Thứ năm tuần XXIX thường niên C
NGỌN LỬA GIÊSU
Lc 12, 49-53
Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ thật phong phú và đa dạng: đủ mọi giống, mọi loài. Mỗi loài, mỗi giống có hình thái, kích cỡ khác nhau: chẳng hạn loài cá có thứ chỉ nhỏ bằng cây kim, có thứ to như cái nhà… Con người thì đủ mọi tính tình, khuynh hướng, trình độ khác nhau. Từ đó phát sinh những triết lý thần học, tôn giáo, lập trường, chủ nghĩa, lề lối suy nghĩ khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau…Và ai cũng cho rằng quan niệm của mình là đúng nhất, là thích đáng hoặc hợp lý nhất. Chính vì thế mà người ta cứ khư khư giữ lấy quan điểm và lập trường của mình.
Vì thế, nguyên nhân gây ra rắc rối, xung đột và chia rẽ nơi con người là ai cũng muốn người khác theo quan điểm lập trường của mình: bằng áp lực tình cảm, bằng uy thế (địa vị, tuổi tác, uy tín hay khôn ngoan…), thậm chí bằng bạo lực (cảnh cáo, đe dọa). Vì không chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng và khác biệt này, nên con người vẫn không hiêp nhất với nhau, vẫn mãi mãi chia rẽ và xung đột.
Chính vì thế, khi Đức Giêsu đến để đem chân lý cho nhân loại. Ngài và các tông đồ đã bị những người khác ghét bỏ, tẩy chay, hãm hại và thậm chí giết chết. Các ki tô hữu tiên khởi cũng bị các vua chúa và các những người đồng hương bách hại. quả đúng như lời Ngài nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất, Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo”. Các ki tô hữu bao thế hệ, kể cả hiện nay – nhất là tại các quốc gia loại trừ ki tô giáo, hay kỳ thị tôn giáo – cũng bị bách hại, và phải chiến đấu rất anh dũng mới tồn tại và phát triển. Nhưng thật lạ ký, mặc dù bị bách hại trăm bề, Ki tô giáo vẫn phát triển mạnh mẽ và hiện nay đã lôi kéo được một phần ba thế giới. Đúng như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin mừng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy cháy bùng lên!”
Trong gia đình ki tô hữu, một người theo Đức Giê su cách tích cực và đúng nghĩa thì có khi bị những người còn lại trong gia đình phản đối và cản trở. Trong các công đoàn cũng thường xảy ra tương tự như vậy, người theo Chúa một cách triệt để thường bị coi là lập dị, là bất bình thường, nếu chưa bị nói là khùng, là “mát”… Chính Đức Giêsu cũng bị người đời cho là “mất trí” (Mc3, 21). Đức Giêsu đã từng tiên báo số phận của họ: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đúng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Giống như thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, dân Việt bị phân chia thành lương và giáo, người có đạo bị bách hại, bị kỳ thị và nghi ngờ. Và kết quả là những thái độ loại bỏ người không cùng quan điểm chỉ gây phân hóa, suy yếu và làm thiệt hại lợi ích chung.
Đúng là sống trung thành với Đức Tin Kitô giáo có lúc chúng ta lâm vào cảnh bị nghi ngờ, bị bỏ rơi và bị loại trừ. Đó là điều Đức Giêsu đã cảnh báo trong bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta có thể đề phòng và tránh cho cộng đoàn của ta, cho Giáo Hội và cho toàn nhân loại những chia rẽ đáng thương.
Lạy Chúa, Đấng mời gọi chúng con lội ngược dòng theo Chúa, xin nâng đỡ chúng con, Amen.