THỨ SÁU TUẦN I
MÙA VỌNG
KÍNH THÁNH
PHANXICÔ XAVIÊ
LỜI CHÚA: Mc 16, 15-20
Hôm ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười một và nói với
các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi
loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ
bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy,
họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù
có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người
bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”.
Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu
Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động
với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
SUY NIỆM:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Đó là
lệnh truyền cuối cùng mà Chúa Giêsu trao gửi đến các môn đệ trước khi Người về
trời. Lệnh truyền ấy, là tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu, để mang Tin Mừng cứu
độ đến cho mọi loài thọ tạo.
Lệnh
truyền này được bắt đầu với lời mời gọi “hãy đi”; “anh em hãy đi”. Hãy đi, nghĩa là hãy lên đường. Đối với các môn đệ,
việc lên đường theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, đồng nghĩa với việc rời bỏ
Giêrusalem, rời bỏ quê hương, rời bỏ nơi mà các ngài vốn đã thân thuộc. Để làm
gì? Để loan báo Tin Mừng. Như vậy, sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi phải có những
cuộc “lên đường”, “ra khỏi”, để “đến với”. Và sứ mạng ấy, luôn cần phải “rời bỏ”,
“từ bỏ”, và “hy sinh”. Loan báo Tin Mừng cần phải “hy sinh”; loan báo Tin Mừng cần
có những cuộc “lên đường”. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ:
“Ai không vác thập giá mình mà đi theo
tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27); “Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”
(Lc 14,33).
Song
song với lệnh truyền quan trọng ấy, là một sự đảm bảo của Chúa Giêsu dành cho
các môn đệ. Sự đảm bảo này, chính là sự hiện diện và đồng hành của Chúa bên các
ông. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn củng cố lòng tin cho những người được
sai đi, bằng sự hiện diện của Người: Thiên Chúa nói với Môsê “Ta sẽ ở với Ngươi” (Xh 3,12); Người
cũng nói với Giêrêmia: “Đừng sợ chúng, vì
Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,8). Cũng thế, Chúa Giêsu đã củng
cố lòng tin cho các môn đệ, bằng sự hiện diện đầy quyền năng của Người: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng
những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).
Sứ điệp
Lời Chúa hôm nay, như một sự nhắc nhớ cho mọi tín hữu về sứ mạng loan báo Tin Mừng
mà mình được nhận lãnh trong mối hiệp thông với Giáo Hội. Sứ mạng lên đường và
đi đến với mọi người để nói về Chúa, không dành riêng cho ai, nhưng là cho mọi
thành phần trong Giáo Hội. Sứ điệp này cũng là một sự khích lệ mạnh mẽ cho tất
cả chúng ta. Bởi vì Chúa mời gọi, và Người không bỏ mặc, nhưng luôn đồng hành để
giúp các tín hữu thực hiện lệnh truyền của Người. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt
ra: giữa bối cảnh xã hội hôm nay, các tín hữu có thể làm gì để thực thi lệnh
truyền này?
Tùy
theo hoàn cảnh và bậc sống của mỗi người, mà có những cách thức khác nhau để
loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta không thể lên đường đi đến những nơi xa xôi như
thánh Phanxicô Xaviê năm xưa, thì chúng ta hãy truyền giáo bằng đời sống thường
nhật của mình. Gia tăng hy sinh hãm mình, gia tăng cầu nguyện, và nhớ đến các
nhà truyền giáo đang mệt mỏi trong hành trình sứ vụ, đó cũng là cách mà chúng
ta đang “lên đường” truyền giáo, và đang “hy sinh” cho sứ vụ. Chúng ta cũng có
thể loan báo Tin Mừng, qua việc lan tỏa tình yêu thương đến với những người
chung quanh, bằng lời nói và việc làm thấm nhuần tinh thần Phúc Âm. Qua những
tiếp xúc nơi làm việc, nơi học tập, hay trong chính xóm ngõ và môi trường sống,
người ta nhìn thấy gương sáng đức tin của chúng ta, người ta thấy lòng mến nơi
tâm hồn chúng ta, và người ta tin vào Chúa, thì đó cũng là một cách loan báo
Tin Mừng rất tuyệt vời trong thế giới hôm nay.
Thánh
nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng đã loan báo Tin Mừng bằng đời sống cầu nguyện, bằng
những hy sinh, và bằng những công việc nhỏ bé với tình yêu vĩ đại. Khi chịu những
khổ đau, thánh nữ nói: “Con dâng hy sinh
này, để cầu nguyện cho các thừa sai đang vất vả và mệt mỏi nơi những miền truyền
giáo xa xôi”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các nữ tu dòng Bác ái, đã loan báo Tin
Mừng bằng việc dấn thân phục vụ những người nghèo khổ. Chân phước Carlo Acutis
đã loan báo Tin Mừng, bằng việc đăng tải lên internet những chứng từ về phép lạ
Thánh Thể, để mời gọi mọi người mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể.
Như vậy,
có nhiều cách thức khác nhau để loan báo Tin Mừng. Thế nhưng, tất cả phải khởi
đi từ một đời sống gắn bó với Chúa Giêsu. Điều căn cốt nơi một người rao giảng
Tin Mừng chính là một đời sống gắn bó mật thiết và thân tình với Thiên Chúa.
Chính niềm vui, niềm hạnh phúc khi sống trong Chúa, sẽ là sức mạnh thực sự thúc
đẩy chúng ta mở lòng ra và đi đến với tha nhân. Một nhà truyền giáo thực sự, phải
là một người có Chúa Giêsu ở trong lòng. Bởi vì Người cùng hoạt động với họ (x.
Mc 16,20).
Lm. Giuse Nguyễn Đình Nhu