SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN C
LỜI CHÚA: LC 7, 11 – 17
(11) Sau đó, Ðức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám người rất đông cùng đi với Người. (12) Khi Ðức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có đám rất đông người trong thành cùng đi với bà. (13) Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" (14) Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Ðức Giêsu nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!" (15) Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Ðức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. (16) Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". (17) Lời này được đồn ra trong khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận.
SUY NIỆM
Trong kinh Salve Regina (Kính chào Đức Nữ Vương) cho thấy ‘Trần gian là một thung lũng đầy nước mắt’. Và có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà con người ta khi sinh ra liền cất tiếng khóc chào đời. Vì thế, phải chăng định mệnh, số phận của con người là cam chịu đau khổ như giáo lý nhà phật có nói: “Đời là bể khổ” – và sinh, bệnh, lão tử là lẽ đương nhiên của con người…? Nếu đúng như thế thì cuộc đời này phải chăng thật là phi lý, bi đát và vô nghĩa – Người ta sinh ra để chịu khổ thì thà rằng đừng sinh ra thì hơn! Lần giở kinh thánh chúng ta thấy được một chân lý, một ý nghĩa làm sáng lên niềm hy vọng cho con người: Từ ban sơ Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp và người chúc phúc cho chúng được sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất (St 1, 1 – 21). Người muốn chia sẻ hạnh phúc của Người cho con người. Sở dĩ có đau khổ là do sự tội – Tội lỗi đã xâm nhập trần gian nên đã có đau khổ và sự chết. (St 3, 1 - 19) Tuy nhiên Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu và xót thương, Người muốn cho con Người được sống và được hạnh phúc nên đã sai con của người đến trần gian để cứu độ con người, để dạy cho con người lẽ sống yêu thương vốn là liều thuốc hóa giải mọi đau khổ.
Người Con Thiên Chúa ấy – Đức Giê-su Ki-tô – Đấng Cứu độ, Đấng chạnh lòng thương xót khi nhìn những nỗi đau khổ của phàm nhân và không ngừng ra tay cứu giúp họ, hôm nay đã dùng uy quyền của Người phục sinh con trai một bà góa đang bi thương khóc lóc. Bà khóc thương con mình nhưng cũng là khóc thương cho số phận của bà. Đức Giêsu đã nhìn thấu điều đó. Vì chồng đã chết, bà chỉ có một người con trai duy nhất làm chỗ nương tựa thế mà anh lại bỏ bà ra đi vĩnh viễn. Có tiếng khóc nào bi thương ai oán cho bằng tiếng khóc của người mẹ khóc con mình, tiếng khóc của người đầu bạc tiễn đưa kẻ đầu xanh. Từ nay bà trở thành kẻ cô đơn lạc loài, nghèo khó và bơ vơ…! Hình ảnh bà góa mất con khiến Đức Giê-su chạnh lòng nghĩ đến nỗi đau của Mẹ Ngài; rồi một ngày gần đây Ngài sẽ ra đi và Mẹ Ngài sẽ phải hiến tế cõi lòng tan nát để thi hành thánh ý Chúa Cha. Đức Giê-su nói với bà góa: "Bà đừng khóc nữa!" (c.13) rồi Ngài tiến lại gần, đụng đến quan tài (theo luật thì đây là việc không được làm) – Ngài không sợ ‘ô uế’, bởi Ngài là Đấng trong sạch miễn nhiễm với mọi thứ ‘uế tạp’ do con người đặt ra – và Ngài truyền cho người chết: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!" (c.14). Đức Giê-su đã cảm thương nỗi đau của bà góa, Ngài không chỉ nói suông, an ủi suông khi bảo bà đừng khóc nữa, nhưng quả thực Ngài đã làm cho bà hết khóc, đem lại niềm vui còn lớn lao hơn nữa cho bà khi trao lại cho bà người người con hoàn toàn khỏe mạnh. Thật là một điều kỳ diệu, một tin vui mừng khôn tả vì: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người" (c.16).
Ngày 7/9/2013 vừa qua, Đức thánh cha Phan-xi-cô I đã kêu gọi Giáo Hội toàn cầu cử hành Thánh lễ Mừng kính Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria là Đấng đã đem lại cho thế giới vị ‘Hoàng Tử Hòa bình’ là Đức Giê-su Ki-tô, và thực hành những việc đạo đức, bác ái, hy sinh để cầu nguyện cho hòa bình tại đất nước Syria. Tình cảnh chiến sự gây bao đau thương chết chóc ở Syria đã khiến tấm lòng người cha chung ‘chạnh thương’, và Ngài mời gọi, khơi dậy nơi các Ki-tô hữu sự ‘chạnh thương’ ấy. Đức Thánh cha đã làm một việc thực ý nghĩa theo tinh thần đức tin Ki-tô giáo – bởi vì yêu thương chính là ‘đồng phục đích thực của người Ki-tô hữu’. chúng ta có thể xét mình xem tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô có còn là nhựa sống chan chảy nơi tâm hồn mỗi người, để chúng ta có đủ nhạy bén và rung động trước nỗi đau của con người, hay chúng ta đã bị cho thế giới nặng vật chất và ích kỷ làm cho chai lỳ xơ cứng trước những nỗi khổ đau của người anh em. Hoặc cũng có thể cuộc đời của ta cũng chất đầy những đau khổ: “Tôi thương người khác, nhưng ai là người thương tôi đây?!” Hoặc cũng có thể khổ đau nhan nhản đầy dẫy trước mắt, mà ta nhìn thấy ‘nhiều quá hóa quen’ khiến tim ta không còn rung động, lòng ta không còn biết chạnh thương…
Trong một khía cạnh nào đó, trái tim ta đã chết, tình yêu ta đã chết. Đồng thời, chúng ta có thể cũng là những người đang chìm đắm trong đam mê dục vọng chết chóc. Vì thế, trên một bình diện nào đó, chúng ta là những người đáng thương và đang cần sự cứu giúp, cần Đức Giê-su phục sinh, làm cho sống lại sức sống tình yêu của Thiên Chúa. Và câu nói của Đức Giê-su: “Hỡi người thanh niên, tôi truyền cho anh hãy trỗi dậy!” cũng là câu chúng ta cần đến nơi Chúa; để nhờ quyền lực của Lời Chúa, chúng ta có khả năng trỗi dậy, đứng lên và trở về cuộc sống của người con cái Chúa.
Lạy Chúa Giê-su! Xin Chúa đến với con, đụng chạm đến con - người đã chết bởi biết bao thói hư tật xấu; đã chết vì trái tim không còn biết rung cảm trước những nỗi đau của tha nhân; Cuộc đời thực dụng chỉ biết tính toán thiệt hơn vật chất; Thậm tính toán cả về những việc thuộc lãnh vực tinh thần, đạo đức, bác ái… - Tất cả chúng con qui về những con số! Xin Chúa cứu vớt con, phục sinh con, ban cho con một trái tim mới, một tinh thần mới để cuộc đời con sẽ là lời rao truyền, ca khen tình yêu và quyền năng của Ngài. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh