CHÚA NHẬT
XXI TN A:
GIÁO HỘI XÂY TRÊN TẢNG
ĐÁ ĐỨC TIN CỦA PHÊRÔ
Gần đây
có một số người được xem là đạo đức, rất sốt sắng tham gia các hội đoàn cầu
nguyện, họ đang chuyền tay nhau những tài liệu được coi như là chân lý mạc khải
của Chúa và của Đức Mẹ. Những tập tài liệụ này được phổ biến nhanh chóng và rộng
rãi kèm theo lời đe dọa: Không đọc sẽ hối tiếc, hoặc ai không loan truyền cho
người khác sứ điệp này sẽ gặp những tai họa này tai họa khác. Nhiều người khi
đã lỡ đọc rồi, thì hoang mang, sợ lời đe dọa ấy sẽ xảy ra cho mình nếu mình
không truyền bá tài liệu đó. Nhưng vấn đề đáng lưu ý nơi những tài liệu này, là
họ dựa vào những tâm tình đạo đức cá nhân, những suy diễn cá nhân để giải thích
Lời Chúa. Nguy hiểm hơn, những tài liệu này đang muốn làm cho chúng ta hoang
mang và nghi ngờ quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô, những
người này dựa vào một lời tiên đoán của những kẻ bảo thủ cực đoan và kết luận Đức
Giáo Hoàng đương kim là ngụy giáo hoàng, là kẻ phá Giáo Hội. Họ không muốn thấy
một vị giáo hoàng gần gũi với mọi người, họ muốn một giáo hoàng nghiêm nghị cứng
rắn thay vì một giáo hoàng đơn sơ, bình dân như đức giáo hoàng Phanxicô.
Chúng ta
tin rằng Chúa Giêsu chính là mạc khải cuối cùng và trọn vẹn mà Thiên Chúa dành
cho con người, vì thế không cần và không buộc phải tin bất cứ một mạc khải
riêng tư nào khác nữa. Hơn nữa, mạc khải của Thiên Chúa qua Tin Mừng được trao cho
Giáo Hội giữ gìn nguyên vẹn và có bổn phận giải thích và thông truyền cho mọi
thế hệ, vì thế những ai nhân danh cá nhân để giải thích hoặc loan truyền những
điều nghịch với sự hướng dẫn của Giáo Hội, đó là những kẻ dối trá.
Tin Mừng
hôm nay đã cho thấy ý định của Chúa Giêsu khi chọn Phêrô, trao cho ông quyền cầm
buộc và tháo cởi, đồng thời Chúa đã quyết định xây dựng Giáo Hội của Ngài trên
đức tin của Phêrô. Thánh Mathew thuật lai: Khi Thầy trò đến vùng
Cesare-Philipphê, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: Người ta bảo con
người là ai? Chi tiết này cho thấy, sau một thời gian đi rao giảng Nước Trời và
làm nhiều phép lạ, Chúa muốn biết dân chúng hiểu thế nào về Ngài và về sứ mạng
của Ngài. Qua câu trả lời của các tông đồ cho thấy, dân chúng dường như chưa có
một hiểu biết gì khác hơn về Ngài, họ chỉ mới nhìn nhận Ngài như một vị tiên
tri giống như các tiên tri trong lịch sử của họ mà thôi.
Dường như
điều Chúa Giêsu quan tâm hơn lại là chính các tông đồ, khi Ngài đặt câu hỏi trực
tiếp với các ông: Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Simon Phêrô đã đại diện
cho các anh em thưa với Chúa rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống.
Câu trả lời thật chính xác và được Chúa khen, Chúa khẳng định đó chính là mặc
khải mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Phêrô. Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, có
nghĩa Phêrô tuyên xưng Ngài là Đấng được xức dầu, là Đấng Mesia muôn dân đang
mong đợi, là Đấng cứu thế, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống,
có nghĩa là Phêrô và các tông đồ đã tin Ngài là Con Thiên Chúa, là chính Thiên
Chúa, Đấng mà tổ tiên tôn thờ từ trước đến nay, là Đấng Hằng Hữu.
Chúa
Giêsu có quá vội vàng không, khi chỉ mới nghe một lời tuyên xưng như thế, mà
Ngài đã quyết định ngay việc thiết lập Giáo hội trên nền tảng đức tin của
Phêrô? Chúa Giêsu không hề vội vàng, cùng không hề sai lầm, mặc dù Ngài biết
Simon là một con người bộc trực, yêu Chúa nhưng Simon cũng lại là một con người
yếu đuối sẽ phản bội Chúa. Chúa không lấy sự khôn ngoan uyên bác làm nền tảng của
Giáo Hội, Chúa cũng không lấy sự đạo đức của một người nào đó làm trụ cột cho
Giáo Hội, nhưng Chúa đã lấy đức tin của Simon Phêrô và cả sự giới hạn của ông
và trao cho ông Giáo Hội của Ngài: Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội
Thánh của Thầy và quyền lực ma quỷ sẽ không thắng nổi. Chúa đã không nại đến sự
thánh thiện của Simon Phêrô và các tông đồ, Chúa cũng không chọn con người hoàn
hảo và trung thành như Gioan để trao quyền thủ lãnh, nhưng Chúa lại chọn Phêrô
cùng với sự yếu đuối của ông, để qua ông, mọi thành phần của Giáo Hội luôn
khiêm tốn nhìn lại sự khiếm khuyết của mình để biết cậy dựa vào quyền năng của
Thiên Chúa, đồng thời để dễ thông cảm với những người yếu đuối hơn: Thầy trao
cho con chìa khóa Nước Trời, dưới đất con ràng buộc điều gì, trên trời cũng
ràng buộc; Dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi. Chúa Giêsu
đã quá liều lĩnh khi trao hoàn toàn Giáo Hội là gia nghiệp của mình cho Phêrô,
và hoàn toàn đồng thuận với phán quyết của Phêrô và còn bảo đảm với Phêrô rằng:
cho dù hỏa ngục có quậy phá cũng không thể thắng được Giáo Hội.
Con người
thường hay đánh giá theo cái nhìn cảm tính cá nhân của mình, hoặc theo những
tiêu chuẩn do chính mình tạo ra, nhưng đó lại không phải là cách của Thiên
Chúa. Vì Thiên Chúa luôn muốn dùng những cái nhỏ bé để làm nên những việc lớn
lao, dùng những cái bất toàn để làm nên những giá trị vĩnh cửu, dùng những cái
yếu đuối mỏng manh để bày tỏ quyền năng và sức mạnh của Ngài. Tiên tri Isaia đã
cho thấy Thiên Chúa cũng đã từng thực hiện những việc như thế trong lịch sử,
khi nói về việc Thiên Chúa sẽ chọn một con người và trao cho kẻ ấy vương quyền
nhà Đavít: Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, đuổi ngươi khỏi địa vị… Ta sẽ gọi tôi
tớ Ta, Ta lấy áo bào của ngươi mà mặc cho nó, lấy cân đai của ngươi mà thắt cho
nó, lấy quyền bính của ngươi mà trao vào tay nó… Ta sẽ đặt chìa khóa nhà Đavít
trên vai nó, nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được.
Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột.
Thánh
Phaolô trong thư Rôma cũng đã chia sẻ sự khâm phục của Ngài trước chương trình
kỳ diệu của Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo hội và nơi từng tín hữu: Sự
phong phú, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa không ai dò thấu được, đường
lối của Người ai theo dõi được.? Ai đã biết tư tương của Chúa? Ai có thể làm cố
vấn cho Người?
Thưa quý
OBACE, việc Chúa chọn Simon Phêrô làm nền tảng cho Giáo Hội và trao cho ông quyền
cầm buộc và tháo cởi, quả là một mầu nhiệm, và lời Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội
kiên vững trước những sự chống đối của Satan quả là kỳ diệu hơn nữa. Điều đó
cho chúng ta thêm vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, và hết lòng yêu mến gắn
bó với Giáo Hội là mẹ của chúng ta, đồng thời khiêm tốn vâng nghe theo lời giảng
dạy của Phêrô và các Đấng kế vị Ngài.
