Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần X Thường Niên
CẢM NGHIỆM TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM
CHÚA GIÊSU
Lời Chúa: Ga 19, 31-37
Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử
thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày
trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi
đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ
nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu,
chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên
lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra.
Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và
người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra
để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: "Không một cái xương nào của Người bị
đánh giập". Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: "Chúng sẽ nhìn vào Ðấng
chúng đã đâm thâu qua".
Suy Niệm:
I.
Thánh Tâm Chúa Giêsu thương xót nhân loại tội lỗi:
Phúc âm thánh Gioan thuật lại rằng: “Một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh
sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra". (Ga 19,31-37). Đây
chính là lời mạc khải tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu mong muốn toàn thể nhân loại phạt tạ Thánh Tâm, để đề bù tội lỗi đã xúc
phạm đến Ngài. Ngài đã nhiều lần hiện ra với thánh nữ Margaret Mary Alacoque, đặc biệt khi chị
chầu Thánh Thể, vào ngày 16-6-1675, Ngài đã yêu cầu Thánh nữ xin Giáo Hội cử
hành lễ
Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, để đền bù sự
vô ơn bạc nghĩa của loài người đối với sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu.
Giáo Hội thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hằng
năm vào ngày Thứ sáu sau Chúa nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô để mỗi người
tín hữu tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong đời sống của chúng ta.
II. Cảm nghiệm tình yêu của Thánh Tâm Chúa
Giêsu:
Thánh Tâm Chúa luôn yêu thương chúng ta. Chúng
ta hãy cảm nghiệm tình yêu của Thánh Tâm Chúa bằng việc nhận biết, yêu mến và
tôn sùng Thánh Tâm Chúa.
-
Nhận biết Thánh Tâm là trái tim đầy lòng thương xót.
Thánh
Gioan tông đồ đã nói : “Chúng ta biết và
tin vào tình Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (1Ga 1,16).
ĐTC Phanxicô đã nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho con người sự sống, phục sinh con
người từ cõi chết. Chúa luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi
chúng ta với lòng thương xót. Chúng ta đừng ngại đến với Người. Người có một
trái tim nhân hậu. Nếu chúng ta bày tỏ với Người những vết thương trong lòng
mình, tội lỗi của mình, Người luôn tha thứ cho chúng ta”. (10-06-2013)
-
Yêu mến Thánh Tâm Chúa vì Ngài luôn yêu thương ta, nhất là khi ta sa
ngã phạm tội.
Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ phạm tội ngoại
tình: “Ta không kết án chị đâu. Chị hãy về
và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Mỗi người chúng ta đều là tội nhân của Ngài,
nên chúng ta muốn yêu mến Thánh Tâm Chúa, trước hết phải nhận ra tội lỗi của
mình, phải sám hối và sửa đổi con người cũ. Cảm nghiệm được lòng thương xót của
Thánh Tâm Chúa, giúp mọi người biết hoán cải, biết thay đổi đời sống, thay đổi
đời sống gia đình. Người xưa dạy : “Tu
thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Chúng ta hãy có lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa hơn
nữa, vì tình thương yêu của Ngài luôn yêu thương, sẵn sàng trao ban cho ta đầy
tràn ân sủng, tình yêu và sự sống của Ngài: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào.”
-
Tôn sùng Thánh Tâm Chúa
Chúng ta hãy tôn vinh tình yêu của Thánh Tâm
Chúa.
Thánh Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958) đã khẳng định: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái
Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi
như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một
hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu
quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác”.
(Thông Điệp Haurietis Aquas).
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng kêu gọi mọi
tín hữu trên toàn thế giới như sau: “Trong thế kỷ 21 hiện nay, nhu cầu đền tạ Thánh Tâm càng thêm khẩn
thiết trước sự lan tràn của tội ác phá thai; sự phổ biến của các hành động ngừa
thai nhân tạo, triệt sản, ly dị, giới trẻ được giáo dục sai lạc ngay cả nơi phần
đông các gia đình Công giáo; lo mưu cầu lợi ích cá nhân, đam mê hưởng thụ, ích
kỷ… và quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá; tôn thờ văn hoá sự chết, thiếu xác tín
hay bất phục giáo huấn chân thực của Hội thánh ngay cả trong hàng ngũ giáo sĩ,
tu sĩ”.
Như vậy, mỗi người chúng ta thể hiện lòng tôn
sùng Thánh Tâm Chúa bằng việc củng số lại đời sống đức tin và sống đức ái nơi bản
thân và đời sống của mỗi gia đình; Chúng ta cần phải có lòng tôn sùng, yêu mến
Thánh Tâm Chúa sẽ giúp cải hóa bản thân mỗi người, gia đình và thế giới.
III. Sống liên kết và yêu mến Thánh Tâm Chúa:
Cảm nghiệm tình yêu của Thánh Tâm Chúa, chúng
ta hãy liên kết với Thánh tâm Chúa và yêu mến Ngài. Làm thế nào để mến yêu
chính tình thương xót của Chúa?
1.Tin vào Thánh Tâm Chúa
Là tin vào sự hiện diện của Ngài trong mọi biến
cố vui buồn xảy đến với chúng ta. Nhờ đức tin mạnh mẽ, giúp chúng ta can đảm sống
đạo và làm chứng cho tình yêu của Chúa cho mọi người; tin rằng Chúa đỡ nâng, dẫn
dắt chúng ta, để chúng ta không ngã lòng, thất vọng trước những thánh giá trong
cuộc đời.
2.Học sống lối sống của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu có lòng hiền lành và khiêm nhường: “Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm
nhường trong lòng” (Mt 11,29), và hết
yêu thương phục vụ mọi người: “Ta đến
không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cho nhiều người”.
Chúng ta hãy học thái độ hiền lành, khiêm nhường như Chúa, có tinh thần phục
vụ như Chúa.
3.Sống đạo đức
Lòng yêu mến của chúng ta phải thể hiện qua đời
sống đức tin, sống đạo đức, năng cầu nguyện. Người đạo đức là người yêu mến
Thánh lễ và Thánh Thể và siêng năng cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa. Người đạo đức
là người biết nhìn nhận những khuyết điểm, tội lỗi bất toàn của mình, để biết
xa tránh tội lỗi, biết từ bỏ những đam mê bất chính, những thói hư tât xấu của
mình. Biết lỗi thì cũng biết sửa lỗi, bằng cách ăn năn sám hối, đến với Bí tích
Hòa Giải để được Chúa tha thứ, và trở nên con người mới, người Kitô hữu tốt.
4. Biết xót thương người khác
Khi biết khiêm nhường, biết sám hối, biết thay
đổi đời sống, thì chúng ta cũng biết xót thương những người tội lỗi, để không
lên án ai, kết tội ai, nhưng biết tha thứ và yêu thương họ, như trong dụ ngôn
người mắc nợ ông chủ rất nhiều, được chủ tha hết nợ, nhưng anh lại không biết
tha nợ cho anh bạn chỉ mắc nợ anh với số tiền rất nhỏ.
Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu thương xót và thứ tha tội lỗi của
nhân loại hôm nay, cũng như thanh tẩy con người cũ của chúng ta, để trở nên người
Kitô hữu hoàn hảo như Chúa mong muốn. Amen.
Lm. Duy
Khang