SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN B
Chúa Giêsu xác định sự tương quan và lập trường của Ngài đối với cựu uớc: Ngài không phá đổ, nhưng là kiện toàn, làm cho hoàn hảo và trọn vẹn hơn, đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.
LỜI CHÚA : Mt 5, 17-19
(17) "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
SUY NIỆM
Thánh ý của Thiên Chúa Cha là kim chỉ nam cho tất cả cuộc đời Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu Ngôi Lời làm Người, chính Chúa Giêsu xác nhận “của ăn của Thầy là làm theo thánh ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Cả công trình cứu độ của Chúa Giêsu cũng gói trọn thánh ý của Chúa Cha. Chúa Giêsu Đấng cứu chuộc chúng ta, cũng dạy cho chúng ta sống theo thánh ý của Chúa Cha. Điều gì không đúng với thánh ý của Chúa Cha Ngài điều chỉnh lại, để chúng ta không sống sai lạc, ở ngoài thánh ý Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu làm cho lề luật Môsê được nên trọn hảo cũng theo ý hướng ấy, để giúp chúng ta sống đúng chân lý, là thánh ý Thiên Chúa hầu đạt được ơn cứu độ.
Bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em đừng tưởng rằng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn”. Chúa Giêsu còn tuyên bố thêm “ trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi cho đến khi mọi sự hoàn thành”. Các kinh sư thì hài lòng về việc chú giải lề luật, nhưng không bao giờ cho phép mình sửa đổi bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào của lề luật. Còn Chúa Giêsu thì hạn định lời khẳng định của mình là “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”, tức là cho đến khi Ngài hoàn tất cuộc tử nạn và phục sinh, Ngài sẽ thiết lập một trật tự mới. Chúa Giêsu kiện toàn lề luật là đem lề luật đến chỗ thập toàn, đạt đến ý nghĩa tròn đầy, ít nhất trong những lệnh truyền luân lý của lề luật, Chúa Giêsu đã nặng lời với nhóm Biệt phái: “Khốn cho các ngươi hỡi các Kinh sư và người Biệt phái giả hình! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín, các điều này vẫn phải cứ làm, mà các điều kia cũng không được bỏ” ( Mt 23, 13 ). Chúa Giêsu trách cứ họ không phải vì họ giữ luật đến các chi tiết nhỏ, nhưng vì họ nghĩ là giữ như vậy thì họ được miễn khỏi thi hành các nhân đức. Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, thậm chí Ngài đưa nó về sự tinh tuyền nguyên thủy, nó có một yêu sách trước tiên là ở nơi lòng dạ chính trực và phân định luật yêu thương như là luật cao hơn tất cả mọi lề luật khác, Chúa Giêsu tự đặt mình là nhà lập pháp trên Môsê: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em…”. Chúa Giêsu đưa ví dẫn chứng: Chúa Giêsu không chỉ lên án tội sát nhân mà còn những tình cảm trong lòng dẫn đến tội sát nhân như nóng giận, nó tăng dần từ mắng nhiếc rồi đến chửi rủa, trước là xử ở tòa án địa phương rồi đến Thượng Hội Đồng, sau cùng là lửa hỏa ngục. Nhưng nếu có luật yêu thương ngự trị giữa con người sẽ không có tội sát nhân và tòa án xét xử. Về tội ngoại tình không chỉ có tội khi bị bắt quả tang, nhưng ngay khi nhìn một người nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình rồi. Với tội thề gian Chúa Giêsu dạy: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ”. Trong việc kiện toàn lề luật Chúa dạy chúng ta tôn trọng và giữ luật không chỉ ở trong điều lớn mà cả điều nhỏ nhặt nhất, một chấm một phẩy cũng không được bỏ qua cho đến ngày cánh chung. Ai giữ và dạy người ta giữ là người đáng ca tụng, là người đáng kính đáng mến yêu đó là người lớn nhất trong nước trời.
Trong việc Chúa Giêsu kiện toàn lề luật, có một sự nối tiếp và nên trọn từ Cựu Ước đến Tân Ước, Chúa không phá đổ nhưng làm cho nó tốt đẹp theo thánh ý Chúa hơn. Noi gương Chúa Giêsu, khi chúng ta thay một người trong một chức vụ nào đó, chúng ta đừng ỷ lại vào tài trí, sức lực và ý tưởng riêng của chúng ta để phá bỏ cái cũ, mà xây dựng một cái khác hoàn toàn, làm như thế là có tính bảo thủ rất khó đạt được sự tiến bộ, chúng ta cũng không nên vội vàng theo sở thích để thay đổi tất cả, vì như thế là bất khôn và sẽ có thể thất bại. Cần có sự tương quan giữa cái trước với cái sau thì công việc ta làm dễ có kết quả, chúng ta chỉ tìm sự tốt đẹp trọn hảo đúng thánh ý Thiên Chúa, chứ không theo sở thích của chúng ta. Chúa Giêsu còn dạy chúng ta biết tôn trọng và tuân giữ lề luật thật cặn kẽ, vì tinh thần ấy biểu lộ lòng yêu kính thánh ý Thiên Chúa. Không những chúng ta chỉ lo cho mình giữ trọn lề luật, mà còn giúp người khác tuân giữ như vậy mới làm vui lòng Chúa, và đáng được có giá trị trước mặt Chúa nữa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con biết thay đổi tinh thần tuân giữ lề luật như Chúa dạy, giữ cặn kẽ trọn hảo, thật trung thành cho đến chết để tỏ lòng yêu mến Chúa, và đáng được Chúa yêu thương.
Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
Đaminh Monteils