CHỦ
NHẬT 1 VỌNG C
Chúng ta bắt đầu mùa VỌNG: thời gian bốn tuần
chuẩn bị mừng lễ GIÁNG SINH, kỉ niệm Chúa Giê su giáng trần, và đồng thời chuẩn
bị đón mừng Chúa Giê su sinh ra trong tâm hồn chúng ta hôm nay. Phụng vụ giúp
chúng ta hiệp thông với tâm tình của những người xưa chờ đợi Đấng Cứu thế Giải
phóng, để đến lượt chúng ta chờ đợi Đấng sẽ trở lại.
Sách Tiên
tri Giê rê mi a 33,14-16:
Không một tiên tri nào sống những giây phút cuối
cùng của thế gian mãnh liệt hơn Giê rê mi a. Bị chìm ngập trong cảnh hổn loạn
hoàn tòan, ngài vẫn không ngừng tiếp tục hi vọng vào Thiên Chúa. Tiếng nói cuối
cùng không thuộc về những thế lực thù nghịch tàn phá, nhưng thuộc về Sự SỐNG.
ĐỨC KI TÔ, ĐẤNG MESSIA sẽ ngự đến
Thánh vịnh
24:
Tuyệt vọng trước những khó khăn, tác giả Thánh
vịnh quay hướng về Thiên Chúa, là Đấng nhân từ và hay thương xót. Ông chờ đợi
ơn tha thứ, niềm hi vọng và ánh sáng cần thiết để tiếp tục lên đường bất chấp
những trở ngại. Cùng với ông, chúng ta hãy hi vọng và hướng về phía trước.
Thư gửi tín
hữu Tê xa lô ni ca 3,12-4,2:
Thánh Phao lô viết cho các bạn hữu của ngài ở Tê
xa lô ni ca, nơi mà ngài đã sống qua một thời gian. Trước tiên ngài nhấn mạnh
đến lòng xác tín đầy hân hoan: Chúa Giê su đã chết và sống lại, SẼ TRỞ LẠI
thiết lập Vương quốc vinh quang của Ngài và sẽ cho tất cả những ai hiệp nhất
với Ngài tham dự vào. Ở đây, Phao lô mời gọi tín hữu của ngài tiếp tục tiến tới
trong đời sống thánh thiện ngỏ hầu chuẩn bị cho Đức Ki tô trở lại.
Tin mừng Lc
21,25-28.34-36
NGỮ CẢNH
Như Mát thêu và Mác cô, Luca cũng thuật lại một
diễn từ Cánh chung của Chúa Giê su về lúc cuối thời gian. Bút pháp và hình ảnh
được vay mượn từ văn chương Khải Huyền, là loại văn được sách tiên tri Đa niên
khởi xướng 200 năm trước và được phổ biến trong văn chương Do thái thời Chúa
Giê su. Luca cũng đặt giáo huấn nầy sau một loạt các cuộc tranh luận với các
lãnh đạo Do thái giáo và ngay trước trình thuật Khổ nạn. Như thế, Lc đã coi
giáo huấn nầy như là diễn từ cuối cùng của Chúa Giê su.
Tuy nhiên có vài điểm khác biệt: trước tiên Luca
đặt diễn từ nầy trong đền thờ chứ không ở trên núi Ô liu như Mát thêu và Mác
cô; kế đến, Chúa Giê su cũng không ngỏ lời với các môn đệ, mà với dân chúng.
Cuối cùng nhưng đặc biệt hơn hết, Luca phân biệt rõ ràng những cuộc bách hại
các môn đệ phải chịu với việc đền thờ bị phá huỷ, là những biến cố sẽ xảy ra
“trước” (21,9.12) giờ phút tận cùng.
