Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 20

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên

THÁNH BARTÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ

thu 6 tuan XX.jpg

Lời Chúa: Ga 1, 45-51

45 Khi ấy, ông Philipphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét”. 46 Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được?” Ông Philipphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối”. 48 Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi ông Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. 49 Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” 50 Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”.  51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”.

Suy niệm

Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và tông đồ Nathanaen. Danh xưng này có nghĩa là “Thiên Chúa đã ban cho”. Nathanaen còn có tên gọi là Bartôlômêô.

Tông đồ Bartôlômêô là người gốc Cana, xứ Galilê. Tin Mừng cho thấy, ngay từ lúc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, tông đồ Bartôlômêô đã được cùng với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các tông đồ đi dự tiệc cưới tại Cana, và ông đã chứng kiến phép lạ nước lã biến thành rượu ngon (x. Ga 2,1-12). Trước khi được kêu gọi, thánh Bartôlômêô đã được thánh Philipphê giới thiệu với Chúa Giêsu ở bờ sông Giođan, được nghe về Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, đó là người con của ông Giuse, cư ngụ tại Nadarét. Tông đồ Bartôlômêô tự hỏi: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Tông đồ Philipphê liền trả lời: “Cứ đến mà xem” (c. 46). Thoạt đầu tông đồ Bartôlômêô không mấy thiện cảm với những người dân vùng lân cận. Đối với ông, không thể có chuyện Con Thiên Chúa lại xuất thân từ một nơi tầm thường như Nadarét. Giống như nhiều người Do Thái, ông cho rằng Đấng Mêsia, dòng dõi vua Đavít phải xuất thân từ ngôi làng của tổ phụ, đó là Bêlem. Nhưng theo lời đề nghị của Philipphê, Bartôlômêô đã đến chỗ Chúa Giêsu ở. Khi thấy Bartôlômêô đến, Chúa Giêsu khen ngợi ông là một người Israel lòng dạ ngay thẳng không có điều gì gian dối. Lời nhận xét này làm Bartôlômêô kinh ngạc và hỏi: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” (c. 48). Đức Giêsu trả lời vì Người đã nhìn thấy ông khi đứng dưới cây vả, điều này đã chạm đến tận sâu tâm hồn Bartôlômêô khiến ông nhận ra nguồn gốc thiên sai và sự thật cao cả về con người Giêsu. Trước thái độ tin tưởng và tâm hồn chân thật của tông đồ Bartôlômêô, Chúa Giêsu cho biết ông sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa. Các ông sẽ thấy cảnh trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người (c. 51).

Cuộc đời thánh Bartôlômêô gắn liền với Thầy Giêsu và nhóm Mười Hai. Sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ được trao ban sức mạnh Thánh Thần, các ông nhiệt thành ra đi truyền giáo. Có nhiều truyền thống cho biết, tông đồ Bartôlômêô đã truyền giáo tại vùng Tiểu Á, Mêsopotamia, Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nhất ở vùng Armenia. Vì thế người tín hữu ở Armenia tôn kính thánh nhân như vị tông đồ dành riêng cho họ. Người ta kể rằng, khi thánh tông đồ đến Armenia, nơi vua Polimio cai trị thì mọi quỷ thần ở đấy đều vâng phục. Ngài chữa cho nhiều người khỏi bị quỉ ám, trong số đó có cả nàng công chúa con của vua. Vua liền cho mời ngài đến triều đình truyền cho quỉ thần phải nói sự thật về số phận của chúng. Nhà vua cảm động ban tặng tiền bạc cho vị tông đồ, nhưng ngài từ khước, chỉ cầu mong mọi người nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa.

Từ sự việc đó, các tư tế thờ ma quỉ tức giận, họ xúi giục dân chúng nổi dậy chống lại thánh nhân. Nhà vua bắt ngài giam trong ngục và hành hạ đủ mọi hình thức. Cuối cùng khi không khuất phục được, ông ra lệnh lột da và nổi lửa thiêu sống thánh nhân. Nhờ quyền năng Chúa, ngài đã được cứu sống. Ngày nay trong đền thờ Sixtine ở Rôma còn lưu giữ bức tranh của họa sĩ Michel Angel họa lại chân dung thánh Bartôlômêô, trong tay ngài cầm miếng da của chính mình và bên cạnh có con dao. Thánh Bartôlômêô đã chịu tử đạo vì danh Đức Giêsu vào năm 52. Truyền thống Giáo hội cho rằng thi hài ngài được chôn cất ở Beneventô. Sau đó, hoàng đế Ottô III đưa về lưu giữ ở thành phố Rôma. Cuộc đời chứng tá của thánh Bartôlômêô cho thấy, mỗi người chúng ta cần có cuộc gặp gỡ gần gũi với Đức Giêsu để Người khai mở tâm trí và khơi lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến. Chính cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu mà chúng ta được biến đổi, từ một con người khô khan hèn yếu thành một người kiên trung tin tưởng.

Thiên Chúa đã ươm gieo hạt giống thánh thiện vào trái tim con người. Bổn phận của chúng ta là làm cho hạt giống ấy nảy mầm, tăng trưởng và đơm bông kết trái. Thiên Chúa còn trợ giúp chúng ta bằng ân sủng qua các Bí tích. Người cho chúng ta những vị mục tử khôn ngoan, thánh thiện để hướng dẫn dạy dỗ chúng ta. Mỗi người chúng ta được mời gọi nên thánh trong bậc sống của mình. Ước muốn khát khao nên thánh hướng lòng chúng ta về Thiên Chúa là cội nguồn của sự thánh thiện. Trong tông huấn Hãy Vui Mừng và Hân Hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả vẻ đẹp của Giáo hội biểu hiện chan hòa trong đời sống của mọi thành phần dân Chúa. Người nói “Tôi thích chiêm ngưỡng sự thánh thiện đang hiện diện trong sự kiên nhẫn của dân Chúa: nơi những người cha người mẹ đang dưỡng dục con cái của họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc cực nhọc để phụ giúp gia đình, nơi những người đau bệnh, nơi các tu sĩ cao niên mà vẫn không bao giờ đánh mất nụ cười trên môi. Tôi nhận thấy sự thánh thiện của Giáo hội đang chiến đấu trong sự kiên trì hàng ngày của họ. Sự thánh thiện còn được tìm thấy nơi những người láng giềng ngay bên cạnh chúng ta hàng ngày, đó là những người đang sống giữa chúng ta, họ chiếu tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa” (GE, 7).

Khi sinh vào trần gian, Thiên Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ta một sứ mạng, đó là loan báo lòng thương xót của Chúa cho mọi loài thụ tạo, giúp họ sống tròn đầy sung mãn ơn gọi của họ. Để chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa, đòi hỏi chúng ta phải có lòng yêu mến, dám chấp nhận đau khổ và những hy sinh.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Bartôlômêô tông đồ đã đánh đổi cả mạng sống để làm chứng cho Chúa. Chúa đã dùng tình yêu thương mà chinh phục thánh Bartôlômêô trở thành vị tông đồ nhiệt thành, xin tình yêu Chúa thánh hóa và biến đổi chúng con nên những tông đồ hăng say ra đi loan báo tình thương Chúa cho mọi người. Amen. 

Nt. M. Anh Thư, OP

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên - Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XX Thường Niên - Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XX Thường Niên - Đaminh Trần văn Tân, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XX Thường Niên - Nt. Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm A-Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên- Lm. Duy Khang

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XX Thường Niên_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XX Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XX Thường Niên- Lm. Phero Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm B-LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XX Thường Niên Năm B- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên_Lm Micae Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ bảy Tuần XX Thường Niên A: Trung Thực Với Lời Nói
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên_Tam Thái