Satan và
thế gian không thích Giáo Hội, vì thế nó tìm đủ mọi cách hết sức tinh vi để
tách lìa chúng ta khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội. Chúng ta xác tín rằng chỉ có
một Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền do Chúa Giêsu thiết
lập, của Chúa Giêsu, và được trao cho Phêrô và các tông đồ. Vì thế hãy cảnh
giác với những mưu mô của Satan, vì nó có thể dùng cả cái vỏ đạo đức, những người
bên ngoài xem như đạo đức để gieo vào trong chúng ta sự nghi ngờ Phêrô và giáo
Hội của Ngài, nó muốn tách chúng ta ra khỏi sự hiệp thông với ngai tòa Phêrô. Một
khi từ chối sự hiệp thông với Phêrô và các Đấng kế vị là tự mình tách ra khỏi
Giáo Hội của Chúa Kitô. Bên cạnh đó hãy cầu nguyện thật nhiều cho các vị chủ
chăn của chúng ta, hãy làm hết sức mình để xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất
trong Giáo Hội, đừng vì bất cứ lý do gì mà chúng ta tách lìa khỏi Giáo Hội.
Không chỉ
hiệp thông và xây dựng Giáo Hội phổ quát, chúng ta còn được mời gọi cầu nguyện,
công tác để xây dựng Giáo hội địa phương là Giáo Phận là Giáo xứ, vì nơi Giáo Hội
địa phương này, chúng ta được sinh ra trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng các
bí tích, được chăm sóc mục vụ từ nơi các chủ chăn của chúng ta. Hãy gắn bó bằng
lời cầu nguyện, bằng hiệp thông, cộng tác, đừng bao giờ biến mình trở thành kẻ
đứng bên ngoài mà chỉ trích Giáo Hội, nhưng hãy đặt mình trong địa vị của những
người con, cùng chung tay xây dựng Giáo phận, Giáo xứ mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Chúng ta
cũng đừng quên giáo hội thu nhỏ là chính các gia đình, nơi đó cha mẹ là những vị
chủ chăn, là những người chăm sóc nuôi dưỡng đời sống thể xác và đời sống
thiêng liêng cho từng thành viên. Hãy biến gia đình thực sự trở thành giáo hội
tại gia, thành đền thờ nơi Thiên Chúa hiện diện, bằng việc mỗi thành viên biết
canh tân đổi mới đời sống của mình mỗi ngày, sống gắn bó trong tình yêu thương
và tạo lập nên nếp sống đạo đức cho gia đình qua các giờ kinh, qua việc lắng
nghe Lời Chúa, cùng nhau tham dự thánh lễ, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn
của cuộc sống.
Sau cùng,
hãy tự hào vì mình là thành viên của Giáo hội, là con cái của Giáo Hội có Chúa
Kitô là đầu, là Thủ lãnh và luôn tin tưởng rằng Thánh Thần của Thiên Chúa luôn
hoạt động và hướng dẫn Hội Thánh, đồng thời mỗi người hãy để Thánh Thần canh
tân biến đổi bản thân và góp phần vào việc canh tân Hội Thánh bằng chính đời sống
thánh thiện mỗi ngày. Amen .
PHÊ-RÔ:
ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH
I. HỌC LỜI
CHÚA
1. TIN
MỪNG: Mt 16,13-20
(13) Khi
Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các
môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ
thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người
lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ” (15) Đức Giê-su
lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô
thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su
nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na. Anh thật là người có phúc,
vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của
Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh
là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội
Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ
trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì,
trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (20) Rồi Người cấm ngặt các môn
đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
2. Ý
CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN NỀN ĐÁ ĐỨC TIN CỦA SI-MON:
Để trả lời cho câu hỏi: “Người ta bảo Thầy
là ai ?”, Các môn đệ lần lượt kể lại dư luận về vai trò và sứ mạng
của Đức Giê-su. Riêng ông Si-mon đại diện nhóm Mười Hai tuyên xưng đức
tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ông đã được Đức
Giê-su khen là có phúc và được Người đổi tên thành Phê-rô, nghĩa là
“Tảng đá”. Người hứa sẽ xây Hội Thánh trên tảng đá đức tin của ông,
và cho ông khả năng chiến thắng ma quỷ. Người cũng trao quyền tối
thượng để ông cầm buộc hay tháo cởi về đức tin và luân lý ở trần gian.