Ba lời dạy chủ yếu của giáo huấn nầy là: không
được tin rằng giờ phút quang lâm vinh hiển của Con người sẽ xảy ra nay mai, vì
sẽ có một thời gian dài bách hại đi trước. Tuy nhiên chiến thắng là một điều
chắc chắn: Vương quốc của Thiên Chúa sẽ được Con Người thiết lập. Do đó đời
sống của người tín hữu phải được nuôi dưỡng bằng sự kiên trì, cầu nguyện và
tỉnh thức.
Có thể đọc đoạn tin mừng nay theo bố cục sau đây:
sau phần nhập đề (23,5-7) là lời cảnh giác khởi đầu (21,8-9); các dấu chỉ và
tai ương (21,10-11); các biến cố xảy ra trước: bách hại (21,12-19); Giêrusalem
bị tàn phá )21,20-24), các tai ương trong vũ trụ và Con người đến (21,25-33),
lời khuyến dụ cuối cùng (21,34-36).
TÌM HIỂU
Những điềm lạ: sau khi nói đến những biến cố lịch
sử chắc chắn được biết đến (21,8-9.12-19.20-24), Luca liền chuyển sang viễn
tượng xa hơn trong các câu 10-11 về lúc cuối thời gian, được báo trước qua các
dấu chỉ vũ trụ. Những hình ảnh nầy thuộc thành phần văn chương khải huyền mô tả
cuộc phán xét chung bao gồm những cuộc xáo trộn trong toàn thể vũ trụ. Nhưng
tất cả cũng dừng lại ở những hình ảnh mà thôi.
Người ta: trong khi Mát thêu và Mác cô trình bày
tỉ mỉ các tai ương vũ trụ, thì Luca tập chú vào phản ứng của con người trước
các hiện tượng ấy. Đối với ông, cái kết cục của thế gian trước tiên là một thảm
kịch của thế giới loài người.
Con Người: vắn gọn hơn Mát thêu và Mác cô (x. Mc
13,26-27), Lu ca chỉ nói về Đức Ki tô vinh hiển, mà việc Ngài quang lâm sẽ là
nguồn gốc mang lại ơn cứu độ. Luca cũng trình bày Đức Ki tô như là Con Người
của Đa niên 7,13, nơi Ngài qui tụ toàn bộ dân Thiên Chúa bị bách hại, và tiếp
nhận từ Thiên Chúa mọi quyền năng để cứu độ con người.
Anh em hãy đứng thẳng: chi tiết nầy của riêng
Luca. Sau khi đã mô tả sự kinh hoàng và hoảng hốt, Chúa Giê su mời gọi các môn
đệ hãy hy vọng. Các biến cố lịch sử và các dấu chỉ bách hại của thời cuối cùng
chắc chắn là đáng sợ, tuy nhiên người tín hữu không được hoảng hốt. Trái lại
phải “ngẩng đầu lên” bởi vì các dấu chỉ ấy loan báo chiến thắng của Chúa và sự
giải thoát cho chính bản thân mình.
Được cứu chuộc: từ nầy chỉ xuất hiện ở đây trong
các sách Tin Mừng. Nó thuộc kho từ vựng của Thánh Phao lô để chỉ công trình cứu
độ được Chúa Giê su hoàn tất (Rm 3,24).
Anh em phải đề phòng: đoạn nầy của riêng Luca: mở
đầu như lời cảnh giác tiên khởi (21,8-9) làm thành đỉnh cao của toàn diễn từ.
Tuy nhiên hướng đi thì đã thay đổi: việc Con Ngưòi quang lâm không còn được báo
trước bởi nhiều thứ dấu chỉ nữa. Ngài xuất hiện một cách bất ngờ không ai đoán
biết trước, như trong dụ ngôn về việc tỉnh thức (12.35-48) hoặc trong lời nhắc
nhở về Ngày của Con Người (16,22.36). Do đó, các tín hữu cần phải tiếp tục tỉnh
thức.
Ra nặng nề: thái độ tỉnh thức phải bao gồm việc từ
khước các cám dỗ thường thấy (x. 12,45; 1Tx 5,6-7; Rm 13,13) và nhất là các mối
bận tâm thế tục làm cho con người sao lãng việc chính yếu cần thiết (x. 8,14;
12,22-31; 17,27-28).
