Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 29

CHÚA NHẬT XXIX TN A: SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ LẠI CHO

THIÊN CHÚA

truyen giao.jpg

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến một xu hướng đang tác động trên Giáo hội và đời sống của con người, đó là trào lưu tục hóa. Trào lưu này đang ăn xen vào tất cả mọi lãnh vực đời sống của Giáo Hội, đang ảnh hưởng xấu đến hết mọi người từ giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân. Nó là lực cản khiến chúng ta bị trì kéo lại trước lời mời gọi canh tân của Tin Mừng. Trào lưu này biến những điều thánh thiêng thành phàm tục, hay nói đúng hơn, nó đem những cách suy nghĩ, ứng xử phàm tục vào trong lãnh vực thánh thiêng, biến cuộc sống của con người nên pha tạp, dễ dãi; biến tôn giáo và những điều thánh thiêng trở thành một mớ hỗn tạp, tầm thường. Trào lưu này nó cũng làm cho người ta có cái nhìn lệch lạc, nhìn Giáo hội chỉ còn như một tổ chức dân sự, nhìn giáo xứ như một cơ quan hành chánh, nhìn các việc phụng tự như những lễ nghi cúng bái.

Cũng thế, sự tục hóa ảnh hưởng trên các linh mục, tu sĩ, khiến nhiều người đánh mất chiều khích thánh thiêng của ơn gọi để chạy theo lối sống hưởng thụ của người đời, tìm kiếm vật chất nhiều hơn tìm kiếm các linh hồn. Trào lưu tục hóa biến các linh mục, tu sĩ trở thành như công chức hoặc như giai cấp trung lưu. Nó cũng làm cho người giáo dân coi những việc đạo đức, phụng vụ như một thứ bùa chú, hay như một show diễn nhàm chán. Vì thế, người tín hữu đến nhà thờ như chỉ để xem, để cầu lợi, hoặc để chạy chọt, như thể đút lót với thần linh.

Những người Biệt Phái trong câu chuyện hôm nay muốn giăng ra cho Chúa Giêsu một cái bẫy, mà theo họ nghĩ, Chúa Giêsu sẽ bị sập một trong hai đầu của cái bẫy đó. Họ sai người đến với Chúa Giêsu và đặt vấn đề : Chúng tôi biết Thày là người chân thật, không vị nể ai… Vậy xin Thày cho biết : Có được phép nộp thuế cho Cesare hay không ? Chúng ta còn nhớ, vào thời Chúa Giêsu, người Rôma đang đô hộ đất Do Thái. Người Do Thái coi hoàng đế Cesare như kẻ xâm lược. Với câu hỏi của những người Biệt Phái, nếu Đức Giêsu trả lời “không”, thì những người này sẽ ghép Chúa Giêsu vào tội chống lại hoàng đế Lamã, có thể tố cáo Ngài như một kẻ phản loạn, như thế, Chúa sẽ không tránh khỏi sự trừng trị của người Lamã. Nếu Đức Giêsu trả lời “có”, thì những người Do Thái sẽ kết án Ngài là kẻ thân với ngoại bang, cộng tác với ngoại bang để thu thuế dân mình. Như thế, những người Do Thái sẽ phản đối và tẩy chay Ngài.

Trước một cái bẫy nguy hiểm như vậy, Chúa Giêsu đã không trả lời “có”, cũng không trả lời là “không”. Ngài yêu cầu họ : Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế. Ngài hỏi họ : hình và huy hiệu trên đồng tiền là của ai ? Họ đáp : Của Cesare. Từ đó, Chúa Giêsu đưa ra ý kiến của Ngài : Của Ceare, hãy trả cho Cesare ; của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa. Khi nói như thế, Chúa không nhắm vào đồng tiền cho bằng nhắm vào thái độ của những người sử dụng những đồng tiên đó ; hơn nữa, Ngài nhắm vào thái độ sống của những người Biệt Phái. Những người này, mặc dù tự cho mình là quý tộc, là những người đạo đức, có thế giá trong dân, nhưng họ đã để đời sống mình lẫn lộn những giá trị trần thế và những giá trị thiêng liêng.

Điều Chúa mong muốn là một đời sống đức tin tinh ròng, một lòng yêu mến chân thật đối với Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không muốn một lối sống giả hình, che đậy con mắt người đời, còn bên trong thì trống rỗng, vô hồn. Trong khi đó, những người Do Thái là dân thuộc về Thiên Chúa, được chọn làm dân riêng, nhưng họ lại luôn chạy theo lối sống của dân ngoại. Họ sống đạo theo kiểu nước đôi, vừa thờ Thiên Chúa, nhưng cũng lại cúng bái các thần minh khác. Là dân của Thiên Chúa, là những người đứng đầu trong dân, đáng lẽ Luật sĩ và Biệt phái phải là những người có đời sống đạo đức chuẩn mực, trung thành với giới răn, lề luật của Thiên Chúa ; nhưng trái lại, họ lại chạy theo, tìm kiếm của cải vật chất, và để có nhiều của cải vật chất, họ thỏa hiệp với sự gian tham, dối trá, bất công.

Trong khi đó, vào thời lưu đày, Thiên Chúa đã dùng một ông vua dân ngoại để thể hiện sự công minh, chính trực của Ngài. Vua Kyrô được nhắc đến trong sách Isaia là một minh họa cho thấy Thiên Chúa đón nhận sự thành tâm thiện chí của con người, và còn ban ơn phù trợ để cho con người biết sống theo lẽ phải, dù người ấy là những người chưa biết Chúa. Kyrô vua Ba Tư lên làm vua, mặc dù ông chưa biết Thiên Chúa của Israel là ai, nhưng ông biết rằng Israel là của Thiên Chúa được tôn thờ tại Giêrusalem, mà vua cha của ông đã bắt họ đi lưu đày. Ông tỏ lòng tôn kính Vị Thiên Chúa của Israel bằng cách trả lại tự do cho Israel, cho họ được trở về Giêrusalem tái thiết lại đất nước. Ông còn hỗ trợ cho cuộc trở về của họ bằng nhiều tiền bạc, gỗ quý để dựng lại đền thờ Giêrusalem.

Chính vì vua Kyrô có một tâm hồn biết nhận ra lẽ phải, và thực hiện điều được Thiên Chúa thúc đẩy như thế, nên ông cũng được coi như những con người thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa tuyển chọn và dùng để phục vụ cho kế hoạch của Ngài. Tiên tri Isai đã dùng những lời lẽ hết sức tốt đẹp để nói về vị vua này, và coi ông như một tôi tớ của Thiên Chúa, như kẻ được xức dầu, như là tiền thân của Đấng Mêshia, Đấng sẽ giải phóng nhân loại khỏi cảnh nô lệ.

Của cesare hãy trả cho Cesare, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa. Nói như thế, không có nghĩa là Thiên Chúa đòi lại những gì Ngài đã ban tặng cho con người. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn chúng ta phân biệt rạch ròi những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì là của thế gian, và những gì Thiên Chúa mong muốn ở nơi mỗi người chúng ta. Theo Thánh Phaolô, mỗi chúng ta nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa, là những người được Chúa yêu thương. Chúng ta cần ý thức được phẩm giá và ơn gọi cao quý này, để mỗi người sống cho đúng với phẩm giá ấy. Vì thuộc về Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống và làm việc cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa.

Như đã gợi lên ở trên, trào lưu tục hóa đang ảnh hưởng trên chúng ta, khiến cho con người cào bằng những giá trị trần thế với những giá trị nước trời, coi đời sống thánh thiện cũng không khác gì lối sống phàm tục. Cũng vì thế khiến cho nhiều người đánh mất khả năng chọn lựa ưu tiên cho Thiên Chúa và giá trị nước trời để chỉ lo tìm kiếm những giá trị trần thế. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho người tín hữu mất đi sự nhiệt tình loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng cản trở khiến cho người dân ngoại không thể khám phá ra những vẻ đẹp và niềm vui Tin Mừng của Thiên Chúa.

Hãy trả lại cho Thiên Chúa vẻ đẹp, quyền năng và sự thánh thiện, mà chúng ta đã làm lu mờ hoặc bôi bẩn bởi chính lối sống lười biếng, tội lỗi, gương xấu của chúng ta. Hãy trả lại cho Ngài sự phụng thờ xứng đáng mà mỗi tạo vật phải dâng về Ngài. Hãy gỡ bỏ mọi rào cản là tội lỗi, những trở ngại là lối sống bất công, để giúp cho mọi người chung quanh khám phá ra Thiên Chúa qua chính con cái của Ngài. Mỗi chúng ta còn được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế hãy làm cho gương mặt của Thiên Chúa nơi chúng ta được tỏa sáng qua đời sống hiền lành, khiêm nhường, nhân ái, bao dung.

Chúng ta thuộc về Thiên Chúa, từ thân xác, hơi thở đến khả năng, trí tuệ, sức khỏe cùng mọi điều kiện cũng như cơ hội, hoàn cảnh hiện tại.Vì thế, hãy trả lại cho Thiên Chúa tâm tình yêu mến, biết ơn, thảo hiếu của chúng ta. Hơn thế nữa, khi chúng ta rơi vào vòng vây và sự trói buộc của ma quỷ và tội lỗi, thì Thiên Chúa đã trao tặng Con của Ngài là Chúa Giêsu cho chúng ta. Ngài đến để dạy chúng ta biết cách sống cho xứng hợp và chỉ cho ta con đường về trời. Vì thế, hãy đáp trả Thiên Chúa bằng việc đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, quyết tâm lắng nghe và sống những điều Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta.

Gia đình chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, hãy đặt gia đình mình vào đúng vị trí và ơn gọi mà Thiên Chúa trao, làm cho gia đình mình trở thành một cộng đoàn hiệp thông, yêu thương và chia sẻ, bằng cách loại bỏ sự giận hờn, nóng nảy, chửi bới, để thay vào đó bằng sự quan tâm, thông cảm và bao dung. Các bậc vợ chồng, cha mẹ hãy trả lại cho đời sống hôn nhân gia đình sự trong sáng, thánh thiện thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho hôn nhân. Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, vì thế hãy biết tôn trọng, bảo vệ và làm cho quà tặng này được lớn lên và ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì thế các bạn trẻ hãy trả lại vẻ đẹp và sự thánh thiện của đền thờ Thiên Chúa nơi tâm hồn và thân xác mỗi chúng ta. Đừng để tâm hồn và thân xác chúng ta trở thành phương tiện cho ma quỷ, dục vọng sử dụng. Trái lại, hãy hãy làm cho linh hồn và thân xác chúng ta ngày càng trở nên đẹp hơn nhờ ánh sáng Lời Chúa, và nhất là nhờ sự hiện diện thường xuyên của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Khi mỗi Kitô hữu biết đặt thế gian vào đúng vị trí của nó, và đặt Thiên Chúa vào vị trí ưu tiên tuyệt đối của Ngài trong cuộc đời, chúng ta sẽ làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏa chiếu đến với những người chung quanh. Như thế là chúng ta thực hiện công cuộc loan báo niềm vui của Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Amen

                               Lm.Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIX Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIX Thường niên - Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên - Nt . Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên- Lm. Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên- Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Bài Đọc Chúa Nhật XXIX Thường Niên A.
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên C: CÁI NHÌN ĐỨC TIN. Linh Mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc.
     Thứ Sáu tuần 29 thường niên C: KHÔN VÀ NGOAN. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng,
     Lời Chúa thứ tư sau Chúa Nhật XXIX thường niên năm C: TỈNH THỨC TRONG BỔN PHẬN. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên C: ĐỢI CHỜ TRONG TỈNH THỨC. Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Thứ Hai tuần XXIX Thường Niên C: LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT CHÚA. Nt. Minh Thùy
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên C: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên C: Nhiều tác giả
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN: TIN NHẮN CỦA CHÚA. Nt Maria Anh Thư, OP
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN B.Nt Maria Anh Thư, OP