nỗi bất hạnh, sự thiếu thốn,
bệnh tật đói khát của loài người. Vì thế Đức Giêsu đã đến làm thỏa mãn mọi khát
vọng nơi con người, cho họ của ăn nuôi sống phần xác và ân sủng thiêng liêng để
nuôi dưỡng linh hồn. Khi diễn tả về tình yêu Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ
xác tín: “Thiên Chúa đã quá yêu thế gian,
đến nỗi trao ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng
được sống muôn đời”. Và “Từ nguồn
sung mãn của Người, tất cả chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga
3, 16; 1,16).
Lạy Chúa Giêsu là hiện thân của tình
yêu Thiên Chúa, là món quà vô giá trao tặng cho trần gian, xin cho chúng con
lãnh nhận những ân huệ ấy với tất cả lòng biết ơn. Xin cho chúng con cũng biết
chia sẻ tình thương ấy cho mọi người xung quanh, hầu danh Chúa mỗi ngày rạng
sáng và phúc lành của Chúa chan hòa khắp trần gian. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP