Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai
Tuần I Mùa Vọng
ĐỨC TIN
Lời Chúa: Mt 8, 5 – 11
(5) Khi Ðức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên
đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: (6) "Thưa Ngài, tên
đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm". (7)
Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó". Viên đại đội trưởng đáp: (8)
"Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một
lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. (9) Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ
khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này:
"Ði!", là nó đi, bảo người kia: "Ðến!", là nó đến, và bảo
người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm". (10)
Nghe vậy, Ðức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi
bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. (11)
Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc
cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.
Suy niệm:
Tại
các Trung tâm hành hương, chẳng hạn như: La-vang, Tà-Pao, Tắc Sậy,… ta không
chỉ thấy có người Công giáo mà có cả người lương giáo; không chỉ có các bia đá
tạ ơn của người có đạo mà cả những phiến đá tri ân của người ngoại đạo? Đôi
khi, ta có cảm tưởng người ngoại đạo còn ‘thành tâm’, ‘tin tưởng’ hơn cả người
đạo gốc nữa! Điều đó không chỉ xảy ra hôm nay, nhưng đã xảy ra từ thời xưa,
được ghi lại trong Tin mừng.
Thật
vậy, Tin Mừng thứ hai, tuần I mùa vọng hôm nay, Chúa Giêsu nói với những kẻ
theo Ngài về lòng tin của viên đại đội trưởng người Rôma: “Tôi bảo thật các ông, Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin
như thế” (Mt 8, 10; Lc 7, 7).
Trong
các sách Phúc Âm, khi Chúa Giêsu mở đầu lời nói bằng công thức “Tôi bảo thật” thì câu nói đó có tầm
quan trọng đặc biệt. Chẳng hạn như khi Chúa nói với Simon: “Thầy bảo thật cho con biết, con là Phêrô, nghĩa là đá…” (Mt 16,
18); hay khi Chúa nói với tên trộm lành: “Tôi
bảo thật với anh, hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43); hay trong ngày phán xét, Đức Vua nói
với những người lành: “Quả thật, Ta bảo
cho các ngươi biết: những gì các người đã làm cho một trong những anh em bé mọn
nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40)... Hôm nay,
chúng ta lại nghe Chúa dùng công thức ấy để nói về đức tin của viên đại đội
trưởng người Rôma.
Tại
sao Chúa Giêsu lại nói về ông như vậy?
Trước
hết, ông không phải là người có đạo nhưng là người ngoại đạo; hơn nữa, ông không
phải là người Do thái nhưng là một sĩ quan quân đội Rôma, kẻ cai trị xứ
Palestin, thế mà ông lại van xin Đức Giêsu là một người xứ Palestin ra tay chữa
bệnh cho người đầy tớ của ông.
Tiếp
đến, ông là một người khiêm nhường hết mực khi thưa với Đức Giêsu: “Tôi chẳng đáng được Ngài vào nhà tôi”. Đặc
biệt, chính nhờ tin vào quyền năng của Đức Giêsu mà ông hoàn toàn phó thác nơi Ngài
một cách tuyệt đối “nhưng xin Ngài chỉ
nói một lời thì thằng bé nhà tôi được khỏi bệnh”. Ông lý luận như sau: “Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi
cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này ‘đi’ là nó đi, bảo người
kia ‘đến’ là nó đến, bảo người nô lệ ‘làm cái này’ là nó làm”. Trên cơ sở
đó, ông tin Đức Giêsu có quyền trên bệnh tật; nghĩa là có quyền trên sự dữ; và
quyền ấy không bị giới hạn bởi không gian. Ông tin rằng, Đức Giêsu, dù ở xa,
chỉ cần phán một lời thì người đầy tớ của ông sẽ được lành bệnh.
Đã
2000 năm qua, đức tin và lòng khiêm nhường của viên sĩ quan Rôma được các thế
hệ Kitô hữu lặp lại mỗi khi lên rước lễ:“Lạy
Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh
hồn con sẽ lành mạnh”.
Lạy
Chúa Giêsu!
Chúng
con vẫn thường tự hào mình là ‘con nhà đạo gốc’. Tuy nhiên, nhiều khi cách biểu
lộ niềm tin của chúng con còn thua kém cả người ngoại đạo. Xin cho chúng con có
được đức tin mạnh mẽ như viên đại đội trưởng Rôma. Nhất là xin cho chúng con
biết thường xuyên tiếp rước Chúa ngự vào nhà tâm hồn chúng con cách thiêng
liêng; đặc biệt, với lòng tin sâu xa, chúng con biết tiếp rước Chúa trong tấm
bánh Thánh thể. Chúng con tin rằng, sự hiện diện và quyền năng Chúa sẽ chữa
lành bệnh tật xác hồn chúng con, như xưa Chúa đã chữa lành cho người đầy tớ của
viên sĩ quan Rôma. Amen.
Lm. Dom Nguyễn Thành Tiến