3. CHÚ THÍCH
VÀ HỎI ĐÁP:
HÒI 1: Tên Phê-rô nghĩa là gì và việc đổi
tên mang ý nghĩa thế nào ? Tại sao Đức Giê-su lại xây Hội Thánh của
Người trên con người yếu đuối bất toàn Phê-rô, đang khi chỉ Người mới
chính là Tảng Đá đích thực (x. 1 Pr 2,4) ?
ĐÁP:
- Phê-rô hay Kê-pha nghĩa là Tảng Đá và có
hai nghĩa: Một là viên đá lớn, hai là tên riêng của vị Tông đồ Cả do Đức
Giê-su đặt thay thế tên cũ là Si-mon. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa thường
thay đổi tên kẻ Người muốn trao phó sứ vụ đặc biệt. Chẳng hạn: tổ phụ
Áp-ram được Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham nghĩa là “Cha của vô số người”
(x. St 17,5) để trao cho ông sứ vụ làm “Tổ phụ nhiều dân tộc” (x. Rm 4,17).
- Phê-rô tuy yếu đuối và đã từng sa ngã
phạm tội chối Thầy ba lần (x. Mt 26,69-74), nhưng ông đã được Đức
Giê-su thức tỉnh qua tiếng gà gáy và cái nhìn yêu thương khiến ông lập tức hồi
tâm sám hối (x. Lc 22,61-62). Về sau ông cũng tuyên xưng lòng mến Thầy ba
lần, nên đã được Người tha tội ba lần chối Thầy. Chính lòng mến của ông
Phê-rô khiến ông xứng đáng được ơn tha thứ như có lần Người đã nói về ơn tha
tội cho người phụ nữ tội lỗi đặt trọn niềm tin yêu nơi Người: “Tội của chị
ta rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị ta đã yêu mến nhiều.
Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (x. Lc 7,47).
- Đức Giê-su hứa sẽ xây dựng Hội Thánh trên
Tảng Đá vững chắc. Vậy Tảng Đá vững chắc nói đây là con người bất toàn Phê-rô
hay là đức tin vào Đức Ki-tô của ông ? Về vấn đề này thánh Phê-rô đã viết như
sau: “Anh em hãy lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta
loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy
để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi
đền thờ thiêng liêng... Còn đối với những kẻ không tin thì viên đá
thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá
làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào
Lời Chúa” (1 Pr 2,4-7). Còn thánh Phao-lô cũng khẳng định như sau: “Vì
không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn
là Đức Giê-su Ki-tô” (1 Cr 3,11). Như vậy Tảng Đá góc tường của tòa nhà Hội
Thánh chính là Đức Giê-su, và các tín hữu chúng ta cũng là những viên
đá sống động của tòa nhà Hội Thánh này.
Riêng đối với ông Si-mon, nhờ lời tuyên xưng
đức tin vào Đức Giê-su: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, ông
đã được Người khen là có phúc và đổi tên từ Si-mon thành Phê-rô
nghĩa là Tảng Đá. Trên nền móng Đá “Đức Tin Vào Đức Giê-su” này, mà
Hội Thánh đã được xây dựng. Đức Giê-su còn trao cho Phê-rô chìa khóa
Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi. Người cũng hứa sẽ cầu
nguyện để ông khỏi mất đức tin, và sau khi trở lại ông có trách
nhiệm củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng Phê-rô còn
được Chúa Phục Sinh trao quyền chăn dắt chiên con chiên mẹ của Người nhờ có
lòng tin yêu mạnh hơn các anh em khác (x. Ga 21,15-17).
HỎI 2: Phải chăng Đức Giê-su chỉ trao quyền
cầm buộc tháo cởi riêng cho Tông Đồ Phê-rô, chứ không trao cho các Đức
Giáo Hoàng là những đấng kế vị sau này ?