Chiếc lưới: hình ảnh chiếc lưới của người đánh bắt
chim được tiên tri Isaia dùng trong đoạn 24,17-18 để mô tả cuộc phán xét chung
thẩm. Lời cảnh giác của Chúa Giê su không chỉ ngỏ với những người đang qui tụ
nghe Ngài trong đền thờ, mà cho “tất cả những người cư ngụ trên khắp mặt đất”.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: (x.18,1). Lời
cầu nguyện liên lỉ cho phép các tín hữu duy trì sự tỉnh thức. Như thế họ sẽ có
thể vượt qua các thử thách của thời cuối cùng và đứng vững trước sự xét xử của
Con Người.
SỨ ĐIỆP
Hôm nay chứng ta bước vào
mùa Vọng.
Vọng là chờ đợi Chúa Giê
su đến, và chuẩn bị mừng lễ giáng sinh Ngày đó chúng ta sẽ vui mừng kỉ niệm Đức
Ki tô đấng cứu độ giáng sinh. Nhưng các bài đọc hôm nay hướng chúng ta đi xa
hơn: Chúa Giê su mà chúng ta sẽ kỉ niệm ngày giáng sinh chính Ngài sẽ trở lại.
Ngày ấy, Ngài sẽ đưa lịch sử con người đến cùng đích. Đó sẽ là một biến cố đầy
hạnh phúc. Các bài đọc chủ nhật hôm nay là một lời mời họi hãy hi vọng. Thiên
Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa trung thành giữ lời hứa ban hạnh phúc.
Tin mừng ấy đến với chúng
ta trong một thế giới biến động đầy lo âu. Tiên tri Giê-rê-mi-a nói với một dân
tộc đang phải chỉu đau khổ vì thất bại và cùng cực. Ông loan báo cho họ một
tương lai tuyệt vời. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa cứu độ và giải
thoát. Ngài là Đấng đã nhìn thấy cảnh lầm than của dân Ngài. Không những lầm
than vật chất mà đặc biệt là lầm than trong đời sống thiêng liêng. Ngài mời gọi
người tội lỗi tìm về chính lộ để trở lại với Ngài. Ngài yêu thích những người
khiêm nhu và mong manh nhất. và chăm sóc họ một cách đặc biệt. Tin mừng ấy thực
hiện một cách rỏ ràng nơi Chúa Giê su. Với Ngài, Nước Thiên Chúa đã hiện diện.
Các bài đọc khác nói với
chúng ta về việc Chúa Giê su đến lần thứ hai. Viết cho tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca,
Thánh Phao lô mời gọi họ hãy chuẩn bị. Ngày ấy, Chúa sẽ trở lại cùng với tất cả
các thiên thần và các thánh để cho mọi người biết một thế giới mới đến từ Thiên
Chúa. Tất cả chúng ta được mời gọi tích cực chuẩn bị cho biến cố ấy. Thánh Phao
lô khẩn khoản kêu mời chúng ta hãy sống cho xứng đáng với mục tiêu ấy. Ngài
khuyên phải sống “thánh thiện, không có gì đáng chê trách trước mặt Thiên Chúa
Cha”. Trong ngày chúng ta chịu phép rửa, chúng ta dấn thân trên những con đường
đức tin. Thế nên, chúng ta không được dừng lại, mà phải không ngừng “lớn lên và
phong phú trong tình yêu”.
Vì vậy, chúng ta không
được bằng lòng với một cuộc sống “sao cũng được”. Tin mừng mời gọi chúng ta
phải làm một cuộc trở về đích thực trong tâm hồn. Phải khởi hành lại mỗi ngày
với những đòi hỏi mới của đức Ki tô. Ngài luôn đi trước chúng ta để mời gọi đạt
đến những kỉ lục mới trong lãnh vực tình yêu: “Anh em hãy tấn tới nhiều hơn
nữa”. Như Ngài, chúng ta phải quên đi còn đường đã đi qua và nhắm thẳng tới
trước mà chạy” (Pl 3,14). Mục tiêu ấy chính là Đức Ki tô, đó chính là Nước công
chính bình an và yêu thương.
Trong bài tin mừng, Thánh
Luca cho chúng ta biết Chúa Giê su nói với các môn đệ về việc Ngài sẽ trở lại
trần gian. Lần nầy không giống như lần đến trước kia. Khi sống lại, Ngài không
ngừng đến và tiếp tục đến. Qua cái chết và sự phục sinh, Ngài mở ra cho chúng
ta thế giới thần linh; Ngài cống hiến cho chúng ta đời sống thần linh. Ngài
không đến để thiết lập một Vương quốc mới nơi trần gian như chính Ngài đã báo
trước: “Nước của Tôi không thuộc chốn nầy”. Ngài sẽ đến đế đưa chúng ta vào
Vương quốc của Thiên Chúa, vì Ngài là
Vua, “Mục tử chăn dắt cả nhân loại. Ngài nhìn mỗi người chúng ta bằng một cái
nhìn đầy trìu mến và yêu thương.
Vì thế, hôm nay, Chúa Giê
su mời gọi chúng ta “hãy ngẩng đầu lên”. Ngày Của Con Người sẽ ập đến như một
chiếc lưới, thế mà chúng ta lại coi thường việc tình thức. Nếu chúng ta muốn đi
đón Chúa ngự đến, chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện.
Như thế, khi đến, Ngài sẽ không bắt gặp chúng ta đang ngủ quên hay chểnh mảng.
Người tín hữu cũng phải là người “hi vọng” bằng cách tỏ cho mọi người biết rằng
việc Chúa đến là một tin vui là điều duy nhất có thể canh tân chúng ta một cách
toàn diện.
Trong suốt mùa Vọng, Lời
Chúa mời gọi chúng ta: “Đừng để lòng trí ra nặng nề vì chè chén say sưa, và lo
lắng sự đời”. Tin mừng mời gọi chúng ta sống yêu thương mỗi ngày một cách quảng
đại. Mà điều đó chỉ có thể làm được nếu chúng ta kết hợp với trái tim Chúa Giê
su chan chứa tình yêu phổ quát. Nhờ vậy mà Giáng sinh sẽ đem chúng ta vào một
niềm vui lớn chuẩn bị cho việc đón chờ Ngài trở lại. Trên đường dẫn đến đó,
Ngài sẽ là bạn đồng hành và là lương thực cho chúng ta. Xin cho chúng ta được
trung thành đến với Ngài trong suốt mùa Vọng nầy bằng một cuộc sống tỉnh thức
và cầu nguyện như chính Ngài đã dạy chúng ta.
ĐÀO SÂU
NGÀY CHÚA
ĐẾN
Gr 33, 14-16 Loan báo Đấng Thiên Sai đến
Tv 25, 4-5a, 8-9, 10+14 Lạy Chúa, con nâng tâm hồn
lên tới Chúa
1 Tx 3, 12-4, 2 Làm sao để chuẩn bị Ngày của Chúa
Lc 21, 25-28, 34-36 Chờ đợi Con Người đến
1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?
THƯA: NGÀY CHÚA ĐẾN. Thiên Chúa
loan báo sẽ sai Đấng Mê-si-a đến giải thoát dân Ít-ra-ên khỏi cảnh lưu đày
(Bđ1). Chúa Giê su, Đấng sẽ đến và ban ơn cứu độ cho những ai đang tỉnh thức
cầu nguyện để đón chờ Người. (BTM). Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu sống ơn
gọi mà họ lãnh nhận để đón Chúa đến lần thứ hai (Bđ 2).
2. HỎI: Tiên tri Giê-rê-mi-a là ai?
THƯA: Năm thứ 13 đời vua
Giô-si-gia (625 tr. CN) sau I-sai-a gần một thế kỷ, Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa
gọi làm tiên tri cho Ngài. Ông sinh ra ở A-na-tốt, gần Giê-ru-sa-lem trong một
gia đình tư tế. Thuở thiếu thời, ông sống trong thời đại khủng hoảng trầm trọng
về tôn giáo dưới triều vua Ma-na-sê. Tình trạng sùng bái mẫu tượng đang lan tràn
khắp vương quốc kể cả trong Đền Thờ. Giuđa đang cần một vị tiên tri can đảm để
kêu gọi dân chúng trở lại. Và Giê-rê-mi-a được giao phó thi hành sứ vụ khó khăn
ấy.
3. HỎI: Bài đọc 1 có nội dung như thế nào?
THƯA: Bài đọc 1 trích từ sách
tiên tri Giê-rê-mi-a (33,14-16) là sấm ngôn báo trước về những điều tốt lành mà
Thiên Chúa sẽ thực hiện cho dân Ít-ra-en cũng như cho chi tộc Giu-đa và Thành
Thánh Giê-ru-sa-lem. Thiên Chúa sẽ cho xuất hiên một mầm non, tức là Đấng Công
Chính nối nghiệp vua Đa-vít cứu thoát Giu-đa, cho Giê-ru-sa-lem được an cư lạc
nghiệp. Đấng Công chính ấy chính là Đức Giê-su Ki-tô.
4. HỎI: ‘Ta sẽ cho mọc lên một mầm non’ (Gr 33, 15) có nghĩa
là gì?
THƯA: Mầm non có nghĩa là ‘một
vua mới, con cháu vua Đa-vít’ sẽ ra đời và trị vì Giê-ru-sa-lem. Khi
Giê-rê-mi-a nói những lời nầy, thì vua Đa-vít đã qua đời từ lâu và triều đại
của Ngài (mà người ta gọi là gốc Giê-sê) dường như hoàn toàn biến mất.
5. HỎI: Tại sao thế?
THƯA: Vì vua Nabuchodonosor đã
lưu đày hai vị vua cuối cùng của Ít-ra-ên sang Ba-by-lon. Từ đó, Thành Thánh bị
chiếm đóng, đền thờ bị phá hủy, đất nước bị tàn phá, dân cư bị phân tán. Phần
lớn những người sống sót bị bắt làm tù binh lưu đày sang Ba-by-lon và coi như
sẽ gửi xác nơi đất khách. Lòng người hoang mang cực độ: Ít-ra-ên bị xóa tên
trên bản đồ rồi chăng? Các lời hứa tốt đẹp giờ ra sao? Giấc mơ về một vị vua
hậu duệ của Đa-vít đã chấm dứt rồi chăng?
6. HỎI: Tiên
tri Giê-rê-mi-a đã loan báo như thế nào?
THƯA: Trong hoàn cảnh bi đát đó
Giê-rê-mi-a sử dụng ngôn ngữ đầy ‘hi vọng’ để nói với dân. Thật vậy, chính
trong lúc Ít-ra-ên không còn vua thì Giê-rê-mi-a nhắc lại rằng lời Thiên Chúa
hứa với vua Đa-vít sẽ được thực hiện. Một vì vua sẽ đến để làm cho công lí ngự
trị.
7. HỎI: Lời
Thiên Chúa hứa là lời nào?
THƯA: Đó là lời Thiên Chúa hứa
cho vua Đa-vít qua lời tiên tri Na-than: ‘Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế
vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của
nó được vững bền… Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước
mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi’ (2Sm 7, 12-16)
8. HỎI: Và
Giê-rê-mi-a đã làm gì?
THƯA: Giê-rê-mi-a khuyên dân
Chúa hãy vững tâm tin tưởng vào Thiên Chúa. Niềm tin ấy dựa trên hai lí do: thứ
nhất vì Thiên Chúa không bao giờ thất hứa, nhưng luôn thực hiện những gì Ngài
đã hứa. Và thứ hai: Chúa là sự công chính của chúng ta. Việc biến đổi thế giới
là công việc trọng đại, sẽ không đến từ những cố gắng của chúng ta, mà đến từ
quyền năng của Thiên Chúa!
9. HỎI: Tên
của thành mới có nghĩa là gì?
THƯA: Tên của thành mới không
còn là Giê-ru-sa-lem hay Sion nữa, mà là tên của Chúa ‘ĐỨC CHÚA
là-sự-công-chính-của-chúng-ta’ bởi vì nó hoàn toàn thuộc bề Ngài, là nơi Ngài
ngự trị và phản ảnh vinh quang rạng ngời của Ngài. Đó chính là nơi hoàn tất ơn cứu
độ.
10. HỎI: Bài
đọc 2 (1 Tx 3, 12-4,2) có nội dung như thế nào?
THƯA: Thánh Phao-lô Tông đồ
khuyên các tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca phải sống sao cho phù hợp với ơn gọi của
mình: tức là bền tâm vững chí, thánh thiện và không có gì đáng trách trước
thánh nhan Thiên Chúa trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm.
11. HỎI: Ngữ
cảnh bài Tin mừng như thế nào?
THƯA: Sau khi đã đến
Giê-ru-sa-lem (19,28), Chúa Giê su giảng dạy tại Đền Thờ (19,34). Bài Tin mừng
thuộc phần sau (21,25-28.34-36) của bài diễn từ trong đó Chúa Giê su nói về số
phận của Giê-ru-sa-lem và Đền thờ (Lc 21,8-36). Sau khi nói về những tai họa vũ
trụ (10-11), và những điềm báo trước (12-24), Chúa Giê su đưa ra những lời cảnh
báo (34-36) trước những tai họa vũ trụ vào lúc tận thế (25-33). Có 2 ý chính:
1) Các tai họa vũ trụ vào lúc tận thế (21,25-28); 2) Cảnh báo kết thúc: hãy
tỉnh thức (21,34-36).
12. HỎI:
Chúng ta phải đọc bài Tin mừng như thế nào?
THƯA: Nếu đọc bài Tin mừng theo
nghĩa đen, chúng ta sẽ không tìm ra sứ điệp mà nó muốn gửi đến cho chúng ta. Lí
do là vì bản văn nầy được viết theo văn loại khải huyền. Đó là loại văn thường
mô tả những biến cố khủng khiếp dễ làm cho người đọc khiếp sợ, nhưng thực ra đó
là cách thức mạc khải, tức là vén bức màn che để lộ ra những chân lí cần thiết
cho đời sống đức tin. Bởi đó, sách Khải huyền được gọi là sách Mạc khải.
13. HỎI: Văn
loại khải huyền có những đặc tính nào?
THƯA: Văn loại khải huyền có ít
nhất bốn đặc tính sau đây:
- Một là nhắm đến các độc giả đang phải đau khổ vì
thảm cảnh chiến tranh, vì bị ngoại bang chiếm đóng, đặc biệt bị bách hại vì đức
tin.
- Hai là để an ủi người tín hữu trong những lúc
cùng khốn, khuyến khích họ bền đỗ cho đến cùng.
- Ba là cho biết mặt trái của lịch sử, và loan báo
chiến thắng cuối cùng thuộc về Thiên Chúa. Vì thế nó luôn hướng về tương lai,
về một thế giới được đổi mới.
- Bốn là mời gọi người tín hữu hãy tỉnh thức năng
động: phải nuôi dưỡng cuộc sống hằng ngày bằng niềm hi vọng ấy.
14. HỎI:
Đoạn Tin mừng hôm nay có bốn đặc tính trên không?
THƯA: Có. Bài Tin mừng hôm nay
hội đủ bốn đặc tính ấy, đó là:
- Lời dành cho thời gian cùng khốn, khi mô tả
những dấu hiệu kinh khủng nhằm loan báo rằng thế giới hiện tại nầy sẽ qua đi.
