“Trong các ông, Ai là người lớn nhất?”
Lời Chúa: Lc 9, 46-50
46 Một câu hỏi chợt đến với các ông:
trong các ông, ai là người lớn nhất?47 Đức Giê-su biết điều các ông
đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình48 và
nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính
Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người
nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất."
49 Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng
con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người
ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy."50 Đức Giê-su bảo
ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng
hộ chúng ta! "
Suy Niệm
1.
“Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
Trên
đường đi theo Đức Giêsu, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau để
xác định “ai là người lớn nhất” trong nhóm hoặc trong Nước Trời. Cả ba Tin Mừng
Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận này và đặt ngay sau lần loan báo Thương
Khó lần thứ hai, để làm bật lên hai con đường, con đường của Đức Giê-su và con
đường của các môn đệ.
Theo
Tin Mừng Luca, đó là « một câu hỏi chợt đến với các môn đệ », nhưng sau
này, họ lại tiếp tục tranh luận về vấn đề ai là người lớn nhất ngay sau Bữa
Tiệc Ly (x. Lc 22, 24-27). Điều này cho thấy, đó là một trong những vấn đề các
môn đệ « trăn trở ở trong lòng ». Và trong bài Tin Mừng theo thánh
Matthêu, chính các môn đệ đến hỏi trực tiếp Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người
lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18, 1-5)
Lược
qua bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật như thế, là quá đủ để
chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các
môn đệ vào thời của Đức Giêsu và của các môn đệ thuộc mọi thời. Bệnh nghiêm
trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi
với nhau, ganh tị nhau, loại trừ nhau; ngoài ra, đó là một căn bệnh nghiêm
trọng, còn là vì bệnh này là bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và
mọi thời.
Ngoài
ra, đó còn là não trạng “bẩm sinh” của con người, luôn muốn hơn và muốn đứng
đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm
nhường! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự
xếp loại mình và tự xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau
trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách
tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân
cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là những người “bé nhỏ”, theo nghĩa rộng và ở
nhiều bình diện khác nhau và cũng là nhóm người đông đảo nhất, bị khinh chê,
thậm chí bị loại trừ. Hơn nữa, tranh đua dựa trên qui luật “mạnh được yếu
thua”, vốn qui luật ít nhân tính nhất, nếu không muốn nói, thuộc bình diện thú tính!
2.
Cách Đức Giêsu « chữa lành »
Cách
Đức Giêsu chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta
nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn
đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giêsu giải quyết (x. Mc 10, 13-16; Mt 18, 3
và 9, 13-15; Lc 18, 15-17) ; nhưng cả ba đều
có ít nhất ba điểm chung :
Ø Đảo
lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta :
muốn làm lớn phải không ? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người
lớn nhất (theo Thánh sử Luca) ; hãy thay đổi và trở nên như trẻ con (theo Thánh
sử Mát-thêu) ; hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi
người.
Ø Để
các môn đệ đừng hiểu lệch lạc những khái niệm « nhỏ nhất »,
« trẻ con », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giêsu
đem một em bé tới đặt giữa họ.
Ø Cuối
cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giêsu đi đến cùng,
bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh
Thầy, là tiếp đón chính Thầy ».
Loài
người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giêsu lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ
nhất”. Cách Đức Giêsu trả lời như thế và cách ba Tin Mừng thuật lại như vậy,
trong thực tế có thể lại gây ra một cuộc tranh luận khác, còn sôi nổi và gay
gắt hơn : thế nào là nhỏ nhất, thế nào trẻ em, thế nào là rốt hết, thế nào
là người phục vụ ? Bằng chứng là, chẳng có chú giải nào giống chú giải
nào, chẳng có bài giảng nào giống bài giảng nào về vấn đề này.
Đó
là vì, lời Đức Giêsu không phài là lí thuyết, thúc đẩy người ta phải đưa ra
định nghĩa chính xác về khái niệm « nhỏ nhất » ; hơn nữa, điều
mà Đức Giê-su muốn diễn tả, cũng không thể định nghĩa được. Thật vậy,
« nhỏ nhất là gì », phải chăng là tuổi tác, là vóc dáng, là chức vụ,
là trình độ học vấn, mức độ thánh thiện hay tội lỗi ? Lời của Đức Giê-su
không đưa ra một tiêu chuẩn khác để xếp loại hay áp đặt một mô hình thứ bậc
khác, nhưng là một tinh thần khác, một năng động khác, một con đường khác.
Vì
thế, thay vì định nghĩa hay tranh cãi, lời của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đưa
ra một lựa chọn của con tim. Một khi con tim được Đức Giê-su chữa lành khỏi căn
bệnh quyền bính, căn bệnh hơn người, căn bệnh vẻ bề ngoài, sẽ tìm được cách
diễn tả tốt nhất trong cộng đoàn, dù mình là ai, có trách nhiệm hay nhiệm vụ
gì.
* * *
Chúng
ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : “Kế đó, Người đem một
em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó” (Mc 9, 36). Và Ngài sẽ thực sự trở
nên “em bé” đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa lành
chúng ta không chỉ bằng lời nói quyền năng, nhưng còn bằng cái chết của Ngài
trên Thập Giá, vốn cũng là một Lời, “Lời Thập Giá” (x. 1Cr 1, 18).
Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài
sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của
bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và
những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn
ngoan của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):
Ngài
cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
3. “Đừng ngăn cản người
ta”
Chứng
kiến điều kì diệu, đó là Danh Thầy Giê-su được tuyên xưng vượt khỏi giới hạn
nhóm của mình, và Danh của Người có sức mạnh trừ quỉ, nhưng thay vì tạ ơn Chúa,
ca tụng Thầy và chúc mừng người ta, với tâm hồn trẻ thơ, thì môn đệ Gioan và
các môn đệ khác lại “cố ngăn cản”, vì người này không thuộc nhóm các môn đệ đi
theo Đức Giê-su !
Trong
đời sống đức tin và cả trong đời sống ơn gọi nữa, cái nhìn của chúng ta về
người khác, về những gì họ làm và những gì thuộc về họ cũng thường hay bị chi
phối phối nặng nề bởi những khuôn khổ, những qui luật, những nguyên tắc, những
tư tưởng, những cách hiểu hay cả một ý thức hệ có sẵn của chúng ta. Tương tự như
cái nhìn của người con lớn về người em, trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (x. Lc
15, 11-32), phản ứng của ông trưởng hội đường đối với người phụ nữ còng lưng
được Đức Giê-su chữa lành (x. Lc 13, 10-17), cái nhìn của ông Simon về người
phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50) hay như quyết định cực đoan (cùng nhau bàn
tính, lập mưu để giết chết) của những người Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su, sau
khi chứng kiến Người chữa lành người bị bại tay trong hội đường, vào ngày
Sa-bát (x. Mc 3, 1-6). Vì thế, chúng ta không thể mở mắt, mở tai và mở lòng ra
để nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, hoạt động kỳ diệu của Người
nơi mọi người và mọi nơi, vượt xa mọi khuôn khổ, với tâm tình tạ ơn và ca tụng.
* * *
Đức
Giê-su mời gọi các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa
Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Như thế, Đức
Giê-su mời gọi các môn đệ của Người, các môn đệ lắng nghe trực tiếp lời của Đức
Giê-su và các môn đệ thuộc mọi thời, là chúng ta hôm nay, những người nghe được
lời của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng, một đàng nhận ra rằng, có những
người “thuộc về” Đức Ki-tô, cho dù không công khai thuộc về “nhóm chúng ta”, và
đàng khác, các môn đệ được mời gọi nhận ra điều kì diệu. Điều kỳ diệu ở đây là
Danh Thầy Giê-su có sức mạnh đẩy lui sự hiện diện và hành động của ma quỉ.
Không chỉ Danh Thầy được “chúng ta” tuyên xưng, nhưng mọi sự trong mọi người, ở
mọi nơi và mọi thời, thuộc về Danh Thầy, với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa,
đều có sức mạnh đánh tan bóng tối, bầu khi chết chóc, ma quỉ và Sự Dữ. Bởi vì
“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (Ga 1, 3).
Thay
vì khép kín, chúng ta được mời gọi nhận ra Danh Thầy Giê-su, với tư cách là
Ngôi Lời, được tuyên xưng và phát huy sức mạnh nơi mọi người, nơi các nền văn
hóa, nơi các dân tộc, nơi các tôn giáo, và cả trong sáng tạo nữa, bởi vì:
Trời xanh tường thuật
vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
…………………
Chẳng một lời một lẽ,
chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
(Tv
19, 2-5; x. Rm 10, 18)
* * *
Cuối
cùng Đức Giê-su nêu ra “một qui tắc” nhận định, có giá trị cho mọi nơi và mọi
thời, để nhận biết ai thuộc về, hay rộng hơn, những gì thuộc về “chúng ta”;
“chúng ta” là chính Ngài và những người đi theo Ngài, vốn sẽ làm nên Giáo Hội.
Đức
Giê-su nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qui tắc này vượt xa những khác biệt
về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp
với Tin Mừng mà Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người rao giảng, để nhận ra, dưới tác
động của Thần Thần, Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa hiện diện ở khắp nơi trong
sáng tạo và trong lịch sử (x. Tv 136), lịch sử cứu độ, lịch sử loài người và
trong cuộc đời của từng người chúng ta.
Lm
Giuse Nguyễn Văn Lộc