ĐÁP:
Nếu hiểu theo sát nghĩa đen thì câu trao
chìa khóa với quyền cầm buộc và tháo cởi chỉ được ban riêng cho Tông
đồ Phê-rô. Nhưng Chúa cũng ngầm nói đến Hội Thánh mà Phê-rô là người đứng
đầu. Thực vậy, Đức Giê-su đã hứa Hội Thánh được xây trên nền đá đức
tin của Phê-rô sẽ trường tồn bất diệt, nên Người cũng muốn quyền
được ban cho Phê-rô phải tiếp tục được lưu truyền cho các đấng kế vị
sau này là các Đức Giáo hòang kế vị Phê-rô. Chính vì thế, Giáo hội đã khẳng
định rằng: Đức Giáo hoàng khi đứng trên tòa thánh Phê-rô mà công bố
điều gì về đức tin và luân lý, đều được Chúa Thánh Thần ban ơn vô
ngộ, nghĩa là không thể sai lầm được. Vì cũng như Phê-rô xưa, tuy các
Đức Giáo hoàng có thể sai lầm trong những lãnh vực khác như chính
trị, kinh tế…, thậm chí có vị còn sa ngã phạm tội nặng nề như Giáo hoàng
Alexander VI… Nhưng như Phê-rô đã được ơn kiên vững đức tin thế nào, thì các
Đức Giáo hoàng cũng được Đức Giê-su luôn cầu nguyện để khỏi bị mất
đức tin, hầu có thể chu toàn nhiệm vụ “củng cố đức tin cho các anh em” (x.
Lc 22,31-32).
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA:
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng
Đá. Trên Tảng Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực
tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước
Trời: Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như
vậy. Dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như
vậy” (Mt 16,18-19).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MẨU CHUYỆN VỀ THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN PHAO-LÔ
II:
Cách đây ít lâu, một tờ báo Ý đã tiết lộ
một tin quan trọng về thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II như sau: Khi còn
là sinh viên Ba-lan đi du học tại Rô-ma, một hôm khi cùng các bạn sinh
viên đến thăm linh mục đáng kính là cha Pi-ô được tiếng là rất đạo đức
thánh thiện, đã từng được Chúa Giê-su hiện ra ban năm dấu thánh trên mình
giống như Người. Vừa gặp mặt cậu sinh viên, cha Pi-ô đã ôm chầm lấy cậu
và nói tiên tri rằng: “Một ngày kia, con sẽ làm Giáo hoàng, và đời
của con sẽ gặp nhiều trắc trở, bị đau khổ và còn chịu đổ máu mình
ra vì Chúa nữa”. Bấy giờ cậu sinh viên trả lời: “Con không sợ sau này
sẽ bị đổ máu, vì làm sao con có thể trở thành Giáo hoàng được !”.
Nhưng thánh ý Chúa quả thật nhiệm mầu: Hồng y Vốt-ti-la người Ba-lan sau
này đã được bầu làm Giáo hoàng, nhận danh hiệu là Gio-an Phao-lô Đệ
Nhị. Về sau ngài đã bị đổ máu trong cuộc mưu sát bất thành vào năm
1981 tại quảng trường thánh Phê-rô. Hơn 20 năm sau, hãng thông tấn Apcom
của Ý và nhật báo Ba-lan Rzeczpospolita đã đưa tin: Đức thánh Giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II đã từng viết một bức thư (trước đó chưa được công
bố), cho M. Ag-ca, kẻ đã bắn ngài trọng thương vào năm 1981. Linh mục S
Dziwisz thư ký riêng của Đức thánh Giáo hoàng đã xác nhận sự tồn tại
của lá thư trên và cho biết nó đã không được gửi đến người nhận.
