CHỦ NHẬT 1 VỌNG B
HÃY TỈNH THỨC
Chúng ta hãy thánh hóa mùa Vọng nầy bằng cách hợp lời cầu nguyện với Đức Maria xin Chúa giải sáng đêm dài tăm tối của nhân loại. Xin Ngài mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận niềm Hi vọng đã nuôi dưỡng Trinh Nữ Maria khiêm nhường chờ đợi đấng đến đổi mới thế gian.
Sách Tiên tri Isaia 63, 16b-17.19b; 64, 2b-7
Người Do thái trở về sau cuộc lưu đày nhiều năm ở Babylon. Họ phải đối diện với thực tế khó khăn với những công việc to lớn: phải tái thiết Giê ru sa lem, xây dựng lại đền thờ, tổ chức việc phụng tự... Sau những giây phút hồ hởi phấn khởi lúc ban đầu, nỗi thất vọng chán chường hiện rõ trên mắt họ. Cuộc sống của người dân ngoại chung quanh dường như dễ dàng hơn! Vì thế Tiên tri an ủi họ bằng cách nhắc lại cho họ nhớ rằng Thiên Chúa không vắng mặt, nhưng Ngài sẽ hiện diện để giải thoát họ khỏi tội lỗi và nuôi dưỡng họ bằng niềm Trông cậy.
Thánh Vịnh 79
Đây là Thánh Vịnh dạt dào niềm an bình gợi lên sự canh thức của người mục tử sẵn sàng can thiệp để giài thoát đàn chiên
Thư thứ I Corintô 1, 3-9
Thánh Phao lô dùng những lời tràn ngập yêu thương để nói với các tín hữu Côrintô, như tiên tri Isaia đã nói với những người lưu đày từ Babylon trở về. Thiên Chúa sẽ ban đầy ơn sủng và phú túc cho chọ. Tiếng xin vâng của Đức Ki tô là một lời giải thoát thực sự.
Tin mừng Mc 13, 33-37
NGỮ CẢNH
Đoạn Tin mừng nầy là phần kết luận bài diễn từ cánh chung, chương 13 Mác cô. Chúa Giê su cảnh giác các môn đồ trước các cơn thử thách và bách hại (6-23) sẽ xảy ra vào lúc cuối thời gian trước khi Con Người quang lâm (24-27). Ngài dùng dụ ngôn cây vả để minh hoạ lời dạy của Ngài (28-32). Trong đoạn Tin mừng của chúng ta, trước tiên, Ngài lặp lại lời mời gọi tỉnh thức (33), rồi giải thích bằng dụ ngôn người giữ cửa (34) và kết thúc bằng lời mời gọi mọi người tỉnh thức (35-37).
GIẢI THÍCH
Phải tỉnh thức: Ở đây lặp lại lần chót lời mời gọi ở đầu bài diễn từ cánh chung (13,5) kèm theo lời khuyên về việc tỉnh thức. Chúng ta còn thấy lời nầy được Chúa Giê su nhấn mạnh đặc biệt khi Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó (14,34.37.38). Ngài kêu gọi các môn đệ không được để mình bị lôi kéo theo những hy vọng giả tạo và tò mò vô ích về lúc cuối thời gian. Họ cũng không được mê ngủ (13,36), nhưng phải sắp xếp cuộc sống trong tư thế sẵn sàng chờ đợi Chúa đến bất ngờ.
Người giữ cửa: Trong khi các đầy tớ được giao phó mỗi người một quyền hạn và một công việc, thì riêng người giữ cửa bị tách riêng ra khỏi nhóm. Chỉ có anh ta là có bổn phận phải tỉnh thức (trong Lc tất cả các đầy tớ đều phải tỉnh thức 12,36-38). Khó mà biết được đâu là ý hướng của Mác cô về nhân vật được giao trọng trách tỉnh thức thay mặt cho toàn thể cộng đoàn.
Vì anh em không biết: chi tiết nầy lặp lại khẳng định rằng ngoại trừ Thiên Chúa Cha không có ai có thể biết được chương trình của Người (13,32).
Lúc chập tối: Theo Mc thì chủ nhà được chờ đợi suốt đêm hoặc vào lúc rạng sáng, trong khi đối với Mt 24,42 ông chủ phải trở về nhà ban ngày. Cũng cần lưu ý rằng, trong khi Luca (24,42) theo cách phân chia theo tục lệ Palestina, một đêm có ba canh giờ, thì Mác cô ở đây lại theo cách của người la mã, một đêm gồm có bốn canh giờ: chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy và tảng sáng. Chi tiết nầy cho ta biết môi trường văn hóa phát xuất Tin mừng Mác cô.
Đến bất thần: So sánh với chủ đề Chúa đến như tên trộm đến nhà (Mt 24,42-43; 1Tx 5,2; 2Pr 3,10). Thiên Chúa không tìm cách làm cho cho tín hữu của Người bị bất ngờ. Tuy nhiên việc Người đến bất ngờ là do con người rất thường không chờ đợi Người, họ bận tâm lo lắng về mọi sự trừ chuyện tỉnh thức.
Với hết thảy mọi người: phải tỉnh thức”: Lời khuyên chót của diễn từ được mở rộng nhằm áp dụng cho tất cả các môn đồ, trong thời Chúa Giê su, thời Mác cô, và môn đồ của tất cả mọi thời đại.
Tỉnh thức trước mọi biến cố trong lịch sử, trước mọi hình thức bách hại, trước tất cả các lần Chúa đến trong cuộc sống, và lần đến rất bất ngờ vào lúc cuối thời gian.
SỨ ĐIỆP
Hãy tỉnh thức
Với Chủ nhật thứ nhất mùa vọng nầy, chúng ta khởi đầu một năm Phụng vụ mới. Phụng vụ sẽ dẫn chúng ta đến lễ Giáng sinh rồi lễ Phục sinh. Dọc theo những chặng dừng khác nhau trong năm, chúng ta được mời gọi tái hiện thực ơn sủng nơi chúng ta, để cùng nhau ý thức hơn về tình yêu mà Chúa không ngừng tỏ hiện cho chúng ta. Và năm nay, tin mừng thánh Mác cô sẽ giúp chúng ta làm điều đó.
Sứ điệp chủ nhật hôm nay thật rõ ràng, có thể tóm trong một câu ngắn gọn: “Anh em hãy tỉnh thức!”. Tuần trước cũng thế, tin mừng nhắc chúng ta rằng đểt đứng vững trước những đảo lộn trong thế giới, chúng ta được mời gọi phải tỉnh thức. Tỉnh thức là trạng thái của những người đang chờ đợi và canh thức. Tỉnh thức là không được mê ngủ khi Đấng mà chúng ta đang chờ đợi chưa trở lại. Giống như canh thức để đứng máy hoặc trực phục vụ những nhu cầu cần kíp trong đêm, nhất là khi phải canh chừng một bệnh nhân.
Tỉnh thức là lời khuyên mà Chúa Giê su nói với chúng ta đầu năm phụng vụ nầy. Ngài đặc biệt nhấn mạnh bởi vì vô cùng cần thiết. Chúng ta đừng hiểu lời khuyên ấy như một cảnh giác hay hăm dọa trước một điều khủng khiếp sẽ xảy đến, nhưng hãy hân hoan tiếp nhận như một tin mừng. Chúng ta đang sống trong một thế giới chứng kiến nhiều thảm kịch, nhiều khủng hoảng đau thương, nhiều lo âu sợ hãi. Do đó, thánh Mác cô loan báo cho chúng ta tin mừng vĩ đại: Chúa đang đến gần; Ngài gõ cửa nhà chúng ta. Ngài thấy tất cả những gì xấu xa, tất cả những gì phương hại đến chúng ta. Ngài sẽ không giải quyết tất cả mọi vấn đề chúng ta bằng chiếc đủa thần, nhưng sẽ giúp đỡ chúng ta có một cái nhìn khác hơn về cuộc đời và thế giới chung quanh.
Một vài bản văn Kinh Thánh được viết vào một thời điểm tất cả đều bị chao đảo, nhưng đó lại là những bản văn tuyệt vời. Chúng cho chúng ta biết tằng Thiên Chúa không bỏ rơi dân của Ngài. Với Ngài, sự xấu không phải là tiếng nói cuối cùng. Không một thử thách nào có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Chính đó là điều mà chúng ta phải làm chứng trong thế giới thường xuyên bị đảo lộn nầy, khi mà chung quanh chúng ta dường như không còn một chút hi vọng nào nữa. Vì thế, tỉnh thức là quan tâm đến điều đang xảy ra, là biết nhận ra nơi đó sự hiện diện và hành động của Chúa để làm chứng. Thiên Chúa đang hiện diện, bên cạnh người đang đói khát, đang lâm bệnh, đang bị tù đầy hay bị loại trừ. Để nhận ra Ngài, chúng ta cần phải tỉnh thức, phải có cái nhìn đức tin.
Nếu Chúa Giê su đòi chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện chính bởi vì Ngài biết rõ những yếu đuối và tội lỗi chúng ta. Thảm kịch có thể xảy đến vào lúc chập tối. Thời điểm ấy làm chúng ta nhớ đến Giết sê ma ni khi các môn đệ ngủ và Giu đa đến trao nộp Chúa Giê su. Nó cũng có thể xảy đến vào lúc nửa đêm. Đó là giờ mà Chúa Giê su cô đơn đứng trước tòa Cai pha để bị kết án. Nó cũng gợi lại tiếng gà gáy, Phê rô đã từng được trao phó những trách nhiệm cao nhất, nhưng rồi cũng chính ông công khai thề thốt: Tôi không hề biết ông Giê su là ai. Trong mọi khoảnh khắc đó, người môn đệ đã không sẵn sàng, không tỉnh thức để rồi sẽ bị cuốn trôi đi như rơm rạ.
Dù thế nào đi nữa, Chúa Giê su không bỏ rơi chúng ta. Ngài chỉ yêu cầu được gặp gỡ chúng ta để giúp chúng ta mạnh mẽ đối phó với những thử thách của cuộc đời. Mác cô viết tin mừng vào khoảng năm 70. Ngài nhắc lại những lệnh truyền của Chúa Giê su cho các độc giả của Ngài đang bị chao đảo trước các cuộc bách hại đầu tiên. Ngày hôm nay, Chúa Giê su ngang qua Mác cô cũng nói với chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Thế giới ngày nay đang phải đối đầu với những khủng hoảng to lớn: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng luân lí, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng lòng nhân ái..
Trước thực tại ấy, Chúa Giê su đưa ra lệnh truyền duy nhất: Hãy tỉnh thức. Đừng mê ngủ, không chỉ trong giấc ngủ bỉnh thường, mà trong giấc ngủ lương tâm: ai cũng bằng lòng trong tiện nghi, thói quen của mình và quên mất những gì làm nên giá trị đích thực của cuộc sống.
Tình thức còn có nghĩa là tỉnh táo nhận định những tình huống mà chúng ta đang sống và đang phải đối đầu. Tỉnh thức, là nhìn hiện tại của chúng ta với niềm hi vọng. Đức Ki tô luôn hiện diện để mở cho chúng ta cánh cửa hi vọng.
Tình thức còn là làm việc. Chúa trao cho mỗi người trong chúng ta một công việc, một sứ mạng: đó là phải làm sao để có một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới huynh đệ hơn, công bình hơn.
Không mê ngủ, tin tưởng và sáng suốt nhìn tương lai, làm việc cho một thế giới mới, đó là cách sống tỉnh thức. Đó là cách mà chúng ta phải đón tiếp Đức Ki tô đang đến trong cuộc sống của chúng ta. Ước gì chúng ta đừng lỡ mất cuộc hẹn hò tốt đẹp ấy.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bối cảnh lịch sử của bài đọc một như thế nào?
THƯA:Người Do thái trở về sau cuộc lưu đày nhiều năm ở Babylon. Họ phải đối diện với thực tế vô cùng khó khăn với những công việc cần phải thực hiện như phải tái thiết Giê ru sa lem, xây dựng lại đền thờ, tổ chức việc phụng tự. Sau thời gian hồ hởi phấn khởi lúc ban đầu, nỗi thất vọng chán chường hiện rõ trên mắt họ. Trong khi đó, cuộc sống của người dân ngoại chung quanh dường như dễ dàng hơn đang cám dỗ họ! Họ có cảm giác như trời đóng lại vì Thiên Chúa đã quên họ. Vì thế Tiên tri an ủi họ bằng cách nhắc lại cho họ nhớ rằng Thiên Chúa không vắng mặt, nhưng Ngài sẽ hiện diện để giải thoát họ khỏi tội lỗi và nuôi dưỡng họ bằng niềm Trông cậy.
2. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?
THƯA: Trước hiện tình ấy, thay mặt cho toàn thể dân tộc đang thất vọng, tiên tri Isaia dâng lên Thiên Chúa lời kinh tín thác. Ông khiêm nhường thú nhận tội lỗi của dân, đáng cho Thiên Chúa thịnh nộ và giáng phạt bằng cách phó mặc họ cho quyền lực tội lỗi. Nhưng ông cũng cầu xin Thiên Chúa hãy thương xót ngự xuống để họ được tha thừ và được cứu thoát, vì họ cũng chỉ là đất sét trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa.
3. HỎI: Có điểm gì đặc biệt nơi bài đọc một?
THƯA: Điểm đặc biệt trong bài đọc một là lời kêu cầu Thiên Chúa là Cha nằm giữa câu đầu và câu cuối (Is 63,16: “còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con: đó là danh Ngài từ muôn thuở.”; 64,7: “lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.”).
4. HỎI: Thiên Chúa là ‘Cha’ có nghĩa gì?
THƯA: Trong Kinh Thánh, ‘Cha’ chỉ người nắm giữ mọi uy quyền, chứ không theo nghĩa ‘Cha xác thịt’ như các dân ngoại chung quanh thường quan niệm. Lí do là vì Thiên Chúa là đấng siêu phàm, hoàn toàn khác biệt với con người, nên không thể là Cha sinh ra con người được.
5. HỎI: Hình ảnh ‘người thợ gốm’ có nghĩa gì?
THƯA: Thiên Chúa là ‘Cha’ vì Ngài là ‘người thợ gốm’. Ngài không phải là Cha theo nghĩa sinh học, mà là Cha theo nghĩa Đấng Tạo dựng. Vận mạng và cuộc sống của mỗi người tùy thuộc vào Ngài như hình dáng chiếc bình gốm hoàn toàn tùy thuộc vào bàn tay nhào nặn của người thợ gốm.
6. HỎI: Isaia còn gọi Thiên Chúa là ‘Đấng Cứu độ’ nghĩa là gì?
THƯA: Đấng Cứu độ là ‘Đấng Giải thoát’. Tín điều đầu tiên của người Do thái không phải ‘Tôi tin Thiên Chúa là đấng Tạo thành’, mà là ‘Tôi tin Thiên Chúa là Đấng giải thoát’. Điều đó có nghĩa: Thiên Chúa trong Cựu Ước là Đấng muốn cho con người được tự do khỏi mọi ách nô lệ con người và khỏi mọi ngẫu tượng, vì đó là ách nô lệ xấu xa nhất.
7. HỎI: Bài đọc một liên kết với bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Trong bài đọc một, tiên tri khẩn cầu: ‘Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống cứu thoát dân Ngài (Is 63,19). Đó cũng là lời cầu nguyện mùa Vọng, tha thiết cầu xin Đức Ki tô mau ngự đến để hoàn thành Vương quốc Thiên Chúa. Lời cầu nguyện ấy phải đi đôi với cuộc sống tỉnh thức chờ đợi Ngài trở lại trần gian.
8. HỎI: Ngữ cảnh bài tinmừng như thế nào?
THƯA: Sau khi cảnh giác các môn đệ về sự bất ngờ ‘Ngày Con Người đến’ mà chính Ngài cũngkhông biết ngày giờ, Chúa Giê su mời gọi họ hãy tĩnh thức để Ngày ấy không thể bắt chợt họ.Chúa Giê su nói bài diễn từ nầy hai ngày trước cuộc Khổ nạn, vì thế đây là sứ điệp quan trọng Ngài muốn gửi lại cho các môn đệ trước khi chết.
9. HỎI: Trong diễn từ cuối cùng ấy (Mc 13,1-37), Chúa Giê su dạy các môn đệ như thế nào?
THƯA:Ngài kêu gọi các môn đệ không được để mình bị lôi kéo theo những hy vọng giả tạo và tò mò vô ích về lúc cuối thời gian. Họ cũng không được mê ngủ (13,36), nhưng phải sắp xếp cuộc sống trong tư thế sẵn sàng chờ đợi Chúa đến bất ngờ.
10. HỎI: Khi nói về việc ‘Con Người đến’ Chúa Giê su muốn nói đến biến cố gì?
THƯA:Chúa Giê su muốn nói đến việc Ngài sẽ trở lại trần gian trong vinh quang vào lúc thời giantận cùng để hoàn tất Nước Thiên Chúa như lời Ngài đã hứa.
11. HỎI: Theo giáo huấn của Chúa Giê su cho các môn đệ, thì ‘tỉnh thức’ có nghĩa gì?
THƯA: Một vài giờ trước khi Phê rô chốiChúa, Chúa Giê su đã mời gọi ba tông đồ trong vườn Cây dầu hãy cầu nguyện và tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ (Mc 14,38). Lời ấy có thể soi sáng cho chúng ta hiểu rằng tỉnh thức có nghĩa là ‘Cầu nguyện’. Cầu nguyện để được đầy Thần khí của Ngài, để từ nay nhìn mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa, để có thể hành động cho Vương quốc.
12. HỎI: Một cách cụ thể, phải tỉnh thức như thế nào?
THƯA: Tình thức trước tiên bằng cách mong ước Ngài ngự đến, rồi sauđó cầu nguyện xin Ngài mau đến bằng cách loan báo việc Ngài trở lại và bắt đầu sốngVương quốc tình yêu của Ngài trên trần gian.
13. HỎI: ‘Lúc chập tối’ là lúc nào?
THƯA: Theo Mc thì chủ nhà được chờ đợi suốt đêm hoặc vào lúc rạng sáng, trong khi đối với Mát thêu, ông chủ phải trở về nhà ban ngày (Mt 24,42). Luca theo cách phân chia theo tục lệ Palestina, một đêm có ba canh giờ (24,42). Trái lại, Mác cô ở đây lại theo cách của người La mã, một đêm gồm có bốn canh giờ: chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy và tảng sáng. Vậy chập tối là thời gian trước lúc nửa đêm.
14. HỎI: Việc Chúa ‘đến bất thần’ có nghĩa gì?
THƯA:Tân Ước thường so sánh sự bất ngờ trong việc Chúa đến giống như sự bất ngờ trong việc tên trộm đến nhà (Mt 24,42-43; 1Tx 5,2; 2Pr 3,10). Thiên Chúa không tìm cách làm cho cho tín hữu của Người bị bất ngờ. Tuy nhiên việc Người đến bất ngờ là do con người rất thường không quan tâm chờ đợi Người đến nhưng luôn bận tâm lo lắng về mọi sự trừ chuyện tỉnh thức.
15. HỎI: Khoảng năm 30, Chúa Giê su khẳng định rằng thế hệ của Ngài sẽ không qua đi trước khi lời sấm của Ngài thành sự, rồi ngay sau đó lại nói rằng Ngài không biết ngày giờ quang lâm: có gì mâu thuẩn trong hai khẳng định trên không?
THƯA: Không, Ngài không mâu thuẩn, bởi vì ở câu Mc 13,30, Chúa Giê su đã tiên báo một sự kiện tương lai, đó là việc Giê ru sa lem bị phá hủy, nhưng một cách chung chung. Trái lại, ở câu Mc 13, 32, Ngài khẳng định rằng không ai biết được ngày giờ chính xác của biến cố kinh khủng ấy.
16. HỎI: Ngay cả Chúa Giê su là Thiên Chúa, mà cũng không biết ngày và giờ thành Giê ru sa lem bị phá sao?
THƯA: Có người giải thích,trong trường hợp nầy, Chúa Giê su nói với tư cách là người. Xét theo bản tính lòai người, dù vượt trổi hơn bất cứ tạo vật nào khác trên trần gian, Ngài cũng không biết thời điểm chính xác biến cố tương lai. Tuy nhiên, theo câu nói của Chúa Giê su, chúng ta có thể đưa ra một cách cắt nghĩa khác: Ngài không có bổn phận mạc khải cho con người thời điểm, ngày giờ chính xác của cuộc quang lâm.
17. HỎI: Tuy vậy, một vài nhà chú giải cho rằng trong câu Mc 13, 32, Chúa Giê su qui chiếu đến lúc thời gian tận cùng, nghĩa là lúc Ngài quang làm, chứ không phải biến cố Giê ru sa lem bị tàn phá?
THƯA: Đúng là về điểm nầy, không có thống nhất giữa các nhà chú giải. Tuy nhiên dựa vào ý kiến của các nhà chú giải cho rằng Chúa Giê su nói về biến cố Giê ru sa lem, chúng ta có thể nghĩ rằng việc Thành Thánh bị phạt có thể là hình ảnh báo trước cuộc phán xét chung sẽ diễn ra vào lúc cuối thời gian cho tất cả mọi người.
18. HỎI: Việc Ngài đến lần thứ hai có nghĩa là gì?
THƯA: Có nghĩa là Chúa Giê su trở lại trần gian trong hình dạng có thể thấyđược. Căn cứ vào một số lời dạy của Chúa Giê su, Giáo Hội thời sơ khai tin rằng, ít lâu sau khi Ngài về trời, Ngài sẽ trở lại để khai mạc Thời đại cánh chung trong vinh quang (x. Mt 24,29-31; Mc 13,24-27; Lc 21,25-28). Sau đó, nhiều tín hữu của Giáo hội đã cho rằng ý nghĩa đích thực lời Chúa Giê su nói nằm trong việc hoàn thành lời hứa. Sự hoàn thành đó có thể thực hiện trong đời sống thiêng liêng hơn là trong một vương quốc trần gian.
19. HỎI: Việc Thăng thiên có liên quan đến ngày Quang lâm không?
THƯA: Có, bởi vì việc Chúa Giê su về trời, bốn mươi ngày sau khi sống lại, qui chiếu đến “Ngày của ngày (Ngày trọng đại)”, nghĩa là đến biến cố Ngài đến lần thứ hai. Theo cách mô tả trong Tân Ước, việc Thăng thiên xảy ra trước sự hiện diện của các tông đồ: Đức Ki tô cất mình lên khỏi mặt đất và một đám mây bao phủ Ngài trước mắt các ông. Trong một vài đoạn Tân Ước (Mc 16,19-20; Lc 24,50-51; Cv 1,1-4) sự Thăng thiên được mô tả như một sự kiện lịch sử.
20. HỎI: “Thyết Ngàn Năm” muốn nói gì?
THƯA: Thuyết Ngàn năm còn gọi là chiliasmo, là một học thuyết ra đời từ chương 20 sách Khải Huyền (Kh 20,1-6). Đoạn sách đó dùng một ngôn ngữ đặt biệt của thị kiến thần bí mô tả việc Đức Ki tô sắp trở lại trần gian để thiết lập một vương quốc hạnh phúc kéo dài một ngàn năm và dành cho những người công chính. Những vị nầy là những vị tử đạo qua hy tế cuộc sống mình vì đức tin, có thể là những đấng được phúc sống lại lần thứ nhất, đi trước sự phục sinh và phán xét của toàn thể nhân lọai, rồi sau đó Nước Trời được thiết lập dứt khoát sau một ngàn năm.
21. HỎI: Sự sống đời đời được quan niệm như thế nào trong Cựu Ước?
THƯA: Trong thời rất xa xưa của dân Ưu tuyển, Đời sống vĩnh cửu được quan niệm như là hạnh phúc đời đời nhưng ở trần gian: đó là một cuộc sống dài lâu và hạnh phúc trong một vùng đất chảy sữa và mật ong (Đnl 8,6-9). Đến thời các tiên tri, khía cạnh trần thế trong hạnh phúc vĩnh cửu vẫn còn, nhưng dời về lúc cuối thời gian (Gr 31,12-14). Vào thế kỉ cuối cùng trước khi Chúa Giê su đến, qua các cuộc bách hại của Antiôkhô Epiphanê, một cái nhìn mới diễn tả niềm xác tín rằng Thiên Chúa không thể bỏ những người đã bị giết vì đã vâng theo Luật của Chúa trong cõi chết. Trong Sách Đa ni ên 12,2-3, quan niệm về “Sự sống đời đời” càng ngày càng rõ rệt: “Những người chết sẽ sống lại.. có người sống lại để hưởng sự sống đời đời, có kẻ sống lại để bị hình phạt đời đời..”. Đoạn sách 2Mc 7,9 cũng nói về sự sống lại trong đời sống mới và vĩnh cửu. Trong sách Khôn ngoan 3.9;5,5 sự sống đời đời được diễn tả như là cuộc sống kéo dài của sự sống trần gian trong sự hiệp thôong với Thiên Chúa.
22. HỎI: Còn trong Tân Ước?
THƯA: Tân Ước dùng một ngôn ngữ giàu hình ảnh biểu tượng để nói về sự sống Vĩnh cửu vào lúc cuối thời gian. Thật vậy, TƯ nói đến bữa tiệc cánh chung, lễ cưới, Thiêng đàng, Nước Thiên Chúa, hay đề cập đến việc hưởng kiến Thiên Chúa và sự sống Vĩnh cửu hiện hữu trong đời sống với Ba Ngôi và với Đức Ki tô Phục sinh. Sự sống vĩnh cửu là tình trạng tương lai của một cuộc sống hiệp thông với Đức Ki tô.
23. HỎI: Người Do thái có trông đợi Đấng Cứu thế không?
THƯA: Người Do thái đã nóng lòng trông chờ Đấng Cứu thế, vị cứu tinh tới, như mảnh đất khô cằn mong chờ mưa sương, như tôi tớ chờ đợi gia chủ. Tuy nhiên khi Đấng họ chờ đợi đến thì họ lại không nhận ra, bởi vì Ngài đã tới với một cung cách không như họ tưởng, đã làm những cái không như họ muốn. Trong khi họ chờ đợi một vị Cứu tinh với với tất cả sự oai phong lẫm liệt và đem dân Do thái lên đài vinh quang, bá chủ thiên hạ, thì Người lại đến trong cảnh nghèo nàn và mở rộng tay đón tiếp mọi người, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ. Họ chờ đợi vị Cứu tinh tới để chuẩn y cho lòng đạo đức của họ, cho Đền thờ, thế mà Ngài lại tuyên bố những kẻ họ cho là tội lỗi, là đáng loại đi, sẽ vào Nước Trời trước họ. Do đó, chờ đợi còn có nghĩa là thay đổi; thay đổi quan niệm, tâm thức, lòng trí; thay đổi cái nhìn để mặc lấy cái nhìn của Chúa Ki tô hầu đi vào trong kế đồ, trong trật tự Ngài đã khởi sự xây dựng và hoàn tất trong ngày Ngài lại đến.
24. HỎI: Chúng ta phải đáp lại Lời Chúa dạy hôm nay như thế nào?
THƯA:Trước hết, chúng phải sống với Thiên Chúanhư con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn sống với Đấng ban ơn, như tạo vật sống với Đấng Tạo Hóa, như môn đệ sống với Thầy, như gia nhân, đầy tớ ngóng đợi chủ của mình trở về. Kế đến chúng ta phải vững lòng trông cậy, kiên trì và tỉnh thức chờ đợi ngày/giờ Thiên Chúa tỏ mình ra, can thiệp vào đời sống cá nhân và cộng đồng xã hội cũng như giáo hội của chúng ta.