Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba
Tuần I Mùa Vọng Năm A
PHÚC CHO NGƯỜI
BÉ MỌN
LỜI CHÚA: Lc 10, 21-24
21 Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng nói: “Lạy Cha là
Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn
ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
22 Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai,
trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà
người Con muốn mặc khải cho”. 23 Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn
đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24
Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy
điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà
không được nghe”.
SUY NIỆM
Ai trong chúng ta cũng ôm ấp khát vọng tìm kiếm lẽ
sống, tìm nguồn hạnh phúc bình an. Đâu là nơi, là đối tượng để chúng ta đạt đến
khát vọng ấy nếu không phải là Đức Giêsu. Ai sẽ vén mở cho chúng ta bức màn vô
minh để nhìn thấy ánh sáng sự sống? Giữa muôn ngàn ngã rẽ của cuộc đời, ai sẽ dẫn
bước chúng ta vào chính lộ. Giữa những lý lẽ mập mời dối trá, những cuồng vọng
tham lam ích kỷ, ai sẽ chỉ cho chúng ta biết đâu là Chân Lý. Mang thân phận con
người với những yếu đuối và giới hạn, chúng ta không thể thấu đạt được chân lý
sự sống nếu không có ơn soi sáng của Thiên Chúa.
Một
đệ tử mong muốn tìm hiểu về Đức Phật, anh đến gặp một vị thầy và hỏi: - Thưa
thầy, xin thầy chỉ cho con biết
Phật là gì? Vị thầy trả lời: - Phật là
trí tuệ. Một ngày khác, có người cũng đến hỏi câu hỏi đó, vị thầy trả lời: -
Không phải là trí tuệ. Không phải là Đức Phật. Người đệ tử phản đối lại: - Hôm
trước thầy nói “Phật là trí tuệ”, nhưng hôm nay thầy lại trả lời khác. Vị thầy
chậm rãi giải thích: - Câu nói đó là cách để dỗ cho em bé khỏi khóc. Khi em bé
đã nín thì tôi nói: - Không phải là trí tuệ. Không phải là Đức Phật. Đó mới
thực là Phật.
Đức tin của chúng ta cũng là một tiến
trình dài nhận biết Thiên Chúa qua những mặc khải. Thuở xưa Thiên Chúa đã dùng
các ngôn sứ nói cho dân Do Thái biết danh thánh của Người. Thời Cựu Ước, Môsê
là một ngôn sứ quan trọng được tuyển chọn để làm chiếc cầu nối giữa dân với
Thiên Chúa. Khi còn là một trẻ nhỏ, Môsê đã từng được cứu vớt từ dưới nước lên,
thì đến lượt ông cũng cứu dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ để tiến về Đất Hứa (Xh
14). Một lần trên núi thánh, Thiên Chúa cảnh báo cho Môsê biết tội lỗi của dân,
nếu không sám hối họ sẽ bị tiêu diệt. Nghe vậy, Môsê đã kêu cầu Đức Chúa nguôi
cơn giận và Chúa đã trao cho ông tấm bia đá có khắc Mười Điều Răn như một
phương cách để dân giữ trọn lòng trung thành. “Đức Chúa phán với ông Môsê: ngươi sẽ bảo con cái Israel như thế này:
các ngươi đừng tạc tượng thần bằng bạc mà đặt bên cạnh Ta, và cũng đừng tạc
tượng thần bằng vàng để thờ. Ngươi sẽ dựng cho Ta một bàn thờ bằng đất, trên đó
ngươi sẽ dâng lễ tế toàn thiêu, lễ kỳ an, dâng chiên cừu bò bê. Ở bất cứ nơi
nào Ta tỏ danh Ta cho ngươi ghi nhớ, Ta sẽ đến với ngươi và chúc phúc cho ngươi”
(Xh 20, 22-24).
Qua dòng thời gian, Thiên Chúa luôn tỏ
cho dân thấy tình thương của Người trải dài trên mỗi biến cố thăng trầm của
lịch sử Israel. Và đến thời Tân Ước, tình thương ấy được mặc khải trọn vẹn nơi
con người Đức Giêsu. Con Thiên Chúa không đến trong dáng vẻ trịnh thượng như
các kinh sư biệt phái, không khắt khe cứng nhắc như các luật sĩ, Người đến
trong cung cách của người phục vụ khiêm tốn. Người sống hòa đồng để cảm thông
với những ai vì đang mang gánh nặng của đau khổ, nghèo đói và bệnh tật. Đức
Giêsu cho dân chúng thấy Người không phải là trí tuệ, không là luật lệ hay thần
tượng nhưng Người là Tình Thương. Giáo lý của Người không còn là “mắt đền mắt, răng đền răng” nhưng là lấy
tình thương cảm hóa lòng người, lấy tha thứ mời gọi trở về.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca
cho biết Chúa Giêsu được Thánh Thần tác
động, Người khẳng định với các môn đệ rằng: Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, Đấng
khôn ngoan thượng trí, Người luôn yêu thương những ai có tâm hồn đơn sơ khiêm
nhường, họ sẽ được mặc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Theo nhãn quan Do
Thái, người ta thường coi trọng những bậc khôn ngoan đại trí, những người thông
hiểu thiên văn vũ trụ, họ có thể biết được mệnh trời và tiên đoán những sự việc
sắp xảy ra. Thế nhưng Chúa Giêsu lại cho biết Thiên Chúa sẽ giấu không cho những
bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời mà chỉ mặc khải cho những
người bé mọn. Theo truyền thống Kinh Thánh, người bé mọn được xem là những người
nghèo không có tiếng nói địa vị trong xã hội, bà góa, trẻ em, người đau bệnh.
Thế nhưng họ thường là những người khiêm nhường và biết cậy dựa vào sự trợ giúp
của Thiên Chúa. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương và
bênh đỡ những người bé mọn. Người chữa lành cho họ khỏi mọi chứng bệnh. Người
tôn trọng phẩm giá và bênh vực phụ nữ vì họ phải gánh chịu những luật lệ hà
khác của xã hội.
Có lần, môn đệ Philípphê tha thiết muốn tận
mắt thấy Thiên Chúa, ông mạnh bạo nói: “Thưa
Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Ðức
Giêsu trả lời: ‘Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết
Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: Xin tỏ cho chúng con thấy
Chúa Cha. Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy
sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng
luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và
Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga
14, 8-11).
Thắc mắc của Philípphê cũng là thắc mắc của mỗi
người chúng ta. Chúa Cha luôn hiện hữu trong Đức Giêsu. Tình thương của Chúa
Cha chan tưới trong mỗi việc làm của Đức Giêsu, người mù xem thấy, người què đi
được và người điếc được nghe Tin Mừng. Mỗi khi sống và làm việc với tất cả tình
thương là chúng ta được kết hợp với Đức Giêsu và được ở trong Thiên Chúa. Khi
chưa yêu thương, chúng ta thích tìm những khái niệm, định nghĩa, nhưng khi yêu
thương thực sự thì mọi khái niệm đều trở thành vô nghĩa.
Trong xã hội văn minh hiện đại, mọi cái
đều phải phải rõ ràng chính xác, vì thế người ta khó tiếp nhận những mặc khải
của đức tin. Đức tin phải được chuyển hóa từ nỗi khát khao tìm kiếm và lắng
nghe tiếng Chúa. Đôi lúc trong những buổi cầu kinh thánh lễ, chúng ta cảm thấy
Thiên Chúa như một Đấng uy quyền ở trên cao. Chỉ khi nào để cho tất cả mọi nỗi
đam mê, tham lam sân hận lắng xuống, ta mới thẩm thấu được tiếng thì thầm của
con tim, mới chiêm nghiệm được lẽ yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là tấm gương trong suốt hữu
hình phản chiếu gương mặt vô hình của Thiên Chúa Cha, xin cho chúng con biết
soi mình trong Chúa để biết cách yêu thương cho trọn vẹn. Trước tình yêu thương
của Chúa, xin cho chúng con xác tín rằng tất cả mọi biến cố vui buồn trong cuộc
sống đều là những phúc lành; mọi tội lụy vấp váp đều là ân ban trong huyền nhiệm
tình yêu. Xin Đức Giêsu Kitô đưa dẫn chúng con đến với Thiên Chúa Cha là nguồn
cội của Tình Yêu và lòng thương xót. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP