CHỦ NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN B
Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta Tự do. Người không muốn chế ngự chúng ta,
nhưng tự trao ban cho chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta đồng ý tự trao hiến cho
Người, thì Tình yêu Người sẽ biến chúng ta thành những người trung tín. Như vậy,
Chúa là Đấng Đấng Trung Tín mãi mãi vì chúng ta không thể nghi ngờ Tình yêu của
Người.
Sách Giô su
ê :
Trong Giao ước thứ nhất, người Híp pri bày tỏ sự đáp trả tự do của mình
bằng việc quyết tâm chọn lựa phụng sự Thiên Chúa. Trong Cựu Ước cũng như trong Tân
Ước, sự dấn thân cho Thiên Chúa phát sinh từ một sự chọn lựa tự do. Chính khi
trung thành phụng sự Thiên Chúa mà người tín hữu tìm lại được sự Tự do đích
thực.
Thánh Vịnh
33 :
Một lần nữa, Phụng vụ lặp lại Thánh vịnh nầy. Thánh vịnh ca ngợi việc
Thiên Chúa nâng đỡ người công chính trong lúc quẫn bách biết đặt trọn niềm tin
vào Người. Chúng ta có cảm nghiệm đầy đủ lòng nhân hậu của Thiên Chúa như thế
nào không ? Chúng ta có thể thực sự nhận ra lòng tốt của Người có nghĩa gì
không ?
Thư Ê phê
sô :
Phụ nữ là hình ảnh của GIÁO HỘI. Ngày xưa, vào thời thánh Phao lô, phụ nữ
phải sống trong tình trạng thấp kém nam giới. Nhưng ngài đã nói đến vẻ cao quí
của họ bằng cách so sánh với GIÁO HỘI, kết hợp với Đức Ki tô qua một Giao Ước
vững bền không gì có thể hủy bỏ vì được xây dựng trên quà tặng một Tình yêu hỗ
tương. Ngài kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng MẦU NHIỆM ẤY THẬT CAO CẢ.
Tin
mừng : Ga 6,60-69
NGỮ CẢNH
Đoạn văn
nầy nằm trong phần cuối của giáo huấn về Bánh ban sự sống mà Chúa Giê su đã dạy
trong hội đường Ca phạc na um (6,26-51). Sau khi nói đến phản ứng của một số
người Do thái 6,52), Ga cho biết phản ứng của các môn đệ. Họ xì xầm phản đối,
một số người bỏ đi, nhưng nhóm Mười hai vẫn trung thành gắn bó với Ngài.
Có thể đọc
theo bố cục sau đây:
- c. 60:
sau người do thái, bây giờ là phản ứng của các môn đệ, làm tiền đề cho phần
quảng diễn tiếp sau.
- cc 61-65: lời Chúa Giê su nói là thần khí.
- c 66: một
số môn đệ không thể hiểu nên bỏ Ngài.
- cc 67-69:
phản ứng của nhóm Mười Hai: tiếp tục tin và đi theo Chúa Giê su.
TÌM HIỂU
Nhiều môn
đệ: Gio an không nói cho chúng ta biết đám
đông đã qui tụ chung quanh Chúa Giê su như thế nào. Nhưng khi những người nầy
tranh luận với nhau thì Ngài lại ghi nhận có một số đông các môn đệ. Chi tiết
nầy ăn khớp với các hoạt cảnh mà các tác giả tin mừng khác mô tả một cách ấn
tượng (thí dụ xem Mc 3,7-10; 5,24;6,53; 6,53-60).
Chướng tai:
từ dùng ở đây không có nghĩa là “đòi
hỏi”, nhưng là “khó mà chấp nhận, khó mà đồng ý”. Đối với đa số thính giả, giáo
huấn của Chúa Giê su về chính bản thân Ngài quá đanh thép và tuyệt đối. Đó là
bằng chứng cho thấy một cách nào đó họ đã hiểu được tình cảnh của mình.
Tự mình
biết được: sự hiểu biết mà Chúa Giê su có được ở
đây, không chỉ về hiện tại mà về tương lai, sẽ còn được nhấn mạnh trong các cc.
64 và 70-71.
Xầm xì: Chúa
Giê su áp dụng cho các môn đệ các từ mà Ngài đã dùng cho người Do thái chống
đối giáo huấn của Ngài (6,41-43).
Anh em lấy
làm chướng: đây nói về một cái gì chai cứng làm cho
người ta vấp té. Từ nầy thường dùng trong Tin mừng nhất lãm, nhưng trong Ga chỉ
xuất hiện ở đây, trong câu 16,1 và trong 1 Ga 2,10. Nghĩa của nó rất mạnh: chỉ
đức tin bị lâm vào tình trạng nguy hiểm nặng nề. Trong thực tế, một vài môn đệ
không tiếp tục đi theo và sẽ bỏ hẵn Chúa Giê su (6,66).
Nơi đã ở
trước kia: nghĩa là “nơi Thiên Chúa” (1,1);
“trong cung lòng Chúa Cha” (1,8; x. thêm 3,13;6,46). Cùng với cuộc tử nạn rồi
được tôn vinh, Chúa Giê su trở về cùng Cha, nơi Ngài đã xuất phát và đến trong
thế gian (16,28).
Câu chưa
chấm dứt. Dường như là một lời cảnh giác cho những ai vấp ngã vì gặp khó khăn
trong đức tin; một ngày kia người ta sẽ không còn thấy, không còn nghe Chúa Giê
su nữa. Người ta chỉ đến với Ngài trong đức tin mà thôi.
Thần
khí/xác thịt: theo phong cách của một câu tục ngữ,
Chúa Giê su đối chọi xác thịt với thần khí (x. 3,6), như các tác giả Thánh
Kinh. Khi I sa i a
(31,3) tuyên bố: “Ai cập là phàm nhân chứ đâu phải là thần. Chiến mã của
chúng là súc vật chứ đâu phải thần khí”, ý nghĩa của sự đối chọi là rất rõ
ràng: một đàng không có mảy may quyền năng đích thực nào cả, mọi tạo vật trong
bản chất mỏng dòn của mình; một đàng là Thiên Chúa, đấng duy nhất ban sự sống.
Các thính giả của Chúa Giê su vẫn trì trệ mãi trong cách
hiểu của họ, nên họ chỉ thấy nơi Ngài là “con ông Giuse”; đối với họ “xác thịt
và máu huyết” của Chúa Giê su chỉ là xác thân hay chết mà thôi. Do đó họ không
thể hiểu được giáo huấn của đấng đã “từ trời xuống” để biến “xác thịt” của
Ngài, bị phó nộp làm hi tế và rồi được tôn vinh, trở thành nguồn mang lại sự
sống đời đời.
Ngay từ đầu: nghĩa là từ khi họ đi theo Chúa Giê su.
Không tin: Chúa Giê su dùng những lời nầy để diễn tả điều giới hạn
tính hiệu năng nơi lời của Ngài cũng như nơi quyền năng ban sự sống của Ngài.
Ai: X. c. 61. Chúa Giê su có một tri thức trực tiếp, cá nhân về lời đáp trả của
từng người, “Ngài gọi tên từng con một” (10,3).
Vì thế: Chúa Giê su đã đưa ra nguyên tác tổng quát: đức tin vào Đức Ki tô là công
việc của Cha (6,44). Và đây là lời giải thích: một vài môn đệ đi theo Ngài mà
không thật sự tin vào Ngài; họ không sẵn sàng cho sự định hướng mà Thiên Chúa
muốn nơi họ.
Rút lui: sự ra đi của “nhiều môn đệ” được xác định rõ: “Từ lúc đó”. Có thể dịch là:
“Vì thế”; “vì những gì Chúa Giê su đã nói”. Đó là khởi điểm cho sự cô đơn mà
Chúa Giê su phải đối đầu trong cuộc Khổ nạn. Vương quốc không được thiết lập vì
áp lực của một phong trào quần chúng, nhưng là hậu quả của đức tin.
Nhóm Mười Hai: Ga không kể lại việc Chúa Giê su chọn lựa mười hai môn
đồ. Đàng khác, chỉ ở đây Ngài gọi “nhóm Mười Hai”, trong câu 6,71 và trong
20,24. Họ thật sự là nồng cốt của những người tín hữu.
Bỏ đi: trong thời khắc khó khăn ấy Chúa Giê su không nhượng bộ một chút nào. Ngài
cương quyết đặt nhóm Mười Hai trước một sự chọn lựa theo hoặc chống lại Ngài.
Chúng con biết đến với ai: có một chuyển động trong toàn bộ khung cảnh: họ rút lui,
không theo Ngài nữa (6,66), họ bỏ đi (6,67), chúng tôi sẽ đến với ai (6,68).
Đức tin vào Đức Ki tô được trình bày như một vấn đề định hướng cuộc sống mà mỗi
người phải trả lời là có hay không.
Câu hỏi của ông Phê rô dường như cho thấy thái độ thất
vọng nếu chính ông không có một câu trả lời dứt khoát và tích cực: “Ngài có
những lời ban sự sống đời đời. Lời tuyên bố nầy, cũng như đức tin được công bố
của Giáo Hội, là tiếng vang vọng trực tiếp từ giáo huấn của Chúa Giê su vừa mới
hứa ban sự sống đời đời.
Phần chúng con: trong các Tin mừng Nhất lãm, lời tuyên xưng đức tin của
Phê rô nhân danh các tông đồ khác biệt với các ý kiến quần chúng về Chúa Giê
su: “Còn các con bảo thầy là ai?” (Mc 8,29). Ở đây, ngược lại với sự không tin
và bất định của nhiều môn đệ, đức tin của Phê rô nổi bật, được diễn tả ở số
nhiều. Ông nói nhân danh nhóm Mười Hai.
Tin / Nhận biết: sự liên kết của hai động từ nầy rất mạnh. Khi nghe lời
Chúa Giê su bằng lòng tin, người ta có một sự hiểu biết chắc chắn, được Thiên
Chúa bảo đảm. Sự long trọng của công thức cho phép nhìn thấy ở đây một lời
tuyên xưng đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai.
Đấng Thánh của Thiên Chúa: Chỉ có Ngài là Đấng thánh. Ở đây có lẽ chúng ta có một
công thức nguyên thuỷ của lời tuyên xưng đức tin của Phê rô. Tân Ước thường xử
dụng kiểu nói khá cổ điển nầy để chỉ Chúa Giê su (Mc 1,24 và chú giải; Lc
1,35;4,34; Cv 3,14;4,27-30; Kh 3,7;1Ga 2,20).
SỨ ĐIỆP
Phải chọn
lựa
Để hiểu
trang tin mừng nầy, trước tiên cần phải nhớ rằng nó đã được viết cho những cộng
đoàn ki tô hữu sau khi Đức Kytô sống lại. Các Ki tô hữu nầy gặp nhiều khó khăn
khi tìm hiểu sứ điệp của Chúa Giê su về
bí tích Thánh Thể. Nên tác giả tin mừng nhắc họ nhớ lại điều đã xảy ra trong
thời Chúa Giê su. Đám đông càm ràm bỏ đi: “Chẳng ai hiểu ông ta muốn nói gì?”
Đám đông đã chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng lại bị sốc trước diễn
từ tiếp theo. Không chỉ đám đông người Do thái mà cả một số đông các môn đệ
cũng đã xầm xì về điều đó. Trước kia họ đã bắt đầu tin, nhưng giờ thì họ bỏ đi.
Chung quanh Chúa Giê su, bây giờ chỉ còn trống vắng.
Cảnh ngộ
nầy lúc nào cũng xảy ra: chỉ cần nhìn chung quanh chúng ta thậm chí trong chính
gia đình của chúng ta. Trong giáo huấn của Giáo Hội cũng như lập trường của các
Giáo Hoàng, có nhiều điều khó lòng chấp nhận. Có người nghĩ rằng sự đầu thai là
một giáo lí còn hợp lí hơn là sự sống lại. Nhiều người rời bỏ đức tin ki tô để
gia nhập một giáo phái. Bản thân chúng ta cũng trải qua nhiều bước thăng trầm,
có lúc chúng ta đi theo Chúa Giê su, cũng có lúc chúng ta quay lưng từ bỏ Ngài.
Chúa Giê su
đã nói: “Ta là bánh hằng sống. Man na
trong sa mạc không là gì cả. Chính Ta mới là lương thực cho các người. Lời ta
nói là lương thực cho các người”. Rồi phần tiếp theo bài diễn từ mới thực sự là
khó chấp nhận: “Ai ăn thịt ta và uống máu
ta thì có sự sống đời đời”. Nếu đặt mình vào vị trí của những người lần đầu
tiên nghe lời nói đó, chúng ta sẽ có phản ứng như thể nào?
Thế mà Chúa
Giê su đã không làm gì để giữ họ lại. Ngài cứ để cho họ ra đi. Ngài muốn tất cả
mọi người hiểu rằng Bánh Thánh Thể không chỉ là một biểu tượng hay một cuộc
tưởng niệm đơn thuần. Nhưng còn là sự hiện diện thực sự của Ngài dưới hình bánh
rượu. Thánh Thể là một sự hiện thực. Hiệp thông chính là ăn Mình Đức Ki tô, là
nuôi sống nhờ Ngài. Hoặc là chấp nhận, hoặc là bỏ đi. Chân lí không bao giờ nửa
chừng hay chấp nhận thỏa hiệp nhượng bộ cho xong chuyện.
Cuối cùng,
chỉ còn lại mình Chúa Giê su với nhóm Mười Hai. Bấy giờ cuộc đối thọai trở nên
thân mật và cảm động hơn: “Còn các con,
các con có muốn bỏ đi không ?”. Trong câu hỏi ngầm chứa viễn tượng ở
một mình, đi một mình trên mọi nẻo đường Pa lết ti na. Nhưng Chúa Giê su thích
như thế hơn là đính chính lời tuyên bố vô cùng thiết yếu trong sứ điệp của
Ngài.
Câu hỏi ấy
cũng đặt ra ngày hôm nay cho chúng ta: chúng ta có muốn ra đi hay ở lại? Điều
gì khiến chúng ta ở lại ? Thói quen chăng ? Hay chỉ vì muốn giống
người khác ? Hay thiếu can đảm ra đi ?
Tin mừng
hôm nay nói với chúng ta rằng chúng ta không thể ở giữa chừng. Phải quyết định
theo hoặc chống lại Chúa Giê su. Quyết định còn dễ, nhưng trung thành với quyết
định không dể chút nào. Khi chọn Thiên Chúa, chúng ta phải từ bỏ các bụt thần
khác. Khi chọn Đức Ki tô, chúng ta phải từ bỏ tiên tri giả khác. Những ai hiến
thân trong đời tu trì, phải từ bỏ cuộc sống khác, dù tất cả đều rất đẹp và xứng
đáng.
Điều mà
Chúa Giê su chờ đợi nơi chúng ta đó là một hành vi đức tin tự do và cá nhân,
một hành vi đức tin bao quát toàn bộ đời sống chúng ta. Chúa Giê su nói với
chúng ta những điều rất quan trọng liên quan đến đức tin, đức tin của các tông
đồ và của chúng ta. Trước tiên Ngài nói với chúng ta rằng đức tin là ơn ban của
Thiên Chúa: “Không ai đến với Ta nếu Cha
ta không lôi kéo kẻ ấy”. Chỉ nhờ Thánh Thần chúng ta mới có thể đến cùng
Thiên Chúa.
Điều đó
không có nghĩa là một vài người đã được chọn trước, còn một vài người khác thì
không. Trong tình yêu bao la, Thiên Chúa gọi tất cả mọi người, và ban cho tất
cả mọi người ơn đức tin. Ơn ban ấy tất cả chúng ta đã lãnh nhận, nhưng chúng ta
đã sử dụng như thế nào. Một lần nữa, vấn đề là từng người chúng ta phải tự do
quyết định theo hay không theo Chúa. Và phải xác tín rằng đức tin không phải
chỉ là một giáo huấn mà còn là một con đường. Và trên con đường đó, có Chúa Giê
su dẫn chúng ta đến với Cha của Ngài.
Điều chắc
chắn là trên con đường đó, thường có mây mù và thỉnh thoảng bão táp. Tất cả
chúng ta ít nhiều đều phải đối đầu với những lo toan cuộc sống, tương lai cho
con cái, những vấn đề việc làm hay thất nghiệp, vấn đề an ninh cuộc sống. Một
số người khác thì lo cho bệnh tật, đau khổ phần xác phần hồn. Nhưng Đức Ki tô
vẫn hiện diện và đề nghị chúng ta hãy biến đổi cuộc sống của mình. Lời của Ngài
là Thần Khí và Sự sống. Là lời đem lại sự sống Đời đời.
Nếu chúng
ta đi với Chúa Giê su, nếu chúng ta hiệp thông với Ngài chúng ta sẽ có thể hiến
ban sự sống của chúng ta theo gương của Ngài. Và lúc bấy giờ có thể có những
hành vi quảng đại hiến thân cho anh em mình như Ngài. Có sự sống đời đời là như
thế. Chúa Giê su đã nói một cách cương quyết: “Ai tin thì có Sự Sống đời đời. Ai không tìn thì đã bị luận phạt rồi”.
Cũng như lời Giôsuê khuyến dụ dân Israên: “Anh
em phải chọn lựa, hoặc theo Thiên Chúa, hoặc theo tà thần, hoặc là sự sống hay
sự chết”.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Ông Gio suê là ai?
THƯA: Giô
suê là nhân vật quan trọng, xuất hiện rất sớm trong cuộc Xuất hành (Xh 17),
được Môsê tin cẩn và chọn lựa kế vị ông để lãnh đạo dân Ít ra ên (31,7-8). Mô
sê đã trao cho ông mọi quyền hành, trừ quyền tế tự thì trao cho ông Êlêazar.
Lúc nào ông cũng cho thấy một lòng trung thành với Thiên Chúa và Môsê. Tên ông
lúc đầu là Hôsêa, sau được ông Mô sê đổi lại là Giô suê có nghĩa là Gia vê (là
sự) Cứu độ (Ds 13,16). Ông đã chỉ huy dân Ít ra ên đánh thắng quân Amalếch
trong khi ông Mô sê giang tay cầu nguyện (Xh 17,8-16). Ông được chọn làm người
đại diện bộ tộc Éphraim trong nhóm 12 người đi do thám đất Canaan (Ds 13,8).
Chỉ có ông và ông Caleb là trên 12 tuổi khi ra khỏi Ai cập mà còn sống khi vào
đất hứa, trong khi tất cả những người khác đều đã bị phạt chết vì không trung
thành với Thiên Chúa (Ds 14,30-38; 31,26-65; 32,13).
2. HỎI: Sách Giô suê là sách gì?
THƯA: Đó là quyển thứ sáu
trong Bộ Kinh thánh Cựu Ước, được gọi tên là Giô suê vì truyền thống Do thái
tin rằng chính ông Giô suê là tác giả. Tuy nhiên khó có thể coi ông là tác giả
toàn tác phẩm vì có nhiều biến cố xảy ra sau thời của ông.
Sách có thể
bố cục làm 2 phần:
- Phần thứ
nhất gồm 12 chương đầu trình bày cuộc chiếm lãnh Đất Hứa, khởi đầu từ lúc vượt
qua sông Giođan.
- Phần thứ
hai từ chương 13 đến 24 trình bày cuộc phận chia đất đai cho 12 bộ tộc Ít ra
ên. Chương cuối cùng kể lại đại hội toàn dân tại Sikhem. Bài đọc thứ nhất trích
từ chương nầy.
3. HỎI: Sikem có vị trí nào trong Kinh Thánh?
THƯA: Sikem là
một địa danh quan trọng trong lịch sử các tổ phụ Ít ra ên. Đó là nơi Abraham,
rồi đến ông Gia cóp đã dựng một bàn thờ kính Thiên Chúa. Ông Giu se được mang
về chôn cất ở đó. Sau khi vua Salomông băng hà, vương quốc bị chia làm hai thì
Sikem lại trở thành thủ đô của Vương quốc phía Bắc. Nhưng Sikem còn quan trọng
hơn vì là biểu tượng của sự lựa chọn. Ở đó, Gia cóp đã bắt buộc gia đình từ bỏ
bụt thần (St 35,4). Và đến lượt ông Giô suê cũng qui tụ các con cái Ít ra ên về
đó để bày tỏ quyết tâm trung thành với Thiên Chúa.
4. HỎI: Bài đọc một nói về điều gì?
THƯA: Bài đọc một là một
trong những trang sách cảm động trong Cựu Ước. Trong cuộc hành trình đầy gian
nan tiến về đất Hứa, không phải lúc nào dân Ít ra ên cũng hoàn toàn đặt niềm
tin vào Thiên Chúa. Nhiều lúc họ bị phạt nặng vì thất trung với Ngài. Thế nên,
vào lúc cuối đời, ông Giôsuê đã qui tụ toàn dân tại Sikem để họp nhất toàn dân
chung quanh Thiên Chúa. Ông đã nói lên lập trường của mình, rồi sau đó yêu cầu
toàn dân xác định lập trường của họ là trung thành và thờ phượng Thiên Chúa cho
đến cùng .
5. HỎI: Tại sao các môn đệ của Chúa Giê su nói: “Lời nầy
chướng tai”?
THƯA: Đó là phản ứng của một
số môn đệ không thể chấp nhận và tin vào những gì Chúa Giê su đã nói. Ngài tự
cho mình tự trời xuống, nhưng họ đều biết rõ tông tích của Ngài. Ngài tự cho là
Bánh ban sự sống, như họ thấy Ngài cũng chỉ là một người bình thường. Ngài nói
Ngài ban sự sống đời đời, nhưng đó là điều mà chỉ có một mình Thiên Chúa có thể
làm mà thôi. Ngài bảo phải ăn thịt Ngài, nhưng đó là điều khủng khiếp. Ngài bảo
phải uống máu của Ngài, nhưng đó là điều mà Lề luật cấm triệt để. Và trên hết
Ngài đã phán những điều đó một cách long trọng y như trong một Giao ước!
6. HỎI: Chúa Giê su muốn ám chỉ điều gì khi nói: “Nếu anh em
thấy Con Người đã lên nơi đã ở trước kia thì sao”?
THƯA: Chúa Giê su muốn ám
chỉ đến việc thăng thiên, tức là việc Ngài trở về với Thiên Chúa Cha sau khi
sống lại. Việc lên trời mạc khải hoàn toàn về Con Người xuống thế (1,51; 3,13;
6,62) và về nguồn gốc thần linh của Ngài (20,17). Vào lúc đó, Chúa Giê su mới
đảm nhận chức vụ Con Người, lúc đó nguồn gốc thiên giới của Ngài mới hoàn toàn
tỏ lộ. Nói theo thánh Phao lô, thì đó là lúc mà Ngài trở thành Chúa muôn loài,
Con Thiên Chúa quyền năng (Rm 1,4), thu hồi những ưu phẩm thần tính của Ngài
(Pl 2,6-11).
7. HỎI: “Thần khí mới làm cho sống” có nghĩa gì?
THƯA: Đó là thần khí ban sự
sống, là ơn ban Chúa Thánh Thần mà sau
nầy trong diễn từ trong nhà Tiệc li, Chúa Giê su sẽ nói rõ ràng hơn (Ga
15,26-27). Một thân xác mà không có Chúa Thánh Thần ngự trị chỉ là một xác chết
về phần thiêng liêng (x. 2 Cr 3,6; 1Cr 15,45-47; Ga 3,6).
8. HỎI: Chúa Giê su muốn nói đến xác thịt nào trong câu:
“Xác thịt chẳng có ích gì?
THƯA: Ở đây Chúa Giê su không nói đến xác thịt của Ngài, mà là
xác thịt nói chung (3,6; 8,15), tức là nhân tính chúng ta đối lập
với Thần Thần Ngài sẽ ban cho. Nhân tính ấy bất lực trong việc cứu rỗi chính mình cũng như đón nhận ơn cứu rỗi và chân lí do Chúa Giê su mang đến
(x. Mt 16,17).
9. HỎI: Qua câu hỏi của Chúa Giê su và trả lời của Phê rô,
Đức tin là gì?
THƯA: Ngang qua câu hỏi của
Chúa Giê su: Anh em có muốn bỏ đi không? Và câu đáp lại Phêrô: “Bỏ Thầy,
chúng con biết đến với ai?”, chúng ta thấy đức tin không phải là một món
đồ, hay một hành trang, nhưng là một con đường. Một con đường mà người ta phải
để cho Thiên Chúa hướng dẫn: “Không ai
đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”.
10. HỎI: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là
Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Đức tin của các môn đồ như thế nào?
THƯA: Đấng Thánh của Thiên
Chúa không phải là tước hiểu chỉ Đấng Messia. Các tiên tri cũng được gọi như
thế, vì được Thiên Chúa sai đi. Chắc chắn các Tông đồ lúc bấy giờ chưa nhận
biết Đức Ki tô một cách toàn diện như phải được biết. Họ chỉ trên con đường đi
đến một sự hiểu biết như thế. Họ không chỉ nhìn thấy Ngài, mà còn nhận ra rằng
Ngài được Thiên Chúa sai đến, vì thế, nên họ tin tất cả những gì Ngài nói. Lòng
tin của họ dần dần được thanh luyện và được nâng cao.