Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng C
Xót Thương Tận Cùng
Lời
Chúa: Mt
15, 29-37
(29) Ðức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ
Galilê. Người lên núi và ngồi đó. (30) Có những đám người đông đảo
kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và
nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa
lành, (31) khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được,
người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh
Thiên Chúa của Ítraen.
(32) Ðức Giêsu
gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn
với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để
họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường". (33) Các môn
đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám
đông như vậy ăn no?" (34) Ðức Giêsu hỏi: "Anh em có mấy
chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá
nhỏ". (35) Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống
đất. (36) Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời
tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. (37) Ai
nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại bảy thúng
đầy. (38) Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà
và trẻ con. (39) Sau khi giải tán đám đông, Ðức Giêsu lên thuyền,
sang miền Magađan.
Suy
Niệm:
Khi đối diện với đau khổ, bệnh tật, sự dữ
hay cái chết, con người thường có hai thái độ, một là tháo lui, chạy trốn, hai
là đầu hàng, cam chịu. Tháo lui, trốn chạy vì con người không dám đối diện với
những thực tại, giới hạn của phận người theo quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Đầu
hàng, cam chịu dù con người có nhờ cậy đến y khoa, thần dược hay tiến bộ khoa học
đến mấy đi chăng nữa thì những “căn bệnh
thế kỷ”, “tâm bệnh thời đại” như đại dịch HIV hay Ebola... cho đến giờ này nhân
loại người vẫn tung cờ trắng. Sở dĩ chúng ta quy hàng trước những thực tại
“trái ngang” ấy là vì con người thường dựa vào sức lực bản thân, tài năng cá
nhân và trí khôn sẵn có mà thiếu vắng yếu tố sức mạnh siêu nhiên, niềm tin mãnh
liệt vào Đấng Toàn Năng.
Bài Tin mừng ngày hôm nay, thánh sử
Mát-thêu cho chúng ta thấy hình ảnh một Đấng Thiên Sai, Ngài có một quyền năng,
sức mạnh vô hình, Ngài có thể biến đổi những giới hạn của nhân loại thành sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài sẽ lau khô mọi dòng
lệ của chúng sinh và biến chúng thành những giọt rượu đào trong bữa tiệc Thiên
Quốc (xc Is 25, 6). Ngài sẽ xé bỏ những chiếc khăn tang là đói khổ, bệnh tật
hay sự chết thay vào đó Ngài sẽ thiết đãi nhân loại bằng niềm vui, sức mạnh và
sự sống viên mãn qua chính hành động xót thương của Ngài và gọi mời nhân loại
cùng hoan hỉ vui mừng bởi được Người cứu độ (xc Is 25, 7-9).
Thực vậy, hành động xót thương của Ngôi
Hai Thiên Chúa được thực thi bởi hai hàng động cụ thể, đó là: chữa mọi bệnh hoạt
tật nguyền cho dân và cho dân chúng ăn uống no nê. Chúa Giê-su thi hành hai
hành động này vì Ngài động lòng trắc ẩn trước nỗi lầm than của nhân sinh cũng
như cho họ hưởng nếm vinh quang Nước Trời
ngay tại trần thế này bằng chính những động thái cụ thể như “được nhìn thấy, được
đụng chạm, được di chuyển, được nói lên điều mình cảm biết để rồi họ biết ca tụng,
tôn vinh tình thương bất tận của Thiên Chúa” (xc Mt 15, 29-31). Không những
Chúa Giê-su cho “những chúng sinh hữu hạn” này được khai thông về thần thái,
tinh thần mà Ngài còn cho họ được đồng bàn, được no thỏa thể xác trong bữa tiệc
Thánh Thể (xc Mt 15, 32-36) vì Ngài chính là Bánh Hằng Sống từ trời xuống để trở
thành của ăn của uống nuôi sống muôn dân, ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ không
phải chết nhưng sống đời đời (xc Ga 6, 53-58). Quả thế, không những Chúa Giê-su
chữa lành chúng ta về thể lý hữu hạn mà Ngài còn dưỡng nuôi chúng ta bằng chính
thân thể của Ngài trong mỗi cử hành Thánh Thể, nơi bàn tiệc Lời Chúa và trong
các Thánh Lễ hàng ngày. Tất cả là vì xót thương chúng ta.
Con Ngôi Hai Thiên Chúa đã xót thương
nhân loại bằng việc chữa lành mọi bệnh tật, tội lỗi, yếu hèn của chúng ta và
cao điểm của hành vi xót thương này là Ngài đã tự nguyện gánh lấy cái chết để
siêu thăng, biến đổi cái chết hữu hạn của nhân loại thành sự sống đời đời vĩnh
phúc nơi bàn tiệc Nước Trời. Nơi đây không có chỗ cho tội lỗi, sa ngã nhưng là
niềm vui, hoan lạc, sẻ chia cũng như xót thương hết mọi người như Cha trên Trời
là Đấng Xót Thương.
Quả thật, lòng xót thương của Thiên Chúa
vẫn ngày ngày tuôn trào, trải rộng trên con cái của Người và trong mọi môi trường
của cuộc sống. Hình ảnh những nữ tu âm thầm giúp đỡ người phong cùi, việc làm của
các bạn trẻ thiện nguyện nơi anh em đồng bào cho đến những hành động âm thầm nhưng
đầy tình yêu của những người làm công tác “bảo vệ sự sống”... Tất cả tuy rất lặng
lẽ nhưng lại nói lên sức mạnh, tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn
vượt thắng những yếu đuối, giới hạn và lầm lạc của con người, đồng thời thúc giục,
mời gọi con cái của Người luôn xót thương lẫn nhau và cùng nhau tiến về nhà Cha
là Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Amen.
Lm. Mi-ca-e Vũ An Lộc