- Lời an ủi mời gọi người tín hữu hãy đứng vững.
- Lời mạc khải khi loan báo Con Người ngự đến.
- Lời mời gọi hãy tỉnh thức năng động
15. HỎI:
Những điềm lạ trong trời đất có ý nghĩa gì?
THƯA: Các sách Khải Huyền
thường kể những điềm lạ trong trời đất làm khung cảnh cho cuộc phán xét sau
cùng. Các tiên tri thường hay mô tả như thế khi nói về các cuộc chiến thắng của
Thiên Chúa trên các đạo binh trên trời hay các vị thần ngoại khác. Ở đây Chúa
Giê su không nghĩ đến cuộc giao chiến giữa Thiên Chúa và các thần ngoại, mà chỉ
có ý nói lên sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa trên vũ trụ mà Ngài sắp giải
phóng khỏi sự dữ (X. Rm 8,19-22; Kh 21,1-8)
16. HỎI: Khi
kể lại những điềm lạ trên trời, thánh Luca muốn lưu ý đến điều gì?
THƯA: Thánh Luca muốn lưu ý đến
các phản ứng con người lúc ngày tận thế đến (cc 25b-26). Như thế ông trung
thành hơn với tư tưởng của Thánh kinh và của Chúa Giê su: thảm kịch cánh chung
trước hết là thảm kịch của con người.
17. HỎI: Còn
khi mô tả cuộc quang lâm của Chúa, Luca chú ý đến điều gì?
THƯA: Luca chú ý đến quyền năng
và vinh quang của Chúa Giê su, đấng chiến thắng sự ác và Chủ tể Nước Trời.
18. HỎI: Bản
văn kết thúc trình bày sự quang lâm của Chúa bằng lời khuyến dụ như thế nào?
THƯA: Trước tiên là lời mời gọi
mọi người hy vọng. Các biến cố mà Chúa Giê su vừa loan báo thật đáng sợ. Nhưng
đối với người tín hữu của Chúa Giê su thì không có gì phải lo sợ, vì những biến
cố ấy cho thấy chiến thắng và quyền lực của Ngài. Qua các chuyển biến trong thế
giới cho tới nay vẫn bị tội lỗi thống trị, họ phải biết nhận ra rằng Nước Thiên
Chúa đã gần, đã đến ngày họ được ‘cứu chuộc’.
19. HỎI: Và
kế đến?
THƯA: Và kế đến là lời mời gọi
phải tỉnh thức thường xuyên. Là phải tránh xa những cám dỗ tội lỗi cũng như mối
bận tâm trần tục làm họ quên mất thứ của cải duy nhất đáng kể. Rồi phải sẵn
sàng, vì ngày ấy bất chợt đến với mọi người như chiếc lưới bất ngờ ập xuống con
mồi. Và cuối cùng là cầu nguyện không ngừng.
20. HỎI:
Theo các bài đọc hôm nay, người tín hữu được mời gọi làm chứng điều gì?
THƯA: Theo các bài đọc hôm nay,
người ki tô hữu được mời gọi:
- Làm chứng đức tin trong một tình thế vô vọng
theo cái nhìn của con người.
- Làm chứng đức mến như lời khuyên của thánh Phao
lô: ‘Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày
càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em
vậy’ (1 Tx 3,12).
- Làm chứng đức cậy trong khi mọi sự dường như sụp
đỗ: ‘Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc’ (Lc
21,28).
GLCG: 671. ‘Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo
còn đang rên siết và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các
con cái Thiên Chúa’. Vì vậy, các Kitô hữu cầu nguyện, nhất là trong bí tích
Thánh Thể, để Đức Kitô mau lại đến, bằng cách thưa với Người: ‘Lạy Chúa, xin
ngự đến!’ (Kh 22,20)’. (X. Đức Ki tô đến 668-674. Cuộc thử thách cuối cùng của
Hội Thánh 675-677. Tỉnh thức trong lời cầu nguyện 2612, 2849).