Bức thư được viết không lâu sau vụ ám sát. Trong thư, Đức Gio-an Phao-lô
II đã hỏi Ag-ca người Thổ Nhĩ Kỳ rằng: Tại sao hắn lại muốn giết ngài,
trong khi cả hai cùng tôn thờ Chúa ? Theo tờ Rzeczpospolita, lúc đầu vị thánh
Giáo hoàng đã định gửi bức thư này. Nhưng sau đó ngài lại thôi không
gửi đi nữa, và thay vào đó, đến năm 1983 ngài đã đền gặp trực tiếp kẻ
đã muốn lấy mạng ngài tại một nhà tù ở Ý, và đã sẵn sàng tha
thứ cho hắn ta. Đến năm 2000, Ag-ca đã bị dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ sau
khi đã thụ án gần 20 năm ở Ý. Đức Gio-an Phao-lô II là vị Giáo hoàng
thứ 264 kể từ Tông đồ Phê-rô là Giáo hoàng đầu tiên. Hiện nay Đức Phan-xi-cô
lên thay thế Đức Bê-nê-đích-tô 16 và là vị Giáo Hòang thứ 266 kể từ thánh
Phê-rô Tông đồ. Ngoài ra vào ngày 27/04/2014 vừa qua, Đức cố Giáo hòang Gio-an
Phao-lô II đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô phong Thánh chung với thánh Giáo
hoàng Gio-an 23 tại đền thánh Phê-rô ở Rô-ma vào ngày Chúa Nhật II PS là lễ kính
Lòng Chúa Thương Xót.
2) HỘI THÁNH XÂY TRÊN NỀN ĐÁ ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ LUÔN
TRƯỜNG TỒN:
Qua nhiều thế kỷ từ ngày thành lầp đến nay, Hội
thánh do Chúa Giê-su thiết lập đã trải qua nhiều nguy cơ có thể sụp đổ, nhưng
Hội thánh vẫn trường tồn nhờ được xây trên nền đá vững chắc là đức tin của
Phê-rô vào Chúa Giê-su như sau:
Dưới
thời Hoàng đế Di-o-cle-si-a-nô, Đế quốc Rô-ma quyết tâm tiêu diệt Hội
thánh của Chúa Ki-tô. Năm 305, Di-o-cle-si-a-nô đã ra lệnh đúc những đồng tiền bằng
kim loại trên đó có dòng chữ: “Để kỷ niệm ngày đạo Kitô bị tiêu diệt”. Nhưng rồi
sau đó Hội Thánh đã vượt qua cơn bách hại
của đế quốc và không ngừng phát triển đi khắp thế gian.
Đến
thời kỳ Trung cổ tại Âu châu, nhiều nhà trí thức vô thần đã hè nhau đánh đổ đức
tin của các tín hữu. Năm 1758, Vol-tai-re đã dám tuyên bố: “Chỉ hai
mươi năm nữa thôi là đạo Công giáo sẽ
hết thời”. Rồi năm 1850, P. Prou-dhon lại lên tiếng thách thức: “Lũ tín
hữu mê tín các ngươi hãy mau lo giấy thông hành ngay đi. Vì chỉ mươi năm nữa thôi,
sẽ không còn một linh mục nào còn sống sót để xức dầu cho các người
!” Đến năm 1904, Com-bes cũng tuyên bố: “Chỉ ba tháng nữa là bọn giáo
sĩ phản động sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt !”.
Quả
thật, thời nào cũng có những người thù ghét đạo công giáo và tiên báo về ngày
tàn của Hội thánh này. Nhưng đến nay không ai trong bọn họ còn sống sót, đang
khi Hội thánh vẫn trường tốn và ngày một phát triển. Thánh Au-gus-ti-nô có
lần đã phát biểu: ”Những kẻ thù ghét đạo Chúa nhìn Hội thánh và nói: Hội thánh
sắp chết, bọn giáo dân đã đến ngày tận số ! Nhưng tôi thấy bọn người đó đều chết
đi mỗi ngày, trong khi Hội thánh vẫn luôn tồn tại để rao giảng quyền năng của
Thiên Chúa cho các thế hệ nối tiếp nhau mãi”.
3. SUY
NIỆM:
Các Đức Giáo hoàng là những đấng kế vị thánh
Phê-rô Tông đồ, để thay Chúa Giê-su chăn dắt đoàn chiên Hội thánh. Các
ngài cũng được Chúa Giê-su trao quyền tối thượng là không thể sai lầm khi
chính thức công bố điều gì về đức tin và luân lý, như Chúa Giê-su đã hứa
ban cho Tông đồ Phê-rô: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá
này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không
thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất anh
cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất anh
tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).
1) TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ: TẢNG ĐÁ ĐỨC TIN.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi Đức Giê-su hỏi các
môn đệ về dư luận quần chúng nghĩ gì về Người, các ông đã trả lời: Họ
cho Người là ngôn sứ Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay là một trong các ngôn sứ thời
xưa đã sống lại... Riêng ông Si-mon Phê-rô khi được Thầy hỏi lập trường đức
tin, đã đại diện nhóm Mười Hai tuyên xưng như sau: “Thầy là Đấng Ki-tô,
Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Đức Giê-su đã khen ông thật có
phúc vì đã được Chúa Cha mặc khải điều ấy (x. Mt 16,17). Người đã đổi
tên Si-mon thành ra Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá đức tin
này, Người sẽ xây dựng Hội Thánh của Người. Người hứa sẽ làm cho
Hội thánh ấy luôn vững bền (x. Mt 16,18). Cuối cùng Người còn ban quyền
tối thượng qua việc trao chìa khoá Nước Trời, để Phê-rô có quyền cầm
buộc và tháo cởi (x. Mt 16,19).
Thực ra chỉ mình Đức Giê-su mới là Tảng Đá
sống động và là nền móng xây dựng Hội Thánh (x. 1 Pr 2,4-5). Cũng như
chỉ mình Người mới nắm giữ “chìa khóa vua Đa-vít” (x. Kh 3,7). Nhưng tông
đồ Phê-rô nhờ đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su nên đã trở thành tảng đá Đức
Tin của Hội Thánh. Ông còn được Chúa Giê-su trao cho chìa khóa Nước Trời
để thay Người cầm buộc và tháo cởi ở trần gian.
2) TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ: MỤC TỬ TỐT LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC
GIÊ-SU.
Phê-rô không những tuyên xưng đức tin: “Thầy
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng sống” (Mt 16,16), mà ông còn ba lần
tuyên xưng lòng mến Thầy: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”
(Ga 21,15-17). Chính nhờ lòng tin yêu ấy, mà Phê-rô đã được Đức Giê-su
đặt làm đầu Hội Thánh và được chia sẻ quyền chăn chiên với Người. Đức
Giê-su cũng cầu nguyện để Phê-rô khỏi bị mất đức tin hầu chu toàn sứ vụ củng
cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng Phê-rô còn chứng tỏ là một
mục tử tốt lành khi sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên noi gương Mục Tử nhân lành Giê-su
(x. Ga 10,11). Thực vậy, khi Phê-rô đang cai quản giáo đoàn Rô-ma, cơn bách hại
các tín hữu do hoàng đế Nê-rông nổ ra, tông đồ Phê-rô đã phải cải trang và trốn
thoát được ra ngoài thành. Nhưng bất ngờ ông nhìn thấy Chúa Phục Sinh đang đi ngược
chiều vào thành. Khi Phê-rô hỏi : “Thầy đi đâu ?” thì được nghe Thầy trả lời: “Thầy
đi vào trong thành để chịu đóng đinh một lần nữa” rồi Người biến mất. Phê-rô đã
hiểu ý Chúa Giê-su nên ông lập tức quay vào thành Rô-ma rồi bị bắt và chịu đóng
đinh thập giá chung với các tín hữu, để củng cố đức tin cho anh em trong cơn
bách hại. Phê-rô đã yêu cầu được chịu đóng đanh ngược đầu xuống đất để theo
Thầy “đến nơi ông không muốn đến” đúng như Chúa Phục Sinh đã từng tiên báo
(x. Ga 21,18-19).
3) BỔN PHẬN CỦA CÁC TÍN HỮU ĐỐI VỚI CÁC MỤC
TỬ TRONG HỘI THÁNH.
Công đồng Vatican II đã khẳng định: Mọi Kitô hữu
đều có sứ mạng xây dựng Hội thánh. Mỗi người phải tùy theo hoàn cảnh và khả
năng mà xây dựng Hội Thánh. Cần xác tín rằng Hội thánh được xây trên nền
đá đức tin của tông đồ Phê-rô nên luôn vững bền, cho dù gặp phải muôn vàn trở
lực. Mỗi tín hữu chúng ta cũng là những viên đá sống động xây nên ngôi nhà Hội
thánh, nên cũng có nhiệm vụ phải yêu mến và bảo vệ Hội thánh. Cụ thể là xây
dựng Hội thánh cụ thể là gia đình mình, giáo xứ và môi trường xã hội mình đang
sông ngày một an toàn sạch đẹp và hạnh phúc hơn.
Ngày nay Hội Thánh vẫn gặp không ít những khó
khăn do các thế lực thù địch bên ngoài, và ngay cả trong lòng Hội thánh: Nhiều
tín hữu tại các nước Âu châu đã bỏ dự lễ Chúa Nhật ở nhà thờ; Một số khá
đông các tín hữu các nước Nam Mỹ đã rời bỏ Hội thánh Công giáo để chạy theo các
lạc giáo; Số tu sĩ chủng sinh giảm sút ở nhiều nơi; Nhiều vị mục tử bị báo
chí công kích về tội ấu dâm; Ngay Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô cũng bị giới truyền
thông chỉ trích vì cho rằng ngài đã bao che cho tội lỗi của một số giáo sĩ; Nhiều
phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng như đòi phong chức linh mục cho phụ
nữ…
Ước gì mỗi tín hữu chúng ta hôm nay biết
cảm thông với những khó khăn của các vị mục tử. Hãy năng cầu nguyện xin Chúa
biến đổi các linh mục trở thành những mục tử tốt lành đúng theo ý Chúa muốn, để
các ngài thi hành sứ vụ chăn dắt đoàn chiên với tấm lòng bao dung nhân hậu như
Mục Tử nhân lành Giê-su. Mỗi người chúng ta cũng hãy luôn trung thành với việc
thực hành đức tin qua các giờ kinh tối gia đình hằng ngày, tích cực học sống
Lời Chúa hằng tuần và năng xưng tội rước lễ. Hãy liên kết thành những cộng đoàn
nhóm nhỏ để sống tình huynh đệ là dấu chỉ môn đệ đích thực của Đức Giê-su, cùng
nhau phục vụ những người bất hạnh và bị bỏ rơi noi gương cộng đoàn Hội thánh sơ
khai. Luôn kết hiệp với Đức Ma-ri-a cầu xin Thánh Thần đến thánh hóa các tín
hữu, biến đổi các gia đình, hội đoàn, giáo xứ, giáo phận… và môi trường
mình đang sống ngày một xanh sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn và an bình hạnh
phúc hơn.
4. THẢO
LUẬN:
1) Theo ý bạn, Hội Thánh hôm nay, trong đó
có các tín hữu chúng ta, có những khuyết điểm nào cần phải phải cấp
thời sưả đổi canh tân ? 2) Muốn cho việc canh tân bản thân, gia đình và
xã hội hữu hiệu, chúng ta cần áp dụng các phương cách nào ? 3) Bạn
có yêu mến và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha chưa? Bạn quyết tâm trong
những ngày sắp tới sẽ làm gì cụ thể để cảm thông với những nỗi lo của Hội
Thánh ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con không hiểu tại
sao Chúa lại chọn ông Si-mon, một người thuyền chài ít học, nhiều
khuyết điểm và đã có gia đình làm Tông đồ và ban cho ông trở thành Giáo
Hoàng tiên khởi của Hội Thánh. Chúng con biết rằng Chúa muốn xây dựng
Hội thánh trên Tảng Đá đức tin của tông đồ Phê-rô, một người tuy yếu
hèn nhưng lại có lòng mến Chúa hơn các anh em.
- LẠY CHÚA. Hôm nay Chúa cũng kêu gọi mỗi
tín hữu chúng con đi theo làm môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con một
chút can đảm của thánh Phê-rô, để chúng con sẵn sàng đến với anh em lương
dân rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho họ. Xin cho chúng con quyết tâm loại bỏ
những mặc cảm tội lỗi trong quá khứ, hồi tâm sám hối và sẵn sàng đáp
lại tiếng Chúa để hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân như thánh Phê-rô
và các tông đồ.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM