Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 21

CHÚA NHẬT XXI TN C: 

TRỄ GIỜ VÀ TRỄ HẸN

hinh An-sung.jpgThưa quý OBACE

Người Việt tại Mỹ có câu nói: Không ăn đậu không phải là người Mễ, không đi trễ không phải là người Việt Nam. Có lẽ thói quen đi trễ, đến trễ đã thành thói quen cố hữu của Người Việt mà không biết đến bao giờ mới có thể thay đổi được. Ai đã từng được mời đi đám cưới thì sẽ thấy điều đó, nhất là đám cưới ở nhà hàng, thiệp mời 11g nhưng phải đợi đến 12g30 hoặc lâu hơn nữa mới khai tiệc, vì phải đợi cho đủ khách nhà hàng mới phục vụ được. Người đến đúng giờ thì mệt mỏi chời đợi, người đến trễ thì gây phiền phức cho chủ tiệc phải sắp xếp chỗ, thêm chén thêm ghế. Đi ăn tiệc mà còn trễ như thế, đi tham dự thánh lễ còn có nhiều người trễ hơn, 6g bắt đầu lễ thì có người hơn 6g mới lấy xe từ nhà đi ra, và còn nấn ná đến nhà thờ có khi đã hết nửa lễ. Có thể nói, sở dĩ người ta thường xuyên đến trễ là vì người ấy không quan tâm gì đến việc mình đang làm, nơi mình đang đến, tức là không có tấm lòng dù là đi đám cưới hay đi lễ.

Đến trễ một đám tiệc hoặc một thánh lễ, có thể gây phiền phức cho người khác, nhưng ai đã từng bị trễ hẹn với người yêu, hoặc trễ một chuyến tàu, một chuyến máy bay, thì sẽ thấy chính mình sẽ gặp vô cùng phiền phức. Trễ chuyến tàu chuyến bay, thì còn có thể mất tiền để mua vé đi chuyến khác, nhưng ai để lỡ chuyến tàu cuộc đời của mình, để lỡ cuộc hẹn cuối cùng của mình trong ngày gặp Chúa thì quả là một điều vô cùng bất hạnh, và là một bất hạnh vĩnh viễn.

Bài tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh những người đến gõ cửa nhà ông chủ nhưng bị từ chối vì trễ hẹn, để nói lên màu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu rao giảng về Nước trời về ơn cứu rỗi, về điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa, có một số người cho rằng đó là điều kiện quá khó, nên một số người trong họ đã hỏi Chúa: Thưa Thày, phải chăng những người được chọn chỉ là một số ít? Chúa Giêsu không trả lời đó là con số ít hay số nhiều, mà điều Ngài muốn nhấn mạnh, đó là mỗi người phải phấn đấu không ngừng giống như phải ép mình đi qua cửa hẹp mà Ngài đã chỉ cho, thì sẽ được vào nước trời. Có nhiều người từ xưa đến nay cũng đang miệt mài khao khát tìm kiếm cho mình một con đường hạnh phúc, nhưng họ vẫn không tìm ra vì không có ai chỉ cho họ, hoặc họ đã đi vào một con đường khác không phải là con đường của Chúa, thì cũng không thể đạt tới cùng đích cuộc đời. Như vậy việc được vào nước trời không phải Thiên Chúa giới hạn số ít hay nhiều, trái lại Ngài luôn mời gọi mọi người bước vào, nhưng chỉ những ai dám đi vào con đương của Chúa thì mới đạt đến hạnh phúc mà thôi.

Cơ hội để vào được hạnh phúc nước trời Thiên Chúa ban cho mỗi người có thời có hạn, những ai biết tận dụng mọi khả năng sức lực thời giờ để tìm kiếm thì sẽ được vào, còn trái lại những ai lề mề, lười biếng, trễ nải thì sẽ bị trễ giờ trễ hẹn, khi chủ nhà đã khóa cửa rồi thì sẽ bị lỡ cả cuộc đời, và là bất hạnh đời đời. Hình ảnh Chúa Giêsu nói về hạnh phúc nước trời hôm nay giống như một bữa tiệc được mở ra mời gọi mọi người, nhưng nếu chúng ta đến trễ, chúng ta sẽ bị từ chối một cách lạnh lùng: Tôi không biết các anh từ đâu đến. Khi đã bị trễ giờ và trễ hẹn với Chúa là chúng ta sẽ mất tất cả, người ta sẽ không thể nại vào sự quen biết hay thế giá theo kiểu thế gian, cũng không thể kể lể: tôi là ông này bà nọ, tôi vẫn đi nhà thờ vẫn đi lễ, vẫn đóng góp cho giáo xứ.., mà trái lại phải có lòng yêu mến phát xuất từ trái tim cùng với sự nỗ lực từng ngày để chuẩn bị cho biến cố quan trọng này.

Có một thực tế Chúa Giêsu cho thấy, sẽ có người từ đông sang tây được vào hưởng nước Chúa, còn những được coi là người nhà thì bị loại ra ngoài, nguyên việc đó thôi thì cũng đủ là sự đắng cay cho những ai rơi vào tình trạng ấy. Tiên tri Isai đã cho thấy, Thiên Chúa là cha của mọi dân tộc, Ngài mời gọi mọi người thuộc mọi ngôn ngữ mọi chủng tộc đến tham dự bàn tiệc hạnh phúc nước trời, Ngài mời gọi mọi dân, cùng với dân Do Thái làm nên một dân mới chuyên lo việc thờ phượng tế tự Thiên Chúa, Dân Do Thái là những người được Thiên Chúa ưu tiên tuyển chọn họ trước các dân khác, nhưng vì họ đã trễ hẹn với Thiên Chúa, không chu toàn bổn phận, nên Thiên Chúa sẽ thay thế họ bằng các dân tộc khác, và các dân tộc khác có cơ hội để gia nhập nước Chúa.

Chấp nhận tin theo Chúa, không phải chỉ là một nghi thức hay một thủ tục hành chánh, mà phải là thực sự sống trọn đạo làm con với Thiên Chúa, thư Do Thái đã cho thấy như thế. Sống trọn đạo làm con là phải sống tâm tình thảo hiếu, biết ơn và vâng phục Thiên Chúa là Cha của mình, sông gắn bó mật thiết và tín thác nơi Ngài như trẻ thơ trong tay cha mẹ, để cho cha mẹ dẫn dắt bảo vệ. Yêu con thì cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi, Thiên Chúa cũng vì thương yêu mà sửa dạy chúng ta như thế, nhưng điều quan trọng là chúng ta có dám đón nhận sự sửa dạy của Chúa hay không. Tác giả thư Do Thái đã sống và cảm nghiệm điều đó và đã khuyên chúng ta: Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy,… ngay lúc bị sửa dạy thì có thể chúng ta sẽ buồn, nhưng sau đó người ta sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.

Thưa quý OBACE, rất có thể nhiều người trong chúng ta đang bị ru ngủ để nghĩ rằng, mình theo Chúa như hiện tại là đã đủ để không còn cố gắng ép mình đi vào con đường của Thiên Chúa, nhiều người đã để cho sự ù lỳ và những lôi cuốn của công việc, của xã hội khiến mình luôn luôn là người trễ giờ trễ hẹn với Chúa. Biết bao nhiêu cơ hội từ mùa chay cho đến mùa vọng, từ mùa thường cho đến mùa lễ, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta điều chỉnh bản thân và cố gắng sống trọn đạo làm con với Thiên Chúa, nhưng chúng ta vẫn cứ nấn ná, chưa muốn lên đường, chưa muốn bắt đầu, và cứ thể chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để hoàn thiện bản thân để chu toàn bổn phận đối với Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải cố gắng mỗi ngày, phải đứng dậy, phải bắt đầu ngay từ hôm nay, từ lúc này, để điều chỉnh lại cách sống của mình, hãy sống với Chúa với cả tấm lòng, hãy đến với Chúa không chỉ với cái xác không hồn mà phải là toàn bộ con người với tất cả khả năng sức lực của mình. Hãy bắt đầu bằng việc canh tân lại những gì bất ổn chưa tốt trong đời sống đạo của chúng ta, hãy đặt cả tâm hồn và trái tim của chúng ta vào việc tham dự Thánh lễ, siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể và Giải tội, hãy chú tâm hơn nữa để lắng nghe Lời Chúa, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi vào cửa hẹp của Chúa. Kế đến hãy sống và làm tốt nhiệm vụ là người chồng người cha, là vợ là mẹ trong gia đình xây dựng nề nếp và tổ chức tốt gia đình của mình bằng những giờ kinh tối sớm, cũng như việc uốn nắn giáo dục con cái theo tinh thần của Tin Mừng. Khi chúng ta làm tốt như thế, thì bất cứ lúc nào chúng ta gõ cửa, Thiên Chúa là ông chủ sẽ mở cửa cho chúng ta vào hưởng hạnh phúc với Ngài.

Còn đối với các bạn trẻ, phần thưởng và huy chương, thành công chỉ đến với những người chăm chỉ làm việc và học tập, thì cũng thế, hạnh phúc đích thực của cuộc đời là nước trời, chỉ đến với những người thành tâm thiện chí để tìm kiếm mỗi ngày, và biết nắm bắt lấy những cơ hội Chúa ban. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn trẻ và có thể làm được tất cả mà không cần đến Thiên Chúa, đừng để mình sống buông thả theo sự dễ dãi của các xu hướng xã hội ngày nay, trái lại hãy dám chọn đi vào con đường hẹp của Tin Mừng, hãy chọn Đức Giêsu là mục tiêu phấn đấu và là lý tưởng sống cho chúng ta. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay đến với Chúa thường xuyên hơn và gắn bó với Chúa hơn, sống như thế, chúng ta sẽ trở thành những người được Chúa tuyển chọn, được xếp vào hàng ngũ những người con ngoan của Chúa và được chung hưởng hạnh phúc với Chúa.

Xin cho tất cả mỗi người chúng ta đều được gặp nhau trong bàn tiệc nước trời, xin đừng để ai trong chúng ta trở thành kẻ đến sau, bị trễ hẹn trễ giờ trong ngày Chúa mời dự tiệc nước Chúa. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 

 HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN C

Is 66,18-21 ; Dt 12,5-7.11-13 ; Lc 13,22-30

PHẤN ĐẤU QUA CỬA HẸP VÀO NƯỚC TRỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 13,22-30

(22) Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. (23) Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Người bảo họ: (24) “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào. Vì tôi nói cho anh em biết: Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. (25) Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa mà nói: “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào !”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !” (26) Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. (27) Nhưng ông sẽ đáp với anh em: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” (28) “Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. (29) Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (30) Và kìa, có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.

2. Ý CHÍNH: Trong Tin mừng hôm nay, Lu-ca ghi lại những đòi hỏi của Đức Giê-su để được vào Nước Thiên Chúa là phải đi qua “cửa hẹp”, tức là phải tránh làm điều ác. Thực tế xảy ra là dân ngoại sẽ từ khắp bốn phương thiên hạ đến tham dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa chung với các Tổ phụ dân Do thái, đang khi chính dân này lại bị loại ra ngoài Nước Thiên Chúa để vào trong hỏa ngục, nơi phải khóc lóc và nghiến răng.

3. CHÚ THÍCH:

- C 22-24: + Đức Giê-su ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy: Trên đường từ miền Ga-li-lê (Bắc), theo đường bộ về Thủ đô Giê-ru-sa-lem thuộc miền Giu-đê (Nam), Đức Giê-su đã đi ngang qua nhiều thành thị làng mạc. + Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?: Thời Đức Giê-su có hai quan niệm về ơn cứu độ trái ngược nhau: Phe lạc quan thì cho rằng bất cứ ai gốc Do thái, tuân giữ Luật pháp Mô-sê, thì đương nhiên sẽ được ơn cứu độ. Còn phe bi quan, chịu ảnh hưởng của sách mạo thư (4 Esdra) thì chỉ có rất ít người được ơn cứu độ mà thôi. + Hãy chiến đấu để qua được cửu hẹp mà vào: Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi của người kia, mà Người khuyên hãy cố gắng phấn đấu và bền chí để được cứu thoát (x. Lc 16,16 ; Mt 11,12 ; 24,13). + Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được: Không vào được vì đã quá muộn (x. c. 25), hoặc vì muốn đi con đường rộng thênh thang là đường dẫn tới diệt vong (x. Mt 7,13-14), hay vì khổ người quá to, vì tham lam tiền bạc thú vui nên không thể đi lọt qua được cửa hẹp.

- 25-27: + Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại: “Cửa khóa lại” là biểu tượng của ngày tận thế chung toàn thể nhân loại hay giờ chết riêng của mỗi người. Những kẻ không sống theo ý Chúa, khi phải ra trước tòa Chúa phán xét thì đã muộn, vì bấy giờ cửa đã khóa lại. + “Thưa Ngài xin mở cửa cho chúng tôi vào !”: Đợi đến lúc gần chết hay lúc tận thế mới chịu hồi tâm sám hối và nài xin vị Thẩm phán mở cửa cho vào thì đã muộn. + “Ta không biết các anh từ đâu đến !”: Đây là kiểu nói Do thái, tương đương với câu: “Ta không biết các ngươi là ai”. Vị Thẩm phán không nhận những người Do thái xấu xa làm gia nhân. Để được làm dân Thiên Chúa thì nguyên việc thuộc dòng giống Áp-ra-ham không đủ (x. Lc 3,8 ; Ga 8,33-41), mà còn phải biết đón nhận Đức Giê-su, nghĩa là phải được vị Thẩm phán cánh chung nhận biết nữa (x. Lc 13,25-27). + Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi: “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ những người Do thái sống đồng thời với Đức Giê-su, đã được mắt thấy tai nghe những lời giảng dạy và các phép lạ Người làm. Họ tưởng rằng sự liên hệ ấy là bảo đảm cho họ được vào Nước Thiên Chúa. Nhưng họ đã lầm. + “Ta không biết các anh từ đâu đến: Lời tuyên bố được lặp lại hai lần nói lên sự dứt khoát từ chối những kẻ cố chấp không tin Đức Giê-su và không chịu ăn năn sám hối được vào Nước Thiên Chúa. + “Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !”: Hình phạt đau khổ nhất trong hỏa ngục là không được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa, không được nhận Người là Cha của mình.

- C 28-30: + Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng: Kiểu nói này diễn tả hình phạt hỏa ngục, dành cho những kẻ làm điều gian ác. Trong hỏa ngục, chúng sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tức giận. + Khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa: Những ai đi qua cửa hẹp nghĩa là sống công chính sẽ được về với các Tổ phụ dân Do thái là Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp và các Ngôn sứ, nghĩa là sẽ được hưởng ơn cứu độ. Giống như trường hợp La-da-rô nghèo khổ khi chết được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Áp-ra-ham (x. Lc 16,22). + Còn mình lại bị đuổi ra bên ngoài: Những người Do thái cố chấp không chịu đón nhận Tin mừng Đức Giê-su rao giảng sẽ bị loại ra ngoài chịu hình phạt. + Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót: Người Do thái luôn được ưu tiên đón nhận ơn cứu độ (x. Cv 3,26). Nhưng họ đã từ chối, nên Tin mừng đã được rao giảng cho dân ngoại (x. Cv 13,46; 18,6). Qua đó cho thấy có sự thay đổi thứ tự trước sau giữa dân Do thái và dân ngoại.

4. CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su dạy phải đi con đường nào để được cứu độ ? 2) Hành động của ông chủ khóa cửa lại diễn tả điều gì ? 3) Muốn được ơn cứu độ thì nguyên việc thuộc dòng giống Do thái, và được sống đồng thời với Đức Giê-su đã đủ chưa ? Đòi người ta phải có những điều kiện quan trọng nào khác ? 4) Điểm nổi bật nhất giúp phân biệt giữa thiên đàng với hỏa ngục là gì và những ai sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa ?

II.SỐNG LỜI CHÚA

 1. LỜI CHÚA: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).

2. CÂU CHUYỆN: SỐNG DỄ DÃI SẼ DẪN ĐẾN BẤT HẠNH

Một đôi vợ chồng trẻ kia đều là công nhân trong xí nghiệp may. Họ mới lấy nhau và sống hòa hợp hạnh phúc trong một căn phòng chật hẹp. Họ bàn nhau phải kiếm nhiều tiền để mua một căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng với đồng lương công nhân như hiện nay thì đủ sống được cũng còn là may. Rồi một hôm cô vợ được một người quen giới thiệu làm chiêu đãi viên trong một quán bia ôm. Công việc này được tiền bo của khách cao gấp chục lần so với đồng lương công nhân trước đó. Anh chồng vì muốn sớm đổi đời nên đã đồng ý cho vợ đi làm. Anh hy vọng sau một thời gian vài ba năm ăn nhịn để dành, hai vợ chồng sẽ mua được ngôi nhà ưng ý và sẽ cho vợ nghỉ làm. Nhưng sự việc xảy ra lại không đơn giản như họ nghĩ. Từ khi đi bán bia ôm, cô vợ làm ra nhiều tiền và được nhiều người vừa giàu có lại vừa có địa vị theo đuổi tán tỉnh, dần dần đã thay đổi tính nết, trở thành một con người khác hẳn. Cô không còn mặn nồng với người chồng mà cô đánh giá là bất tài, lười biếng và chỉ biết ăn bám vào vợ. Từ suy nghĩ trên, cô hay tỏ ra khinh chồng và ăn nói chua ngoa. Cô cũng thường gắt gỏng và la lối chồng với những lời thô tục khó nghe, khiến anh cảm thấy rất buồn bực. Anh ta chỉ còn biết bầu bạn với rượu bia để giải sầu. Cuộc sống chung của hai người không còn nồng ấm và vui vẻ như trước. Cuối cùng họ đã ra tòa xin ly hôn. Thật đúng như lời Chúa phán: “Con đường rộng rãi là đường dẫn tới hư mất” (Mt 7,13), và người đời cũng có câu “sự thành công không đến một cách ngẫu nhiên, nhưng chính là kết quả của những cố gắng liên tục kèm theo sự kiên nhẫn lâu dài” hoặc “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

3. SUY NIỆM:

Tin mừng hôm nay trình bày về những điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập là: Phải vào qua cửa hẹp, phải vào kịp thời trước khi cửa đóng, và phải đủ các điều kiện để được vào trong Nước Thiên Chúa.

1)PHẢI BƯỚC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA NGANG QUA CỬA HẸP:

-Đức Giê-su đã tự ví Người là cửa:Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7). Người đòi những ai muốn vào Nước Thiên Chúa phải bước qua cửa hẹp: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Theo thánh Phao-lô: “Bước qua cửa hẹp” là phải chiến đấu đến cùng, phải đi con đường hẹp của thập giá, phải can đảm chống lại sự cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, đồng thời luôn làm theo thánh ý Chúa Cha như Chúa Giê-su đã dạy:”Không phải cứ kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai làm theo ý cha Ta ở trên trời mới được vào” (Mt 7,21).

-Bước qua cửa hẹp là chọn sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng: là đi con đường chật hẹp, leo dốc ít người muốn theo, là đường thập giá mà Đức Giê-su đã xin bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa Cha (x Lc 22,41). Người cũng đòi các môn đệ phải chọn cửa hẹp noi gương Người: “Ai mun theo tôi, phải từ b mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc 9,23).

-Bước qua cửa hẹp là phải loại trừ “cái tôi”:   đây là chiến đấu với cái tôi ích kỷ của mình, cái tôi nặng nề vì những vun quén cá nhân, cái tôi phình to ra vì sự tự mãn tự kiêu và tham vọng cao. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp bao nhiêu, nhưng đã trở nên hẹp vì cái tôi quá to. Cần phải làm cho cái tôi ấy nhỏ lại mới được vào Nước Trời (x. Mt 18,3). Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng phình to do sự thu tích tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, chức vụ cũng có thể làm cho cái tôi ấy bị xơ cứng và to ra. Để trở nên như trẻ nhỏ, chúng ta cần phải đươc ơn Chúa dần dần biến đổi nên khiêm nhường tự hạ hơn (x. Mt 18,3-7). Đây là một cuộc chiến đấu với chính mình. Khi huỷ mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp và dễ vào trong Nước Trời. Hãy noi gương khiêm hạ của Gio-an Tiền Sứ khi trả lời các môn đệ về tương quan giữa ông với Đấng Thiên Sai Giê-su: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi (Ga 3,30).

2)PHẢI NHANH CHÂN BƯỚC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA CHO KỊP THỜI: 

Thời gian rất cấp bách, đòi mỗi người phải mau chóng quyết định bước vào Nước Thiên Chúa ngay hôm nay, vì để sang ngày mai sẽ là quá trễ. Phải bắt đầu ngay từ hiện tại, vì mỗi giây phút, mỗi biến cố trong cuộc đời chúng ta đều có giá trị đưa ta vào hay ngăn chặn ta trước cửa Nước Thiên Chúa bị đóng lại. Tránh đừng để “khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại” ta mới đến gõ cửa nài van: “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì đã quá muộn. Vì bấy giờ chủ sẽ bảo: “Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !” (Lc 13,25).  

3)ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯƠC THIÊN CHÚA:

- Phải chiến đấu để vào Nước Trời: Đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục để vượt qua cái tôi ích kỷ và phải nhanh chân chiến đấu để vào Nước Trời trước khi quá muộn. Ơn Cứu độ là của Chúa ban cho, nhưng đòi ta phải kiên trì cầu xin và biết giơ tay đón nhận. Ước gì đừng bao giờ chúng ta tự hào vì mình đã biết Chúa, nhưng phải luôn khiêm hạ, đơn sơ như trẻ thơ để Chúa biết thừa nhận ta trong giờ phán xét khi nói với chúng ta: “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh !” (Mt 25,21).

- “Ta không biết các ngươi”: Nhiều người Do thái đã đến chậm khi cửa Nước Trời đã đóng lại. Họ gõ cửa đòi vào. Họ tưởng mình chắc sẽ có một chỗ nơi bàn tiệc Nước Trời, vì họ đã từng ngồi đồng bàn với Đức Giê-su, đã nhiều lần nghe Người giảng dạy và đã chứng kiến các phép lạ Người làm. Thế nhưng họ đã bị Chúa từ chối: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi những quân làm điều bất chính !” (Lc 13,27). Chúa cũng có thể nói với mỗi người chúng ta như vậy, nếu chúng ta có chăm chỉ học hỏi Kinh thánh và cầu nguyện, siêng năng xưng tội rước lễ, nhưng lại không thực hành theo Lời Chúa dạy, không muốn mở cửa tâm hồn cho Chúa vào làm chủ cuộc đời của ta.

- Sống sứ điệp Tin Mừng hôm nay:

Có khi nào chúng ta nghĩ rằng mình cũng ở trong số những người bị đuổi đi cho khuất mắt Chúa và trong số những quân làm điều bất chính nói trên hay không ?  Lời chữa mình của người Do-thái cũng có thể là của nhiều ngừơi hôm nay. Vì chúng ta cũng đã từng tham dự thánh lễ và nghe rao giảng lời Chúa, từng là thành viên Hội đồng Mục vụ hay tham gia vào các hội đoàn công giáo tiến hành… Nhưng điều quan trọng Chúa đòi là chúng ta có sống lời Chúa không ? Mỗi người cần thực hành lời Chúa hôm nay: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.

Để bước qua một cánh cửa hẹp, chúng ta phải bỏ lại bên ngoài những đồ đạc cồng kềnh làm nghẽn lối, là thói tham lam tiền bạc của cải, những sự tranh giành địa vị quyền hành, những đam mê lạc thú bất chính, những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm thừa mứa, những cuộc bài bạc cá độ có thể gây tán gia bại sản. Đó cũng còn là thói ích kỷ, làm ngơ trước những nỗi đau khổ bất hạnh của người bên cạnh… Vất bỏ những thói hư nói trên thật không dễ dàng, vì đây là một cuộc “chiến đấu” nội tâm trường kỳ và đầy khó khăn. Tuy vậy, chúng ta không được nản lòng, vì xác tín rằng Chúa luôn ban ơn Thánh Thần cho chúng ta và đang chờ để đón chúng ta vào hưởng hạnh phúc đời đời ở phía bên kia cánh cửa cuộc đời là giờ chết của chúng ta. 

4. CÂU HỎI: 1) Cửa hẹp đối với các tín hữu hôm nay là gì ? 2) Tôi hiện đang mắc thói hư nào nghiêm trọng nhất ? 3) Trong những ngày này, tôi sẽ làm gì cụ thể để tu sửa thói hư ấy hầu xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Trời đời sau?

5. NGUYỆN CẦU        

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cửa hẹp ít người muốn bước vào, nhưng Chúa lại chọn đi qua cửa hẹp và đòi chúng con cũng phải qua cửa ấy để vào Nước Trời. Cửa hẹp chúng con phải qua chính những đau khổ thập giá, là những hy sinh từ bỏ các đam mê lạc thú bất chính… Xin cho chúng con luôn chọn đi con đường hẹp, dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe của Tin Mừng. Ước gì khi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện, kèm theo sự hãm mình cùng những đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, chúng con sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa và hy vọng chắc sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Trời đời sau.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên_Maria Trần Thị Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên - Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ nhớ Thánh Nữ Mô-ni-ca-Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên - Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     CHỦ NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHO VÀ NHẬN. Nt M. Anh Thư, OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: KHÔN DẠI. Nt M. Anh Thư, OP
     BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXI NĂM B THƯỜNG NIÊN: CẦN TIN LỜI CHÚA ĐỂ TIN THÁNH THỂ. Lm Đan Vinh
     BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: SÁNG SUỐT LỰA CHỌN. Lm. Paul Nguyễn Nguyên.
     BÀI SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM B. LM.Phaolo Nguyễn Văn Đông.
     HỘI THÁNH CỦA CHÚA. GM. Ngô Quang Kiệt
     Bốn môn đệ vô danh trong Tin Mừng Gio-an. Lm. Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
     Phần quan trọng của cơ thể. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A-CÁC CON BẢO THẦY LÀ AI?lm HK